Tận giải «Các Thế Kỷ» của Nostradamus (38): Đông Âu tan rã



Tác giả: Lực Thiên Quân

[Chanhkien.org]

Chương V: Tội ác của ĐCSTQ

Phần 8: Biến động tại Đông Âu, khối cộng sản tan rã

Trào lưu dân chủ

Các Thế Kỷ IX, Khổ 66

Nguyên văn tiếng Pháp:

Paix, vnion sera & changement,
Estats, Offices, bas hault, & hault bien bas.
Dresser voyage, le fruict premier, torment,
Guerre cesser, ciuils proces, debats.

Tiếng Anh:

There will be peace, union and change,
Estates, offices, low high and high very low:
To prepare a trip, the first offspring torment,
War to cease, civil process, debates.

Tiếng Việt:

Sẽ có hòa bình, đoàn kết và thay đổi,
Nhà ở, chức vụ, thấp cao và cao rất thấp:
Để chuẩn bị một chuyến đi, nỗi thống khổ con cái đầu tiên,
Chiến tranh chấm dứt, quy trình công dân, những cuộc tranh luận.

Từ hơn 400 năm trước, bài thơ này đã tiên tri về sự xuất hiện của chính thể dân chủ phương Tây, đặc biệt là sau Đại Thế chiến II, chính thể dân chủ đã trở thành một trào lưu trên toàn thế giới.

Câu thơ đầu tiên “Sẽ có hòa bình, đoàn kết và thay đổi” tiên tri rằng sau khi chiến tranh kết thúc (“sẽ có hòa bình”), tại các quốc gia, những người với cùng quan điểm chính trị và “đoàn kết” sẽ thành lập một chính đảng, thông qua tuyển cử dân chủ để thành lập chính phủ, với hy vọng “thay đổi” cách làm việc của đất nước.

Câu thơ thứ hai “Nhà ở, chức vụ, thấp cao và cao rất thấp” tiên tri về sự thay đổi trong chức vụ và đãi ngộ đối với những người lãnh đạo trúng cử. Tổng thống được dân bầu tại một quốc gia dân chủ thì trước tiên phải trúng cử vào nghị viên hoặc vị trí lãnh đạo địa phương, tích lũy kinh nghiệm chính trị, lại thông qua tranh cử toàn quốc để giành thắng lợi và trở thành Tổng thống quốc gia; đây chính là điều mà câu thơ nói là “chức vụ, (từ) thấp (tới) cao”. Đồng thời, Tổng thống sau khi trúng cử sẽ bắt đầu một nhiệm kỳ, trong nhiệm kỳ phải thay đổi nơi ở, hưởng thụ đãi ngộ Tổng thống; đây chính là “nhà ở, (từ) thấp (tới) cao”. Chức vị Tổng thống là đỉnh điểm trong sự nghiệp của một chính trị gia; do đó, tuyệt đại đa số Tổng thống sau khi mãn nhiệm thì không tranh cử làm nghị viên Quốc hội hoặc quan chức địa phương nữa, mà rời sự nghiệp chính trị để trở thành một công dân bình thường; đây chính là “(từ) cao (xuống) rất thấp”.

Câu thơ thứ ba “Để chuẩn bị một chuyến đi, nỗi thống khổ con cái đầu tiên” tiên tri rằng sau khi một Tổng thống dân cử mãn nhiệm kỳ, ông sẽ nhường lại chức vị cho tân Tổng thống mới thắng cử, đồng thời đem phủ Tổng thống nhường lại “để chuẩn bị một chuyến đi”; đối với gia đình, “con cái” ông mà nói thì quả là có một chút “thống khổ đầu tiên”.

Câu thơ cuối cùng “Chiến tranh chấm dứt, quy trình công dân, những cuộc tranh luận” tiên tri rằng sau chiến tranh, các quốc gia dân chủ tiến hành tuyển cử, đồng thời tiên tri về quy trình ra chính sách dân chủ thường ngày. “Quy trình công dân” ở đây bao gồm quy trình tuyển cử dân chủ tại các cấp, tất nhiên bao gồm cả tổng tuyển cử quốc gia, cũng bao gồm chính sách ra quyết định dân chủ hàng ngày, chẳng hạn như tranh luận trong nghị viện, bỏ phiếu, v.v. “Những cuộc tranh luận” chính là đặc điểm nổi bật của hoạt động chính trị trong một xã hội dân chủ, trong đó mỗi cá nhân đều có quyền biểu đạt quan điểm riêng của mình về mọi vấn đề. Thông qua thảo luận và biện luận, người ta phát biểu và triển khai quan điểm của mình, nhận được tán đồng và lý giải của người khác, cuối cùng xuất hiện bỏ phiếu để ra quyết định. Trước “biện luận”, sau bỏ phiếu; đây chính là hai hoạt động chủ yếu trong sinh hoạt chính trị dân chủ, cũng chính là hoạt động chủ yếu của nghị viện các cấp.

Hiện tại chúng ta xem lại chính thể dân chủ hiện đại thì cảm thấy rằng sự việc là rất tự nhiên, thế nhưng vào thế kỷ 16 thời Nostradamus sống, con người chỉ biết đến chế độ quân chủ qua hàng ngàn năm, đối với chính thể dân chủ thì ngay cả tưởng tượng thôi cũng khó. Tuy nhiên dự ngôn «Các Thế Kỷ» đã tiên tri chuẩn xác hết thảy những điều này.

