Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (47)
Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
求古尋論,散慮逍遙。
欣奏累遣,戚謝歡招。
Bính âm:
求(qiú) 古(gǔ) 尋(xún) 論(lùn) ,
散(sàn) 慮(lǜ) 逍(xiāo) 遙(yáo) 。
欣(xīn) 奏(còu) 累(lèi) 遣(qiǎn) ,
戚(qī) 謝(xiè) 歡(huān) 招(zhāo) 。
Chú âm: 求﹙ㄑㄧㄡˊ﹚古﹙ㄍㄨˇ﹚尋﹙ㄒㄩㄣˊ﹚論﹙ㄌㄨㄣˋ﹚,
散﹙ㄙㄢˋ﹚慮﹙ㄌㄩˋ﹚逍﹙ㄒㄧㄠ﹚遙﹙ㄧㄠˊ﹚。
欣﹙ㄒㄧㄣ﹚奏﹙ㄘㄡˋ﹚累﹙ㄌㄟˋ﹚遣﹙ㄑㄧㄢˇ﹚,
戚﹙ㄑㄧ﹚謝﹙ㄒㄧㄝˋ﹚歡﹙ㄏㄨㄢ﹚招﹙ㄓㄠ﹚。
Âm Hán Việt:
Cầu cổ tầm luận,
Tản lự tiêu dao.
Hân tấu luỹ khiển,
Thích tạ hoan chiêu.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Tản (散): giải trừ.
Hân (欣): vui vẻ.
Tấu (奏): thông thường là “湊”, hợp nhất, hợp lại.
Luỹ (累): u sầu.
Khiển (遣): loại bỏ.
Thích (戚): bi thương.
Tạ (謝): từ chối.
Hoan (歡): vui mừng.
Chiêu (招): đưa đến.
2. Nghĩa của từ:
(1) Cầu cổ tầm luận (求古尋論): tìm kiếm các luận thuật của người xưa trong các tài liệu lịch sử.
(2) Tản lự (散慮): giải trừ âu lo.
(3) Tiêu dao (逍遙): thong dong tự tại.
(4) Hân tấu (欣奏): đem những chuyện vui hợp nhất lại.
(5) Luỹ khiển (累遣): đem những chuyện u sầu tiêu bỏ đi.
(6) Thích tạ (戚謝): từ chối chuyện bi thương.
(7) Hoan chiêu (歡招): đưa đến những chuyện vui mừng.
Lời dịch tham khảo:
Trong những ngày tháng ở ẩn nơi núi rừng, lật mở những cuốn sách cổ, đọc những lời hay ý đẹp của tiền nhân; đem những ưu lo giải trừ đi, mới có thể sống cuộc sống thong dong tự tại; đem những chuyện vui xâu chuỗi lại mới có thể khiến niềm vui tăng gấp bội; đem những chuyện u sầu tiêu bỏ đi thì ưu sầu sẽ không còn nữa. Như thế mới có thể từ chối bi thương, và đưa đến những chuyện vui mừng được.
Câu chuyện văn tự:
Hân (欣): có nghĩa là vui mừng, ai cũng thích chữ này cả, rất nhiều người đã trực tiếp lấy chữ này để đặt tên, nên có thể thấy nó là một chữ rất tốt lành. Tuy nhiên từ hình dạng chữ mà xét, thì có vẻ nó không phải tốt lành như ý đến vậy. Vì một bên là chữ Khiếm (欠), có nghĩa là khiếm khuyết, bên kia là chữ Cân (斤), chẳng phải là chỉ lưỡi rìu còn gì? Cho dù là thiếu cái lưỡi rìu (công cụ mưu sinh) hay là nghèo đến mức cần cái lưỡi rìu, chữ này dù xét thế nào cũng đều không tốt lành. Kỳ thực chúng ta đã bị bề ngoài của nó gây trở ngại rồi. Trong Tiểu triện chữ Hân (欣) này được viết là “ ”, chữ Khiếm “” (欠) biểu âm và chữ Cân “ ” (斤) biểu nghĩa. “ ” có phần trên giống chữ Khí (氣), và phần dưới giống chữ Nhân (人), là hình dáng một người ngửa đầu tuôn ra một tràng cười vậy. Còn chữ Cân “” (斤) thì sao? Phần nằm ngang trông giống cái đầu, phần kéo thẳng xuống thì giống cái cán, phần nằm dưới bên phải thì giống mảnh gỗ bị chặt xuống, vậy nên đây là một loại công cụ để đốn cây. Chúng ta biết rằng khi người ta vui quá đỗi thì sẽ có dáng vẻ ngửa đầu tuôn ra một tràng cười. Mà khi đốn cây sẽ liên tục phát ra âm thanh, cũng giống như người ta lúc cao hứng cũng sẽ có âm thanh liên tục không dứt như thế. Vậy nên người xưa đã dùng hình thanh hội ý để biểu đạt hình dáng người ta khi vui mừng ấy. Qua việc tìm hiểu về chữ này, chúng ta cũng đã học được một điều, chính là đừng đánh giá bất kể sự vật gì qua bề ngoài của nó, có lẽ nó còn có hàm nghĩa sâu xa hơn đang đợi chúng ta đi khám phá đó.
