Mạn đàm Chữ số (5)
Tác giả: Quá Khách
[ChanhKien.org]
Không gian của nhân loại chúng ta, không gian nội trong Tam giới, đều là ở trong Ngũ hành, vạn sự vạn vật đều là do năm loại vật chất Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ cấu thành. Người Trung Quốc xưa thường dùng lý luận Ngũ hành để giải thích sự hình thành của vạn vật và mối liên hệ tương hỗ giữa chúng, đồng thời đem những điều đó ứng dụng vào trong cuộc sống và xã hội, bài binh bố trận trong quân sự, chế định lịch pháp, chiêm bốc toán mệnh, thuốc Trung y trị bệnh, nghề kiến trúc v.v., đều là đứng trên cơ sở của lý luận Ngũ hành mà phát triển lên.
Vào cuối thời Tây Chu, Sử Bá đã đề xuất quan điểm “trộn Thổ với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa để tạo ra vạn vật”, phản ánh tư tưởng mong muốn tìm tòi mối quan hệ tương hỗ giữa sự vật. Âm dương Ngũ hành gia Trâu Diễn giảng giải “Ngũ hành” Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ thành “Ngũ đức”, nhìn nhận rằng vương triều thay thế nhau là kết quả của Ngũ đức thay đổi tuần hoàn. Đổng Trọng Thư thời Tây Hán đã tiếp thu tư tưởng của Âm Dương gia, đưa ra quan điểm minh xác về “Ngũ hành tương sinh”, viết nên “Ngũ hành tương sinh thiên”.
Khi chưa phân thiên địa thì thiên địa càn khôn hòa trộn cùng nhau, không có Mặt Trời, Mặt Trăng, tinh tú, thiên thể, tự nhiên không có ngày đêm, lạnh nóng luân phiên, phía trên không có gió mưa, sấm chớp, phía dưới không có cỏ cây, sông núi, người, chim, thú, côn trùng. Trạng thái này chính là hỗn độn, chính là từ trong trạng thái này mà sản sinh ra Tam giới. Vậy ai đã tạo ra nó? Tất nhiên là sinh mệnh cao cấp hơn, họ từ trong trạng thái hỗn độn mà sáng tạo ra một không gian rồi từ từ hoàn thiện nó, nguyên liệu sử dụng tất là loại vật chất dơ bẩn nhất, vô giá trị nhất, chính là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trên trời cũng có vật chất tương tự như thế, nhưng tính chất không giống nhau, kết cấu cũng không giống, có thể nói là không cùng một loại vật chất, giống như mối quan hệ giữa hoa sen trên mặt đất và liên hoa trong Thế giới Cực lạc vậy, hoặc có thể nói là giống như mối quan hệ giữa kim cương và pha lê.
Thế giới này là do Ngũ hành cấu thành, vậy nên bất kỳ vật thể nào nơi đây đều có thể quy nạp vào trong Ngũ hành, ví dụ thường hay nói có cổ nhân tổng kết ra ngũ âm, ngũ sắc, ngũ tạng, ngũ vị, ngũ khí, ngũ thể, ngũ độc, ngũ nhạc, ngũ tinh, v.v.
Đến cả thân thể con người trong không gian này cũng đều là do Ngũ hành cấu thành, vậy nên không cảm giác được nơi này khổ và dơ bẩn, nhưng sinh mệnh bên ngoài Ngũ hành lại có thể so sánh mà biết được, vậy nên họ muốn cứu độ con người nơi đây, đối mặt với hiểm nguy lớn bằng trời mà tới đây phổ độ chúng sinh. Trong không gian này có quy luật và tính chất của không gian này, ai muốn đến làm các việc thì cần phải phù hợp với lý của nơi này, bạn phải chuyển sinh vào đây, có được thân người, lấy thân phận một người bình thường mà truyền Pháp độ nhân. Nơi đó của họ là không có sự giới hạn của thời gian, tốc độ ánh sáng muốn nhanh liền nhanh, muốn chậm liền chậm, nhưng khi đến nơi này rồi thì là 300.000 km/giây.
Những người tu luyện và các Giác Giả độ nhân trước đây sau khi tu thành đều vứt bỏ cái thân xác thịt này, bởi vì nó là thân thể cấu thành từ Ngũ hành, không thể mang đến thế giới Phật quốc làm ô nhiễm nơi đó. Cách làm thông thường là vị Phật tiếp dẫn sẽ diễn hóa ra một Phật thể để mang đi, nguyên thần của họ thăng lên, nguyên thần và Phật thể đó hợp hai thành một, rồi mới có thể xuất khỏi Tam giới. Trước đây cũng có Pháp môn ‘tính mệnh song tu’, khi họ tu luyện thân thể đạt đến thể ‘kim cương bất hoại’, như vậy thì có thể mang ra khỏi Tam giới, nhưng thông thường thì không mang theo thân thể, chủ yếu vì sợ làm ô nhiễm tịnh thổ Phật quốc. Giống như một viên ngọc bích rơi vào hố phân, bạn rửa sạch rồi nhưng cũng không thể ngậm nó vào miệng được nữa, nó còn lưu lại tín tức trước đó. Chỉ có Giác Giả vĩ đại tầng thứ cực cao mới có khả năng giải quyết vấn đề này, khiến viên ngọc bích đó được tịnh hóa giống như được tái tạo.