Khối cộng sản Đông Âu sụp đổ

Các Thế Kỷ III, Khổ 4

Nguyên văn tiếng Pháp:

Quand seront proches le deffaut des lunaires,
De l’vn à l’autre ne distant grandement :
Froid, siccité, danger vers les frontieres,
Mesme où l’oracle a prins commencement.

Tiếng Anh:

When they will be close the lunar ones will fail,
From one another not greatly distant,
Cold, dryness, danger towards the frontiers,
Even where the oracle has had its beginning.

Tiếng Việt:

Khi đến gần Mặt trăng, chúng sẽ thất bại,
Từ một nơi khác cách đó không xa,
Lạnh lẽo, khô hạn, nguy hiểm tới biên giới,
Ngay cả nơi lời Thánh dạy được bắt đầu.

Bài thơ này tiên tri về sự sụp đổ hoàn toàn của khối cộng sản Đông Âu vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ 20; nhân dân Đông Âu cuối cùng đã thoát khỏi gông cùm của chủ nghĩa cộng sản.

Câu thơ đầu tiên “Khi đến gần Mặt trăng, chúng sẽ thất bại” thuyết minh thời gian chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu sụp đổ là “khi đến gần Mặt trăng”. Tại những phần trước, chúng ta đã biết rằng “thời kỳ thống trị của Mặt trăng” trong «Các Thế Kỷ» là lúc mà Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền tại Trung Quốc gặp can nhiễu và phá hoại từ thế lực tà ác, cho tới thời kỳ chịu bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); như vậy “khi đến gần Mặt trăng” chính là thời gian trước khi Pháp Luân Công được truyền ra công chúng. Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu được truyền xuất tại Trung Quốc đại lục vào năm 1992, trong khi Liên Xô chính thức giải thể là vào tháng 12 năm 1991, toàn bộ khối cộng sản Đông Âu (trong bài thơ gọi là “chúng”) sụp đổ. Từ năm 1989 khi cục diện chính trị Ba Lan bắt đầu biến động cho tới khi Liên Xô giải thể năm 1991 thì chỉ vẻn vẹn có 3 năm; khối cộng sản Đông Âu tưởng như rất lớn mạnh trước đây bỗng nhiên đồng loạt tự đổ sập như những quân đô-mi-nô. Thực ra, cho dù bề ngoài chính quyền ấy có hùng mạnh cỡ nào, nếu như Thần đã an bài hủy diệt nó thì tất nhiên nó sẽ bị hủy diệt. Tới khi Pháp Luân Đại Pháp cần được hồng truyền trên toàn thế giới, “thời kỳ thống trị của Mặt trăng” sắp đến, nếu như khối cộng sản Đông Âu vẫn còn tồn tại thì thế lực tà ác chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới sẽ là quá lớn, điều này là không được phép; do đó Thần đã an bài “chúng” sụp đổ trước; thế là trước năm 1992 có mấy ngày, toàn bộ Liên Xô chính thức giải thể. Tới hiện tại, ngày mà “Trời diệt Trung Cộng” đã sắp đến rồi.

Câu thơ thứ hai “Từ một nơi khác cách đó không xa” tiên tri về địa điểm của “chúng” được nhắc đến trong câu thơ thứ nhất; “chúng” chính là khối cộng sản Đông Âu do Liên Xô đứng đầu; như vậy “một nơi khác” là chỉ một quốc gia cộng sản khác, cũng chính là “Trung Quốc” dưới sự thống trị của ĐCSTQ. Trung Quốc nằm tại Châu Á, không thuộc bộ phận khối Đông Âu, thế nhưng lại tiếp giáp với Liên Xô, do đó mới nói “cách đó không xa”.

Hai câu thơ cuối “Lạnh lẽo, khô hạn, nguy hiểm tới biên giới; Ngay cả nơi lời Thánh dạy được bắt đầu”, tiến thêm một bước nữa, tiên tri về sự kiện lớn phát sinh tại “một nơi khác” (Trung Quốc): “nơi lời Thánh dạy được bắt đầu” là nơi Vũ trụ Chủ Thần, tức Cứu Thế Chủ được đề cập trong dự ngôn «Các Thế Kỷ» xuất sinh, cũng là nơi Đại Pháp vũ trụ được truyền ra. “Lạnh lẽo, khô hạn, nguy hiểm tới biên giới” ở đây chính là mô tả trạng thái vùng “biên giới” gần Liên Xô, tức tỉnh Cát Lâm ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Người sáng lập Pháp Luân Công sinh ra tại nơi đây, Pháp Luân Đại Pháp cũng chính được truyền xuất tại nơi đây; khí hậu vùng Đông Bắc Trung Quốc so với nước Pháp thì đúng là “lạnh lẽo” và “khô hạn”.

Bài thơ này nói về sự giải thể của Liên Xô và sự kiện Cứu Thế Chủ truyền xuất “lời Thánh dạy” (oracle); thời gian và địa điểm của hai sự kiện này là có quan hệ với nhau. Điều này chứng minh rằng người sáng lập Pháp Luân Công truyền xuất Pháp Luân Đại Pháp chính là truyền “lời Thánh dạy” để cứu vớt nhân loại và toàn vũ trụ.