Suy ngẫm và thảo luận:
Bài ca ẩn sĩ – Khảo Bàn (Gõ mâm)
Trong bài học của ngày hôm nay xin giới thiệu đến mọi người một bài thi ca từ cổ xưa, nó là một bài dân ca địa phương rất phổ biến của nước Vệ thời Đông Chu (nay là huyện Xã Kỳ tỉnh Hà Nam), mô tả cuộc sống những hiền sĩ lui về ở ẩn nơi núi rừng, sống cuộc sống vui vẻ tự tại, đây cũng là bài hát về ẩn sĩ sớm nhất của nước ta. Bây giờ xin giới thiệu đến mọi người nhé.
“Khảo bàn tại giản,
Thạc nhân chi khoan.
Độc mị ngụ ngôn,
Vĩnh thỉ phất huyên”.
Tạm dịch:
Gõ mâm nơi con suối,
Lòng thênh thang rộng lớn.
Tự ngủ tự sảng mê,
Mãi nhớ chẳng muốn quên.
Ý nói người ẩn sĩ ngồi bên khe nước gõ chiếc mâm đồng, tấm lòng rộng lớn, tiếng ca lảnh lót, khiến những phiền muộn tan biến như dòng nước, một mình đi ngủ, một mình sảng mê, muốn ghi nhớ mãi niềm vui này trong lòng.
“Khảo bàn tại a,
Thạc nhân chi khoa.
Độc mị ngụ ca,
Vĩnh thỉ phất qua”.
Tạm dịch:
Gõ mâm nơi hẻm núi,
Lòng thênh thang khoáng đãng.
Tự ngủ thức tự ca,
Thề chẳng lại như xưa.
Ý nói người ẩn sĩ lúc trong hẻm núi cũng không quên gõ mâm giải khuây, dầu cho năm tháng ngày trước ân oán chất chồng như núi, nhưng tấm lòng người ẩn sĩ rộng lớn, không nhớ đến những ân oán trước đây, một mình đi ngủ, lúc thức thì tự tại hát ca, nguyện không trở lại cuộc sống trước đây nữa.
“Khảo bàn tại lục,
Thạc nhân chi trục.
Độc mị ngụ túc,
Vĩnh thỉ phất cáo”.
Tạm dịch:
Gõ mâm nơi triền núi,
Lòng thênh thang thản đãng.
Sống một mình tự tại,
Sẽ chẳng nói cùng ai.
Ý nói người ẩn sĩ nhàn nhã gõ mâm giải khuây trên triền núi, trong lòng đã hoàn toàn buông bỏ hết thảy, chẳng còn gì có thể lay động được nữa, một mình sống cuộc sống tự tại không bị câu thúc, niềm vui của cuộc sống ấy sẽ chẳng bao giờ nói với ai.
(1) Người ta vì sao có âu lo? Làm thế nào mới có thể giải trừ được âu lo đây?
(2) Bạn có âu lo không? Hãy nói ra để mọi người giúp bạn nhé?
(3) Vì sao lui về ở ẩn nơi núi rừng lại khiến người ta có được cuộc sống vui vẻ nhỉ? Còn cách nào khác cũng có thể khiến người ta bình an vui vẻ nữa không?
(4) Thế nào là cuộc sống vui vẻ? Hãy nói suy nghĩ của bạn nhé.
Ngày đăng: 26-06-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.