Tận giải «Các Thế Kỷ» của Nostradamus (14): Thiên tai động đất
Tác giả: Lực Thiên Quân
[Chanhkien.org]
CHƯƠNG II: Nhìn lại lịch sử
Phần 5: Thiên tai—Động đất
1) Những trận động đất trong lịch sử
A. Động đất + Hỏa tai
Đại địa chấn tại San Francisco
Các Thế Kỷ I, Khổ 46
Nguyên văn tiếng Pháp:
Tout aupres d’Aux, de Lectore & Mirande,
Grand feu du Ciel en trois nuicts tombera,
Cuase aduiendra bien stupende & mirande,
Bien peu apres la terre tremblera.Tiếng Anh:
Very near Auch, Lectoure and Mirande
a great fire will fall from the sky for three nights.
The cause will appear both stupefying and marvelous;
Very shortly after the earthquake.Tiếng Việt:
Rất gần Auch, Lectoure và Mirande
Một ngọn lửa lớn sẽ rơi xuống từ bầu trời trong ba đêm.
Nguyên nhân sẽ dường như vừa kinh ngạc vừa kỳ diệu;
Ngay sau khi xảy ra trận động đất.
Câu thơ thứ tư của bản tiếng Anh đã được phiên dịch lại cho đúng.
Bài thơ này tiên tri chuẩn xác phi thường năm 1906, một trận động đất lớn xảy ra ở bờ biển phía Tây nước Mỹ tại San Francisco, California; đồng thời chỉ ra sự tai hại chủ yếu của trận động đất này là dẫn tới bùng phát hỏa hoạn.
Câu thơ thứ hai “Một ngọn lửa lớn sẽ rơi xuống từ bầu trời trong ba đêm” là nói về tình huống thực tế dẫn tới hỏa hoạn. Trận động đất San Francisco đã khiến hỏa hoạn bùng phát trong suốt 4 ngày 3 đêm; đồng thời câu thơ này cũng hàm chứa mật mã thời gian. “Trong ba đêm” biểu thị Thiên can năm này ở ngôi thứ ba, tức “Bính” trong “Giáp Ất Bính Đinh”; “Một ngọn lửa lớn” biểu thị Địa chi năm này thuộc “Hỏa”; năm 1906 chính là năm “Bính Ngọ” (“Ngọ” thuộc “Hỏa”). Hai câu thơ cuối chỉ rõ rằng “ngọn lửa lớn sẽ rơi xuống từ bầu trời” này là do động đất gây ra.
Rạng sáng ngày 18 tháng 4 năm 1906, trong chưa đầy một phút, thành phố San Francisco nổi tiếng thế giới đã bị trận động đất 8,3 độ Richter biến thành đống hoang tàn, rồi bị lửa thiêu thành đám tro tàn. Theo ghi chép trong lịch sử: Hỏa hoạn gây ra bởi động đất đã kéo dài ròng rã suốt 4 ngày 3 đêm; hỏa hoạn đi đến đâu, nơi đó biến thành biển lửa. Ngọn lửa ma quái đã thôn tính phần lớn thành phố San Francisco, trong đó 8 km2 bị thiêu rụi hoàn toàn. Theo ước tính, tổn thất tại San Francisco 90% là do hỏa hoạn lớn sau động đất gây ra. Để dập tắt ngọn lửa này, người dân San Francisco đã nghĩ đến mọi biện pháp; cuối cùng họ đã quyết định dùng thuốc nổ để phong tỏa hỏa hoạn. Bất chấp phản ứng bất mãn của nhiều người, thuốc nổ cuối cùng đã ngăn được ngọn lửa lan ra. Nhưng thành phố San Francisco sau động đất, hỏa hoạn và thuốc nổ đã trở thành một đống gạch nát; những sự phồn hoa, náo nhiệt ngày xưa đã không còn lại chút gì.
