Tận giải «Các Thế Kỷ» của Nostradamus (13): Đại Thế chiến II



Tác giả: Lực Thiên Quân

[Chanhkien.org]

CHƯƠNG II: Nhìn lại lịch sử

Phần 4: Đại Thế chiến II và về sau

A. Khúc dạo đầu trước Đại Thế chiến II

Nhà độc tài Franco của Tây Ban Nha lập nghiệp

Các Thế Kỷ III, Khổ 90

Nguyên văn tiếng Pháp:

Le grand satyre & Tygre d’Hycarnie,
Don présenté à ceux de l’Ocean :
Vn chef de classe ystra de Carmanie,
Qui prendra terre au Tyrran Phocean.

Tiếng Anh:

The great Satyr and Tiger of Hyrcania,
Gift presented to those of the Ocean:
A fleet’s chief will set out from Carmania,
One who will take land at the Tyrren Phocaean.

Tiếng Việt:

Thần dê vĩ đại và con hổ của Hyrcania,
Món quà được dâng cho những người của đại dương:
Tư lệnh hạm đội sẽ xuất phát từ Carmania,
Người sẽ lấy đất tại Tyrren Phocaean.

Câu đầu tiên bài thơ này là mật mã thời gian: Thần dê (Satyr) theo truyền thuyết Hy Lạp là một sinh vật đầu người mình thú, có sừng giống sừng trâu; “Thần dê vĩ đại” là chỉ năm “Ất Sửu”, trong đó “Ất” là “Mộc”, “Sửu” là “trâu”, tức năm 1925; “con hổ của Hyrcania” là chỉ năm “Hổ”, tức năm 1926 “Bính Dần”. “Hyrcania” là một tỉnh của nước Ba Tư cổ, nằm ở phía Đông Địa Trung Hải; bài thơ tiên tri này nói về cuộc chiến tranh Morocco từ năm 1920 đến năm 1926 ở phía Tây Địa Trung Hải; trong đó Tây Ban Nha giao chiến với hai bộ lạc bản xứ của Morocco. Năm 1921, khi chiến đấu tại đây, quân đội Tây Ban Nha bị tổn thất lớn hơn, liên tục bị quân bộ lạc địa phương áp chế. Đến năm 1925, Pháp gia nhập chiến tranh, giúp bên Tây Ban Nha, nhờ đó Pháp và Tây Ban Nha giành thắng lợi vào năm 1926; đây chính là “Món quà được dâng cho những người của đại dương” ở câu thơ thứ hai.

Câu thứ tư bài thơ chỉ năm 1925, quân đội Pháp từ hướng Nam tiến công bộ lạc Morocco. Năm 1926, hai bộ lạc đầu hàng, và Pháp lấy được một vùng đất lớn tại Morocco; vùng đất này trở thành thuộc địa của Pháp, cũng chính là “Tyrren Phocaean”. Câu thứ ba bài thơ “Tư lệnh hạm đội sẽ xuất phát từ Carmania” là nói vào tháng 9 năm 1925, Tây Ban Nha đổ bộ lên một cảng của Morocco; đến năm 1926 hoàn toàn giành lại thuộc địa Tây Morocco. “Carmania” và “Hyrcania” đều là các tỉnh của nước Ba Tư cổ đại, ở đây chỉ địa khu thuộc Morocco, về sau cảng này trở thành quân cảng của thuộc địa Morocco. “Tư lệnh hạm đội” xuất phát từ đây không phải ai khác mà chính là nhà độc tài Franco của Tây Ban Nha sau này. Trong chiến tranh Morocco lần thứ hai, quân đội chủ lực Tây Ban Nha chính là “binh đoàn lê dương Tây Ban Nha” do Franco thống lĩnh. Tháng 9 năm 1925, làn sóng đổ bộ đầu tiên lên Morocco chính là quân đội của Franco; sau đó Franco nhậm chức Toàn quyền thuộc địa Tây Morocco. Đây chính là nơi phát tích của Franco; “binh đoàn lê dương Tây Ban Nha” đã trở thành quân đội chủ lực của Franco. Năm 1936, quân đội Franco xuất phát từ Tây Morocco và phát động cuộc nội chiến Tây Ban Nha.

Mussolini ra đời và đoạt chính quyền

Các Thế Kỷ VII, Khổ 32

Nguyên văn tiếng Pháp:

Du mont Royal naistra d’vne casane,
Qui caue, & compte viendra tyranniser,
Dresser copie de la marche Millane,
Fauene, Florence d’or & gens espuiser.

Tiếng Anh:

From the bank of Montereale will be born one
who bores and calculates becoming a tyrant.
To raise a force in the marches of Milan,
to drain Faenza and Florence of gold and men.

Tiếng Việt:

Từ bên bờ Montereale sẽ sinh ra một cá nhân
Người luồn lách và tính toán trở thành một bạo chúa.
Để xây dựng một lực lượng trong những cuộc hành quân của Milan,
Để làm kiệt quệ vàng và đàn ông của Faenza và Florence.

Bài thơ này chính xác là tiên tri về sự ra đời và lập nghiệp của nhà độc tài Ý Mussolini trong Đại Thế chiến II. Câu thơ đầu tiên “Từ bên bờ Montereale sẽ sinh ra một cá nhân” là tiên tri về nơi sinh của Mussolini là bên bờ sông Montone. Nước Ý đúng là có sông Montone; đây là con sông ở vùng Romagna thuộc miền Bắc nước Ý, khởi nguồn từ dãy Apennines và chảy qua Forlì, sau đó đến Ravenna và trực tiếp đổ ra biển. Mussolini sinh ra tại Dovia di Predappio, một thị trấn nhỏ thuộc Forlì, vùng Romagna, Ý vào ngày 29 tháng 7 năm 1883. Mẹ Mussolini là giáo viên, cha là thợ rèn, cả hai đều là những thành phần tích cực ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Câu thơ thứ hai miêu tả một cách hình tượng cuộc đời của Mussolini: “Người luồn lách và tính toán trở thành một bạo chúa”. “Luồn lách và tính toán” ở đây theo nghĩa bóng, chứ không như dịch thẳng từ tiếng Anh là “khoan và tính”; như vậy có thể thấy ngôn ngữ khải thị của Thần trong «Các Thế Kỷ» là tương tự với tiếng Hán.

Câu thơ thứ ba tiên tri về nơi lập nghiệp của Mussolini là Milan: Tháng 3 năm 1919, Mussolini thành lập tổ chức “Chiến đấu Phát-xít” tại Milan; năm 1921, ông ta đổi tên tổ chức thành “Đảng Phát-xít Quốc gia Ý” và trở thành lãnh tụ đảng này. Đồng thời câu thơ này cũng hoàn toàn chuẩn xác khi tiên tri về chiến dịch “tiến về La Mã” (March on Rome) của Đảng Phát-xít Ý vào tháng 10 năm 1922, mà câu thơ mô tả là “những cuộc hành quân của Milan” (marches of Milan). Đây là cuộc hành quân từ tổng bộ quân phát-xít ở Milan đến Rome. Năm 1922, Đảng Phát-xít của Mussolini đã khống chế được vùng bình nguyên Po cùng rất nhiều khu vực khác trên toàn quốc. Ngày 27 tháng 10, Mussolini chỉ huy 30.000 quân phát-xít “áo đen” tiến quân từ Milan về Rome, phát động bạo loạn nhằm đoạt chính quyền. Để phòng ngừa nội chiến, Quốc vương Ý đã bổ nhiệm Benito Mussolini làm Thủ tướng nội các vào ngày 29 tháng 10. Câu thơ thứ tư là nói sự độc tài phát-xít của Mussolini đã dẫn nước Ý vào vực sâu tai họa trong Đại Thế chiến II. Không chỉ tiêu hao tài nguyên và kinh tế của nước Ý, nó còn tiêu hao rất nhiều nhân lực, và số người thương vong của trong Đại Thế chiến II của Ý là rất lớn, đúng là “làm kiệt quệ vàng và đàn ông của Faenza và Florence”.

