Mạn đàm Chữ số (3)



Tác giả: Quá Khách

[ChanhKien.org]

Tiếp theo Phần 1, Phần 2.

Lão Tử giảng: Đạo sinh Nhất (一, số một), Nhất sinh Nhị (二, số hai), Nhị sinh Tam (三, số ba), Tam sinh vạn vật. Tam này là từ Nhị phát sinh ra, Nhị là âm và dương, âm dương tương giao mà sinh ra Tam. Biểu hiện tại thế gian con người thì chính là sau khi nam nữ kết hợp với nhau sẽ mang thai sinh con; khúc gỗ thêm lửa sẽ tạo thành than củi; màu đỏ cho thêm màu xanh lục sẽ biến thành màu vàng. Điều phát sinh ra chính là Tam, cũng là kết quả của âm dương kết hợp, Nhất thuộc về thuần dương, Nhị thuộc về thuần âm, nên trong thuộc tính của Tam vừa có âm vừa có dương. Tam có thể sinh vạn vật, chính là nói thuần dương cộng thuần âm cộng thêm Tam – âm dương kết hợp, thì có thể sản sinh ra hết thảy sự vật trên thế giới.

“Tam” trong thuật số ứng dụng là hướng Nam, là quẻ Ly trong Bát quái, thuộc hành Hỏa. Hỏa là vật chất duy nhất xuất hiện dưới dạng năng lượng trong Ngũ hành, không phải chất rắn cũng không phải chất lỏng, cũng không phải chất khí, nó là năng lượng sản sinh dưới tác dụng tương hỗ của các vật chất khác.

“Tam” trong không gian vũ trụ là một kết cấu ổn định. Ánh sáng có ba màu cơ bản, từ đó thiên biến vạn hóa ra vô số màu sắc. Vật chất có ba loại trạng thái là trạng thái khí, rắn và lỏng, từ đó mà biến hóa sinh ra vạn vật. Vũ trụ chính là như thế, tầng thứ càng cao thì càng đơn giản, càng thuần túy, càng xuống thấp thì càng phức tạp. Tu luyện lại càng như thế, là Đại Đạo thực sự thì vô cùng đơn giản, chân truyền thường chỉ một câu; tiểu đạo thì phức tạp, chú trọng rất nhiều thứ, những gì như thời gian luyện công, chạy theo kinh mạch nào, quay về hướng nào, v.v.. Không phải là họ muốn như thế, mà vì chưa đạt tới cảnh giới đó nên không hiểu được những thứ đơn giản. Nhưng lý của Đại Đạo không gặp được người đại căn cơ thì không dễ truyền, những gì viết ra được đều là quanh co lòng vòng, mập mờ không rõ. Nguyên nhân khiến con người hiện nay không cách nào từ trong tôn giáo mà tu luyện xuất lai, chính là vì đã mạt Pháp rồi, không thể lý giải Pháp nữa. Kinh sách tôn giáo đều tránh nói rõ ràng minh bạch. Bạn xem trong kinh sách Phật giáo, chỉ giảng tu tâm, không giảng luyện công, có rất nhiều các ví dụ và câu chuyện, để bạn từ đó mà ngộ, hiểu được bao nhiêu tính bấy nhiêu. Mà trong các sách của Đạo giáo, chỉ giảng luyện công, không giảng tu tâm, lại đều là mấy thủ pháp huyền ảo, những gì như ‘an đỉnh thiết lư’, ‘thái dược luyện đan’, một cái ‘tam hoa tụ đỉnh’ cũng có thể viết mấy trang, nói xong rồi bạn vẫn không thể hiểu gì.

Người tu luyện đến một cảnh giới nhất định sẽ xuất hiện cảnh tượng ‘tam hoa tụ đỉnh’. Nó không hiển hiện tại không gian này, mà tại không gian khác. Trên đỉnh đầu người ta nở ra ba đóa hoa tiên, tinh khí thần mà thân người tu luyện xuất ra sẽ thông qua chúng mà thăng hoa thành vật chất thuần túy hơn. Có người nghĩ rằng ‘tam hoa tụ đỉnh’ thì chắc là đã tu đến cảnh giới rất cao rồi. Kỳ thực cũng chỉ là tu luyện đến thời điểm thân xác thịt đợi chuyển hóa thành kim thân bất hoại. Chỉ là trong tam giới thì thực sự đã tu được rất cao rồi, đã được liệt vào hàng Thần Tiên rồi.

“Tam” còn thường được dùng để hình dung số lượng nhiều, ví như ‘tam sinh hữu hạnh’. ‘Tam sinh’ là chỉ đời trước, đời này và đời sau, là nói chuyển sinh bao nhiêu lần đều may mắn như thế, nó đến từ câu chuyện sau:

Vào thời nhà Đường có một cư sĩ gọi là Lý Nguyên, vốn là công tử nhà giàu, sau này thân phụ của ông vốn đang làm quan thì bị sát hại khi An Lộc Sơn khởi binh tạo phản. Sau khi Lý Nguyên gặp phải biến cố lớn này thì đã ngộ ra rằng nhân sinh vô thường, nên thề rằng đời này sẽ không ăn thịt, không lấy vợ, không làm quan, còn cải tạo phủ đệ của nhà mình thành một ngôi chùa và tu hành trong chùa hơn 50 năm.

