Tận giải «Các Thế Kỷ» của Nostradamus (37): Sau cách mạng văn hóa



Tác giả: Lực Thiên Quân

[Chanhkien.org]

Chương V: Tội ác của ĐCSTQ

Phần 7: Sau cách mạng văn hóa

Thời gian chấp chính ngắn ngủi của Hoa Quốc Phong

Các Thế Kỷ X, Khổ 32

Nguyên văn tiếng Pháp:

Le grand empire chacun an deuoit estre,
Vn sur les autres le viendra obtenir,
Mais peu de temps sera son regne & estre,
Deux ans aux naues se pourra soustenir.

Tiếng Anh:

The great empire, everyone would be of it,
One will come to obtain it over the others:
But his realm and state will be of short duration,
Two years will he be able to maintain himself on the sea.

Tiếng Việt:

Đế chế to lớn, mỗi người đều sẽ muốn nó,
Kẻ sẽ tới đoạt lấy nó vượt qua những người khác:
Nhưng Vương quốc và địa vị của hắn sẽ rất ngắn ngủi,
Hắn sẽ chỉ có thể duy trì trên biển được hai năm.

Bài thơ này tiên tri về năm 1976, sau khi Mao Trạch Đông chết, Hoa Quốc Phong trở thành người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thế nhưng thời gian chấp chính thực tế của ông ta chỉ là 2 năm ngắn ngủi.

Mấu chốt để phá giải bài thơ tiên tri này nằm tại câu thơ thứ tư, ở trên bề mặt thì là nói: Một Quốc vương nào đó duy trì 2 năm trên biển, điều này khiến rất nhiều người khó lý giải. Thực ra, trong «Các Thế Kỷ», chữ “biển” (the sea), trong rất nhiều tình huống là chỉ “Trung Nam Hải” tại Bắc Kinh; ví dụ trong Phần 1 Chương I, Các Thế Kỷ I, Khổ 41, câu thơ thứ hai nói: “Rất ít người chạy thoát; một trận chiến cách biển không xa“, tiên tri về cuộc thảm sát Thiên An Môn cách Trung Nam Hải không xa; hoặc Phần 5 Chương V, Các Thế Kỷ IV, Khổ 15, câu thơ thứ ba nói: “Con mắt của biển qua sự tham lam của loài chó“, tiên tri sự tham lam của ĐCSTQ chính là nguyên nhân dẫn tới nạn đói lớn.

Câu thơ đầu tiên “Đế chế to lớn, mỗi người đều sẽ muốn nó” tiên tri sau khi Mao Trạch Đông chết, Trung Quốc xảy ra đấu tranh quyền lực kịch liệt trong nội bộ: Một phe là Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, gọi là “tứ nhân bang”; Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh, v.v. là một phe khác. Đầu năm 1976, sau khi Thủ tướng Chu Ân Lai của ĐCSTQ chết, dưới sự ủng hộ của Mao, “tứ nhân bang” phát động cuộc vận động “phản kích lật đổ hữu khuynh” để đánh đổ Đặng Tiểu Bình; tuy nhiên kế hoạch đưa Trương Xuân Kiều lên làm Thủ tướng của “tứ nhân bang” đã không thực hiện được.

Câu thơ thứ hai “Kẻ sẽ tới đoạt lấy nó vượt qua những người khác” tiên tri Hoa Quốc Phong bất ngờ “vượt qua những người khác” để trở thành người nối nghiệp Mao Trạch Đông, tức người lãnh đạo ĐCSTQ sau khi Mao chết. Năm 1975, Hoa Quốc Phong mới chỉ đảm nhiệm chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công an; sau khi Chu Ân Lai chết, Mao Trạch Đông đã chỉ định Hoa Quốc Phong “trung thành” không chớp mắt thế chỗ Chu Ân Lai, đảm nhiệm chức Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Trung ương ĐCSTQ; ông ta là người kế vị được Mao chọn. Sau khi Mao qua đời, địa vị người kế vị của Hoa Quốc Phong đã bị phe Giang Thanh khiêu chiến. Tháng 10 năm 1976, với sự giúp đỡ của phe Diệp Kiếm Anh, Hoa Quốc Phong bắt “tứ nhân bang”, sau đó kế nhiệm Mao để trở thành Chủ tịch Trung ương ĐCSTQ kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, trở thành người lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ.