Biến động tại Đông Đức và Rumani

Các Thế Kỷ VI, Khổ 77

Nguyên văn tiếng Pháp:

Par la victoire du deceu fraudulente,
Deux classes vne, la reuolte Germaine,
Le chef meurtry & son fils dans la tente,
Florence, Imole pourchassez dans Romaine.

Tiếng Anh:

Through the fraudulent victory of the deceived,
Two fleets one, German revolt:
The chief murdered and his son in the tent,
Florence and Imola pursued into Romania.

Tiếng Việt:

Thông qua chiến thắng gian lận của kẻ lừa dối,
Hai hạm đội trong một, cuộc nổi dậy của người Đức:
Thủ lĩnh bị sát hại và con trai ông ta trong túp lều,
Florence và Imola bị truy đuổi tới tận Rumani.

Bài thơ này tiên tri về biến động tại Đông Âu vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ 20; chính quyền cộng sản Đông Đức và Rumani lần lượt sụp đổ; hai địa danh này đều trực tiếp được đề cập trong bài thơ tiên tri.

Hai câu thơ đầu nói về diễn biến tại Đông Đức, trong đó “Thông qua chiến thắng gian lận của kẻ lừa dối; Hai hạm đội trong một” tiên tri rằng sau Đại Thế chiến II, ở bề ngoài thì nhân dân Đức được giải cứu khỏi sự thống trị của Đức Quốc Xã, nhưng đối với nhân dân miền Đông nước Đức sau khi bị Liên Xô chiếm đóng thì đây chính là “chiến thắng gian lận của kẻ lừa dối”. Sau khi thoát khỏi ách thống trị của Đức Quốc Xã, họ lại lạc vào nanh vuốt của chủ nghĩa cộng sản; tại vùng chiếm đóng, quân đội Liên Xô cướp bóc tài vật, hơn 1 triệu phụ nữ Đức đã bị quân Liên Xô cưỡng hiếp. Không những thế, tại các vùng Đông Âu chiếm được, Liên Xô cưỡng bức các quốc gia thành lập chính quyền cộng sản, trở thành khối cộng sản Đông Âu; khối này sau đó đã tiến hành chiến tranh Lạnh trường kỳ với Mỹ và các nước Tây Âu; nước Đức bị chia cắt thành Đông và Tây Đức, cũng chính là “Hai hạm đội trong một (quốc gia)”. Liên quan đến sự xuất hiện Đông Đức, trong Phần 2 Chương V, Các Thế Kỷ VI, Khổ 44 cũng có lời tiên tri tương tự.

Thế nhưng, nhân dân Đông Đức rất căm hận sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản, rất nhiều người Đông Đức đã chạy sang Tây Đức tự do; do đó Đông Đức đã dựng lên bức tường Berlin để chia cắt Đông, Tây. Tuy nhiên tới mấy thập niên sau, rất nhiều người Đông Đức vẫn mạo hiểm cả sinh mạng để chạy trốn sang Tây Đức. Năm 1989, tình hình khối cộng sản Đông Âu phát sinh biến hóa; Đông Đức nới lỏng quản lý xuất cảnh đối với công dân, kết quả xuất hiện đợt đào thoát lớn thứ 3 trong lịch sử Đông Đức. Đặc biệt sau cuộc thảm sát Thiên An Môn kinh hoàng ngày 4/6 tại Trung Quốc, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Đức tới thăm Bắc Kinh đã ngang nhiên tán thưởng hành động tàn bạo dùng xe tăng đàn áp sinh viên của ĐCSTQ. Khi tin tức truyền tới Đông Đức, sự tuyệt vọng và bất mãn của nhân dân Đông Đức đối với chủ nghĩa cộng sản càng gia tăng, rất nhiều người Đông Đức tuyệt vọng đã chọn cách trốn chạy. Chỉ trong năm ấy, số người dân từ Đông Đức chạy sang Tây Đức đã lên tới 34 vạn người; đồng thời các thành phố lớn tại Đông Đức, bao gồm Leipzig, Dresden, Potsdam, Magdeburg, Jena, v.v. bùng phát những cuộc kháng nghị thị uy với quy mô khác nhau. Ngày 4 tháng 11 năm 1989, Đông Berlin bùng phát một cuộc tuần hành lớn với 50 vạn người tham dự; đến ngày 6 tháng 11, 50 vạn thị dân Leipzig đã xuống phố tuần hành. Dưới áp lực cực đại, chính phủ Đông Đức tuyên bố từ chức tập thể vào ngày 7 tháng 11; đến ngày 9 tháng 11, nước Cộng hòa Dân chủ Đức tuyên bố công dân không cần trình bày lý do đặc thù cũng có thể được làm hộ chiếu, cư dân Đông Đức được tự do di chuyển; không lâu sau, cư dân Đông Đức bắt đầu vượt bức tường Berlin để sang Tây Đức. Sau đó, bức tường Berlin từng khiến người ta sợ hãi nay vô tác dụng; cư dân hai nước Đức thực hiện di chuyển tự do; dân chủ hóa Đông Đức bắt đầu; sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Đức cuối cùng đã kết thúc.

Ngày 1 tháng 12, nghị viện Đông Đức thông qua hiến pháp tu chính án, xóa bỏ điều khoản về chính đảng lãnh đạo chủ nghĩa Marx và giai cấp công nhân trong hiến pháp.

