Tận giải «Các Thế Kỷ» của Nostradamus (27): Đại chiến Chính-tà



Tác giả: Lực Thiên Quân

[Chanhkien.org]

CHƯƠNG IV: Chân tướng bức hại

Phần 4: Tà ác ngông cuồng, Chính Pháp trừ ác

Đại chiến Chính-tà trong vũ trụ

Các Thế Kỷ IV, Khổ 43

Nguyên văn tiếng Pháp:

Seront ouys au ciel les armes battre,
Celuy an mesme les divins ennemis:
Voudrant loix sainctes injustement debatre:
Par foudre et guerre bien croyans a mort mis.

Tiếng Anh:

Arms will be heard clashing in the sky:
That very same year the divine ones enemies:
They will want unjustly to discuss the holy laws:
Through lightning and war the complacent one put to death.

Tiếng Việt:

Trận chiến sẽ được nghe thấy đụng độ trên bầu trời:
Trong cùng năm kẻ thù của những điều thiêng liêng:
Họ sẽ muốn thảo luận bất công về Pháp thần thánh:
Thông qua chớp và chiến tranh, kẻ tự mãn tử vong.

Bài thơ này tiên tri năm 1999, “cựu thế lực” tà ác trong vũ trụ thao túng những kẻ ác ở nhân gian— Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tà ác—đứng đầu là Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, khai mở đại chiến Chính-tà trong vũ trụ. Trận đại chiến này không chỉ biểu hiện là bức hại và phản bức hại ở nhân gian, mà còn là trận quyết chiến giữa chính nghĩa và tà ác ở các không gian trong vũ trụ; đây chính là trận đại chiến giữa chính và tà quyết định vận mệnh tương lai của chúng sinh trong toàn vũ trụ.

Câu thơ đầu tiên “Trận chiến sẽ được nghe thấy đụng độ trên bầu trời” không phải là chỉ không chiến ở không gian nhân loại, mà là trận đại chiến giữa chính và tà trong vũ trụ. Một bên là “cựu thế lực” can nhiễu và phá hoại Chính Pháp, các sinh mệnh tà ác phá hoại Đại Pháp ở các không gian, và những người bị tà ác thao túng bức hại Pháp Luân Công tại nhân gian; một bên là lực lượng Chính Pháp trực tiếp thanh trừ tà ma lạn quỷ tại các không gian trong vũ trụ, các chính Thần, và đệ tử Đại Pháp phát chính niệm, dùng Đại Pháp thần thông trực tiếp thanh trừ tà ác.

Tranh: Đại chiến giữa chính và tà.

Câu thơ thứ hai “Trong cùng năm kẻ thù của những điều thiêng liêng” tiên tri về tháng 7 năm 1999 trở về sau, “cựu thế lực” tà ác tự biến mình “kẻ thù” của Đại Pháp, danh nghĩa là “thảo luận về Pháp thần thánh”, nhưng trên thực tế là lấy nhân tố của bản thân để áp đặt Chính Pháp, phá hoại an bài của Sư phụ. Câu thơ thứ ba “Họ sẽ muốn thảo luận bất công về Pháp thần thánh” là tiên tri Đại Pháp thần thánh sẽ bị “thảo luận bất công” bởi “cựu thế lực”. Chúng sinh trong vũ trụ đều cần được “Đại Pháp thần thánh” cứu độ, nhưng chỉ bằng cách đồng hóa với Đại Pháp chứ không phải thông qua “thảo luận bất công” theo Pháp lý của vũ trụ quá khứ.

Câu thơ cuối cùng “Thông qua chớp và chiến tranh, kẻ tự mãn tử vong” là tiên tri về “cựu thế lực” tự mãn sẽ bị tận diệt trong trận đại chiến vũ trụ giữa chính và tà.

Mặc dù sau tháng 7 năm 1999, thế lực tà ác vô cùng ngông cuồng, nhưng như trong câu thơ tiên tri nói, họ sẽ bị tiêu diệt bởi “chớp và chiến tranh” trong vũ trụ.

Sự bức hại và lời khải thị

Các Thế Kỷ II, Khổ 27

Nguyên văn tiếng Pháp:

Le diuin verbe sera du ciel frappé
Qui ne pourra proceder plus auant,
Du reserant le secret estoupé
Qu’on marchera par dessus & deuant.

Tiếng Anh:

The divine word will be struck from the sky,
One who cannot proceed any further:
The secret closed up with the revelation,
Such that they will march over and ahead.