Mussolini hướng về độc tài

Các Thế Kỷ VI, Khổ 20

Nguyên văn tiếng Pháp:

L’vnion fainste sera peu de duree
Des vns changes reformez la pluspart :
Dans les vaisseaux sera gent enduree,
Lors aura Rome vn nouueau Liepart.

Tiếng Anh:

The feigned union will be of short duration,
Some changed most reformed:
In the vessels people will be in suffering,
Then Rome will have a new Leopard.

Tiếng Việt:

Liên hiệp giả sẽ chỉ trong thời gian ngắn,
Một số biến đổi, đa số cải cách:
Người dân sẽ đau đớn trong những con thuyền,
Rồi La Mã sẽ có một con báo mới.

Bài thơ này chính là tiên tri sau khi đoạt chính quyền năm 1922, Mussolini theo hướng độc tài chỉ trong mấy năm ngắn ngủi. Câu đầu tiên bài thơ đề cập chính phủ ban đầu mà Mussolini tập hợp là “Chính phủ Liên hiệp Cánh hữu”, trong đó bao gồm những người theo chủ nghĩa phát-xít, chủ nghĩa quốc gia, Đảng Tự do và Đảng Nhân dân. Tuy nhiên loại liên minh này chỉ là “giả”, mục tiêu của Mussolini là xây dựng nền độc tài của chủ nghĩa phát-xít, do đó “Chính phủ Liên hiệp Cánh hữu” này đương nhiên “sẽ chỉ trong thời gian ngắn”. Câu thứ hai bài thơ mô tả Mussolini dùng các loại thủ đoạn để phân hóa và loại bỏ các chính đảng khác, “Một số biến đổi, đa số cải cách”, tức là hối lộ và chuyển hóa một bộ phận nhỏ thành viên chính phủ liên hiệp để họ trở thành người theo chủ nghĩa phát-xít, đồng thời loại bỏ và khai trừ đại bộ phận đảng phái khác trong chính phủ liên hiệp. Tháng 4 năm 1924, trong đợt đại tuyển cử tại Ý, Mussolini liên kết Đảng Tự do và những đảng phái khác thành “Liên minh Chủ nghĩa Quốc gia”, đồng thời thông qua bạo lực khủng bố và uy hiếp cử tri để được trúng cử. Tháng 6 năm ấy, Matteotti, lãnh đạo Liên hiệp Chủ nghĩa Xã hội chỉ vì phản đối Mussolini nên đã bị những người của Đảng Phát-xít ám sát. Chính phủ Mussolini bị phản đối, nhưng sự bạo hành của chủ nghĩa phát-xít đã dập tắt những tiếng nói bất đồng trên toàn quốc. Năm 1925, Đảng Nhân dân trong chính phủ liên hiệp bị Mussolini cấm hoạt động, trong đó một số ít thành viên đi theo chủ nghĩa phát-xít. Chỉ còn lại Đảng Tự do, thì những lãnh đạo của đảng này phản đối Mussolini trước sau đều bị ám sát; với những người Đảng Tự do trong nội các, ngoài một bộ phận nhỏ chuyển ra ngoài, thì phần còn lại ly khai. Đến tháng 8 năm 1925, Mussolini trở thành Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Chiến tranh, Bộ trưởng Hải quân, và Bộ trưởng Hàng không Dân dụng. Cuối cùng, năm 1925, trước Lễ Giáng sinh một ngày, nước Ý thông qua một luật, trong đó Mussolini trở thành “Nguyên thủ Quốc gia”; “Nguyên thủ Quốc gia” không phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, và Nghị viện không có quyền bãi miễn “Nguyên thủ Quốc gia”. Như vậy, câu thứ tư bài thơ tiên tri nói, “Rồi La Mã sẽ có một con báo mới” thì “con báo” ở đây chính là chỉ “Nguyên thủ Quốc gia” phát-xít Mussolini hung ác; đồng thời câu này cũng hàm chứa mật mã thời gian. Năm 1926, Mussolini trở thành “Nguyên thủ Quốc gia”; năm 1926 là năm “Bính Dần”, chính là năm “Hổ”. Còn câu thơ thứ ba tiên tri rằng sự thống trị phát-xít của Mussolini sẽ khiến người dân Ý phải chịu “đau đớn trong những con thuyền”.

Liên minh giữa Phát-xít Ý và Đức Quốc Xã

Các Thế Kỷ IX, Khổ 3

Nguyên văn tiếng Pháp:

La magna vaqua à Rauenne grand trouble,
Conduicts par quinze enserrez à Fornase :
A Rome naistra deux monstres à teste double,
Sang, feu, deluge, les plus grands à l’espase.

Tiếng Anh:

The “great cow” at Racenna in great trouble,
Led by fifteen shut up at Fornase:
At Rome there will be born two double-headed monsters,
Blood, fire, flood, the greatest ones in space.

Tiếng Việt:

“Con bò cái lớn” tại Racenna trong rắc rối lớn,
Bị dẫn dắt bởi sự câm lặng thứ 15 tại Fornase:
Tại La Mã, hai con quái vật hai đầu sẽ được sinh ra,
Máu, lửa, lũ, những thủ lĩnh tại không trung.

Bài thơ tiên tri này nói về năm 1938, Phát-xít Ý và Đức Quốc Xã liên minh với nhau; đồng thời, nó cũng tiên tri về sự ảnh hưởng của liên minh Phát-xít đối với nước Ý và kết cục thất bại của Mussolini.

Hai câu đầu bài thơ là mật mã thời gian: “Racenna” là lãnh địa Giáo hoàng tại Ý, là trung tâm chính trị của Ý mà nhiều lời tiên tri trong «Các Thế Kỷ» đề cập tới. “Con bò cái lớn” chỉ năm 1937, tức năm “Đinh Sửu”, năm con “Trâu”; “trong rắc rối lớn”, một mặt chỉ Ý sẽ gặp rắc rối lớn vào năm 1937, đồng thời cũng nói điều này kết thúc vào năm con “Trâu” 1937. Trong câu thơ thứ hai, “thứ 15” biểu thị “năm thứ 15” trong một giáp 60 năm của Nông lịch Trung Quốc, tức năm “Mậu Dần”; năm 1938 chính là năm “Mậu Dần”. “Fornase” là tên một hòn đảo nhỏ; “Bị dẫn dắt bởi sự câm lặng thứ 15 tại Fornase” có nghĩa là vào năm 1938, Mussolini và Hitler liên minh với nhau, khiến nước Ý trở nên cô lập với các quốc gia Châu Âu khác như một “hòn đảo”.

