Tác giả: Quá Khách
[ChanhKien.org]
Trong chữ giáp cốt từ thời nhà Thương, “Thất” (七, số bảy) được dùng như một từ chỉ số, ý nghĩa ban đầu là ‘đã lạc mất rồi’. Mới đầu, chữ “Thất” được viết gần giống với chữ “Thập” (十, số mười), tức là vạch thêm một nét dọc vào giữa một nét ngang, biểu thị thứ gì đó bị cắt đứt ở giữa. Sau này vì để tránh nhầm lẫn với chữ “Thập” nên vào thời Chiến Quốc đã xuất hiện cách viết cong nét dọc, từ đó mới phân biệt rõ ràng với số mười.
Trong thuật số ứng dụng, “Thất” đại biểu cho việc dừng lại giữa chừng, đại biểu cho núi, đại biểu cho quẻ Cấn, hướng Đông Bắc, thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, phàm gặp quẻ ấy là báo trước rằng sự việc sẽ xuất hiện vấn đề, không thành công.
Trong chín con số mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, “Thất” không phải là con số được người ta yêu thích. Nhiều người không thích “Thất” xuất hiện trong số điện thoại hoặc biển số xe của họ, kết hôn làm hỷ sự cũng hết sức tránh ngày có số bảy này. Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi văn hóa truyền thống thì trong tiếng Trung Quốc, cách phát âm của “Thất” tương tự như “Khí” (氣) trong từ “sinh khí” (生氣, tức giận), đều là lời không hay.
Theo truyền thuyết thần thoại phương Đông, Nữ Oa nương nương mất bảy ngày để sáng tạo ra thế giới. Trong “Thái Bình Ngự Lãm” nói rằng, vào ngày đầu tiên của tháng Giêng, Nữ Oa đã tạo ra gà, ngày thứ hai tạo ra chó, ngày thứ ba tạo ra heo, ngày thứ tư tạo ra dê, ngày thứ năm tạo ra trâu, ngày thứ sáu tạo ra ngựa, vào ngày thứ bảy, Nữ Oa đã dùng đất sét hòa nước rồi phỏng theo hình dạng của chính mình để tạo ra những hình người nhỏ bằng đất, sau đó đều biến thành con người. Vì vậy, ngày nay, ngày thứ bảy của tháng Giêng trong Hoàng lịch được coi là ngày sinh của con người, được gọi là “Nhân Thất”.
Ở phương Tây, số bảy cũng là một con số rất quan trọng. Mở đầu của “Kinh Thánh” đề cập đến việc Thượng Đế tạo ánh sáng vào ngày đầu tiên, từ đó có ngày và đêm; vào ngày thứ hai, Ngài tạo ra không khí và bầu trời; vào ngày thứ ba, Ngài tạo ra đất, biển, núi sông, đồng bằng, hoa, cỏ và cây cối; vào ngày thứ tư, Ngài tạo ra các vì sao đầy khắp bầu trời để phân chia tiết, mùa và năm; vào ngày thứ năm, Thượng Đế tạo ra cá, chim và các loài động vật khác; vào ngày thứ sáu, Thượng Đế nhìn ngắm ánh sáng mặt trời rạng rỡ, mặt đất rộng lớn, thế gian muôn hồng nghìn tía, thú chạy trùng nhảy, chim hót cá lội, Ngài vô cùng hài lòng, vì vậy nói, “Ta sẽ chiểu theo hình dạng của chính ta mà tạo ra con người, để nó quản lý vạn vật và mọi loài thú trên mặt đất”. Thượng Đế dùng đất nặn ra một hình người bằng đất, lại hướng vào người đất thổi một luồng tiên khí, nhờ đó con người đã được sinh ra. Thượng Đế thấy thế giới này đã hoàn thiện rồi nên nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy.
Ngày nay, không chỉ kinh thư của Phật giáo trong khi lưu truyền qua các thời đại vì các nguyên nhân khác nhau mà bị sửa đổi, Kinh Thánh cũng giống như vậy, đã sai khác so với phiên bản ban đầu và có rất nhiều thay đổi, dẫn tới việc người ta khó để hiểu được ý nghĩa thực sự của nó.