Câu đầu tiên bài thơ tiên tri chính xác vị trí địa lý thành phố San Francisco, nơi xảy ra địa chấn: “Rất gần Auch, Lectoure và Mirande”. Mặc dù vào thời điểm Nostradamus viết «Các Thế Kỷ», Châu Mỹ vẫn chưa được người Châu Âu phát hiện, nhưng thông qua khải thị của Thần, Nostradamus đã dùng những địa danh Pháp có cách phát âm tương tự để chúng ta mường tượng ra vị trí San Francisco năm 1888 trên bản đồ. Lưu ý bản đồ thu nhỏ ở góc dưới bên phải bản đồ có ghi tên các vùng xung quanh San Francisco thời bấy giờ. Chúng ta có thể phát hiện rằng: “Auch” trong bài thơ hiển nhiên chỉ “Oakland” ở phía Tây San Francisco; “Lectoure” trong bài thơ hiển nhiên chỉ “Lakev” ở phía Bắc San Francisco; “Mirande” trong bài thơ rất có khả năng chỉ “Mema” ở phía Bắc San Francisco trong bản đồ. Có thể thấy «Các Thế Kỷ» đã dùng các địa danh Pháp để biểu thị các địa danh Mỹ khi người Pháp thời ấy hoàn toàn không biết Châu Mỹ là gì; lời tiên tri quả là chuẩn xác phi thường.
Trận đại địa chấn San Francisco năm 1906 và hỏa hoạn bùng phát ngay sau đó đã thiêu hủy hàng ngàn khu phố và kiến trúc, phá hủy gần hết thành phố, khiến 3.000 người tử vong, hàng trăm người mất tích, 250.000 người mất nhà cửa, hàng ngàn người bị thương, 7.500 người sơ tán khỏi San Francisco, với tổn thất tài sản lên tới 500 triệu đô-la.
B. Động đất + Thủy tai
Động đất và sóng thần tại Sicily
Các Thế Kỷ VIII, Khổ 29
Nguyên văn tiếng Pháp:
Au quart pillier l’on sacre à Saturne.
Par tremblant terre & deluge fendu
Sous l’edifice Saturin trouuée vrne,
D’or Capion rauy & puis rendu.Tiếng Anh:
At the fourth pillar which they dedicate to Saturn
(or At the fourth column of Saturn’s coronation)
split by earthquake and by flood;
under Saturn’s building an urn is found
gold carried off by Caepio and then restored.Tiếng Việt:
Tại cây cột thứ tư mà họ hiến dâng cho Thổ tinh
(hoặc Tại quý thứ tư lễ đăng quang của Thổ tinh)
Bị tách ra bởi động đất và cơn lũ;
Dưới tòa nhà của Thổ tinh, một cái vạc được phát hiện
Vàng bị lấy đi bởi Caepio và rồi được phục hồi.
Bài thơ này tiên tri về trận động đất 7,5 độ Richter phát sinh tại đảo Sicily của Ý năm 1908; trận động đất này đã dẫn tới sóng thần và phá hủy hoàn toàn Messina, thành phố lớn thứ hai trên đảo Sicily.
Mật mã thời gian của bài thơ này nằm tại câu đầu tiên, cũng như có trong câu thứ ba và thứ tư. Theo tiếng Pháp, tôi cho rằng câu đầu tiên bài thơ nên dịch thành “Tại quý thứ tư lễ đăng quang của Thổ tinh”. Và như vậy, bởi vì vương miện đăng quang của Quốc vương chính là mũ “vàng”, nên đây là năm “Thổ Kim”; năm 1908 chính là năm “Mậu Thân” thuộc “Thổ Kim”. Trận động đất này phát sinh vào ngày 28 tháng 12, “quý thứ tư” của năm 1908. Đồng thời, “Dưới tòa nhà của Thổ tinh” trong câu thơ thứ ba và “vàng” trong câu thơ thứ tư cũng cho thấy trận động đất này xảy ra vào năm 1908.
