Y Sơn Dạ thoại (34): Thần y dân gian (1): Tận mắt nhìn thấy ba vị Thần y dân gian



Tác giả: Dương Xuân

[ChanhKien.org]

Ngay từ hơn 2000 năm trước, sự ra đời của cuốn sách chuyên ngành Trung Y “Hoàng đế nội kinh” đã đặt nền móng cho nền y học bác đại tinh thâm của Trung Hoa. Tuy nhiên trong thời cận đại, với làn sóng du nhập ồ ạt của y học phương Tây, thêm vào đó cái gọi là sự kết hợp giữa Trung Y và Tây Y hiện đại đã khiến cho y học cổ truyền Trung Quốc đã phải chịu tác động rất lớn. Mặc dù vậy, ở Trung Quốc đại lục vẫn còn rất nhiều thầy thuốc Trung Y gia truyền rải rác trong dân gian, còn có các cao nhân ngoài thế gian, vân du tứ phương, hành nghề y cứu đời, cứu giúp dân lành. Tôi đã tận mắt chứng kiến ba vị Thần y dân gian với y đức cao thượng và y thuật cao minh.

Vị thứ nhất là một lão thầy thuốc dân gian cổ truyền Trung Quốc, từ nhỏ đã theo thầy học nghề ở Thần Nông Giá.

Tương truyền vào thời thượng cổ, đến thời kỳ Thần Nông Thị, do dân số gia tăng, tâm linh con người không còn thuần tịnh như trước, môi trường tự nhiên liên tục ngày càng xấu đi, vì vậy loài người bắt đầu phải đối mặt với sự quấy nhiễu của bệnh tật. Thần Nông Thị nếm thử trăm loại thảo mộc, phân biệt các loại ngũ cốc, dạy người dân trồng trọt, từ đó đã tạo ra nông nghiệp. Ngoài ra, khi Thần Nông nếm thử bách thảo, ông đã phân biệt được 365 loại thảo dược, viết thành cuốn sách nổi tiếng “Thần Nông Bản Thảo Kinh” được truyền lại đến ngày nay. Cuốn sách này cùng với các sách “Hoàng đế nội kinh”, “Nan Kinh”, “Thương Hàn Tạp Bệnh Luận” sau này hợp thành tứ đại kinh điển của Trung Y, khởi nguồn cho cách chữa bệnh bằng thuốc Trung Y (Đông Y).

Thần Nông dựa trên dược tính của các loại thảo mộc để trị bệnh cho bách tính, giúp người dân thoát khỏi nỗi khổ bệnh tật, từ đó ông trở thành ông tổ của thuốc Trung Y. Tương truyền, khu rừng nguyên sinh ở Thần Nông Giá, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc chính là nơi năm xưa Thần Nông Thị hái thuốc cứu người. Khi Thần Nông thu hái thuốc ở đây, “bắc cây làm thang để giúp cho việc leo trèo”, do đó người ta mới gọi nơi đây là “Thần Nông Giá” (cái thang của Thần Nông).

Lão thầy thuốc Trung Y mà tôi biết chính là một cao nhân dân gian, từ nhỏ đã đi theo sư phụ của mình học y thuật ở Thần Nông Giá. Theo “Hoàng Thạch Vệ Sinh Báo” của Hồ Bắc vào thời điểm đó, vào đầu những năm 1980, lão thầy thuốc Trung Y này được mời đến Trung Nam Hải, Bắc Kinh, để điều trị cho một cán bộ cao tuổi bị đột quỵ, phu nhân của Hồ Diệu Bang rất hài lòng, đã thỉnh cầu ông ở lại thủ đô, nhưng ông vẫn tìm cớ thoái thác để trở về Vũ Hán, Hồ Bắc. Tôi đã từng thắc mắc hỏi ông: “Có cơ hội tốt như vậy, sao ông không ở lại Bắc Kinh?” Ông lão cười nhưng không trả lời.