Ngày 18 tháng 3 năm 1990, Đông Đức thực hiện tổng tuyển cử, Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Đức và Đảng Dân chủ Xã hội Đông Đức thành lập chính phủ liên hiệp phi cộng sản. Ngày 18 tháng 5, chính phủ mới của Đông Đức quyết định hợp nhất Đông Đức và Tây Đức; nước Đức thống nhất.

Hai câu thơ cuối “Thủ lĩnh bị sát hại và con trai ông ta trong túp lều; Florence và Imola bị truy đuổi tới tận Rumani” tiên tri về sự tan vỡ của một chính quyền cộng sản khác, đó là chính quyền cộng sản Rumani.

Cuối năm 1989, rối loạn trên đại lục Đông Âu lan tới Rumani; ngày 15 tháng 12, thành phố Timisoara ở biên giới Rumani phát sinh một cuộc thị uy quần chúng phản đối chính quyền cộng sản; ngày 17 tháng 12, hơn 1 vạn dân chúng Timisoara tiến hành một cuộc tuần hành thị uy, phản đối bạo chính cộng sản; cảnh sát an ninh được điều tới trấn áp, 24 người bị sát hại trong ngày hôm ấy. Ngày 20 tháng 12, đám quần chúng thị uy không sợ cường bạo, tiếp tục kháng nghị, số người lên tới 5 vạn. Cảnh sát an ninh được lệnh tàn sát không kiêng dè, 1 nghìn người bị sát hại trong ngày hôm ấy. Những ký giả ngoại quốc có mặt tại hiện trường gọi đây là “cuộc thảm sát Thiên An Môn của Rumani”. Sau này, tại vùng ngoại ô thành phố, người ta phát hiện được 3 ngôi mộ và đào lên được 4.500 thi thể.

Sau đó, tuần hành thị uy lần lượt lan khắp toàn quốc, tới tận thủ đô Bucharest. Ngày 22 tháng 12, phe quân đội dưới áp lực của nhân dân toàn quốc đã bày tỏ thái độ: không thể tàn sát nhân dân thêm nữa. Đồng thời, phe phản đối thành lập “mặt trận cứu quốc”, tuyên bố tiếp quản hết thảy quyền lực của chính phủ Rumani. Cùng ngày, lãnh đạo Đảng Cộng sản Rumani Ceausescu bị quần chúng nhận diện trong khi chạy trốn và lập tức bị bắt giữ. Ngày 25 tháng 12, vợ chồng Ceausescu bị áp giải tới một doanh trại quân đội thô sơ. Trải qua mấy tiếng đồng hồ xét xử trong “Tòa án quân sự đặc biệt”, Ceausescu bị phán tử hình và mệnh lệnh lập tức được chấp hành. Ceausescu bị giết trong khi những người con của ông ta bị bắt, trong đó con trai út của ông ta, người từng đảm nhiệm chức Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Rumani, bị bỏ tù tới tháng 8 năm 1996 thì chết vì bệnh gan. Do đó câu thơ tiên tri mới nói “Thủ lĩnh bị sát hại và con trai ông ta trong túp lều”.

Câu thơ cuối cùng “Florence và Imola bị truy đuổi tới tận Rumani”: cả Florence và Imola đều là những thành phố của Ý, nằm ở hai phía Đông, Tây miền Bắc nước Ý, ở đây biểu thị nền dân chủ tự do tại các quốc gia Tây phương. Nghĩa là tự do dân chủ Tây phương cuối cùng sẽ “truy đuổi tới tận Rumani”, bạo chính cộng sản cuối cùng sụp đổ.

Cái chết của nhà độc tài

Các Thế Kỷ IV, Khổ 84

Nguyên văn tiếng Pháp:

Vn grand d’Auserre mourra bien miserable
Chassé de ceux qui soubs luy ont esté,
Serré de chaisnes, apres d’vn rude cable,
En l’an que Mars Venus, Sol mis en esté.

Tiếng Anh:

A great one of Auxerre will die very miserable,
Driven out by those who had been under him:
Put in chains, behind a strong cable,
In the year that Mars, Venus and Sun are in conjunction in summer.

Tiếng Việt:

Đại nhân vật của Auxerre sẽ chết rất thảm thương,
Bị hất cẳng bởi những kẻ đã từng ở dưới mình:
Đặt trong xiềng xích, đằng sau một sợi dây bền chắc,
Trong năm Hỏa tinh, Kim tinh và Mặt trời giao hội vào mùa Hè.

Bài thơ này tiên tri vô cùng chính xác rằng vào năm 1989, lãnh đạo Đảng Cộng sản Rumani, nhà độc tài Ceausescu bị giết chết, bạo chính cộng sản tại Rumani kết thúc.

Câu thơ cuối cùng “Trong năm Hỏa tinh, Kim tinh và Mặt trời giao hội vào mùa Hè” hàm chứa mật mã thời gian phát sinh sự kiện. “Mặt trời giao hội vào mùa Hè” chỉ tháng 7 Dương lịch tương đương với tháng 6 Nông lịch, tức tháng “Ngọ”; bởi vì mùa Hè Nông lịch là ba tháng “Tỵ, Ngọ, Mùi”, mà “Ngọ Hỏa” là Dương; “Hỏa tinh, Kim tinh” biểu thị đây là tháng 6 “Kim Hỏa” theo Nông lịch, tức tháng “Canh Ngọ”, trước đó là tháng “Kỷ Tỵ”. Năm 1989 chính là năm “Kỷ Tỵ”, tháng 5 và tháng 6 Nông lịch của năm này cũng chính là tháng “Kỷ Tỵ” và “Canh Ngọ”.