Quả nhiên, 5 giờ 22 phút sáng ngày 28 tháng 12 năm 1908, một trận động đất lớn 7,5 độ Richter đã xảy ra tại Calabria và Sicily; tại khu vực giữa Calabria và Sicily phát sinh một trận sóng thần cấp 6 với những ngọn sóng cao từ 5 đến 10 mét ập vào hai bên bờ eo biển, do đó câu thơ thứ hai mới tả là “Bị tách ra bởi động đất và cơn lũ”. Tình trạng này rất giống với sóng thần “tách đôi” ra hai bên để ập vào bờ; 430 dặm Anh hai bên bờ eo biển đã bị sóng thần tàn phá, gồm cả thành phố Messina trên đảo Sicily, khiến từ 8 đến 20 vạn người thiệt mạng. Sau động đất, “vùng ven biển Calabria đã trở thành bình địa, 13 km đường sắt đã bị phá hủy, những ngọn hải đăng trên vách núi cao ở đảo Sicily cũng bị tiêu hủy.” 90% nhà cửa tại Messina đã bị phá hủy.
Câu thơ thứ ba và thứ tư: “Dưới tòa nhà của Thổ tinh, một cái vạc được phát hiện; Vàng bị lấy đi bởi Caepio và rồi được phục hồi”; ngoại trừ biểu thị năm “Mậu Thân” ra, thì “cái vạc” là biểu thị cho thủy tai. Trong «Các Thế Kỷ», từ “cái vạc” (Urn) này thường để chỉ phát sinh lũ lụt (vì vạc dùng để đựng nước), ví dụ tiên tri về trận lụt lớn năm 1971 tại miền Bắc Việt Nam trong bài viết trước. “Dưới tòa nhà của Thổ tinh” biểu thị nước phun lên từ dưới đất, ở đây là chỉ động đất đã gây ra sóng thần. “Vàng bị lấy đi bởi Caepio” là sự mô tả tổn thất kinh tế to lớn trong trận động đất này; “Caepio” là một viên tướng La Mã thời cổ đại, sau khi chiếm Toulouse ở miền Nam nước Pháp, ông đã cướp đoạt một lượng vàng bạc rất lớn tại đây; nhưng chỉ nộp bạc vào quốc khố La Mã, còn lại ông phái người cải trang thành thổ phỉ cướp đi toàn bộ số vàng. Chính vì vậy, “tướng quân La Mã” và “vàng ở miền Nam nước Pháp” biểu thị trận động đất phát sinh tại miền Nam nước Ý. “Và rồi được phục hồi” là chỉ sau động đất, cảng Messina được tái thiết, đương thời rất nhiều quốc gia Châu Âu đã chi viện, cứu tế và giúp trùng tu thành phố.
C. Động đất + Thuyền tai
Nguyên nhân thực sự vụ đắm tàu Titanic
Các Thế Kỷ II, Khổ 65
Nguyên văn tiếng Pháp:
Le parc enclin grande calamité,
Par l’Hesperie & Insubre fera,
Le feu en nef, peste & captiuité,
Mercure en l’arc, Saturne fenera.Tiếng Anh:
The park incline, great calamity
To be done through Hesperia and Insubria:
The fire in the ship, plague and captivity,
Mercury in Sagittarius Saturn will fade.Tiếng Việt:
Công viên xiêu vẹo, tai họa lớn
Sẽ được làm thông qua Hesperia và Insubria:
Lửa trong tàu, bệnh dịch và sự giam cầm,
Thủy tinh trong cung Nhân Mã, Thổ tinh sẽ mờ dần.
Câu đầu tiên bản tiếng Anh đã được phiên dịch lại từ tiếng Pháp.
Đây là một bài thơ khiến người ta kinh ngạc đến sững sờ, bởi vì nó không chỉ tiên tri chính xác về vụ đắm con tàu Titanic xa hoa vào tháng 4 năm 1912, mà còn đưa ra ánh sáng nguyên nhân thực sự dẫn đến vụ đắm tàu.