Tháng 10 năm 1936, Ý và Đức ký kết “Hiệp ước phe Trục” không chính thức; đến năm 1939, hai bên chính thức ký kết hiệp ước, và Mussolini gọi “Hiệp ước phe Trục” là “Hiệp ước Sắt máu”. Hai nước Ý và Đức đã có hành động triển khai hợp tác mật thiết cả trên bình diện ngoại giao và quân sự: Năm 1936, Ý xâm lược Ethiopia, và cũng trong năm ấy, Ý và Đức cùng ra sức giúp đỡ tướng Franco phát động nội chiến Tây Ban Nha, đồng thời phái “quân tình nguyện” tới trực tiếp tham chiến. Tháng 9 năm 1937, Mussolini viếng thăm Đức. Từ năm 1937 đến năm 1938, sự ảnh hưởng của Đức Quốc Xã đối với nước Ý không chỉ cuộc hạn trong nỗ lực chung về quân sự và ngoại giao, mà còn bắt đầu trong lĩnh vực nội chính và kinh tế; do đó câu thơ thứ ba mới nói: “Tại La Mã, hai con quái vật hai đầu sẽ được sinh ra”. Năm 1938, Mussolini học tập toàn diện phương pháp nội chính, kinh tế và quân sự của Đức Quốc Xã; thậm chí cách duyệt binh “nghiêm” của quân Đức cũng được Mussolini rập khuôn theo, gọi là “bước chân La Mã”. Đồng thời vào năm 1938 tại Ý, Mussolini học tập Đức Quốc Xã ban bố “Hiến chương Chủng tộc” trong luật pháp, cấm người Do Thái làm việc trong các ban ngành chính phủ, cấm người Do Thái và người Aryan kết hôn. Câu thứ tư bài thơ tiên tri rằng sau khi Phát-xít Ý và Đức Quốc Xã liên minh với nhau, nhân dân Ý trong Đại Thế chiến II sẽ phải chịu các loại tai nạn “Máu, lửa, lũ”; còn số phận cuối cùng của Mussolini thì chính là “những thủ lĩnh tại không trung”. Tháng 4 năm 1945, Mussolini bị hành quyết, thi thể ông ta bị treo trên đường phố Milan để thị chúng; lời tiên tri quả là phi thường chuẩn xác.

Tây Âu trước Đại Thế chiến II, căn bệnh truyền nhiễm chủ nghĩa phát-xít và chuẩn bị chiến tranh

Các Thế Kỷ IX, Khổ 55

Nguyên văn tiếng Pháp:

L’horrible guerre qu’en Occident s’appreƒte!
L’an enƒuiuant viendra la peƒtilence
Si fort terrible, que ieune, vieil, ne beƒte.
Sang, feu, Mercu. Mars, Iupiter en France.

Tiếng Anh:

The horrible war which is being prepared in the West,
The following year will come the pestilence
So very horrible that young, old, nor beast,
Blood, fire Mercury, Mars, Jupiter in France.

Tiếng Việt:

Chiến tranh khủng khiếp đang được Tây phương chuẩn bị,
Trong năm sau, một bệnh dịch truyền nhiễm sẽ đến
Thật khiếp hãi, những người già, trẻ chứ không phải thú vật,
Máu, lửa, Thủy tinh, Hỏa tinh, Mộc tinh tại Pháp.

Bài thơ này tiên tri về Châu Âu trước Đại Thế chiến II, từ năm 1936 đến năm 1939; chủ nghĩa phát-xít Ý và Đức tựa như bệnh dịch đang lưu hành, dẫn tới khởi phát Đại Thế chiến II. “Thủy tinh, Hỏa tinh, Mộc tinh tại Pháp” trong câu thơ thứ tư là mật mã thời gian, trong đó “Thủy tinh, Hỏa tinh” chỉ năm “Bính Tý” thuộc “Hỏa Thủy” theo Ngũ Hành, tức năm 1936; còn “Mộc tinh tại Pháp” là chỉ “Mộc ở trong Thổ”, tức năm “Kỷ Mão” thuộc “Thổ Mộc” theo Ngũ Hành, tức năm 1939. “Máu, lửa … tại Pháp” trong câu thứ tư cũng ám chỉ Pháp là chiến trường chính tại Châu Âu trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Câu thơ đầu tiên “Chiến tranh khủng khiếp đang được Tây phương chuẩn bị” là tiên tri về mấy năm, từ năm 1936 đến năm 1939, hai nước Đức và Ý chuẩn bị cho Đại Thế chiến II. Năm 1936, phe cánh tả của Tây Ban Nha giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử của nước Cộng hòa, dẫn tới các cuộc nổi loạn trong nước; rất nhiều giáo đường bị thiêu hủy, bạo lực xung đột không ngừng; sau đó chính biến của quân đội Tây Ban Nha phát sinh, dẫn tới nội chiến. Đức và Ý đều phái quân sang giúp Franco làm đảo chính, và vì thế, nội chiến Tây Ban Nha đã trở thành nơi Đức thử nghiệm chiến thuật và vũ khí chiến tranh. Đồng thời, Liên Xô cũng phái quân đội đến giúp chính phủ Cộng hòa, với mục đích là kiểm nghiệm hiệu năng chiến tranh của xe tăng và phi cơ; đổi lại chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha đem phần lớn dự trữ vàng của Tây Ban Nha sang cho Liên Xô. Còn sau năm 1937, viện trợ quân sự của Liên Xô đình chỉ, chẳng qua là vì vàng của Tây Ban Nha đã cạn sạch rồi. Câu thơ thứ hai “Trong năm sau, một bệnh dịch truyền nhiễm sẽ đến” không phải chỉ “bệnh dịch” thật, mà là so sánh cuộc chạy đua vũ trang của Đức và Ý trong nội chiến Tây Ban Nha và chủ nghĩa phát-xít tựa như “bệnh dịch” đang hoành hành. “Trong năm sau” của năm 1936 tức là năm 1937; vào tháng 1/1937, Hitler đã phát biểu tại hội nghị, chỉ rõ: Hiện tại đang có một “bệnh dịch” muốn biến quốc gia chúng ta thành đống hoang tàn như Tây Ban Nha, chính là “bệnh dịch” chủ nghĩa cộng sản; đây chính là lý do Đức chuẩn bị chiến tranh và củng cố sự thống trị trong nước. Năm 1936, Đức và Ý ký kết “Hiệp ước phe Trục”, rồi cuối năm lại cùng Nhật ký kết “Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản”. Tháng 11 năm 1937, Hitler triệu tập hội nghị bí mật, đề xuất phải mở rộng không gian sinh tồn của dân tộc Đức. Tháng 3 năm 1938, Đức thôn tính Áo; tháng 9 năm 1938, Đức chủ trì “Hiệp ước München” phân chia Tiệp Khắc; tháng 3 năm 1939, Đức chiếm đóng Hungary, tuyên bố Bohemia và Moravia là nước bị bảo hộ; tháng 8 năm 1939, Đức và Liên Xô bí mật ký kết “Hiệp ước bất tương xâm” (còn gọi là “Hiệp ước Molotov-Ribbentrop”) và cùng nhau lên kế hoạch phân chia Ba Lan; ngày 1 tháng 9, quân Đức xâm lược Ba Lan; ngày 3 tháng 9, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức; ngày 17 tháng 9, Liên Xô xâm lược Ba Lan từ phía Đông. Như vậy, từ năm 1936 đến năm 1939, Đức một mực theo hướng chiến tranh; đây chính là kết quả sự hoành hành của “bệnh dịch” phát-xít trong mấy năm liền. Điều này chính như câu nói của Thủ tướng Anh Churchill khi còn tại nhiệm: Chúng ta phải chiến đấu, phải giải cứu cả thế giới ra khỏi cơn “dịch bệnh” bạo chính của chủ nghĩa phát-xít.

B. Chiến tranh thế giới lần thứ hai

Chiến tranh chớp nhoáng của quân Đức và đại rút lui Dunkirk của quân Anh

Các Thế Kỷ II, Khổ 92

Nguyên văn tiếng Pháp:

Feu, couleur d’or du ciel en terre veu,
Frappé du haut n’ay, fait cas merueilleux :
Grand meurtre humain, prinse du grand neueu,
Morts d’expectacles, eschappé l’orgueilleux.