Hai câu thơ sau “Nhưng Vương quốc và địa vị của hắn sẽ rất ngắn ngủi; Hắn sẽ chỉ có thể duy trì trên biển được hai năm” tiên tri rằng địa vị lãnh đạo tối cao của Hoa Quốc Phong trên thực tế chỉ kéo dài có 2 năm. Tháng 10 năm 1976, Hoa Quốc Phong trở thành người lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ; tuy nhiên do ông ta tiếp tục khẳng định chính sách và lý luận cách mạng văn hóa, đề xuất “hai cái phàm là”, nên đã bị phê bình là “lệch sang đường tối cực tả”. Hai năm sau, vào tháng 12 năm 1978, trong hội nghị Trung ương ĐCSTQ, Hoa Quốc Phong phải theo “hình thức truyền thống” để tiến hành tự phê bình, kết thúc sự nghiệp lãnh đạo tối cao của mình (mấy năm sau, ông ta từ chức toàn bộ chức vụ lãnh đạo). Lần hội nghị này đã xác lập địa vị lãnh đạo tối cao trên thực tế của Đặng Tiểu Bình.

Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương

Các Thế Kỷ VI, Khổ 52

Nguyên văn tiếng Pháp:

En lieu du grand qui sera condamné,
De prison hors son amy en sa place :
L’espoir Troyen en six mois ioint mort nay.
Le Sol à l’vrne seront prins fleuues en glace.

Tiếng Anh:

In place of the great one who will be condemned,
Outside the prison, his friend in his place:
The Trojan hope in six months joined, born dead,
The Sun in the urn rivers will be frozen.

Tiếng Việt:

Tại nơi của kẻ vĩ đại, người sẽ bị buộc tội,
Bên ngoài nhà tù, bạn của hắn tại vị trí:
Gia nhập hy vọng của Tơ-roa trong 6 tháng, sinh ra đã chết,
Mặt trời trong cái vạc, các dòng sông sẽ đóng băng.

Bài thơ này tiên tri về cuối những năm 1980, Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang chịu phê bình và phải từ chức, sau đó Triệu Tử Dương thay thế chức vụ của ông, dẫn tới phong trào dân chủ 4/6, v.v.

Câu thơ đầu tiên “Tại nơi của kẻ vĩ đại, người sẽ bị buộc tội” tiên tri năm 1987 tại Trung Quốc, Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang bị các nguyên lão ĐCSTQ “trách móc”, cho rằng ông dung túng khuynh hướng tự do hóa giai cấp tư sản và các phần tử trí thức, yêu cầu ông từ chức; đồng thời, Đặng Tiểu Bình chỉ trích Hồ Diệu Bang vô trách nhiệm trong cuộc vận động sinh viên năm 1986; năm ấy Hồ Diệu Bang bị bức bách phải từ chức.

Từ năm 1981 đến năm 1987, Hồ Diệu Bang, người đảm nhiệm chức Tổng bí thư ĐCSTQ, là một lãnh đạo tương đối cởi mở hiếm có trong lịch sử ĐCSTQ. Trong thời kỳ tại chức, ông chủ trương đẩy mạnh sửa sai án oan, gọi là “trở về chính nghĩa”, lãnh đạo “cải cách mở cửa”, đề xướng “giải phóng tư tưởng”. Đối với áp bức và thống trị trước đây của ĐCSTQ đối với dân tộc thiểu số, Hồ Diệu Bang đã tiến hành một số “sửa sai” và áp dụng chính sách dân tộc khá ôn hòa. Tuy nhiên, chính sách “khai sáng” và “thân dân” của Hồ Diệu Bang đã đi ngược lại con đường đấu tranh tàn khốc và hủy diệt nhân tính trong cách mạng văn hóa của ĐCSTQ; trong tâm lý ông vẫn còn sót lại lợi ích của nhân dân, là điều mà bản tính tà ác của ĐCSTQ khó dung thứ; do đó cuối cùng ông đã bị ĐCSTQ thanh trừ.