Mật mã thời gian bài thơ này nằm tại câu thứ tư, được phân thành hai bộ phận là tháng và năm: “Thủy tinh trong cung Nhân Mã”; thời gian cung Nhân Mã chủ yếu rơi vào tháng 12 Nông lịch, tức tháng “Tý”; như vậy rất hiển nhiên “Thủy tinh trong cung Nhân Mã” chỉ rõ đây là năm “Nhâm Tý”, năm 1912 chính là năm “Nhâm Tý”. “Thổ tinh sẽ mờ dần” nói lên tương quan giữa Thiên can và Địa chi là “Thổ bị Mộc khắc”; do vậy ở đây chỉ tháng 4 năm 1912, tháng “Giáp Thìn”, “Giáp Mộc khắc Thìn Thổ”. Như vậy câu đố “Lửa trong tàu” rất dễ để giải mã: Ngày 14 tháng 4 năm 1912, con tàu lớn Titanic tráng lệ mang theo 1.316 hành khách và 891 thuyền viên đã bị đụng vào tảng băng trôi và chìm nghỉm; vụ tai nạn trên biển này được coi là 1 trong 10 vụ tai nạn lớn nhất thế kỷ 20. Vụ đắm tàu khiến 1.500 người chìm dưới đáy biển, tạo thành sự cố hàng hải nghiêm trọng nhất trong thời bình vào thời ấy; và đến tận bây giờ, nó vẫn là vụ tai nạn trên biển nổi tiếng nhất. Bộ phim “Titanic” chính là dựa trên câu chuyện có thật này.
Từ trước tới nay, nguyên nhân thực sự của vụ đắm tàu Titanic vẫn là chủ đề được bàn tán xôn xao, nhưng hiện tại để giải chỗ mê này, chúng ta phải dựa vào bài thơ tiên tri nói trên của Nostradamus từ 400 trước. Nguyên nhân thực sự của vụ đắm tàu Titanic chính là “hoạt động rung lắc dưới đáy biển”.
Chúng ta phải xem hai câu đầu tiên trong bài thơ thì mới rõ. Câu thơ đầu tiên nói “Công viên xiêu vẹo, tai họa lớn”; chúng ta hãy tra cứu tư liệu địa chấn trên thế giới vào năm 1912, và căn cứ theo ghi chép lịch sử của Cục Địa chấn Quốc gia Hoa Kỳ thì: Ngày 7 tháng 7 năm 1912, tại công viên quốc gia Denali ở Alaska phát sinh động đất 7,2 độ Richter; “Mặt đất phồng lên và cuộn tròn” tại nền phía Bắc của núi McKinley, và những vụ sạt lở đã để lại vết sẹo tại vùng này”. Hiển nhiên “Công viên xiêu vẹo” trong câu thơ đầu tiên là tiên tri về trận địa chấn này (“Công viên” ám chỉ “công viên quốc gia Denali ở Alaska”). “Insubria” trong câu thơ thứ hai là một địa danh ở miền Bắc nước Ý cổ đại, do vậy ở đây chỉ “miền Bắc”. “Công viên xiêu vẹo, tai họa lớn; Sẽ được làm thông qua Hesperia và Insubria” là chỉ ảnh hưởng của trận địa chấn “Thông qua Hesperia và Insubria, tạo thành tai họa lớn ở miền Bắc”; Alaska nằm ở vùng vành đai Bắc Băng Dương. Tuy nhiên, trận động đất tại Alaska diễn ra vào tháng 7, trong khi vụ tai nạn tàu Titanic phát sinh vào tháng 4. Tiếp tục tra cứu tư liệu địa chấn trên thế giới năm 1912, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng: Vào ngày 6 tháng 5 năm 1912, tại Iceland nằm ở phía Bắc tuyến đường biển Đại Tây Dương đã phát sinh một trận động đất 7 độ Richter. Từ đó có thể thấy rằng, trong nửa năm 1912, vùng đáy biển Bắc Băng Dương gần Thái Bình Dương và Đại Tây Dương rất bất ổn định, dẫn tới biển đổi trong dòng hải dương trước động đất; và các sườn núi lửa dưới đáy biển gần Iceland có thể dịch chuyển (nhìn vào biểu đồ địa chấn Iceland, vùng dịch chuyển sườn núi lửa và khu vực tai nạn tàu Titanic là giao nhau), như vậy không loại trừ khả năng đã