Tiếng Anh:

Fire color of gold from the sky seen on earth:
The struck from on high, marvelous deed done:
Great human murder: the nephew of the great one taken,
Deaths spectacular the proud one escaped.

Tiếng Việt:

Ánh lửa vàng từ bầu trời được thấy trên mặt đất:
Bị đánh từ trên cao, hành động kỳ diệu hoàn thành:
Cuộc giết người vĩ đại: cháu trai của thủ lĩnh bị bắt,
Những cái chết ngoạn mục, kẻ kiêu ngạo chạy trốn.

Bài thơ này tiên tri vô cùng chuẩn xác về tình thế chiến tranh tại chiến trường Pháp vào giai đoạn đầu Đại Thế chiến II. Câu đầu tiên bài thơ, ở một phương diện là mật mã thời gian: “Ánh lửa vàng từ bầu trời được thấy trên mặt đất”, biểu thị năm này là năm “Kim Thổ” (“vàng” thuộc Kim, “đất” thuộc Thổ); vì thế thời gian trong câu này là năm 1940 “Canh Thìn”; ở một phương diện khác, câu này dự đoán phi thường chuẩn xác chiến thuật “tấn công chớp nhoáng” của Đức khi xâm lược Pháp (nhanh như chớp vậy). Câu thơ thứ hai “Bị đánh từ trên cao, hành động kỳ diệu hoàn thành” mô tả một cách hình tượng quân Đức thực thi “chiến tranh chớp nhoáng” với những quốc gia ở vùng đất thấp tại Châu Âu (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) và thu được hiệu quả kinh ngạc, “hành động kỳ diệu hoàn thành”; chữ “kỳ diệu” ở đây cho thấy ngay cả quân Đức cũng không thể tin được. Ngày 10 tháng 5 năm 1940, ba tập đoàn quân A, B, C của Đức lách qua phòng tuyến Maginot để xâm lược Bỉ, Hà Lan, Luxembourg rồi đến Pháp. Nguyên kế hoạch của liên quân Anh-Pháp là đóng tại phía Nam và dựa vào phòng tuyến Maginot để ngăn chặn quân Đức tấn công, đồng thời dùng quân chủ lực tại phương Bắc tác chiến với quân Đức; chẳng ngờ đến ngày 13 tháng 5, tập đoàn quân A của Đức xuyên qua lực lượng phòng thủ yếu ớt của Pháp tại Ardennes để tiến vào Pháp; quân Pháp tại vùng núi Ardennes hoàn toàn không có biện pháp hữu hiệu đối phó với cuộc tập kích của quân Đức. Xe tăng Đức vượt qua sông Maas, đánh chiếm vùng trọng yếu chiến lược Sedan ở miền Nam nước Pháp. Tập đoàn quân B của Đức phối hợp với lính nhảy dù xâm nhập Hà Lan, Bỉ, rồi thu hút bộ đội chủ lực của quân Đồng Minh Anh-Pháp tại vùng bình nguyên Bỉ, để tập đoàn quân A càng thuận lợi men theo vùng Bắc Pháp tiến tới bên sườn bộ đội chủ lực của liên quân Anh-Pháp, tạo thế đại bao vây theo đúng kế hoạch. Đến ngày 19 tháng 5, sư đoàn thiết giáp Đức đã đến eo biển Manche, chỉ cách Anh có 50 dặm. Ngày 24 tháng 5, bộ đội thiết giáp Đức đã đến gần cảng biển Dunkirk ở miền Bắc nước Pháp. Loại “chiến tranh chớp nhoáng” “kỳ diệu” này bản thân Hitler cũng giật mình kinh ngạc, hết thảy mọi việc đều diễn ra vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tổng chỉ huy quân Đức đã ra mệnh lệnh ngừng tiến quân, kết quả để quân Anh có cơ hội thực hiện cuộc “đại rút lui Dunkirk”, như trong câu thơ tiên tri nói là: “Những cái chết ngoạn mục, kẻ kiêu ngạo chạy trốn”. “Kẻ kiêu ngạo” ở đây, cũng như người Anh thường được coi là “kiêu ngạo”; quân đội Anh sau “Những cái chết ngoạn mục” đã tiến hành cuộc đại rút quân tại Dunkirk. Anh quốc tập trung các loại thuyền lớn nhỏ có động cơ và hạm đội tuần dương tới Dunkirk; ngày 27 tháng 5 bắt đầu rút đám quân sĩ đầu tiên, đến ngày 4 tháng 6 đã có hơn 33 vạn người đào thoát thành công, trong đó 23 vạn là quân viễn chinh Anh; và mặc dù bị thất lạc một lượng lớn vật tư và vũ khí trang bị, nhưng toàn bộ quân Anh đã tránh được thảm kịch. Từ gần 500 năm trước, hết thảy những sự việc này đã được Nostradamus tiên đoán vô cùng chính xác.

Câu thơ thứ ba “Cuộc giết người vĩ đại: cháu trai của thủ lĩnh bị bắt” là nói về quân Đức từ “những quốc gia ở vùng thấp” tại Châu Âu, vượt qua phòng tuyến Maginot để xâm lược Pháp. “Những quốc gia ở vùng thấp” là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg trong lịch sử đều được xem là vùng thuộc Hà Lan; trước đây vùng này chủ yếu thuộc Pháp quản lý, do vậy bài thơ dùng chữ “cháu trai” để đại biểu ý nghĩa này. Cả câu “Cuộc giết người vĩ đại: cháu trai của thủ lĩnh bị bắt” có nghĩa là quân Đức xâm lược đẫm máu “những quốc gia ở vùng thấp” rồi sau đó xâm nhập Pháp.

Bảo vệ tuyến đường biển và Mỹ tham chiến

Các Thế Kỷ III, Khổ 13

Nguyên văn tiếng Pháp:

Par foudre en l’arche or & argent fondu.
Des deux captifs l’vn l’autre mangera,
De la cité le plus grand estendu,
Quand submergee la classe nagera.

Tiếng Anh:

Through lightning in the arch gold and silver melted,
Two captives will be eaten one by one:
The greatest one of the city stretched out,
When submerged the fleet will swim.

Tiếng Việt:

Qua tia chớp trong mái vòm, vàng và bạc tan chảy,
Hai tù binh sẽ bị ăn thịt từng người một:
Người vĩ đại nhất thành phố dang rộng vòng tay,
Khi hạm đội tàu ngầm sẽ xuất hành.

Bài thơ tiên tri này nói về sự bảo vệ tuyến vận chuyển giao thông trên Đại Tây Dương của Anh và Mỹ trong Đại Thế chiến II, mà sau đó mở rộng thành chiến tranh bảo vệ Đại Tây Dương, cũng như tình huống trước và sau khi Mỹ tham chiến. Câu thơ đầu tiên hàm chứa mật mã thời gian: “tia chớp” thuộc “Hỏa”; “vàng và bạc tan chảy” biểu thị đây là năm “Hỏa khắc Kim” theo Ngũ Hành, chính là năm 1941 “Tân Tỵ”. Ngoài ra, “vàng và bạc tan chảy” theo Âm Dương Ngũ Hành thì “Canh” Kim là Dương Kim đại biểu cho “vàng”, “Tỵ” Kim là Âm Kim đại biểu cho “bạc”; như vậy câu thơ này tiên tri sự kiện từ năm 1940 “Canh Thìn” đến năm 1941 “Tân Tỵ”.

