Mạn đàm Chữ Số (2)
Tác giả: Quá Khách
[ChanhKien.org]
Tiếp theo Phần 1.
“Nhị” (二, số hai) là một chữ thường dùng trong Hán ngữ, sớm nhất được nhìn thấy trong Giáp Cốt văn. Phía trên một chữ Nhất (一, số một), phía dưới một chữ Nhất, chỉ rõ rằng Nhị là từ trong Nhất phân hóa mà ra. Nghĩa ban đầu của nó là ‘từ trong hỗn độn phân ra lưỡng cực Thiên, Địa’. Trong thuật số, Nhị cũng giống như Nhất, đều là Kim, là quẻ Đoài trong Bát quái, là phương Tây trong phương vị. Nhất là Thái cực, Thái cực phân thành Lưỡng nghi, từ đó có âm dương, có nam nữ, có đúng sai, có thiện ác, có chính tà. Sau này mở rộng ra thành những thứ như không chuyên nhất, không trung thành, ví như hai lòng, đến cả mắng Hán gian cũng gọi là ‘nhị cẩu tử’.
“Nhất” biểu thị cho sự tồn tại của Hỗn độn, còn “Nhị” chính là đã phân ra Thiên và Địa rồi. Dựa theo sắp xếp thứ tự Thiên và Địa, thì Thiên là Nhất, Địa là Nhị. Nhị là số âm, số phụ thuộc; vừa âm vừa nhu, có dương có âm, Thiên Địa mới hài hòa. Nếu âm không phải âm, dương không phải dương, thì Thiên Địa sẽ mất cân bằng. Lão nhị muốn làm lão đại, hai hổ đấu nhau tất sẽ có một con bị thương.
Mạnh mẽ thái quá đứng ở vị trí thứ nhất thường khiến người khác đố kỵ. Nho gia giảng Đạo trung dung, có năng lực cũng không làm lão đại, thu giấu đi một chút nhuệ khí và tài hoa, cam nguyện làm lão nhị. Nhưng đây không phải nguyên nhân khiến Khổng Tử bị nhục mạ là ‘Khổng lão nhị’ trong thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa. Xem xét các nguyên nhân lịch sử, cách xưng hô này rõ ràng mang theo sự khinh thường. Bất quá Khổng Tử cũng thật sự có liên quan đến lão nhị. Trong lịch sử Khổng Tử có rất nhiều chị em gái, nhưng anh em trai thì chỉ có hai người. Ông có người anh trai cùng cha khác mẹ tên là Mạnh Bì. Khi phụ thân của ông 64 tuổi đã cưới bà Nhan Thị rồi sinh hạ Khổng Tử. Khổng Tử tự là “Trọng Ni”, “Trọng” (仲) trong “bá trọng” (伯仲), có nghĩa là đệ nhị (vị trí thứ hai), “bá” là chỉ anh cả trong các anh em trai.
Phật gia giảng ‘bất nhị pháp môn’, thường bị giải thích thành phương pháp ‘tốt nhất’ hoặc phương pháp tốt nhất ‘độc nhất vô nhị’. Cách nói này đến từ trao đổi giao lưu của 30 vị Bồ Tát trong kinh Phật. Họ không giải thích vì sao gọi là ‘bất nhị pháp môn’, mà chỉ là đang giải thích bản thân dùng phương pháp gì để chứng ngộ được ‘bất nhị pháp môn’, có rất nhiều phương pháp, nhưng cuối cùng đều tu đạt đến cảnh giới này. Từ bề mặt chữ nghĩa mà nói thì rất đơn giản, chính là pháp môn duy nhất có thể giải thoát, không có pháp môn thứ hai.
Trong Phật giáo có mười mấy pháp môn, họ đều tự nhận pháp môn mà bản thân tu là ‘bất nhị pháp môn’, tức pháp môn duy nhất có thể tu luyện viên mãn, và gọi các pháp môn khác là ngoại đạo. Sau này, họ dần thừa nhận rằng các pháp môn khác cũng có thể tu thành chính quả. Nói đến đây thì đã có phiền phức rồi, bởi vì tất cả các pháp môn đều có thể tu thành, cho nên họ làm xằng làm bậy, trộn lẫn mà tu.
Trên thực tế, hết thảy các pháp môn của Phật giáo đều khởi phát từ Pháp mà Phật Thích Ca Mâu Ni giảng, nhưng ông không hề dạy đệ tử làm ra nhiều pháp môn khác nhau như vậy. Đó là do đệ tử khai ngộ tại một tầng thứ nào đó, bản thân căn cứ theo Pháp tại cao tầng mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng để sáng lập pháp môn mới. Nhưng tất cả họ đều không đạt tới cảnh giới của Phật Thích Ca Mâu Ni, vậy nên tu luyện trong pháp môn mà họ sáng tạo ra thì cao nhất cũng không vượt qua tầng thứ sở tại của họ.
Hiện nay, Phật giáo trong thời kỳ mạt pháp đã loạn bậy rồi, tăng nhân cái gì cũng tu, cái gì cũng tin. Bạn xem trong phim ảnh, những vị hòa thượng Thiếu Lâm mở miệng ra là A Di Đà Phật, Thiếu Lâm tự là tổ đình của Thiền Tông, tín ngưỡng và thờ phụng Phật Thích Ca Mâu Ni, còn Phật A Di Đà là Tịnh Độ Tông. Đừng cho rằng đều là tu Phật cả, thế giới Phật quốc mà người tu luyện cần đến trong tương lai là không giống nhau, phương pháp tu luyện cũng không giống nhau, sao có thể hồ đồ làm loạn?