Tiếng Việt:

Lời của Thần sẽ bị đánh từ trên bầu trời,
Người không thể tiến bước thêm nữa,
Bí mật được khép lại với sự hé mở,
Họ sẽ tiếp tục bước đi về phía trước.

Bài thơ này tiên tri rằng Đại Pháp thần thánh đến một lúc nào đó sẽ bị “cựu thế lực” công kích “từ trên bầu trời”, và “sự hé mở” (revelation) ở đây chính là nằm trong sách «Khải Huyền» (Book of Revelation) của «Thánh Kinh», trong đó nói về “Armageddon”—trận đại chiến tối hậu giữa chính và tà.

“Lời của Thần” (The divine word) trong câu thơ đầu tiên chính là chỉ Pháp Luân Đại Pháp; trong Phần 5, Chương III khi phân tích Các Thế Kỷ III, Khổ 2, chúng ta đã giải thích câu “Lời của Thần sẽ ban cho vật chất” với “Lời của Thần” là chỉ Pháp Luân Đại Pháp. “Lời của Thần sẽ bị đánh từ trên bầu trời” là tiên tri sau tháng 7 năm 1999, Pháp Luân Đại Pháp bị cựu thế lực “đánh từ trên bầu trời”, và biểu hiện ở nhân gian là thế lực tà ác ĐCSTQ tiến hành bức hại tàn khốc đối với học viên Pháp Luân Công. Câu thơ thứ hai “Người không thể tiến bước thêm nữa” nói về sự can nhiễu và phá hoại của “cựu thế lực” khiến tiến trình Chính Pháp không thể theo yêu cầu tốt đẹp nhất của Đại Pháp để “tiến bước thêm nữa”. Do sự can nhiễu và phá hoại của “cựu thế lực”, do sự bức hại của tà ác, việc thanh trừ can nhiễu của “cựu thế lực” và phản đối bức hại đã trở thành một phần của tiến trình Chính Pháp. Chính Pháp vẫn còn tiếp tục, do đó câu thơ thứ tư mới nói “Họ sẽ tiếp tục bước đi về phía trước”.

Điều đáng chú ý nhất là, bài thơ này đề cập đến bức hại tà ác của “cựu thế lực”, và “bí mật được khép lại với sự hé mở”; “sự hé mở” ở đây có thể hiểu là “lời khải thị” (revelation) trong «Khải Huyền» (Book of Revelation). Như vậy, trận chiến tối hậu Armageddon trong «Thánh Kinh» chính là chỉ trận đại chiến Chính-tà trong vũ trụ liên quan tới Pháp Luân Công như đã nói ở trên.

Thực ra, thông qua những khải thị của Thần trong «Các Thế Kỷ», ở các phần trước chúng ta đã liễu giải được rất nhiều chỗ mê trong «Khải Huyền»: con thú tà ác là gì, số “666” có nghĩa là gì, đại dâm phụ là ai, thành Babylon vĩ đại là nơi nào, và chỗ mê lớn nhất—người chủ trì thẩm phán tối hậu là ai. Như vậy có thể có người hỏi: Trong «Khải Huyền», học viên Pháp Luân Công được đề cập ở chỗ nào?

Chúng ta biết rằng «Khải Huyền» hay là «Thánh Kinh» cũng vậy, thường lấy “Chiên Con” (the Lamb) để đại biểu cho “người Cơ Đốc” (Christian). Trong bài “Dấu ấn con thú và dấu ấn Chiên Con trong «Khải Huyền» của «Thánh Kinh»” được tôi viết mấy năm trước, tôi đã đề cập rằng “Chiên Con” đại biểu cho chữ “Thiện”, bởi vì chữ “Thiện” (善) trong tiếng Hán là do “một con cừu”—”nhất chỉ dương” (一只羊) tạo thành; trong đó chữ “dương” là phần trên cùng của chữ “Thiện” (善), chữ “nhất” (一) là phần giữa của chữ “Thiện” (善), và chữ “chỉ” (只) là phần dưới cùng của chữ “Thiện” (善), chẳng qua là lộn ngược lại. Dù sao đi nữa, «Khải Huyền» của «Thánh Kinh» đã nói, trong trận đại chiến giữa chính và tà, “Chiên Con” dẫn “một trăm bốn mươi bốn ngàn người” chiến đấu với con thú tà ác:

Sau đó tôi thấy, kìa, Chiên Con đang đứng trên Núi Si-ôn, cùng với Ngài là một trăm bốn mươi bốn ngàn người có danh Ngài và danh của Cha Ngài ghi trên trán họ.” (Khải Huyền 14:1)

“Một trăm bốn mươi bốn ngàn người” ở đây là chỉ các tín đồ Cơ Đốc giáo được nhận “ấn bất tử”; sự kiện này được đề cập trong chương I của «Khải Huyền»:

Sau đó tôi thấy bốn vị thiên sứ đứng ở bốn góc trái đất, giữ bốn ngọn gió của đất lại, để không có ngọn gió nào thổi trên đất, hay trên biển, hay trên bất cứ cây cối nào.” (Khải Huyền, 7:1)

Đoạn tôi thấy một vị thiên sứ khác đi lên từ hướng mặt trời mọc, có ấn của Đức Chúa Trời hằng sống. Vị thiên sứ ấy lớn tiếng nói với bốn vị thiên sứ đã được ban cho quyền làm hại đất và biển,” (Khải Huyền, 7:2)

Rằng, ‘Xin chớ làm hại đất, biển, hoặc cây cối, cho đến khi chúng tôi đã đóng ấn trên trán các đầy tớ của Đức Chúa Trời chúng ta.'” (Khải Huyền, 7:3)

Bấy giờ tôi nghe con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn trong tất cả các chi tộc của con cái I-sơ-ra-ên:” (Khải Huyền, 7:4)

Trong chi tộc Giu-đa, mười hai ngàn người được đóng ấn, Trong chi tộc Ru-bên, mười hai ngàn, Trong chi tộc Gát, mười hai ngàn,” (Khải Huyền, 7:5)

Trong chi tộc A-se, mười hai ngàn, Trong chi tộc Náp-ta-li, mười hai ngàn, Trong chi tộc Ma-na-se, mười hai ngàn,” (Khải Huyền, 7:6)

Trong chi tộc Si-mê-ôn, mười hai ngàn, Trong chi tộc Lê-vi, mười hai ngàn, Trong chi tộc I-sa-ca, mười hai ngàn,” (Khải Huyền, 7:7)

Trong chi tộc Xê-bu-lun, mười hai ngàn, Trong chi tộc Giô-sép, mười hai ngàn, Trong chi tộc Bên-gia-min, mười hai ngàn người được đóng ấn.” (Khải Huyền, 7:8)

Tiếp theo, xin mọi người chú ý:

Sau những việc đó, kìa, tôi thấy một đám đông rất lớn, không ai có thể đếm được, từ mọi quốc gia, bộ lạc, dân tộc, và ngôn ngữ đứng trước ngai và trước Chiên Con; ai nấy đều mặc áo choàng trắng và tay cầm cành thiên tuế.” (Khải Huyền, 7:9)

…….

Bấy giờ một vị trong các vị trưởng lão hỏi tôi, ‘Ngươi có biết những người mặc áo choàng trắng này là ai, và họ từ đâu đến không?‘” (Khải Huyền, 7:13)

Tôi trả lời với vị đó, ‘Thưa ngài, ngài biết.’ Vị đó nói với tôi, ‘Đây là những người đã ra từ cơn đại nạn; họ đã giặt sạch y phục của họ và tẩy trắng chúng trong huyết của Chiên Con.” (Khải Huyền, 7:14)

Ở đây nói về “một đám đông rất lớn, không ai có thể đếm được, từ mọi quốc gia, bộ lạc, dân tộc, và ngôn ngữ đứng trước ngai và trước Chiên Con”. Liệu những người này có nằm trong số “Chiên Con đang đứng trên Núi Si-ôn, cùng với Ngài là một trăm bốn mươi bốn ngàn người”? “Bấy giờ một vị trong các vị trưởng lão hỏi tôi, ‘Ngươi có biết những người mặc áo choàng trắng này là ai, và họ từ đâu đến không?'” Vị trưởng lão này ngồi trên ngai được vây quanh bởi 24 vị trưởng lão, và ông đã cố ý hỏi Thánh John; bởi vì những người mặc áo choàng trắng này có nguồn gốc khá đặc thù, họ không phải là người của Giáo hội, đến cả Thánh John từng chắp bút viết «Khải Huyền» của «Thánh Kinh» cũng không biết họ là ai, do đó Thánh John mới trả lời: “Thưa ngài, ngài biết”. Vị trưởng lão ấy nói với Thánh John: “Đây là những người đã ra từ cơn đại nạn; họ đã giặt sạch y phục của họ và tẩy trắng chúng trong huyết của Chiên Con”. Ở đây nói về “đã ra từ cơn đại nạn”, trên thực tế là từ đại khổ nạn bị bức hại đàn áp mà bước ra, lại còn “đã giặt sạch y phục của họ và tẩy trắng chúng trong huyết của Chiên Con”. Đây chính là chuẩn tắc kiên trì chữ “Thiện” trong tu luyện, cho dù phải trả giá bằng máu vì chịu bức hại, nhưng vẫn kiên trì tín ngưỡng “Chân-Thiện-Nhẫn”, khiến cả bản thể và tâm linh được tịnh hóa. Do đó mới nói, “những người mặc áo choàng trắng này” chính là các học viên Pháp Luân Công “từ cơn đại nạn” mà bước ra.