Câu thơ thứ hai “Bên ngoài nhà tù, bạn của hắn tại vị trí” tiên tri rằng sau khi Hồ Diệu Bang bị ép phải từ chức, thực ra ông đã bị ĐCSTQ “giam lỏng”, một hình thức quản thúc “bên ngoài nhà tù”; “bạn của hắn tại vị trí” là chỉ Triệu Tử Dương trở thành tân Tổng bí thư. “Bạn của hắn” là nói Triệu Tử Dương cũng giống như Hồ Diệu Bang, đều là người còn có lương tri, còn có nhân tính; do đó 2 năm sau, ông cũng bị ĐCSTQ thanh trừ, “giam lỏng” 15 năm, tới tận năm 2005 khi ông qua đời.

Câu thơ thứ ba “Gia nhập hy vọng của Tơ-roa trong 6 tháng, sinh ra đã chết” tiên tri về sự thất bại của phong trào dân chủ ngày 4 tháng 6 năm 1989. “6 tháng” ở đây là chỉ tháng 6 năm 1989; “hy vọng của Tơ-roa” là chỉ hy vọng của dân tộc Trung Hoa. “Tơ-roa” là tổ tiên của Đế chế La Mã; Đế chế La Mã trong «Các Thế Kỷ» thực ra rất nhiều khi không phải chỉ Đế chế La Mã thật. Ở đây chúng ta có thể lý giải rằng đó là Trung Quốc, như vậy “hy vọng của Tơ-roa” chính là hy vọng dân tộc Trung Hoa để thoát khỏi sự kìm kẹp của ĐCSTQ, là hy vọng phục hưng dân tộc. Phong trào dân chủ của nhân dân và sinh viên yêu nước năm 1989 chính là một loại hy vọng, thế nhưng nó cũng có số phận bi thảm như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, mới “gia nhập” đã bị ĐCSTQ bóp chết, “sinh ra đã chết”; rất nhiều thanh niên yêu nước đã bị ĐCSTQ tà ác thảm sát.

Câu thơ cuối cùng “Mặt trời trong cái vạc, các dòng sông sẽ đóng băng” tiên tri sau cuộc thảm sát ngày 4/6, trên mảnh đất Trung Quốc là một cảnh tượng tiêu điều “các dòng sông sẽ đóng băng”. “Mặt trời trong cái vạc” ở đây có hai ý nghĩa lớn: Thứ nhất là mật mã thời gian; “Mặt trời trong cái vạc” tương đương với “Mặt trời tại chòm sao Bảo Bình”. Cung Bảo Bình (Aquarius) có thời gian từ 20 tháng 1 đến 18 tháng 2, tương đương tháng “Sửu” theo Nông lịch; trong Ngũ Hành “Sửu” là “Thổ”, “Mặt trời” là “Hỏa”; năm 1989 chính là năm “Kỷ Tỵ” theo Nông lịch, tức “Thổ Hỏa” theo Ngũ Hành. Ngoài ra, khi «Các Thế Kỷ» nói về thời mạt kiếp của vũ trụ thì “Mặt trời” thường là chỉ “Pháp Luân Đại Pháp, như trong Phần 3 Chương III, Các Thế Kỷ VII, Khổ 14 dùng “Những cái vạc (nước) cổ xưa bất hủ sẽ được mở ra” để tiên tri về sự hồng truyền của Pháp Luân Đại Pháp. Như vậy, “Mặt trời trong cái vạc” có thể biểu thị rằng “vạc nước cổ xưa” vẫn chưa được mở ra, cũng chính là “Pháp Luân Đại Pháp” còn chưa bắt đầu hồng truyền. Do đó mới có cảnh tượng “các dòng sông sẽ đóng băng” sau cuộc thảm sát ngày 4/6 tại Thiên An Môn và trước khi “Pháp Luân Đại Pháp” hồng truyền.