Câu thơ đầu tiên “Đại nhân vật của Auxerre sẽ chết rất thảm thương”: “Auxerre” là một thành phố của Pháp, ở đây ám chỉ tên của một người, đó chính là “Ceausescu”. Như vậy, câu thơ này có thể được giải như sau: Tổng thống Rumani “Ceausescu” “sẽ chết rất thảm thương”. Ngày 25 tháng 12 năm 1989, Ceausescu và vợ Elena sau khi bị thẩm phán trong một “Tòa án quân sự đặc biệt” đã phải chịu án tử hình tức thì.

Câu thơ thứ hai “Bị hất cẳng bởi những kẻ đã từng ở dưới mình” tiên tri rằng sau khi bị truy lùng và bắt giữ, Ceausescu “bị hất cẳng bởi những kẻ đã từng ở dưới mình”; những người thể theo yêu cầu của nhân dân để phản bội ông ta chính là quân đội Rumani.

Ceausescu là nhà độc tài của Rumani; từ năm 1965, ông ta trở thành người lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Rumani. Trong tổng cộng 24 năm cầm quyền, Ceausescu, cũng giống như các nhà độc tài cộng sản khác, thông qua bạo chính tàn khốc để áp chế quyền tự do dân chủ của nhân dân; trong khi nhân dân sinh hoạt trong gian khổ thì gia tộc Ceausescu có không dưới 30 người đảm nhiệm các chức vụ chính trị quan trọng. Trong đó, 6, 7 người là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Rumani; nghe nói Trung ương Đảng Cộng sản Rumani mở hội nghị thì cũng giống như nhà Ceausescu họp gia đình vậy. Trong dân gian Rumani lưu truyền một truyện tiếu lâm chính trị mô tả cảnh tượng này, đó là: “Chủ nghĩa xã hội là một nhà”.

Năm 1989, khối cộng sản Đông Âu phát sinh rối loạn, cải cách chính trị có giới hạn trở thành lựa chọn của các chính quyền cộng sản. Tuy nhiên, để duy trì thể chế cộng sản độc tài, Ceausescu đã cự tuyệt cải cách, trái lại tăng cường bức hại các nhân sĩ dân chủ và tôn giáo trong nước. Tháng 9 năm 1989, phe đối lập trong nước Rumani tổ chức “mặt trận cứu quốc”, kêu gọi nhân dân toàn quốc có hành động kết thúc chính quyền độc tài.

Ngày 15 tháng 12, tại thành phố Timisoara ở biên giới Rumani, sự bức hại tín ngưỡng tôn giáo của đảng cộng sản đã dẫn tới sự phản kháng của nhân dân. Ngày 17 tháng 12, hơn 1 vạn dân chúng Timisoara đã tổ chức tuần hành thị uy, phản đối bạo chính cộng sản, hô to các khẩu hiệu “cần tự do”, “cần bánh mì”, “cần nước nóng”, “cần sưởi ấm”, “đả đảo Ceausescu”, v.v. Cảnh sát an ninh của đảng cộng sản đã được lệnh nổ súng trấn áp. Ngày 20 tháng 12, đám quần chúng thị uy không sợ cường bạo, tiếp tục kháng nghị, số người lên tới 5 vạn. Cảnh sát an ninh được lệnh tàn sát không kiêng dè, 1 nghìn người đã bị sát hại trong ngày hôm ấy. Những ký giả ngoại quốc có mặt tại hiện trường gọi đây là “cuộc thảm sát Thiên An Môn của Rumani”. Sau này, tại vùng ngoại ô thành phố, người ta phát hiện được 3 ngôi mộ và đào lên được 4.500 thi thể.

Sau đó, bạo hành của đảng cộng sản lan ra khắp toàn quốc, tuần hành thị uy của nhân dân hướng tới tận thủ đô Bucharest. Điều đáng cười là, đảng cộng sản lúc nào cũng tự mình tuyên truyền “vĩ đại, quang vinh, đúng đắn”, đến mức tự dối mình dối người. Sáng ngày 21 tháng 12 năm 1989, để biểu thị sự ủng hộ của nhân dân đối với đảng cộng sản như trước đây, Ceausescu đã triệu tập một đại hội quần chúng với 10 vạn người trên quảng trường trung tâm Bucharest. Khi ấy cảnh sát vây quanh đám nhân quần; người ta cầm ảnh Ceausescu, hô to khẩu hiệu “muôn năm” của đảng cộng sản, hết thảy tựa như không thay đổi gì so với mấy chục năm trước. Tuy nhiên, khi Ceausescu đang nói chuyện, cuối cùng một người dũng cảm đã lên tiếng, có người còn hét to “Timisoara”. Âm thanh này nhanh chóng lan truyền trong đám đông, cuối cùng người ta hô to: “Đem những người đã chết trả lại chúng tôi!”, “đả đảo kẻ giết người!”, “Ceausescu, chúng tôi mới là nhân dân!”, “đả đảo Ceausescu”. Chính những tiếng kêu gào này đã thay đổi lịch sử Rumani, trở thành một làn sóng dữ tạo nên lịch sử.