Trụ trì trong chùa là đại sư Viên Trạch đã quản lý ngôi chùa rất tốt. Lý Nguyên và ông cũng kết thành hảo bằng hữu. Một lần, họ hẹn nhau cùng đi du ngoạn Thục Sơn. Lý Nguyên muốn đi bằng đường thủy, nhưng Viên Trạch lại muốn đi bằng đường bộ. Vì Lý Nguyên khăng khăng giữ ý kiến ​​của mình nên Viên Trạch chỉ biết đành thuận theo. Hai người ngồi thuyền đi được nửa đường thì nhìn thấy bên bờ sông có một người phụ nữ đang múc nước. Viên Trạch đột nhiên rơi nước mắt, nói: “Tôi không muốn đi đường thủy chính là vì tôi sợ gặp nàng ấy!”

Lý Nguyên giật mình sợ hãi, vội hỏi nguyên do. Viên Trạch giải thích: “Nàng ấy họ Vương, tôi phải làm con trai của nàng ấy. Nhưng vì tôi luôn không muốn đầu thai chuyển thế, nên nàng ấy đã mang thai ba năm rồi. Hôm nay gặp nàng ấy thế này, tôi không thể trốn tránh được nữa. Ba ngày sau, người phụ nữ này sẽ sinh hạ một đứa trẻ. Đến lúc đó, xin ông hãy đến nhà họ để kiểm tra. Nếu đứa bé cười với ông, đó chính là tôi. Chúng ta hãy lấy nụ cười này làm vật chứng giữa hai chúng ta. Vào đêm Trung thu mười ba năm sau, chúng ta sẽ lại tương hội bên ngoài chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu”.

Lý Nguyên nghe vậy thì vô cùng hối hận, nhưng vẫn giúp Viên Trạch tắm gội thay y phục. Quả nhiên đến lúc hoàng hôn thì Viên Trạch qua đời, người phụ nữ cũng sinh ra một bé trai. Ba ngày sau, Lý Nguyên đến thăm đứa bé mới sinh, đứa bé nhìn thấy ông liền mỉm cười. Lý Nguyên kể lại câu chuyện của Viên Trạch cho nhà họ Vương nghe, nhà họ Vương liền xuất tiền đưa Viên Trạch an táng dưới chân núi.

Mười ba năm sau, Lý Nguyên đến chùa Thiên Trúc theo lời hẹn ước. Vừa đến bên ngoài chùa đã nhìn thấy một cậu bé trên lưng trâu đang ca hát, lời hát rằng: “Tam Sinh Thạch thượng cựu tinh hồn. Thưởng nguyệt ngâm phong mạc yếu luận; Tàm quý tình nhân viễn tương phỏng. Thử thân tuy dị tính trường tồn” (tạm dịch: Tinh hồn xưa vẫn ở trên Tam Sinh Thạch. Chẳng còn mong ca phong thưởng nguyệt; Hổ thẹn tình người xa đến viếng. Thân này dẫu khác nhưng tính còn nguyên).

Lý Nguyên vội hỏi: “Đại sư Viên Trạch, ông vẫn khỏe chứ?” Cậu bé chăn trâu nói: “Ông thực là một người giữ lời hứa. Đáng tiếc trần duyên của tôi đã hết, không thể lại thân cận với ông nữa. Chỉ cần chúng ta nỗ lực tu hành không sa ngã, tương lai sẽ có ngày gặp lại nhau”. Nói xong, cậu bé chăn trâu lại hát thêm một bài, rồi quay đầu rời đi, không biết đi đến đâu.

Trước kia, tu luyện rất khó khăn, gian khổ. Nếu một người muốn tu thành chính quả thì phải chuyển sinh rất nhiều đời để tiếp tục tu, nghiệp lực mang theo thân, đức cũng mang theo thân. Họ thường dựa vào cơ sở tu hành từ đời trước mà tu tiếp. Trước khi qua đời thì công luyện được từ trước sẽ tiêu tán mất, nhưng đức vẫn còn, ở trong thân thể mới tại đời này luyện công lại từ đầu, bởi vì có đức lớn nên rất nhanh họ đã có thể đạt tới trình độ của đời trước.

Nhưng thế gian này là mê, cũng có không ít người quên mất việc tu luyện, nên đức của họ chỉ đành chuyển hóa thành kim tiền. Những người như vậy rất nhiều, ví dụ như Mã Vân (Jack Ma) kiếp trước là người tu Đạo, Lý Gia Thành kiếp trước là hòa thượng. Đời này họ không tu nữa, nhưng những bằng hữu tốt từ kiếp trước của họ sau khi chuyển sinh vẫn xuất gia vào chùa, vậy nên họ thích giao thiệp với người xuất gia.

Nếu có thể ‘tam sinh hữu hạnh’ gặp được vị Phật chân chính ngay trong đời này thì không cần phải phiền phức như vậy. Ngài truyền Phật Pháp ‘trực chỉ nhân tâm’, có thể giúp cho người tu luyện thành Phật ngay trong đời này. Con người trong lục đạo luân hồi rất ít có được cơ hội làm người. Khi vị Phật chân chính xuất hiện thì thường có ma đến phá hoại, khiến người ta khó phân biệt được thật giả, nhưng Phật thường chọn xuất hiện nơi mà lòng người phức tạp nhất, cho nên mới có cách nói rằng: ‘Thân người khó được, chính Pháp khó gặp, Trung Thổ khó sinh’.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/292552



Ngày đăng: 30-03-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.