Vào thời điểm đó, bố của một người bạn tôi cũng bị đột quỵ, đột quỵ nặng thì ít nhất một lần, đột quỵ nhẹ thì một năm vài lần, không thuốc nào chữa khỏi. Tôi đã giới thiệu cho họ mời vị lão thầy thuốc Trung Y đó về khám bệnh, bệnh tình ông ấy đã khỏi bệnh tròn mười năm. Mỗi lần sau khi lão thầy thuốc Trung Y bắt mạch cho bệnh nhân, ông chỉ tính tiền chẩn mạch là 5 tệ, bệnh nhân tự cầm đơn thuốc của mình ra tiệm thuốc bắc bên ngoài lấy thuốc. Nghe người lớn kể lại, để trị bệnh ông kê đơn ba lần, mỗi lần cho hiệu quả khác nhau. Lần thứ nhất là thuốc tẩy để giải độc; lần thứ hai là loại thuốc mạnh chuyên trị tận gốc của bệnh; lần thứ ba là thuốc bổ để phục hồi cơ thể. Mười năm sau, bệnh cũ của bố người bạn tái phát, anh lại tìm đến vị lão thầy thuốc Trung Y nhưng không biết ông đã đi đâu mất.

Trong khoảng thời gian này, lão thầy thuốc Trung Y còn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện cười, khi đó có một “bệnh nhân” tìm ông để xem bệnh, không nói họ tên, nhưng vị lão thầy thuốc vừa nhìn thoáng qua cũng biết ông ta là Phó viện trưởng Viện Trung Y Vũ Hán, ông ta cố tình hóa trang thành bệnh nhân để đến thăm khám. Ngoài ra, khi lão thầy thuốc đến khám bệnh luôn che miệng bằng khăn ướt màu trắng để thở. Có lẽ từ lâu ông đã phát hiện ra xã hội loài người ngày nay vì đạo đức thế gian trượt xuống hàng ngày, lòng người không chân thành, đạo đức sa đọa, có vô số bệnh tật ở khắp mọi nơi trong không khí.

Tiếp theo, vị Thần y dân gian thứ hai mà tôi sẽ giới thiệu với các bạn, đó là nữ bác sĩ Trung Y “ngũ chỉ mai hoa” (năm ngón tay hoa mai) không biết chữ.

Trong kỳ nghỉ hè năm 2003, vợ chồng tôi đi cùng một nhóm thăm quan Cửu Trại Câu, Tứ Xuyên, Trung Quốc, giữa đường dừng chân ở Vấn Xuyên, hướng dẫn viên dẫn chúng tôi vào một khu chợ thuốc bắc rộng lớn có sức chứa hàng trăm người, có rất nhiều thầy thuốc Trung Y với đủ các loại danh hiệu ngồi xem bệnh ở các quầy hàng xung quanh. Có người bắt mạch bằng một tay; cũng có người bắt mạch bằng cả hai tay; còn có người xem bệnh dựa trên màu sắc móng tay… Vì chẩn bệnh không thu tiền, các thầy thuốc chỉ hưởng trích hoa hồng từ tiền thuốc của bệnh nhân nên nhiều du khách mang tâm lý vui vẻ tìm thầy thuốc ở đây để khám bệnh. Sau khi dạo một vòng, chúng tôi đến xếp hàng trước quầy của một nữ Thần y được mệnh danh là “Ngũ chỉ mai hoa”.

Xếp hàng trước mặt chúng tôi là một người đàn ông trung niên, rồi tôi thấy nữ Thần y nói “nam tả, nữ hữu”, sau khi xem xong năm móng tay trên bàn tay trái của người đàn ông trung niên, bèn nói với ông ta là bộ phận nào trên cơ thể bị những bệnh gì, sau đó lại hỏi ông ta có kê đơn thuốc không? Nếu khách hàng đồng ý kê đơn, cô ấy sẽ đọc tên thuốc, nữ trợ lý bên cạnh sẽ viết đơn, sau đó đi lấy thuốc trong chợ dược liệu. Sau khi kê đơn thuốc xong, lại thấy cô ấy căn dặn người đàn ông: “Sau khi uống mấy thang thuốc bắc này của tôi, ông không cần nhuộm lại tóc nữa!” Tôi nhanh chóng bước tới hỏi người đàn ông này: “Rốt cuộc thầy thuốc khám có đúng không?” Ông ta nói: “Nếu nói không đúng, sao tôi lại bỏ tiền yêu cầu cô ấy kê loại thuốc đắt tiền như vậy?”

Tiếp theo đến lượt vợ tôi, sau khi xem lần lượt màu sắc của năm móng tay ở bàn tay phải của vợ tôi, cô ấy nói cho vợ tôi biết cơ thể có chỗ nào bị bệnh, tính cách như thế nào, tính khí ra sao, cô ấy nói còn rõ hơn chính vợ tôi. Sau đó, cô ấy còn đích thân kê một đơn thuốc làm đẹp cho vợ tôi, nó vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay. Vị thầy thuốc Trung Y này tự giới thiệu: “Tôi chưa bao giờ đọc sách, không biết một chữ Hán nào, tôi là người dân tộc Khương, tôi đã học được những y thuật này từ các vị trưởng bối qua hình thức khẩu truyền tâm thụ”.