Sau đó Ceausescu ra lệnh quân đội nổ súng, thế nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Vasile Milea đã tự sát chứ không chịu hạ lệnh nổ súng vào nhân dân. Biết được cái chết của Bộ trưởng, Thứ trưởng thứ nhất không những không hạ lệnh nổ súng mà còn lệnh quân đội rút lui về doanh trại. Ceausescu buộc lòng phải chạy trốn.

Đám quần chúng thị uy tới 1 triệu người hướng về tòa nhà Trung ương đảng cộng sản; bộ đội nội vụ của Ceausescu đã xả súng vào nhân dân; binh lính quân đội thức tỉnh cuối cùng trở giáo, đứng về phía nhân dân chiến đấu; hai bên giao tranh kịch liệt. Vợ chồng Ceausescu bỏ chạy tới phố thì bị nhân dân la ó đuổi theo như chuột. 6 người bao che cho ông ta cũng bị nhân dân tìm thấy và hô đánh. Cuối cùng, Ceausescu bị dân chúng bắt được và giao nộp cho quân đội giam giữ. Ngày 25 tháng 12, trong một cơ sở quân đội, vợ chồng Ceausescu bị xét xử và mau chóng đưa đi tử hình. Lúc hành hình, vợ Ceausescu với danh hiệu Ủy viên Ban chấp hành Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Rumani đã hướng về phía binh sĩ hét to: “Làm sao các anh có thể bắn chúng tôi được; tôi từng quan tâm đến các anh; tôi là mẫu thân của các anh!” Một người lính đáp: “Không phải, bà không phải là mẹ chúng tôi; bà là hung thủ sát hại mẹ chúng tôi.” Cuối cùng, đúng như câu thơ thứ ba đã tiên tri, “Đặt trong xiềng xích, đằng sau một sợi dây bền chắc”, vợ chồng Ceausescu bị hành quyết bằng súng trường. Sau khi Ceausescu bị hành hình, nhân dân Rumani ăn mừng trong vòng mấy ngày để kỷ niệm giây phút thoát khỏi bạo chính cộng sản.

Liên Xô giải thể

Các Thế Kỷ IV, Khổ 80

Nguyên văn tiếng Pháp:

Pres du grand fleuue grand fosse terre egeste
En quinze part sera l’eau diuisee :
La cité prinse, feu, sang cris, conflit mestre,
Et la plus part concerne au collisee.

Tiếng Anh:

Near the great river, great ditch, earth drawn out,
In fifteen parts will the water be divided:
The city taken, fire, blood, cries, sad conflict,
And the greatest part related to a union.

Tiếng Việt:

Gần sông lớn, mương lớn, mặt đất bị khoét ra,
Trong mười lăm phần, nước sẽ bị chia ra:
Thành phố bị chiếm, lửa, máu, khóc lóc, xung đột bi thảm,
Và phần lớn nhất liên quan tới một liên minh.

Câu thơ thứ tư bản tiếng Anh đã được phiên dịch lại cho đúng; nguyên văn “collisee” lúc đầu được dịch thành “collision” (va chạm); thực ra, “collisee” ở đây chỉ “coaliser” có nghĩa là liên minh (union).

Bài thơ này tiên tri về sự giải thể của Liên Xô.

Hai câu thơ đầu “Gần sông lớn, mương lớn, mặt đất bị khoét ra; Trong mười lăm phần, nước sẽ bị chia ra”, ở bề mặt là nói về “sông lớn được phân dòng thành 15 phần”, phương thức phân dòng là “mương lớn, mặt đất bị khoét ra”. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy rõ rằng lời tiên tri này đã dùng phương pháp ẩn dụ; “sông lớn” ở đây đại biểu cho một quốc gia. Quốc gia này do 15 phần tổ hợp thành, nhưng bởi giữa chúng xuất hiện mâu thuẫn rất sâu sắc nên đã dẫn tới phân tách “Trong mười lăm phần, nước sẽ bị chia ra”. Từ đó chúng ta có thể giải mã được rằng bài thơ này tiên tri về Liên Xô. Bởi vì Liên Xô chính là do 15 nước cộng hòa tổ thành, chia làm “15 phần”; hơn nữa Liên Xô là nước lớn trên thế giới, có thể được gọi là “sông lớn”; sông Volga của Liên Xô là con sông dài nhất Châu Âu, cũng là sông lục địa (không chảy ra biển) lớn nhất trên thế giới.

Thời gian 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô tuyên bố độc lập như sau:

Lithuania: ngày 11 tháng 3 năm 1990
Georgia: ngày 9 tháng 4 năm 1991
Estonia: ngày 20 tháng 8 năm 1991
Latvia: ngày 21 tháng 8 năm 1991
Armenia: ngày 23 tháng 8 năm 1991
Ukraine: ngày 24 tháng 8 năm 1991
Belarus: ngày 25 tháng 8 năm 1991
Moldova: ngày 27 tháng 8 năm 1991
Azerbaijan: ngày 30 tháng 8 năm 1991
Uzbekistan: ngày 31 tháng 8 năm 1991
Kyrgyzstan: ngày 31 tháng 8 năm 1991
Tajikistan: ngày 9 tháng 9 năm 1991
Turkmenistan: ngày 27 tháng 10 năm 1991
Kazakhstan: ngày 16 tháng 12 năm 1991
Nga: ngày 25 tháng 12 năm 1991 tuyên bố đổi tên nước từ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết Liên bang Nga” thành “Liên bang Nga” (tháng 6 năm 1990 tuyên bố khôi phục chủ quyền).