Không được mê mất, hỡi những người tin vào Thần

Các Thế Kỷ I, Khổ 53

Nguyên văn tiếng Pháp:

Las qu’on verra grand peuple tourmenté,
Et la Loy saincte en totale ruyne,
Par autres loix toute la Chrestienté,
Quand d’or, d’argent trouue nouulelle mine.

Tiếng Anh:

Alas, how we will see a great nation sorely troubled
and the holy law in utter ruin.
Christianity (governed) throughout by other laws,
when a new source of gold and silver is discovered.

Tiếng Việt:

Ôi, sao chúng ta có thể nhìn một quốc gia vĩ đại chịu nạn
Và Pháp thần thánh trong sự hủy diệt hoàn toàn.
Cơ Đốc giáo (bị thống trị) toàn diện bởi những pháp khác,
Khi một nguồn vàng bạc mới được khám phá.

Bài thơ này đã được chúng ta phân tích trong phần giới thiệu; nó tiên tri về cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ tại Đại Lục, khiến “một quốc gia vĩ đại chịu nạn”. Cuộc bức hại này lúc ban đầu khí thế cuồn cuộn, tựa như khiến “Pháp thần thánh trong sự hủy diệt hoàn toàn”, thế nhưng Cơ Đốc giáo và các tôn giáo khác “bị thống trị toàn diện bởi những pháp khác”; trong thời khắc tối quan trọng của trận đại chiến giữa chính và tà này, họ đã mất phương hướng và giữ thái độ bàng quan. Từ 500 năm trước, Thần đã thông qua dự ngôn «Các Thế Kỷ» để kêu gọi họ: “Hãy xem một quốc gia chịu khổ nạn lớn như vậy, hãy xem Pháp thần thánh đang bị hủy diệt”.

Tại Trung Quốc Đại Lục, ĐCSTQ khi bức hại Pháp Luân Công là phi thường tà ác. Đối với cuộc bức hại này, các quốc gia và nhân dân Tây phương lúc đầu khá lạ lẫm; nhưng nhờ các học viên Pháp Luân Công không ngừng giảng rõ chân tướng bức hại, nên rất nhiều người lương thiện và các đoàn thể, chính phủ Tây phương đã lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ, trong đó bao gồm cả các đoàn thể và giáo đồ Cơ Đốc giáo lương thiện. Tuy nhiên, nhìn chung cộng đồng Cơ Đốc giáo đối với cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ chỉ có thái độ quan sát và xem chừng. Thực ra rất nhiều tôn giáo và môn phái trên thế giới đều không quan tâm đến sự bức hại tà ác đối với tôn giáo khác.

Câu thơ cuối cùng “Khi một nguồn vàng bạc mới được khám phá” là chỉ trong cuộc bức Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã huy động một lượng tài nguyên cực lớn, và ngoài kim tiền ra, còn dùng tất cả cơ cấu chính phủ, bộ máy tuyên truyền, ngoại giao, các hiệp hội tôn giáo, “giáo hội ái quốc”, v.v. để vu khống và bức hại Pháp Luân Công.

Vì sao tín đồ tôn giáo lại có lúc biểu hiện không có thiện tâm tựa như người thường? Dù là chính giáo chính tín nào thì cũng đều giảng “Thiện”, ở trên tôi đã nói “Chiên Con” là biểu hiện chữ “Thiện”, “Thiện” có thể được coi là tinh thần Cơ Đốc giáo. Trong xã hội Tây phương, người ta nói về dân chủ và nhân quyền, họ có thể làm được: “Tôi có thể không tán thành quan điểm của bạn, nhưng tôi vẫn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bạn”. Tuy nhiên, có một số “thiện nam tín nữ” tín ngưỡng tôn giáo, nhưng khi thấy người có tín ngưỡng khác gặp phải bức hại vô nhân đạo thì họ còn thờ ơ hơn cả người thường, chữ “Thiện” ở đâu?