Chủ nhật được coi là ngày nghỉ có nguồn gốc từ “Kinh Thánh”, nhưng đặt ra ngày nghỉ này không phải chỉ vì để nghỉ ngơi, mà chủ yếu là để trong ngày này người ta học tập “Kinh Thánh”, tiến gần hơn với Chúa, suy ngẫm về bản thân trước đây, đề cao bản thân. Vào ngày này, các giáo đồ ở phương Tây sẽ đi đến giáo đường nghe giảng đạo, nên cũng được gọi là lễ Thờ phượng Chúa nhật. Con người ở trong khổ rất khó kiểm soát nghiêm ngặt chính mình, tăng nhân trong chùa có trụ trì quản lý, tu sĩ và tu nữ trong Đạo quán có giáo chủ đốc thúc, người chuyên tu còn được, nhưng tín chúng bình thường là quản lý lơi lỏng, nên phải dùng hình thức lễ Thờ phượng Chúa nhật này để cho họ một thời gian cố định có cơ hội giao lưu và học tập.
Phật giáo phương Đông có mối liên hệ sâu sắc với số bảy hơn nữa. Trong Phật giáo, “Thất” là con số chỉ điều tốt đẹp thuận lợi, đại biểu cho viên mãn. “Thất” thể hiện ở khắp mọi nơi trong Phật giáo: xem hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ác, dục gọi là “thất tình”; gọi vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu và mã não là “thất bảo”; nhìn nhận Phật Tỳ Bà Thi (Vipaśyin), Phật Thi Khí (Śikhin), Phật Tỳ Xá Phù (Viśvabhu), Phật Câu Lưu Tôn (Krakucchanda), Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni), Phật Ca Diếp (Kāśyapa) và Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuni) là “thất Phật”. Ngoài ra còn có những thuật ngữ như Thất Pháp, Thất Tâm giới, Thất Cú, Thất Tùy thân, v.v. vốn xa lạ với hầu hết người thường.
Người sáng lập ra Phật giáo, Thích Ca Mâu Ni là một hoàng tử của một vương quốc nhỏ ở Ấn Độ cổ. Truyền thuyết kể rằng ông đã bước bảy bước trên mặt đất ngay khi mới sinh ra. Mặc dù có địa vị hoàng thất, nhưng ông không cảm thấy hạnh phúc, chỉ thấy đời người ngắn ngủi khổ đau, sống chết muộn phiền, nên ông đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, một mình lánh vào nơi rừng núi, khổ tu sáu năm nhưng vẫn không đạt được giải thoát. Sau đó, ông tắm ở sông Ni Liên Thiền (Niranjana), lên bờ để nhận cháo sữa từ một cô gái chăn dê và nhập thiền dưới gốc cây bồ đề trong bảy ngày bảy đêm, đạt được giác ngộ, đắc Đạo thành Phật.
Từ miêu tả này, chúng ta có thể thấy rằng Phật Thích Ca Mâu Ni là tự mình giác ngộ tu thành chính quả. Kỳ thực, ông là một Giác Giả mang theo sứ mệnh mà đến thế gian, trước khi hạ thế đã bài hết thảy cho bản thân rồi, khi đến thời điểm sẽ khai mở trí huệ, đại triệt đại ngộ, nhớ lại mình là ai, bắt đầu truyền Pháp độ nhân. Ông cũng là vị Phật cuối cùng trong bảy vị Phật quá khứ của thế giới Ta Bà. Sau này, Phật giáo đa phần đều xây tháp bảy tầng, tháp Phật bảy tầng. Vậy còn “Cửu” (九, số chín) thì sao? “Cửu” là số lớn nhất trong thể hệ Đạo gia. Tất nhiên, sau này khi Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc cũng đã tiếp thu một số khái niệm của Đạo gia, nhưng đó là việc sau này.
Cho dù là “Thất” hay “Cửu”, thì thực chất đều là chữ tượng hình của hệ Ngân Hà, chính là giống như chữ vạn “卍” trong Phật gia. Tới tầng cực cao, Phật và Đạo vẫn còn có sự phân biệt, tại thế gian con người thì đều có thể độ người xuất thế, đều là từ trong vũ trụ mà chứng ngộ lý của mỗi gia.