phát sinh địa chấn cục bộ dưới đáy biển. Sự vận động bất thường của đáy biển và dòng hải lưu này đã dẫn tới những hậu quả sau: (1) Gia tăng đứt gẫy vùng băng giá ven Bắc Băng Dương, khiến những tảng băng trôi trong tháng 4 năm 1912 lớn hơn hẳn những năm trước, cả về thể tích, số lượng lẫn phạm vi phân bố, hoàn toàn nằm ngoài kinh nghiệm và dự liệu của các thuyền viên; vì thế khi xuất hiện thông báo phát hiện có băng trôi trên tàu Titanic, các thuyền viên không phản ứng gì, và không hề giảm tốc. (2) Những tảng băng trôi bồng bềnh ở Bắc Đại Tây Dương gia tăng sự bất ổn định trong vận động, chính bởi sự bất ổn dữ dội của những dòng hải lưu với tần số dao động ngày càng cao, và nếu như có chiếc tàu nào ở quanh đó, thì nó hoàn toàn không biết phải tránh như thế nào. (3) Vùng biển bộc phát những trận sóng lớn, khiến thân tàu Titanic chao đảo nhiều hơn, dẫn tới đắm tàu. Và nếu chúng ta gọi con tàu Titanic tráng lệ là “khu vườn vui chơi trên mặt biển”, thì câu thơ thứ nhất “Công viên xiêu vẹo, tai họa lớn” nhiều khả năng là ám chỉ tình huống thứ 3. Câu thơ thứ hai “Sẽ được làm thông qua Hesperia và Insubria” chính là nói tàu Titanic đã chọn tuyến hàng hải “Tây Bắc” để tới New York (Hesperia ở phía Tây và Insubria ở phía Bắc nước Ý cổ đại).
Từ học thuyết Ngũ Hành của Trung Quốc mà xét, tàu Titanic đắm ngày 14 tháng 4 năm 1912, chính là ngày “Canh Thân”, tháng “Giáp Thìn”, năm “Nhâm Tý”, với Địa chi của ngày-tháng-năm hợp thành “Thân-Thìn-Tý” đều thuộc “Thủy”. Đây là ngày rất có thể phát sinh địa chấn dưới đáy biển; chính “đại Thủy” “Thân-Thìn-Tý” đã làm đắm con tàu Titanic.
Câu thứ ba bài thơ đề cập đến một vài sự kiện khác vào năm 1912, trong đó “bệnh dịch” là chỉ dịch tả phát sinh tại Ấn Độ trong năm này và lây lan khắp vùng Ba Tư; “sự giam cầm” là chỉ chiến tranh khốc liệt nổ ra tại bán đảo Balkan.
2) Những trận động đất còn chưa phát sinh
Động đất “tại nơi sâu” của Châu Á
Các Thế Kỷ III, Khổ 3
Nguyên văn tiếng Pháp:
Mars & Mercure & l’argent ioint ensemble
Vers le midy extréme siccité,
Au fond d’Asie on dit à terre tremble,
Corinthe, Ephese lors en perplexité.Tiếng Anh:
Mars and Mercury, and the silver joined together,
Towards the south extreme drought:
In the depths of Asia one will say the earth trembles,
Corinth, Ephesus then in perplexity.Tiếng Việt:
Hỏa tinh và Thủy tinh, và bạc giao nhau,
Hướng về hạn hán cực độ tại phương Nam:
Tại nơi sâu của Châu Á, có người sẽ nói mặt đất rung lên,
Rồi Corinth, Ephesus ở trong rắc rối.
Bài thơ này tiên tri về một trận động đất “tại nơi sâu” của Châu Á, tuy nhiên trong số những trận động đất tại Châu Á hiện nay thì chưa có cái nào hoàn toàn phù hợp với mật mã thời gian trong bài thơ, do vậy đây là trận động đất đã không còn phát sinh nữa. Sở dĩ tôi đem bài thơ này ra, là để nói rằng có những lời tiên tri đã hoàn toàn phát sinh, nhưng cũng có những lời tiên tri mới chỉ gần như đã phát sinh trong lịch sử. Còn nếu như trận động đất này thực sự phát sinh, thì nó đã xảy ra tại Bam, Iran vào ngày 26 tháng 12 năm 2003.