Pháp luật của ĐCSTQ là hư giả

Các Thế Kỷ IV, Khổ 11

Nguyên văn tiếng Pháp:

Celuy qu’aura couuert de la grand cappe,
Sera induit à quelque cas patrer :
Le douze rouges viendront souiller la nape,
Soubs meurtre, meurtre se viendra perpetrer.

Tiếng Anh:

He who will have the government of the great cope
Will be prevailed upon to perform several deeds:
The twelve red one who will come to soil the cloth,
Under murder, murder will come to be perpetrated.

Tiếng Việt:

Hắn, kẻ sẽ khoác lên chiếc áo hành lễ lớn của chính phủ
Sẽ bị thuyết phục để biểu diễn một vài hành động:
12 kẻ màu đỏ, người sẽ làm vấy bẩn chiếc khăn trải bàn,
Dưới sự mưu sát, mưu sát rồi sẽ được thực thi.

Bài thơ này tiên tri về cái gọi là “pháp luật” của ĐCSTQ hoàn toàn chỉ là mánh lới để lừa người.

Hai câu thơ đầu “Hắn, kẻ sẽ khoác lên chiếc áo hành lễ lớn của chính phủ; Sẽ bị thuyết phục để biểu diễn một vài hành động” tiên tri về các viên chức tư pháp của ĐCSTQ, bao gồm quan tòa, biện lý, cảnh sát, v.v. Mặc dù khoác lên chiếc áo quan tòa, biện lý, cảnh sát, v.v. nhưng tất cả chỉ là hình thức. Đặc biệt quan tòa ĐCSTQ thường mặc trường bào hoặc đồng phục quan tòa, nhưng chỉ để “biểu diễn một vài hành động”. Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, Trung Quốc có hiến pháp, các bộ luật, v.v., pháp luật còn nói: “Con người ta là bình đẳng trước pháp luật”, thế nhưng hết thảy đều là giả dối.

Hai câu thơ sau “12 kẻ màu đỏ, người sẽ làm vấy bẩn chiếc khăn trải bàn; Dưới sự mưu sát, mưu sát rồi sẽ được thực thi” tiên tri rằng bản chất chế độ tư pháp ĐCSTQ chẳng qua chỉ là công cụ để đàn áp nhân dân. Các quốc gia Tây phương có chế độ bồi thẩm đoàn 12 người, tội phạm tình nghi có tội hay vô tội là do bồi thẩm đoàn 12 người quyết định, do đó thực tế là bồi thầm đoàn sẽ quyết định vận mệnh của nghi phạm trong phiên tòa. Câu thơ nói “12 kẻ màu đỏ, người sẽ làm vấy bẩn chiếc khăn trải bàn (trong phiên tòa)”, chính là nói cả 12 người trong bồi thẩm đoàn đều là người của ĐCSTQ; trong «Các Thế Kỷ», “kẻ màu đỏ” (the red one) thường dùng để chỉ người cộng sản. Cũng có nghĩa là: Nghi phạm có tội hay vô tội, vận mệnh ra sao, hoàn toàn là do ĐCSTQ quyết định; tòa án chẳng qua chỉ là đài diễn kịch mà thôi, cái gọi là “pháp luật” của ĐCSTQ hoàn toàn là đồ giả.