Câu thơ thứ hai “Hai tù binh sẽ bị ăn thịt từng người một” tiên tri về ngày 9 tháng 4 năm 1940, Đức chiếm đóng Đan Mạch, và Đan Mạch trở thành “tù binh” của Đức. Tuy nhiên, Đan Mạch ở vòng cực Bắc Đại Tây Dương còn có hai đảo là Iceland và Greenland, cũng như quần đảo Faroe; những hòn đảo này đều là vị trí chiến lược rất trọng yếu trên Đại Tây Dương, vì thế sau khi Đức tấn chiếm chính quốc Đan Mạch, thì Anh chiếm đóng Iceland và quần đảo Faroe; đây chính là “Hai tù binh sẽ bị ăn thịt từng người một”. Chỉ còn lại đảo Greenland; lúc ấy chính phủ Đan Mạch phái một đại sứ đến Mỹ đúng vào ngày Đức xâm chiếm Đan Mạch để ký kết một hiệp ước cho phép quân đội Mỹ bảo vệ Greenland.

Câu thơ thứ ba “Người vĩ đại nhất thành phố dang rộng vòng tay” không phải chỉ người, mà là chỉ “an toàn khu mở rộng của Mỹ”; đây là một phạm vi bán kính nhất định từ thành phố lớn nhất của Mỹ, New York, hướng về phía Đông ra biển Đại Tây Dương. Trong “an toàn khu mở rộng của Mỹ” này, hải quân Mỹ có một đội tàu hộ tống các thuyền vận tải xuất phát từ Châu Âu; đây là một phương pháp của Mỹ để bảo hộ tuyến vận tải trên Đại Tây Dương với tư cách quốc gia trung lập. Sau khi chiếm đóng Pháp, Đức thiết lập tại La Rochelle một căn cứ tàu ngầm và tấn công các thương thuyền trên Đại Tây Dương. Từ tháng 6 năm 1940 đến tháng 4 năm 1941, hạm đội tàu ngầm Đức trải qua “thời gian hạnh phúc thứ nhất” (First Happy Time) trên Đại Tây Dương; trong đó từ tháng 7 đến tháng 10 năm 1940, đội tàu ngầm hình chữ “U” đã đánh chìm 217 thuyền vận tải, với tổng tải trọng 150 vạn tấn. Từ tháng 4 năm 1941 trở về sau, nhờ gia tăng đội tàu chiến hộ tống và sử dụng phi cơ trang bị ra-đa sóng ngắn chống tàu ngầm, hành động chống tàu ngầm của quân Đồng Minh đã có hiệu quả; trong đó nhân tố quan trọng nhất chính là “an toàn khu mở rộng của Mỹ”, với phạm vi hộ tống bao quát 2.300 hải lý từ New York về phía Đông, chỉ cách bờ biển Greenland do Anh chiếm lĩnh 50 hải lý.

Câu thơ thứ tư “Khi hạm đội tàu ngầm sẽ xuất hành” là tiên tri về sự mở rộng của “an toàn khu của Mỹ” để đối phó với tàu ngầm Đức trên Đại Tây Dương, đồng thời cũng dự đoán sự uy hiếp đến từ tàu ngầm Đức vẫn chưa kết thúc. Tháng 12 năm 1941, Nhật Bản bất ngờ tập kích Trân Trâu Cảng của Mỹ, sau đó Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản, Đức tuyên chiến với Mỹ, khiến “an toàn khu của Mỹ” mất tác dụng bảo hộ trung lập. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm 1942, hạm đội tàu ngầm Đức lại trải qua “thời gian hạnh phúc thứ hai” (Second Happy Time); 22 tàu ngầm của Đức trên Đại Tây Dương đã đánh chìm 609 thuyền vận tải với tổng tải trọng lên tới 310 vạn tấn.

Hành động Frankton, những chiếc xuồng nhỏ Anh quốc anh hùng

Các Thế Kỷ II, Khổ 61

Nguyên văn tiếng Pháp:

Euge, Tamins, Gironde & la Rochelle,
Osang Troien mort au port de la flesche,
Derriere le fleuue au fort mise l’eschelle,
Pointes feu grand meurtre sus la breche.

Tiếng Anh:

Bravo, ye of Thames, Gironde and La Rochelle:
O Trojan blood! Mars at the port of the arrow
Behind the river the ladder put to the fort,
Points to fire great murder on the breach.

Tiếng Việt:

Hoan hô, người của Thames, Gironde và La Rochelle:
Ô dòng dõi Tơ-roa! Hỏa tinh tại cảng mũi tên
Sau con sông, chiếc thang hướng về pháo đài,
Những đốm lửa, cuộc giết chóc vĩ đại trên kẽ hở.

Ở câu thơ đầu tiên, “Tamins” trong bản tiếng Pháp phiên dịch chính xác sang tiếng Anh phải là “Thames”, bởi vì tiếng Pháp cổ gọi sông Thames của Anh là “Tamises”.

Bài thơ này khiến người viết cảm thấy thật kinh ngạc, bởi vì từ 500 trước, «Các Thế Kỷ» đã tiên tri chính xác như vậy đối với một sự kiện phát sinh trong Đại Thế chiến II, đó là chỉ vẻn vẹn 10 cá nhân đã tham gia hành động tập kích Frankton (Operation Frankton) nổi tiếng của Hải quân Hoàng gia Anh. Tháng 12 năm 1942, 10 lính biệt kích (commando) của Hải quân Hoàng gia Anh, với 2 người trên một chiếc xuồng nhỏ, đã chèo ngược dòng hải lưu trong 5 đêm dưới thời tiết lạnh giá và vượt qua 81 dặm Anh từ cửa sông Gironde, cửa sông nguy hiểm nhất Châu Âu, để tới cảng Bordeaux bị quân Đức chiếm đóng. Cuối cùng chỉ có 4 người đến được Bordeaux, đánh úp căn cứ tiếp viện của quân Đức tại đây, và những người anh hùng trở về Anh quốc thì chỉ còn 2 người. Hành động Frankton về sau đã được dựng thành phim, tên là “The Cockleshell Heroes”.

Trong câu thơ thứ hai, “Hỏa tinh tại cảng mũi tên” là mật mã thời gian. “Mũi tên” nằm trong tay xạ thủ Sagittarius, ứng với chòm sao Nhân Mã, thời gian từ ngày 22 tháng 11 đến 20 tháng 12, tương đương tháng “Hợi” và tháng “Tý” trong Nông lịch Trung Quốc, theo Ngũ Hành là thuộc “Thủy”; do vậy “Hỏa tinh tại cảng mũi tên” là chỉ năm “Nhâm Ngọ” thuộc “Thủy Hỏa”, tức năm 1942. Đồng thời, hành động Frankton diễn ra từ ngày 7 đến ngày 12 tháng 12, chính là trong thời gian chòm sao Nhân Mã; ngoài ra, “Hỏa tinh tại cảng mũi tên” cũng chỉ rõ đây là cuộc đột kích cự ly dài đối với một cảng biển, tựa như “mũi tên” vậy. “Hoan hô, người của Thames” trong câu thơ thứ nhất và “Ô dòng dõi Tơ-roa!” trong câu thơ thứ hai đều là ca ngợi sự anh hùng của những người lính biệt kích tham gia hành động này. “Gironde và La Rochelle” trong câu thơ thứ nhất là chỉ hành động bắt đầu từ cửa sông Gironde; “La Rochelle” là căn cứ tàu ngầm của Đức tại Pháp, ở đây đại biểu ý nghĩa những lính biệt kích đã được chở đến cửa sông Gironde bằng tàu ngầm Anh.