Ngày 26 tháng 12 năm 2003 là ngày “Quý Dậu”, tháng “Giáp Tý”, năm “Quý Mùi”; trong đó ngày “Dậu” là Âm Kim đại biểu cho “bạc”, tháng “Tý” đại biểu cho “Thủy”, năm “Mùi” đại biểu cho “Thổ”. Nhưng trong học thuyết Ngũ Hành, “Mùi Thổ” là “kho củi”, cùng với “Tỵ Hỏa” là ở trong điều kiện khí hậu tương đối khô hanh; tính hỏa ở đây tương đương với “Tỵ Hỏa”, ở một mức độ nhất định thì có thể được coi là “Hỏa”; do đó ngày “Dậu” tháng “Tý” năm “Mùi” chính là ngày mà câu thơ tiên tri nói: “Hỏa tinh và Thủy tinh, và bạc giao nhau”. Bởi vì “Mùi Thổ” ở đây được tạm tính là “Hỏa”, do đó trận động đất được đề cập ở đây đã “gần như được gỡ bỏ”.
Ngày 26 tháng 12 năm 2003, vào lúc 5 rưỡi sáng, tại thành phố Bam, Iran đã xảy ra một trận động đất mạnh 6,6 độ Richter, khiến 60.000 người tử vong; động đất đã khiến 70% thành cổ Bam nằm trên con đường tơ lụa bị san phẳng, bao gồm những kiến trúc bằng gạch nổi tiếng với lịch sử 2500 năm. Các kiến trúc ở khu vực Bam này gần như được xây hoàn toàn bằng gạch bùn, do đó tổn thất là nghiêm trọng phi thường.
“Corinth” và “Ephesus” trong câu thơ thứ tư là hai địa danh Châu Á được nhắc đến trong «Thánh Kinh», ở đây là tiên tri về cơn địa chấn phát sinh tại Châu Á. Câu thơ thứ hai tiên tri rằng trận động đất “Hướng về hạn hán cực độ tại phương Nam”. Năm 2003 chính là năm hạn hán, là năm mùa Hè nóng nhất trong lịch sử Châu Âu từ trước tới nay; miền Nam Châu Âu chịu nắng hạn nặng gây ra mất mùa. Tháng 8 năm này (tháng “Thân”), hơi nóng bao trùm khắp Châu Âu, khiến 35.000 người chết, đa số là người cao tuổi. Trong đó nhiệt độ cao nhất tại Anh là 38,5 °C, tử vong 2.139 người; tại Ý là 38-40°C, tử vong 3.000 người; ở Bồ Đào Nha nhiệt độ cao nhất là 47,3 °C; Tây Ban Nha nhiệt độ cao nhất là 46,3 °C, tử vong 141 người; nhiệt độ cao nhất tại Đức là 40,4 °C, tử vong 7.000 người.
“Gần như được gỡ bỏ” ở đây là nói về mức độ tổn thất; nếu trận động đất thực sự xảy ra đúng như lời tiên tri thì tổn thất e rằng còn lớn hơn rất nhiều.
“Động đất vào Lễ Phục sinh” và địa điểm có thể phát sinh
Các Thế Kỷ IX, Khổ 31
Nguyên văn tiếng Pháp:
Le tremblement de terre à Mortara,
Cassich sainct Georges à demy perfondrez,
Paix assoupie, la guerre esueillera,
Dans temple à Pasques abysmes enfondrez.Tiếng Anh:
The land of Mortara trembled,
The tin island of St. George half sunk;
Drowsy with peace, war will arise,
At Easter in the temple abysses opened.Tiếng Việt:
Mảnh đất Mortara rung chuyển,
Đảo thiếc của Thánh George bị chìm một nửa;
Lơ mơ với hòa bình, chiến tranh sẽ nổ ra,
Vào Lễ Phục sinh trong ngôi đền các vực thẳm mở ra.
Bài thơ tiên tri này nói về trận động đất lớn sẽ xảy ra vào Lễ Phục sinh của một năm nào đó, và đảo của Thánh George sẽ bị chìm mất một nửa. Trong lịch sử không hề có tình huống như vậy phát sinh, do đó trận động đất lớn vào Lễ Phục sinh này nhiều khả năng phát sinh trong tương lai.