Tôi đã đi qua một số ngôi chùa, hầu như đều có tình huống tương tự, bất kể là pháp môn nào, khi dùng loa lớn nhắc nhở du khách những việc cần chú ý thì cuối cùng họ sẽ nói một câu ‘A Di Đà Phật’.
Trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, rất nhiều chùa chiền bị phá hủy, rất nhiều cao tăng bị xua đuổi, khiến cho truyền thống trước đó đã bị đoạn tuyệt. Sau này, những vị tiểu hòa thượng làm phương trượng thì cái gì cũng không biết. Họ ngay cả tâm tu luyện cũng đều không có, đương nhiên sẽ không tu tập nghiên cứu Phật Pháp. Họ đã coi đây như là công việc để làm.
Nhất thì không tồn tại sự so sánh, có Nhị thì chính là có sự so sánh rồi. Có so sánh thì chính là đã có tâm phân biệt, chính từ đây mà phân ra thiện và ác.
Trong Kinh Thánh có ghi lại: Thượng Đế dùng đất bùn chiểu theo hình dạng của bản thân mà tạo ra một người, đặt tên cho người này là Adam. Sau đó lại lấy một cái xương sườn của Adam, dùng nó tạo thành một người nữ, đặt tên là Eva.
Người nam và người nữ vốn là nhất thể, vậy nên sau khi người nam và người nữ lớn lên sẽ thu hút lẫn nhau. Hai người sẽ kết hợp cùng đối phương trở thành một thể. Đây là quy luật sinh sôi nảy nở.
Thượng Đế tạo nên một thiên đường cho Adam và Eva tại Vườn Địa Đàng ở phía Đông. Mặt đất nơi đây rải đầy vàng, trân châu, mã não đỏ, đủ các loại cây cối mọc lên từ đất, nở đầy các loại kỳ hoa dị thảo, vô cùng xinh đẹp, quả trên cây còn có thể làm đồ ăn. Theo mô tả về nơi đây mà xét, thì Vườn Địa Đàng kỳ thực là một vùng tịnh thổ cực lạc do Thượng Đế sáng tạo ra trong Thiên quốc. Nhân loại ban sơ là những chúng sinh trong Thiên quốc, tầng thứ rất cao.
Thượng Đế cho phép Adam và Eva ở trong Vườn Địa Đàng, cho phép họ tu sửa và trông nom khu vườn. Thượng Đế dặn dò họ: “Quả trên các loại cây trong vườn thì các ngươi đều có thể ăn, chỉ riêng quả trên cây phân biệt thiện ác thì các ngươi không thể ăn, bởi vì ngày mà ngươi ăn thì tất phải chết”. Adam và Eva để lõa thân hình tuyệt mỹ, thưởng thức trái ngon quả ngọt. Họ trải qua những ngày nhàn nhã thoải mái, sống hạnh phúc trong thiên đường Địa Đàng, thực hiện công việc mà Thượng Đế giao phó.
Một ngày nọ, một Thiên Sứ đã dụ dỗ Eva ăn quả trên cây thiện ác, nói rằng ăn chúng rồi có thể hiểu biết được thiện và ác giống như Thần. Eva đã hái quả xuống và ăn, lại đưa cho Adam cùng ăn. Hai người họ lập tức sinh ra tâm xấu hổ, cảm thấy bản thân hoàn toàn lõa lồ, liền lấy lá của cây vả tự kết thành quần áo.
Sau khi Thượng Đế phát hiện, đã đuổi họ ra khỏi Vườn Địa Đàng, đày xuống nhân gian. Thiên Sứ dụ dỗ họ cũng bị trừng phạt, bị phạt làm rắn, phải đi bằng bụng, bị mọi người ghét bỏ.
Khi Adam và Eva vi phạm ý muốn của Thượng Đế và ăn quả thiện ác, chính là họ đã không phù hợp với tiêu chuẩn của không gian đó rồi. Họ cảm thấy có tâm xấu hổ, thực tế là tâm tính của họ đã rớt xuống rồi. Nếu không có cái tâm đó, nhìn thấy thân thể người khác giới cũng sẽ không động tâm. Có người khi nhìn thấy người khác giới xinh đẹp thì ngượng ngùng, chính là vì anh ta có tồn tại cái tâm sắc dục đó. Tâm xấu hổ là thứ mà con người ở tầng thứ này phải có, không biết xấu hổ thì đã là súc sinh. Khi một người tu luyện không có tâm tự tư, không có tâm phân biệt, không có tâm sắc dục, thì người ấy đã đạt đến cảnh giới cao hơn.
Nữ tính và nam tính, một âm và một dương, tạo thành gia đình, đây là đơn vị cơ bản của xã hội. Đàn ông cần phải cương cường mạnh mẽ, phụ nữ phải ôn nhu dịu dàng thì xã hội mới hài hòa. Thiên tượng hiện nay là âm dương đảo ngược, người nam thì ẻo lả, người nữ thì mạnh bạo, đâu đâu cũng đều như thế. Tính cách đảo ngược chưa phải là thứ đáng sợ nhất, mà đáng sợ nhất chính là đảo ngược thị phi đúng sai, đảo ngược thiện ác chính tà.
Nếu một người có huy chương đeo đầy ngực và báo cáo tích cực ở khắp mọi nơi thì bạn có nghĩ đó chính là người tốt không? Không chắc chắn. Nếu một người bị mọi người đồng thanh nhục mạ, nghiến răng căm hận thì bạn có nghĩ đó chính là người xấu không? Cũng không nhất định. Trong tương lai không xa, con người sẽ xem xét lại các sự kiện đã phát sinh trong thời cận đại, kết quả nhận được có thể khiến người ta kinh ngạc.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/292079
Ngày đăng: 19-09-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.