Luật sư Cao Trí Thịnh tại Trung Quốc Đại Lục đã từng nhiều lần bị bức hại vì lên tiếng bảo vệ các học viên Pháp Luân Công; sau khi trở thành giáo đồ Cơ Đốc, ông nói: “Khi tôi chưa nhận thức được Cơ Đốc giáo, tôi là người mà lý giải công lý xã hội như một người bình thường, tôi làm điều này điều kia, là lên tiếng vì trượng nghĩa. Sau khi nhận thức được công lý Cơ Đốc giáo, thì tôi thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng bênh vực người bị bức hại”. Ông còn nói: “Nếu như Chúa Jesus đến xã hội Trung Quốc ngày hôm nay, khi Ngài thấy rất nhiều sinh linh, những người tu luyện Pháp Luân Công bị bức hại quy mô lớn như thế, Ngài sẽ làm gì? Chúa Jesus sẽ làm gì? Chỉ vì họ không phải tín đồ Cơ Đốc, nên không cứu họ nữa, không lên tiếng bênh vực họ nữa, thế thì khi gặp Chúa Jesus, bạn có dám nói bạn là chân lý, là sinh mệnh hay không? Bạn có dám nói không?”

Cho dù là ai, nếu như không thể duy trì tiêu chuẩn đạo đức ở mức thấp nhất là nhân đạo, thì dẫu bạn “tin” điều gì, cũng đều vô dụng.

Trong cuốn sách này tôi đã đưa ra rất nhiều khải thị của Thần, trong đó có những điều cần thời gian để lý giải, tuy nhiên có một điểm, đó là bạn có thể không biết ai là Thần thực sự, nhưng không thể không biết đâu là tà ác thực sự. Bởi vì tà ác là phi nhân tính, chỉ cần bạn còn nhân đạo là có thể phân biệt được; bạn đã gia nhập lực lượng đấu tranh với tà ác thì tức là bạn không sai. ĐCSTQ tà ác bức hại Pháp Luân Công, đồng thời cũng bức hại Giáo hội và các chính tín chính giáo khác.

Đều biết là mạt thế đã đến rồi, đều biết là có đại chiến Chính-tà rồi, đều biết là sẽ có thẩm phán tối hậu rồi, đều biết ĐCSTQ là tà ác ở nhân gian rồi, thì vì sao những người “tín ngưỡng Thần” còn bị mê mờ?

Vì sao Thần lưu lại cho nhân loại sách «Khải Huyền»? Vì sao Thần lưu lại cho nhân loại sách tiên tri «Các Thế Kỷ», các loại dự ngôn và những lời khải thị? Lẽ nào để nói với nhân loại cứ âm thầm chờ đợi Đại Thẩm phán Tối hậu tới?

Không phải, Thần hy vọng con người có thể chiểu theo những lời khải thị trong «Khải Huyền» mà nhận rõ con thú tà ác và dấu ấn con thú, từ đó biết cách xóa dấu vết con thú như thế nào. Thần hy vọng con người có thể nhận rõ chính nghĩa và tà ác, từ đó bám gót Chiên Con chiến đấu chống lại tà ác trong trận chiến cuối cùng Armageddon, và xứng đáng lãnh ấn lên thiên quốc.

Nếu như một cá nhân mà ngay cả tà ác cũng không phân biệt được, hoặc biết ĐCSTQ là tà ác nhưng không có dũng khí đứng lên bảo vệ chính nghĩa, thì có thể được gọi là tin Thần không? Không thể, bởi vì người tín ngưỡng chân chính tất nhiên biết thế nào là công lý, tất nhiên biết cách để bảo vệ công lý.

Thời gian cuối cùng đã không còn nhiều, đại chiến Chính-tà đã đến giai đoạn cuối cùng rồi, hỡi những người tin Thần chân chính, các bạn còn đợi điều gì?

Có lẽ trong phán xét cuối cùng, câu đầu tiên mà Thượng Đế Toàn Năng sẽ hỏi bạn là: “Trong trận đại chiến tối hậu giữa chính và tà, con đã làm gì?”

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2008/2/6/50833.html



Ngày đăng: 25-05-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.