Hai câu thơ sau “Thành phố bị chiếm, lửa, máu, khóc lóc, xung đột bi thảm; Và phần lớn nhất liên quan tới một liên minh” tiên tri rằng “phần lớn nhất” sau khi Liên Xô giải thể vẫn là một liên minh, tức “Liên bang Nga”. Tuy nhiên, các nước cộng hòa bên trong Liên bang Nga đã phát sinh một số mâu thuẫn và xung đột; Tatarstan, Chechnya, Siberia, v.v. đã xuất hiện chủ trương đòi độc lập, đặc biệt là phát sinh chiến tranh đòi độc lập cho Chechnya; câu thơ thứ ba “Thành phố bị chiếm, lửa, máu, khóc lóc, xung đột bi thảm” chính là tiên tri về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh đó. Chechnya thuộc vùng Caucasus của Nga, dân số gần 30 vạn; trong vấn đề đòi độc lập sau khi Liên Xô giải thể, tại đây đã phát sinh 2 cuộc chiến tranh Chechnya. Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất bắt đầu từ tháng 12 năm 1994 đến tháng 8 năm 1995; đất nước Chechnya nhỏ bé đã khiến quân đội Nga chịu thương vong trầm vọng; thủ phủ Grozny của Chechnya đã bị chiếm trong gần 3 tháng; cuối cùng hiệp định ngừng bắn được ký kết, kết thúc chiến tranh. Tháng 8 năm 1999, các phần tử vũ trang Chechnya đã xâm nhập vùng Dagestan ở miền Nam nước Nga, dẫn tới bùng phát chiến tranh Chechnya lần thứ hai. Lần này, quân đội Nga rút kinh nghiệm từ bài học lần trước và đã tiêu diệt lực lượng đối kháng vũ trang của Chechnya chỉ trong 6 tháng. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai, Tổng thống Nga thời bấy giờ là Vladimir Putin đã lấy được hình ảnh trong mắt dân chúng.

Vì sao Liên Xô lại giải thể chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Bởi vì đảng cộng sản là thế lực tà ác trên Trái đất; vào giai đoạn tối hậu của xã hội nhân loại, khi Đại Pháp vũ trụ sắp sửa hồng truyền, thiên thượng đã làm suy yếu thế lực tà ác và khiến nó giải thể rất nhanh chóng. Từ hơn 400 năm trước, thông qua dự ngôn «Các Thế Kỷ», Thần đã sớm chỉ rõ thiên mệnh của khối cộng sản Đông Âu. Còn theo biểu hiện ở bề mặt, cuộc thảm sát Thiên An Môn đẫm máu ngày 4 tháng 6 năm 1989 của ĐCSTQ tà ác đối với chính nhân dân nước mình đã gây chấn động toàn thế giới, cũng làm chấn động nhân dân các nước cộng sản khác. Họ đều trở nên thanh tỉnh, thấy rằng cái gọi là “cải cách” của đảng cộng sản không thể đảm bảo quyền lợi và tự do chân chính của nhân dân; nếu không đánh đổ bạo chính cộng sản thì con dao của tên đồ tể vẫn y nguyên trên đầu nhân dân. Do đó họ đã dũng cảm đứng lên, muôn người như một, trào dâng ngọn sóng thay đổi lịch sử, cuối cùng nhấn chìm nền bạo chính cộng sản.

Sau khi Liên Xô giải thể, ĐCSTQ dựa vào lừa dối và mua chuộc để chèo chống

Các Thế Kỷ III, Khổ 95

Nguyên văn tiếng Pháp:

La loy Moricque on verra deffaillir,
Apres vne autre beaucoup plus seductiue,
Boristhenes premier viendra faillir,
Par dons & Langues vne plus attractiue.

Tiếng Anh:

The law of Moscow will be seen to decline:
After another much more seductive:
Dnieper first will come to give way:
Through gifts and tongue another more attractive.

Tiếng Việt:

Luật pháp của Moscow sẽ được thấy suy bại:
Sau một thứ khác còn cám dỗ hơn nhiều:
Dnieper trước tiên sẽ tới tránh đường:
Qua những món quà và miệng lưỡi, một thứ khác còn mê hoặc hơn.

Nguyên bản tiếng Anh dịch chữ “Moricque” thành “More”, khiến rất người ta khó phá giải lời tiên tri. Thực ra “Moricque” ở đây là chỉ “Moscow”, nay chúng ta đổi lại cho chính xác. Hơn nữa, trong câu thơ thứ ba, chữ “Dnieper” cũng ám chỉ rằng sự kiện này liên quan tới Liên Xô. “Dnieper” là con sông lớn thứ ba Châu Âu, lớn thứ hai tại phần thuộc Châu Âu của nước Nga, hơn nữa còn chảy qua Belarus và Ukraine; đây chính là ba nước cộng hòa chủ yếu hợp thành Liên Xô trước đây.