Câu thơ cuối cùng “Dưới sự mưu sát, mưu sát rồi sẽ được thực thi” khiến người Tây phương rất khó lý giải. Thực ra dưới luật pháp giả của ĐCSTQ, thì chính là “thẩm phán bắt tội mưu sát để tiến hành mưu sát”. Vấn đề này được phân ra làm hai tình huống. Tình huống thứ nhất chính là dưới pháp luật giả của ĐCSTQ, coi mạng người như cỏ rác là chuyện xảy ra như cơm bữa. Hệ thống công an-kiểm sát-tư pháp của ĐCSTQ hoàn toàn không có khái niệm nhân quyền, đối với kẻ tình nghi thì tra tấn bức cung là một hiện tượng phổ biến. Do đó, trong khi điều tra phá án, ĐCSTQ thường dùng tra tấn bức cung để khiến những người vô tội phải thừa nhận tội giết người, sau đó kết án tử hình họ, kết quả là “Dưới sự mưu sát, mưu sát rồi sẽ được thực thi”. Ví dụ năm 1994, tại thôn Khổng Trại ở ngoại ô thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, có một người thôn nữ nọ bị kẻ gian giết hại; công an ĐCSTQ sau đó đã đưa thôn dân Nhiếp Thụ Bân ở gần đó tới xét hỏi. Sau khi chịu đựng đủ loại tra tấn và đánh đập để ép cung, Nhiếp Thụ Bân cuối cùng đã phải thừa nhận toàn bộ, kết quả bị tòa án ĐCSTQ kết án tử hình; án tử hình được thực thi vào năm 1995. 10 năm sau, hung thủ thực sự của vụ án này là Vương Thư Kim mới bị cảnh sát ở vùng khác bắt được; hắn đã thừa nhận toàn bộ hành vi sát nhân năm xưa, thế nhưng Nhiếp Thụ Bân vô tội đã sớm bị hệ thống tư pháp của ĐCSTQ “mưu sát” rồi. Cục Công an “mưu sát” này thậm chí còn khoe khoang: “Các án mạng phàm trong phạm vi quản lý của chúng tôi thì đều bị phá hết, không có án tồn đọng bao giờ.” Lại như trong án mạng năm 2006 tại huyện Hưng Nhân, tỉnh Quý Châu, công an khẩn cấp điều tra phá án, bắt được một người hàng xóm là tù phạm mãn hạn mới được thả ra, đúng là “đối với hành vi phạm tội thì thú nhận hết”. Thế nhưng rất nhiều người cho rằng nghi phạm chính là vì bị công an ĐCSTQ đánh đập bức cung tàn nhẫn tới mức phải chịu làm “con dê thế mạng”, bởi vì chính công an ĐCSTQ đã thừa nhận vụ án này là “đầy rẫy thiếu sót”. Cách làm “Dưới sự mưu sát, mưu sát rồi sẽ được thực thi” này của công an ĐCSTQ quả là hết thuốc chữa.

Một tình huống khác chính là, ĐCSTQ lợi dụng cái gọi là “pháp luật” để giết người trong thời kỳ đầu kiến lập chính quyền, tùy tiện bịa đặt tội danh “phản cách mạng” hoặc “gián điệp” là đã có thể kết án tử hình, chế tạo khủng bố đỏ. Ở một phương diện khác, mỗi khi ở Trung Quốc có kháng nghị dân chủ thị uy, ĐCSTQ lại phái đặc vụ tới chế tạo sự kiện bạo lực tại hiện trường, thậm chí không tiếc giết người, lấy cớ trấn áp “bạo loạn phản cách mạng” để thảm sát vô số quần chúng kháng nghị. Cuối cùng, ĐCSTQ tra tấn bức cung một số “hung thủ bạo loạn” và đem họ xử tử.

Nhân loại thời mạt kiếp

Các Thế Kỷ VIII, Khổ 14

Nguyên văn tiếng Pháp:

Le grand credit, d’or d’argent l’abondance
Aueuglera par libide l’honneur :
Cogneu sera d’adultere l’offense,
Qui paruiendra à son grand deshonneur.

Tiếng Anh:

The great credit of gold and abundance of silver
will cause honor to be blinded by lust;
the offense of the adulterer will become known,
which will occur to his great dishonor.

Tiếng Việt:

Tín dụng lớn của vàng và sự dư dật của bạc
Sẽ khiến danh dự bị đui mù bởi sự thèm khát;
Tội lỗi của kẻ ngoại tình sẽ trở nên phổ biến,
Thứ sẽ xảy ra với nỗi ô nhục lớn của hắn ta.