Câu thơ thứ ba “Sau con sông, chiếc thang hướng về pháo đài” chính là lời tiên tri sinh động nhất trong cả bài thơ; nó mô tả cảnh những người lính biệt kích chèo thuyền ngược dòng sông từ cửa sông Gironde với quãng đường 70 dặm Anh để đến cảng Bordeaux. Tối ngày 7 tháng 12 năm 1942, một tàu ngầm của hải quân Anh dừng tại nơi cách cửa sông Gironde của Pháp 10 dặm Anh, mang theo 6 chiếc xuồng đột kích cỡ nhỏ (Cockleshell Canoe), trên đó chở thiếu tá 28 tuổi Major Hasler chỉ huy 10 lính biệt kích. Khi những chiếc xuồng đột kích bắt đầu xuất phát từ tàu ngầm, thì một chiếc xuồng bị hư hại, do đó chỉ còn 5 chiếc xuồng chở 10 lính biệt kích bắt đầu cuộc hành động; và bởi vì lúc ấy họ ở cách cửa sông Gironde 10 dặm Anh, nên mới nói “Sau con sông”. Chỉ có thể 2 người trên một chiếc xuồng nhỏ, lại phải mang theo thủy lôi nặng nề, họ đã chèo xuồng giữa sóng to gió lớn để đến cửa sông Gironde, giữa những cơn gió lạnh thấu xương vào tháng 12; họ phải chèo 70 dặm Anh bằng sức người, lại phải xuyên qua tầng tầng lớp lớp bao vây và hỏa lực của phát-xít Đức, điều ấy đòi hỏi sự can đảm phi thường. Sau khi xuất phát, 1 chiếc xuồng nhỏ bị chìm giữa cơn sóng; 2 lính biệt kích phải bơi vào bờ thì bị phát-xít Đức bắt sống rồi sau đó bắn chết. Một chiếc xuồng nhỏ khác bị lật tại cửa sông, 2 lính biệt kích đã hy sinh giữa dòng nước lạnh giá. Đến khi vào được sông Gironde, thì lại một chiếc xuồng nữa bị chìm nghỉm, 2 lính biệt kích bơi lên bờ; sau đó tại một bệnh viện gần Tây Ban Nha, họ bị phản bội và nộp cho Gestapo của Đức Quốc Xã. Cuối cùng chỉ có 2 chiếc xuồng nhỏ chở 4 lính biệt kích đến cảng Bordeaux. Trong quá trình này, ban ngày họ lẩn trốn ở bãi lau sậy ven sông, đến đêm thủy triều dâng lên thì mới hành động. Bốn lính biệt kích này gồm thiếu tá Major Hasler, cộng sự hạ sĩ thủy binh Marine Sparks, hạ sĩ đánh mìn Corporal Laver, và đồng hạ sĩ thủy binh Marine Mills. Lại nói về “Chiếc thang hướng về pháo đài” trong câu thơ thứ ba; “pháo đài” (fort) ở đây chỉ “Blanquefort”, nơi đóng bộ tư lệnh hải quân vùng sở tại của Đức tại Bordeaux; còn “chiếc thang” (ladder) ở đây không phải chỉ chiếc thang thông thường, mà là “thang cá” (Fish ladder). “Thang cá” là cấu trúc thủy lực xuất hiện tại Pháp 100 năm sau thời Nostradamus, nằm trên hoặc xung quanh một bờ cản nhân tạo, thí dụ như đập nước và đập chìm, tạo điều kiện cho sự di cư tự nhiên của các loài cá, để chúng nhảy lên từng bậc một khi bơi ngược dòng nước. Câu thơ này dùng “thang cá” để mô tả rất hình tượng cảnh những người lính biệt kích bơi thuyền ngược dòng sông vào ban đêm, tựa như những con cá nhảy lên từng bậc một trong “thang cá”; quá trình tiến về Bordeaux của những người lính này cũng nguy hiểm như vậy. Kinh ngạc hơn nữa là những chiếc xuồng tham gia cuộc hành động Frankton đều có chữ “cá” (Fish) trong tên, chúng là: Catfish (cá trê), Cuttlefish (mực), Crayfish (tôm), Cachalot (cá nhà táng), Coalfish (cá tuyết) và Conger (cá chình biển); từ đó có thể thấy Nostradamus tiên tri chính xác đến từng chi tiết như thế nào.

Câu cuối cùng bài thơ nói về chiến quả của hành động Frankton. “Những đốm lửa” là mô tả sau khi 4 lính biệt kích đến được Bordeaux, họ lén đến bến cảng quân Đức và phóng thủy lôi vào chiến hạm Đức, phá hủy 4 thuyền vận tải và một chiếc tàu ngầm. “Cuộc giết chóc vĩ đại trên kẽ hở” là nói rằng mặc dù cuộc hành động này chỉ có 10 lính biệt kích, nhưng họ đã vượt qua được “kẽ hở” trong hệ thống phòng thủ của quân Đức và tạo nên một tiếng vang “vĩ đại”;  lòng dũng cảm không gì sánh nổi của họ đã cổ vũ ý chí chiến đấu của nhân dân hai nước Anh và Pháp trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát-xít.

Tháng 4 năm 1945, quân Đồng Minh giành thắng lợi trong Đại Thế chiến II

Các Thế Kỷ III, Khổ 11

Nguyên văn tiếng Pháp:

Les armes battre au ciel longue saison,
L’arbre au milieu de la cité tombé :
Vermine, rongne, glaiue en face tyfon,
Lors le Monarque d’Hadrie succombé.

Tiếng Anh:

The arms to fight in the sky a long time,
The tree in the middle of the city fallen:
Sacred bough clipped, steel, in the face of the firebrand,
Then the monarch of Adria fallen.

Tiếng Việt:

Trận chiến trên bầu trời trong một thời gian dài,
Cái cây ở giữa thành phố đổ xuống:
Cành cây thánh bị cắt rời, gươm trước ngọn đuốc,
Và rồi Quốc vương của Adria quỵ ngã.

Bài thơ này tiên tri vô cùng chính xác tháng 4 năm 1945, quân Đồng Minh giành thắng lợi trong Đại Thế chiến II. Câu thơ thứ ba là mật mã thời gian cho bài thơ, trong đó “cành cây” biểu thị “Mộc, “gươm” biểu thị “Kim”, như vậy đây là năm với Thiên can Địa chi “Kim khắc Mộc” theo Ngũ Hành, tức năm 1945 “Ất Dậu”. Ngoài ra, “cây” là “Mộc”, “ngọn đuốc” là “Hỏa”, tức là tháng “Hỏa Mộc”; tháng 3 năm 1945 là tháng “Kỷ Mão”, tức “Hỏa Mộc” theo Nông lịch. Câu đầu tiên bài thơ “Trận chiến trên bầu trời trong một thời gian dài” là nói về trận đại không chiến năm 1945. Rạng sáng ngày 16 tháng 12 năm 1944, quân Đức bắt đầu chiến dịch Ardennes; Hitler tập trung tại Ardennes tập đoàn quân tăng thiết giáp SS số 6 bên trong 25 sư đoàn của tập đoàn quân “B” (25 vạn người), gồm xe tăng và 900 pháo tự hành, dùng phương thức đột ngột phản kích đánh bại quân Đồng Minh tại biên giới Bỉ, Hà Lan; sau đó quân Đức đột phá sau phòng tuyến quân Mỹ, tiến về hướng sông Maas. Để ngăn cản bước tiến quân Đức, liên quân Anh-Mỹ điều chỉnh kế hoạch, dùng không quân tập kích đại quy mô đối với quân Đức, cuối cùng ngăn cản được quân Đức tại địa điểm cách sông Maas chỉ 4 km. Ngày 1 tháng 1 năm 1945, quân Đức huy động 1.000 phi cơ, oanh tạc trận địa và phi trường quân Đồng Minh, phá hủy 260 phi cơ của quân Đồng Minh, phát động tấn công quân Đồng Minh tại Strasbourg. Ngày 3 tháng 1, quân Đồng Minh chuyển sang phản công; ngày 12 tháng 1, quân Liên Xô tại phía Đông phát động cuộc phối hợp tiến công trước thời hạn; Hitler buộc phải điều quân từ mặt trận phía Tây sang mặt trận phía Đông tác chiến; quân Đồng Minh thừa cơ tiến quân cấp tốc. Ngày 28 tháng 1, quân Đức bị đẩy lui triệt để về trận địa ban đầu, chiến dịch Ardennes kết thúc, quân Đức thất bại hoàn toàn tại mặt trận phía Tây.