Câu thơ đầu tiên “Luật pháp của Moscow sẽ được thấy suy bại” và câu thơ thứ ba “Dnieper trước tiên sẽ tới tránh đường” đều tiên tri về cùng một sự tình, chính là sự giải thể của Liên Xô và sự tan rã của khối cộng sản Đông Âu. Bởi vì vào thời Liên Xô cũ, “luật pháp của Moscow” không chỉ quản Liên Xô, mà còn quản cả khối cộng sản Đông Âu, chúng đều chịu sự khống chế của “Xô-viết tối cao Liên Xô”; mà “Dnieper trước tiên sẽ tới tránh đường” hỗ trợ cho Các Thế Kỷ IV, Khổ 80 tiên tri về sự giải thể của Liên Xô, trong đó nói “nước sẽ bị chia ra”. “Sông lớn” cũng chính là “Dnieper”, con sông chảy qua các nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Ngoài ra, “trước tiên sẽ tới tránh đường” tiên tri rằng sự giải thể của Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu chỉ là “bước khởi đầu” của sự tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu; các nền bạo chính cộng sản khác sẽ bị tiêu diệt “sau đó”.

Câu thơ thứ hai “Sau một thứ khác còn cám dỗ hơn nhiều” và câu thơ thứ tư “Qua những món quà và miệng lưỡi, một thứ khác còn mê hoặc hơn” đều tiên tri rằng sau khi Liên Xô giải thể, ĐCSTQ sẽ dùng thủ đoạn lừa dối để tiếp tục duy trì sự thống trị.

Trong số các đảng cộng sản trên thế giới, ĐCSTQ là đảng cộng sản có tính lừa dối lớn nhất, tà ác nhất. Nó được sinh ra để trở thành con thú tà ác trong trận đại chiến giữa Chính và tà, do đó ngoài bản tính tà ác cực lớn ra, nó còn có tính lừa dối và đầu độc đáng sợ nhất. Sự tẩy não triệt để của nó đối với nhân dân không chỉ đơn thuần là tẩy não, mà còn là tà linh phụ thể triệt để, chính như «Cửu Bình» nói: “Cách tổ chức ấy của Đảng —giống một con quỷ ngoại lai ăn bám (tà linh phụ thể)— đang gắn chặt như hình với bóng vào từng tế bào nhỏ nhất của xã hội Trung Quốc, len vào từng thớ thịt, găm vào từng mạch máu, để khống chế và thao túng nhân dân cũng như rút kiệt tài nguyên xã hội.” Bởi vì nó phụ thể triệt để vào xã hội Trung Quốc, nó khiến văn hóa và tinh thần dân tộc Trung Hoa trở nên biến dị và bị tà ác lợi dụng. Ví như, nó đem những khúc dân ca tươi đẹp biến thành thứ ca tụng chính nó; nó cải biến lịch sử Trung Quốc trở thành một thứ “chủ nghĩa ái quốc” đầy kích động và thù hận; bằng tuyên truyền, nó làm lẫn lộn các khái niệm quốc gia, dân tộc, nhân dân, và ĐCSTQ. Trong quá trình phụ thể của tà linh, nó “đánh dấu vết con thú” lên những người bị nó khống chế.

Lần này, ĐCSTQ lại tìm cách mua chuộc và lừa dối toàn thế giới “qua những món quà và miệng lưỡi, một thứ khác còn mê hoặc hơn”. Trong tuyên truyền hướng ra nước ngoài, ĐCSTQ đã dày công bố trí các giả tượng, lấy “món quà và miệng lưỡi” để lừa dối, ví như lấy cái mác dân chủ để che đậy nền độc tài bạo chính. Đối với giới tư bản Tây phương, ĐCSTQ tìm mọi cách dẫn dụ họ đầu tư vào Trung Quốc; một khi bị dẫn vào rồi, tư bản Tây phương mới phát hiện rằng họ đã lọt vào vũng bùn hủ bại của ĐCSTQ và không thể tự thoát ra được. Vì lợi ích kinh tế, họ bị ĐCSTQ chế ước, trở nên “nhìn mà không thấy” những khổ nạn của nhân dân Trung Quốc, thậm chí trở thành người phát ngôn bảo vệ lợi ích của ĐCSTQ tại Tây phương. ĐCSTQ còn lừa dối cả thế giới về tình trạng nhân quyền trong nước để giành quyền đăng cai Olympic Bắc Kinh 2008, mượn cơ hội củng cố nền độc tài bạo chính và tăng cường thống trị bằng bạo lực đối với nhân dân.

Tuy nhiên, cho dù ĐCSTQ có dối trá xảo quyệt đến đâu thì cũng không thoát khỏi con mắt Thần linh; đối mặt với “Chân-Thiện-Nhẫn”, diện mạo “giả, ác, bạo” của nó đã lộ rõ hoàn toàn. «Cửu bình cộng sản đảng» tựa như chín thanh kiếm sắc, đã bóc trần hoàn toàn lớp da vẽ của nó; ngọn thủy triều “thoái xuất ĐCSTQ, xóa đi dấu vết con thú” trào dâng cuồn cuộn tại Trung Quốc.

Thần đã sớm an bài xong xuôi phần mộ của ĐCSTQ, thời khắc “Trời diệt Trung Cộng” đã sắp đến rồi!

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2008/5/13/52829.html



Ngày đăng: 14-06-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.