Bài thơ này tiên tri về nhân loại thời mạt kiếp với tiền bạc là tối thượng, đạo đức tiêu vong, sắc dục tràn lan, mất hết nhân cách để làm người.

Nội dung bài thơ này rất dễ hiểu, nó miêu tả một xã hội với nền đạo đức băng hoại, mà đạo đức của nhân loại lại chính là ranh giới xác định nhân cách để làm người. Nhân loại đã tự mình phá bỏ tất cả ranh giới này, đây chính là thời mạt kiếp.

Hy vọng cứu độ duy nhất của nhân loại thời mạt kiếp, cũng chính là cơ hội được cứu độ duy nhất của nhân loại lần này, chính là tiêu điểm của những lời tiên tri trong «Các Thế Kỷ»: Đại Pháp vũ trụ “Chân-Thiện-Nhẫn” mà Vũ trụ Chủ Thần hồng truyền tại nhân gian; đây là sự cứu độ từ bi nhất đối với chúng sinh trong toàn vũ trụ. Thế nhưng, khi Đại Pháp vũ trụ hồng truyền tại Trung Quốc Đại Lục, Đại Pháp đã gặp phải trấn áp tàn khốc của thế lực tà ác ĐCSTQ. Không những không thừa nhận “Chân-Thiện-Nhẫn”, ĐCSTQ còn tuyên truyền “giả, ác, bạo”, khiến đạo đức tại Trung Quốc Đại Lục trượt dốc không phanh.

Hai câu thơ đầu “Tín dụng lớn của vàng và sự dư dật của bạc; Sẽ khiến danh dự bị đui mù bởi sự thèm khát” tiên tri về một xã hội coi tiền bạc là tối thượng, mọi người đều chạy theo lợi, chỉ vì tiền mà bất chấp cả nhân cách và nhân tính; đây cũng chính là hiện tượng phổ biến tại Trung Quốc Đại Lục ngày nay. Như trước đã nói, dưới sự thống trị của tà giáo ĐCSTQ, danh xưng “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” chính là đồ giả; hơn nữa những thứ giả khác còn lan tràn khắp nơi, nào là thương hiệu giả, thuốc lá giả, rượu giả, văn bằng giả, thậm chí cả nghiên cứu khoa học cũng toàn là giả. Toàn bộ Trung Quốc biến thành một xã hội lừa đảo chạy theo tiền, chỉ để có tiền mà bất chấp lương tâm. Trước đây thuốc lá giả, rượu giả thì cũng chỉ là chất lượng sản phẩm không tốt, mạo nhận nhãn hiệu nổi tiếng, còn hiện tại thì nào là thuốc lá nhiễm độc, rượu nhiễm độc, thực phẩm nhiễm độc, thịt heo nhiễm thạch tín, sữa nhiễm melamine v.v. tất cả chỉ là vì cầu tài mà hại mệnh. Đạo đức xã hội xuống dốc chính là kết quả tất yếu của việc ĐCSTQ tà ác bức hại tín ngưỡng “Chân-Thiện-Nhẫn”.