Trong câu thơ thứ ba, “trước ngọn đuốc” là chỉ thời gian trước tháng 3 “Hỏa Mộc” Kỷ Mão, tức tháng 2 năm 1945. Câu thơ thứ hai “Cái cây ở giữa thành phố đổ xuống” là tiên tri vào tháng 2 năm 1945, quân Đồng Minh tiến hành phản công toàn diện, tiến vào lãnh thổ Đức. “Cái cây ở giữa thành phố” biểu thị tháng “Thổ Mộc”, tức tháng 2 năm 1945, tháng “Mậu Dần”. Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 2, quân Đồng Minh phát động chiến dịch sông Rhine; không quân phe Đồng Minh tập trung oanh tạc trận địa phòng ngự và hậu phương quân Đức ở vùng sông Rhine, khiến “Cái cây ở giữa thành phố đổ xuống”. Ngày 8 tháng 2, tập đoàn quân số 1 của Canada chuyển sang tiến công; ngày 13 tháng 2 Canada chiếm lấy Clervaux. Quân Đức phá hủy đập nước lớn sông Ruhr và mở cửa sông để ngăn cản đợt tiến công của tập đoàn quân số 9 của Mỹ; đến ngày 23 tháng 2, mực nước sông Ruhr hạ thấp, tập đoàn quân số 9 của Mỹ chuyển sang tiến công, băng qua sông; ngày 3 tháng 3, quân Mỹ và quân Canada gặp nhau. Ngày 25 tháng 4 năm 1945, quân Liên Xô và quân Mỹ gặp nhau tại Torgau. Câu thơ thứ tư “Và rồi Quốc vương của Adria quỵ ngã” là nói về tháng 4 năm 1945, ý chí Đức của Đệ tam Đế quốc đã toàn toàn sụp đổ.

C. Sau Đại Thế chiến II

Chiến tranh và hòa bình

Các Thế Kỷ I, Khổ 100

Nguyên văn tiếng Pháp:

Long temps au ciel sera veu gris oyseau,
Aupres de Dole & de Tosquane terre,
Tenant au bec vn verdoyant rameau
Mourra tost grand, & finira la guerre.

Tiếng Anh:

For a long time a gray bird will be seen in the sky
near Dôle and the lands of Tuscany.
He holds a flowering branch in his beak,
but he dies too soon and the war ends.

Tiếng Việt:

Con chim xám sẽ được thấy trên bầu trời một lúc lâu
Gần Dôle và những vùng đất của Tuscany.
Nó ngậm trong mỏ một nhành hoa đang nở rộ,
Nhưng nó chết quá sớm và chiến tranh kết thúc.

Bài thơ này chủ yếu tiên tri về sự kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai vào năm 1945. “Con chim xám” trong câu thơ đầu tiên cho thấy đây là năm “Dậu”, “nhành hoa đang nở rộ” trong câu thơ thứ hai biểu thị Thiên can năm này là “Mộc”; vì thế đây chính là năm 1945 “Ất Dậu”. Câu thứ tư nói về “chiến tranh kết thúc” vào năm 1945; câu thứ hai “Gần Dôle và những vùng đất của Tuscany” cho thấy cuộc chiến tranh này chủ yếu phát sinh trên đất Châu Âu.

Tuy nhiên không hẳn như thế: “Con chim xám” bay lượn trên bầu trời xanh rõ ràng là chim bồ câu hòa bình; “trong một lúc lâu” tức là sau Đại Thế chiến II, con người sẽ được hưởng một đoạn thời gian hòa bình tương đối dài, đây cũng chính là kỳ vọng của toàn nhân loại. “Nó ngậm trong mỏ một nhành hoa đang nở rộ” có nghĩa là con người hướng về một cuộc sống sung túc, tự do và tốt đẹp; tuy nhiên “nó chết quá sớm” lại khiến người ta cảm thán trước sự tạm bợ của kiếp nhân sinh.

Vương quốc của tự do, tốt đẹp và vĩnh hằng ở nơi đâu? Xin các bạn tiếp tục đọc hết cuốn sách này, để lắng nghe lời khải thị và kêu gọi của Thần.

Nội chiến Hy Lạp

Các Thế Kỷ I, Khổ 83

Nguyên văn tiếng Pháp:

La gent estrange diuisera butins
Saturne & Mars son regard furieux,
Horrible strage aux Toscans & Latins,
Grecs qui seront à frapper curieux.

Tiếng Anh:

The alien nation will divide the spoils.
Saturn in dreadful aspect in Mars.
Dreadful and foreign to the Tuscans and Latins,
Greeks who will wish to strike.

Tiếng Việt:

Đất nước xa lạ sẽ chia chác chiến lợi phẩm.
Thổ tinh trong diện mạo ghê sợ tại Hỏa tinh.
Đáng sợ và xa lạ với người Tuscan và Latin,
Những người Hy Lạp sẽ muốn tấn công.

Bài thơ tiên tri này chính là nói về năm 1946, chiến tranh tại Hy Lạp phát sinh; đây là Hy Lạp vào những năm 1946-1949. Mật mã thời gian bài thơ này nằm tại câu thứ hai “Thổ tinh trong diện mạo ghê sợ tại Hỏa tinh”, cho thấy đây là năm “Hỏa Thổ”, tức năm 1946 “Bính Tuất”.