Trên thế giới có rất nhiều địa phương được gọi là “đảo của Thánh George”, trong đó có đảo St George thuộc quần đảo Bermuda của Anh; đảo St George ở Venice, Ý; đảo St George ở Florida, Mỹ; đảo St George của Belize ở vùng biển Caribbean; đảo St George ở gần Châu Nam Cực; còn có thủ đô St George của đảo quốc Grenada, v.v. Thế nhưng ở đây không có đảo nào là “đảo thiếc” cả, do vậy bản thân tôi cho rằng, “đảo thiếc” (tin island) trong bài thơ này có khả năng chỉ “đảo nhỏ” (thin island). Nếu đúng như giả thiết này, thì đảo St George ở Florida, Mỹ có nhiều khả năng ứng với lời tiên tri nhất, bởi vì nó là một hòn đảo cực kỳ nhỏ.
Ngoại việc đảo St George ở Florida, Mỹ là hòn đảo cực kỳ nhỏ ra, bản thân Vịnh Mexico cũng là nơi có tần suất động đất cao. Từ bản đồ Vịnh Mexico chúng ta có thể thấy rằng, có một thành phố gọi là “Monterrey” ở Mexico viết rất giống với “Mortara” được đề cập trong câu thơ; và khi một trận động đất cực mạnh phát sinh tại Vịnh Mexico thì thành phố Monterrey có khả năng cảm thấy chấn động. Monterrey và đảo St George ở Florida, Mỹ cách nhau rất xa, do đó phải có một trận địa chấn mạnh phi thường dưới đáy biển mới có khả năng ảnh hưởng đồng thời cả hai nơi. Tuy nhiên, vùng xung quanh đảo St George ở Florida, Mỹ có rất nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ “M”, ví dụ Monticello và Moultrie ở phía Đông Bắc, Marianna và bãi biển Miramar ở phía Tây Bắc, v.v.
Đương nhiên, hiện tại mà nói ra hết thảy thì cũng chỉ là phỏng đoán cá nhân. Nhưng dù sao bài thơ này đã cảnh tỉnh chúng ra rằng: Vào Lễ Phục sinh một năm nào đó có khả năng phát sinh một trận động đất lớn.
Động đất lớn phát sinh vào tháng 5 một năm nào đó
Các Thế Kỷ X, Khổ 67
Nguyên văn tiếng Pháp:
Le tremblement si fort au mois de May,
Saturne, Caper, Iupiter, Mercure au bœuf :
Venus aussi, Cancer, Mars en Nonnay,
Tombera gresle lors plus grosse qu’vn œuf.Tiếng Anh:
A very mighty trembling in the month of May,
Saturn in Capricorn, Jupiter and Mercury in Taurus:
Venus also, Cancer, Mars in Virgo,
Hail will fall larger than an egg.Tiếng Việt:
Một trận rung lắc rất dữ dội vào tháng Năm,
Thổ tinh tại cung Ma Kết, Mộc tinh và Thủy tinh tại cung Kim Ngưu:
Kim tinh tại cung Cự Giải, Hỏa tinh tại cung Xử Nữ,
Mưa đá sẽ rơi xuống còn lớn hơn một quả trứng.
Bài thơ tiên tri này nói về một trận đại địa chấn có khả năng phát sinh vào tháng 5 một năm nào đó; và theo cách dùng từ trong bài thơ, thì rất có khả năng sẽ là trận động đất lớn nhất trong vòng 500 năm; ngoài ra hai câu sau bài thơ tiên tri về một trận mưa đá lớn. Trận động đất lớn mà bài thơ này tiên tri vẫn chưa phát sinh, tuy nhiên trận mưa đá lớn thì đã phát sinh.