Hai câu thơ sau “Tội lỗi của kẻ ngoại tình sẽ trở nên phổ biến; Thứ sẽ xảy ra với nỗi ô nhục lớn của hắn ta” tiên tri về một xã hội với sắc dục tràn lan; điều này còn nghiêm trọng hơn dưới sự thống trị của ĐCSTQ tà ác. Sắc dục tràn lan tại Trung Quốc, chính là bắt nguồn từ đạo đức luân tang trong một xã hội tuyên dương “giả, ác, bạo”. Ở bề ngoài, ĐCSTQ trấn áp hành vi mại dâm; loại “trấn áp” này chính là công an cảnh sát Trung Quốc “phạt tiền” để bỏ túi riêng. Trên thực tế, hệ thống công an-kiểm sát-tư pháp Trung Quốc vừa là kẻ bảo hộ, vừa là kẻ hướng lợi từ ngành công nghiệp mại dâm; cảnh sát-kỹ nữ-khách làng chơi đã trở thành một loại quan hệ cộng sinh. Cái gọi là “cải cách” của ĐCSTQ đã bỏ hàng trăm triệu công nhân Trung Quốc lại đằng sau; họ không dễ kiếm việc, cuộc sống gian nan, việc gì cũng có thể làm chỉ để kiếm sống qua ngày. Điều này đã gián tiếp tạo nên một đội quân “gái mại dâm” với hàng chục triệu người phân bố khắp toàn quốc, còn có người bị bán ra nước ngoài; tại Trung Quốc, đâu đâu cũng là cảnh tượng “kỹ nữ phồn vinh”. Thế nhưng ngành công nghiệp mại dâm tại Trung Quốc lại là một loại bạo lực phi nhân tính, ở đâu cũng có thể thấy; rất nhiều thiếu nữ vô tội bị bán làm kỹ nữ, thậm chí cả trẻ vị thành niên cũng không tha. Có người ước tính chỉ riêng tỉnh Quảng Đông đã có hàng vạn thiếu nữ bị ép làm gái mại dâm; chỉ để kiếm lời và hưởng lạc, rất nhiều người đã vứt bỏ nhân tính và đạo đức của chính mình.

Về vấn đề “Tội lỗi của kẻ ngoại tình sẽ trở nên phổ biến”, thì những “hình mẫu” cán bộ ĐCSTQ rõ ràng là đã đổ thêm dầu vào lửa. Nguyên cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân là một đại dâm tặc, rất nhiều tình nhân của ông ta như Hoàng Lệ Mãn, Tống Tổ Anh, v.v. nhờ cặp với ông ta mà trở nên phát tài; thế là sau đó, quan chức các cấp của ĐCSTQ cũng không chịu thua. Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Khâu Hiểu Hoa không chỉ dính líu đến trùng hôn, có con riêng, mà còn ngoại tình với 29 phụ nữ khác; Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Giang Tô Từ Kỳ Diệu còn phá vỡ kỷ lục, bao nuôi 140 tình nhân, trong đó có một đôi là mẹ con. Bí thư Thị ủy thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc Trương Nhị Giang có quan hệ bất chính với 107 phụ nữ; Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Dệt tỉnh Hải Nam Lý Khánh Phố từng viết một cuốn nhật ký chơi gái dày 95 trang. Hiện tại, gần như quan tham Trung Quốc nào cũng đều cũng đều bao nuôi tình phụ, cuối cùng phát triển tới mức mà quan chức nào không có một, hai tình phụ thì bị các quan chức khác không coi ra gì. Chính “sự thối rữa” của các quan chức ĐCSTQ này đã kéo theo toàn bộ xã hội, khiến “tội lỗi của kẻ ngoại tình sẽ trở nên phổ biến”.

Cảnh tượng thời mạt kiếp trong bài thơ tiên tri tựa như tấm gương phản chiếu xã hội Trung Quốc thời hiện tại. Đạo đức xã hội Trung Quốc vì sao lại bại hoại đến nông nỗi này? Nguyên nhân chính là ĐCSTQ tà ác đã bức hại “Chân-Thiện-Nhẫn”, cơ sở của nền đạo đức nhân loại. Mọi người thử nghĩ xem, chẳng phải những thứ suy đồi này đã đồng loạt lan tràn tại Trung Quốc từ năm 1999, sau khi ĐCSTQ trấp áp Pháp Luân Công?

Nếu như xã hội nhân loại mất đi tiêu chuẩn đạo đức để làm người, mất đi nhân cách con người, thì tất nhiên phải bị Trời trừng phạt. “Đại đào thải” được tiên tri trong «Các Thế Kỷ» đã không còn xa nữa; chỉ bằng cách khôi phục tiêu chuẩn đạo đức thì con người mới có hy vọng thoát khỏi vận mệnh bị đào thải.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2008/5/2/52617.html



Ngày đăng: 12-06-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.