Câu thơ đầu tiên “Đất nước xa lạ sẽ chia chác chiến lợi phẩm” là tiên tri rằng sau khi Đại Thế chiến II kết thúc, Mỹ, Liên Xô và Anh tổ chức hội nghị Yalta, thảo luận về vấn đề phân chia các thế lực Châu Âu sau chiến tranh, đặc biệt là các quốc gia Châu Âu từng bị Đức chiếm đóng; và căn cứ thỏa thuận trong hội nghị Yalta, Hy Lạp thuộc phạm vi thế lực Anh-Mỹ. Tuy nhiên trong quá trình Đại Thế chiến II, chính phủ và Quốc vương Hy Lạp đều lưu vong tại nước ngoài. Trong Đại Thế chiến II, lực lượng kháng cự trong nước của Hy Lạp phân thành hai bộ phận: Một là “Đồng Minh Dân chủ Quốc gia Hy Lạp” do chính phủ lưu vong ủng hộ, hai là “giải phóng quân quốc gia Hy Lạp” do Đảng Cộng sản Hy Lạp lập ra, và căn cứ ghi chép lịch sử «Cách mạng Hy Lạp và nội chiến Hy Lạp» của chính Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì: Bởi vì “Đồng Minh Dân chủ” tin rằng quân Đồng Minh sẽ đi qua Hy Lạp để giải phóng Nam Âu, đồng thời khống chế Hy Lạp sau khi quân Đức rút lui, vì thế “mặt trận giải phóng nhân dân” đã lên án “Đồng Minh Dân chủ” cấu kết với giặc để bán nước, mưu toan đánh cắp thành quả thắng lợi của lực lượng kháng cự. Điều này đã dẫn đến hình thành thế tam tranh giữa “giải phóng quân”, “Đồng Minh Dân chủ” và quân Đức. Dưới sự giúp đỡ của người Anh và chính phủ Hy Lạp tại Cairo, “Đồng Minh Dân chủ” đã gây ra xung đột và biến thành nội chiến. Tháng 10 năm 1943, “giải phóng quân” phát động tấn công “Đồng Minh Dân chủ”. Toàn Hy Lạp bị kéo vào nội chiến cho đến tháng 2 năm 1944, dưới sự điều đình của người Anh, hai bên ngừng bắn (Hiệp định Plaka).” Từ đó có thể thấy “giải phóng quân” của Đảng Cộng sản Hy Lạp trong thời gian chiếm đóng của quân Đức đã giết hại các lực lượng kháng cự khác, đối với hành vi Hán gian của ĐCSTQ trong thời kỳ kháng Nhật thật y như hệt. Tháng 10 năm 1944, quân Đức rút lui khỏi Hy Lạp, và căn cứ vào hiệp nghị Yalta, quân đội Anh về danh nghĩa tác chiến với quân Đức đổ bộ lên Hy Lạp, hộ tống chính phủ lưu vong trở về Athens. Tháng 2 năm 1945, chính phủ Hy Lạp và Đảng Cộng sản Hy Lạp đã ký kết một hiệp định, trong đó “giải phóng quân” giao nộp vũ khí và tuyên bố giải tán. Tháng 3 năm 1946, Hy Lạp tổ chức tuyển cử Nghị viện, và Đảng Nhân dân của phe Cộng hòa chiến thắng. Cũng trong tháng này, một số phần tử Đảng Cộng sản Hy Lạp đã tổ chức bạo loạn và thành lập “quân dân chủ Hy Lạp”, nội chiến Hy Lạp nổ ra. Tuy nhiên đến tháng 12 năm 1947, trước khi Đảng Cộng sản Hy Lạp tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời, Đảng Cộng sản Hy Lạp vẫn là chính đảng hợp pháp tại Hy Lạp.

Câu thơ thứ ba “Đáng sợ và xa lạ với người Tuscan và Latin” là chỉ Hy Lạp xưa nay vẫn có liên hệ tự nhiên với Tây Âu; và nếu như Đảng Cộng sản Hy Lạp giành thắng lợi trong cuộc nội chiến Hy Lạp, thì Hy Lạp sẽ biến thành quốc gia thuộc phe xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Nếu như vậy, liên hệ giữa Hy Lạp với các nước Tây Âu sẽ bị cắt đứt, quả thực là “Đáng sợ và xa lạ với người Tuscan và Latin”; điều này đối với người dân Hy Lạp thì đúng là vô cùng đáng sợ, vì thế câu thơ cuối cùng mới nói “Những người Hy Lạp sẽ muốn tấn công”. Tháng 12 năm 1947, “quân dân chủ Hy Lạp” thất bại trong cuộc tấn công, phải trở thành dân tỵ nạn nông thôn “tấn công và tiêu hủy thôn trang”. Đến tận năm 1949, quân dân chủ Hy Lạp mới bị buộc phải hạ vũ khí.

Ném bom rải thảm trong chiến tranh Việt Nam

Các Thế Kỷ II, Khổ 81

Nguyên văn tiếng Pháp:

Par feu du Ciel la cité pres qu’aduste,
Vrna menasse encor Ceucalion,
Vexee Sardagne par la punique fuste,
Apres que Libra lairra son Phaeton.

Tiếng Anh:

Through fire from the sky the city almost burned:
The Urn threatens Deucalion again:
Sardinia vexed by the Punic foist,
After Libra will leave her Phaethon.

Tiếng Việt:

Qua ánh lửa từ bầu trời, thành phố gần như bị đốt cháy:
Cái vạc đe dọa Deucalion lần nữa:
Sardinia nổi sóng bởi Punic lén lút đưa vào,
Sau khi chòm sao Thiên Xứng sẽ rời Phaethon.

Bài thơ này tiên tri về những năm 1970-1971, Việt Nam tại bán đảo Đông Nam Á bị không quân Mỹ oanh tạc, bị tập kích như đại hồng thủy. Câu thứ tư bài thơ là mật mã thời gian: Chòm sao Thiên Xứng là vào khoảng thời gian 23 tháng 9 đến 22 tháng 10 trong năm, đoạn thời gian này chủ yếu rơi vào tháng “Tuất” của Nông lịch; chòm sao Thiên Xứng có sao bảo hộ là Kim tinh, do đó “Sau khi chòm sao Thiên Xứng sẽ rời Phaethon” chính là chỉ sau năm “Canh Tuất” theo Nông lịch; năm 1970 chính là năm “Canh Tuất”. Chiến tranh trong năm này trên thế giới chủ yếu là chiến tranh Việt Nam, vì thế “Sardinia” (tên một hòn đảo của Ý) trong câu thơ thứ ba là chỉ bán đảo Đông Nam Á.

Câu đầu tiên bài thơ “Qua ánh lửa từ bầu trời, thành phố gần như bị đốt cháy” là tiên tri về đợt đại oanh tạc của Mỹ đối với Việt Nam và Campuchia. Trong chiến tranh Việt Nam, không quân Mỹ đã nhiều lần sử dụng chiến lược không quân oanh tạc đại quy mô, trong đó lớn nhất là chiến dịch hành động “Operation Menu” từ tháng 6 năm 1969 đến tháng 5 năm 1970. Chỉ trong vòng 14 tháng, không quân Mỹ đã rải 270 vạn tấn bom xuống Việt Nam và Campuchia, còn nhiều hơn tổng số bom mà quân Đồng Minh đã oanh tạc trong Đại Thế chiến II. Còn trong cuộc tổng hành động Lam Sơn (Operation Lam Son 719) và chiến dịch Campuchia, không quân và lục quân của Mỹ đã tiến hành chiến thuật oanh tạc không biết bao nhiêu lần. Câu thơ thứ hai “Cái vạc đe dọa Deucalion lần nữa” là nói về năm 1971, Việt Nam lại một lần nữa chịu một trận mưa bom gây ra biết bao tai họa “họa vô đơn chí”. Tháng 8 năm 1971, một trận mưa như trút nước xảy ra ở miền Bắc Việt Nam; nước sông Hồng dâng lên đột ngột, khiến đê điều bị cắt đứt làm ba đoạn, nhấn chìm 250.000 ha đất trồng và khiến 2 triệu 700 nghìn người gặp tai họa.

Hai phần nói về chiến tranh trong “Chương II: Nhìn lại lịch sử” này chỉ tập hợp những bài thơ tiên tri trong «Các Thế Kỷ» chưa từng có ai phá giải và những bài nói về chiến tranh cận đại cũng như hiện đại, trong đó bao gồm những lời tiên tri về Đại Thế chiến II. Do sự giới hạn về thời gian và chủ đề trong cuốn sách này, tôi chỉ phá giải những bài thơ đã có mật mã thời gian rõ ràng chứ không phải đầy đủ toàn bộ; nếu có hứng thú, xin các bạn tham khảo phương pháp phân tích thời gian và địa điểm của tôi để tự tiến hành phá giải. Những lời tiên tri có liên hệ đến chiến tranh của ĐCSTQ, ví dụ chiến tranh Triều Tiên, sẽ được trình bày ở một chương mục sau.

Dịch từ:

http://zhengjian.org/zj/articles/2008/1/2/50180.html



Ngày đăng: 09-05-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.