Trận mưa đá mà bài thơ này tiên tri đã xảy ra vào ngày 7 tháng 9 năm 1991 tại thành phố Calgary, tỉnh Alberta của Canada. Câu thơ thứ ba là mật mã thời gian của sự kiện này: Cung Cự Giải là từ ngày 22 tháng 6 đến ngày 22 tháng 7 trong năm, chủ yếu rơi vào tháng 6 Nông lịch, chính là tháng “Mùi”; “Kim tinh tại cung Cự Giải” là chỉ năm 1991 “Tân Mùi”; cung Xử Nữ là từ ngày 23 tháng 8 đến 22 tháng 9 trong năm, tương đương tháng 9 “Bính Thân” năm 1991 theo Nông lịch, Thiên can là “Hỏa”, đây chính là “Hỏa tinh tại cung Xử Nữ”. Ngày 7 tháng 9 năm 1991 là “ngày quốc tế Lao động” của Tây phương, tại Calgary đã xảy ra mưa đá lớn; mưa đá bao phủ một khu vực rộng 130 km2, đường kính viên đá lên tới 10 cm, còn lớn hơn cả quả trứng gà, làm vỡ rất nhiều mái nhà, xe hơi và cây cối, gây ra tổn thất 400 triệu đô-la Mỹ.
Như vậy trận đại địa chấn được tiên tri trong bài thơ sẽ phát sinh vào thời gian nào? Chúng ta hãy cùng nhau xem mật mã thời gian trong câu thơ thứ hai: “Thổ tinh tại cung Ma Kết, Mộc tinh và Thủy tinh tại cung Kim Ngưu”. Cung Ma Kết là từ ngày 21 tháng 12 đến ngày 19 tháng 1 hàng năm, rơi vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 Nông lịch, cũng là từ cuối tháng “Tý” đến đầu tháng “Sửu”; như vậy “Thổ tinh tại cung Ma Kết” có khả năng là tổ hợp của “Mậu Tý” và “Kỷ Sửu”. “Mộc tinh tại cung Kim Ngưu” có khả năng là tổ hợp của “Giáp Thìn” và “Ất Tỵ”; “Thủy tinh tại cung Kim Ngưu” có khả năng là tổ hợp của “Nhâm Thìn” và “Quý Tỵ”. Cuối cùng có thể suy ra đây là ngày “Mậu Tý” hoặc “Kỷ Sửu” của tháng “Ất Tỵ” (hoặc “Giáp Thìn”) năm “Nhâm Thìn”. Tôi nhất định sẽ đưa thời gian này nói rõ ra, đó là ngày 27 hoặc 28 tháng 5 năm 2012; hai ngày này chính là ngày “Mậu Tý” và “Kỷ Sửu” của tháng “Ất Tỵ” năm “Nhâm Thìn”.
Chúng ta hãy thử xem lại bài thơ Các Thế Kỷ I, Khổ 48 trong phần giới thiệu của tôi, trong đó đề cập đến lời tiên tri của người Maya. Tiên tri người Maya có cách nói rằng: “Địa cầu tại chu kỳ Mặt trời thứ 5 có khả năng tiến tới kết cục diệt vong hoàn toàn, khi ấy có thể phát sinh tan biến Mặt trời, Địa cầu bắt đầu rung lắc mạnh; mà chúng ta chính đang ở tại thời mạt của chu kỳ Mặt trời thứ 5, và căn cứ theo lịch pháp Maya, thì thời gian cuối cùng là tháng 12 năm 2012, đã hết sức gần rồi.” Như vậy trận đại địa chấn tháng 5 năm 2012 ở đây cùng với lời tiên tri của người Maya là có quan hệ nhất định. Kỳ thực tháng “Ất Tỵ” và “Giáp Thìn” năm “Nhâm Thìn” đều là tháng có khả năng phát sinh động đất tương đối cao, gọi là thời kỳ có “tỷ lệ phát sinh địa chấn cao” từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2012.
Trong phần giới thiệu tôi đã nói qua, Thượng Đế Toàn Năng đã dùng hình thức khải thị qua dự ngôn «Các Thế Kỷ» để cảnh tỉnh thế nhân, để khiến họ có thể phân biệt Thiện-ác trong thời kỳ tối hậu của nhân loại này, có thể đứng về bên Thiện trong trận chiến tối hậu Armageddon, từ đó thoát khỏi vận mệnh bị đào thải. Và nếu như đại đào thải thực sự xảy ra vào năm 2012, thì vì tương lai của chính mình, chúng ta hãy tự hỏi xem mình sẽ đứng về bên nào trong trận đại chiến giữa Chính và tà?
Dịch từ:
http://zhengjian.org/zj/articles/2008/1/3/50188.html
Ngày đăng: 10-05-2011
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.