Hiểu biết Ngũ hành tương sinh tương khắc cũng như mối quan hệ đối ứng giữa nó và thân thể con người, lại thành thục một số dược tính thì chính là Trung y rồi. Lấy một ví dụ đơn giản: Thân thể con người có ngũ tạng là tâm (tim), tỳ (lách), phế (phổi), can (gan), thận (cật); Thảo dược có năm vị là chua, đắng, ngọt, cay, mặn. Thận là thủy, đối ứng với vị mặn, thận hư nhược cần bồi bổ thì điều trị bằng thảo dược có tính mặn. Kim có thể sinh ra thủy, nên có thể dùng thảo dược có tính kim để điều trị, còn có thể trực tiếp trị phổi thuộc tính kim. Kim phế khỏe mạnh rồi, tự nhiên sẽ sinh ra thủy thận. Cường thì tiết, hư thì bổ.
Khi con người tức giận phẫn nộ, nhìn từ không gian khác thì thấy trên đỉnh đầu có một cục lửa, cục lửa này đến từ tâm, tâm thuộc hỏa thì làm sao sinh hỏa? Mộc sinh hỏa, can thuộc mộc, là do lá gan quá cường thịnh rồi dẫn tới hỏa khí lớn, người xưa nhìn thấy điểm này nên gọi đó là ‘can hỏa vượng’.
Tất nhiên, trong ứng dụng thực tế thì nó có mối quan hệ biện chứng phức tạp, nếu chỉ hiểu Ngũ hành tương sinh tương khắc một cách đơn giản mà đi hành y thì chính là lang băm.
Trong một ngôi mộ thời Hán được khai quật tại di chỉ Tinh Tuyệt Quốc ở Tân Cương, đã phát hiện một cái bao cánh tay bằng gấm, trên đó có viết “Ngũ tinh xuất Đông phương lợi Trung Quốc” (Tạm dịch: Năm ngôi sao xuất hiện ở phương Đông, mang lợi ích cho Trung Quốc). Rất nhiều người một khi nghe “lợi Trung Quốc” liền cảm thấy đây là dự ngôn của người xưa để chúc phúc cho Trung Quốc hiện nay, kỳ thực từ “Trung Quốc” này đã sớm xuất hiện từ triều đại nhà Chu rồi. Trên “Hà tôn” (bình đựng rượu nghi lễ) từ triều đại nhà Chu khai quật ở Bảo Kê có viết “Duy Vũ Vương ký khắc đại ấp Thương, tắc đình cáo ư thiên, viết: “Dư kỳ trạch tư Trung Quốc, tự tư nghệ dân” (Tạm dịch: Sau khi (Chu) Vũ vương lật đổ nhà Thương, liền ở trong đại điện cáo tế Trời, khấn rằng sẽ kiến lập Trung Quốc, từ đó thống trị vạn dân thiên hạ), Trung Quốc ở đây là quốc gia trung tâm, họ cho rằng đất nước của bản thân là trung tâm của thế giới. Năm ngôi sao này không phải là những ngôi sao năm cánh mà là chỉ năm hành tinh trong hệ Mặt Trời, chính là Ngũ tinh gồm sao Kim, sao Mộc, sao Thủy, sao Hỏa và sao Thổ vậy. Trong “Sử ký” nói “Thiên hữu Ngũ tinh, địa hữu Ngũ hành” (Trời có Ngũ tinh, Đất có Ngũ hành).
“Ngũ” trong thuật số đại biểu cho phong (gió); thuộc hành Mộc; là quả Tốn trong Bát Quái, tượng trưng cho sự thuận lợi.
Người xưa cho rằng, từ một đến chín là những con số thể hiện sự tuần hoàn của Trời Đất, số năm ở giữa là giai đoạn cường thịnh nhất nhưng cũng là bắt đầu của giai đoạn suy tàn, giống như Mặt Trời, buổi sáng sớm lúc 8 hoặc 9 giờ là giai đoạn hướng lên, cho đến giữa trưa thì bắt đầu đi hướng xuống dưới rồi. Cho nên trong Đạo gia có phương pháp tu luyện “Tri tam tị ngũ, nguy nhiên độc xứ” (tạm dịch: theo ba tránh năm, sừng sững một phương).
Số năm tuy nhỏ bé nhưng nội dung bao hàm lại rất rộng lớn, tôi chỉ từ một góc độ hạn hẹp mà đơn giản giảng ra một vài điều ở bề mặt mà thôi.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/293525
Ngày đăng: 02-05-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.