Sau khi đoàn du lịch đến Đô Giang Yển để ăn trưa, tôi bèn tìm người đàn ông trung niên và hỏi anh đã nhuộm tóc phải không? Anh ấy là giáo viên dạy cấp hai ở Nam Dương, tỉnh Hà Nam, anh ấy vừa nhuộm tóc để đi du lịch hè. Tôi nói: “Bình thường không ai có thể nhận ra tóc của anh được nhuộm đen, không biết làm thế nào mà vị thầy thuốc đó phát hiện ra nó, hơn nữa, cô ấy luôn cúi đầu khi xem bệnh cho anh, cũng chưa từng ngẩng đầu nhìn lên tóc của anh!”

Nghe nói vị nữ Thần y này có khả năng chữa bệnh tiểu đường rất thần kỳ, và không cần phải dựa vào thuốc cả đời như Tây Y. Điều đáng tiếc là một cấp trên của tôi bán tín bán nghi về việc này, lại thêm xảy ra trận động đất lớn ở Tứ Xuyên nên không thể thực hiện được chuyến đi. Hàng ngày, ông phải dựa vào insulin để trì hoãn các triệu chứng, nhưng cuối cùng vẫn chết vì bệnh tiểu đường khi chỉ mới hơn 50 tuổi.

Tiếp theo tôi sẽ giới thiệu với các bạn vị thần y dân gian thứ ba: nữ “bán Tiên” (nửa người nửa tiên) có khả năng dao chẩn dao trị (chẩn bệnh và chữa bệnh từ xa).

Một nam thanh niên làm lái xe ở đơn vị chúng tôi mọc mụn thịt ở bàn chân, thường gọi là “nhục thích” (châm vào thịt). Anh đã tìm rất nhiều phương pháp Tây Y, Đông Y và các phương pháp dân gian khác, nhưng không có phương pháp nào hiệu quả. Điều kỳ lạ là những mụn thịt ở lòng bàn chân của anh ta rất khác thường, có hình dạng giống như Bắc đẩu thất tinh (chòm sao Bắc đẩu giống hình một chiếc gáo lớn).

Sau đó, qua sự giới thiệu của một người quen, cuối cùng mẹ anh cũng tìm được một nữ thầy thuốc Trung Y mà người ta gọi là “bán Tiên”. Bởi vì không công khai xem bệnh, cũng không nhận bất kỳ lễ vật hay tiền bạc nào, sau nhiều lần thỉnh cầu, mẹ của nam thanh niên đã mời được cô ấy xem bệnh cho con trai của bà. Khi đó, con trai của bà vẫn đang đi công tác ở Thiên Tân, nữ “bán Tiên” hỏi qua điện thoại di động rằng có phải khi nhỏ cậu đã từng đến nơi nào đó, và dẫm đạp lên đồ thờ cúng Thần Phật không. Anh ta trả lời rằng anh ta nhớ khi còn nhỏ mình đã nghịch ngợm và thiếu hiểu biết, nên đã từng làm điều tồi tệ này. Đêm đó nữ “bán Tiên” dặn anh không được ra ngoài mà ở lại khách sạn để cô ấy trị bệnh từ xa cho anh. Không lâu sau, những mụn thịt trên chân anh đã không cánh mà bay, hoàn toàn biến mất.

Ngày nay, cho dù những học giả tay sai của Trung Cộng như Hà Tộ Hưu, Phương Chu Tử bị ảnh hưởng bởi “thuyết tiến hóa” và “thuyết vô thần” đã cố tình hạ thấp y học cổ truyền Trung Quốc là “ngụy khoa học”, hoặc thậm chí miệt thị Trung Y là “trò lừa gạt thành công nhất suốt 3000 năm nay”, nhưng điều không thể phủ nhận là các loại thuốc “thuốc vào là bệnh hết” được ghi trong sử sách cổ đại của Trung Quốc được truyền lại cho đến nay, những thầy thuốc Trung Y với bàn tay thần diệu như: Biển Thước, Đổng Phụng, Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh, Tôn Tư Mạc, Lý Thời Trân, v.v. lại nhiều không kể siết.

Năm 1972, cựu Tổng thống Mỹ Nixon khi đến thăm Trung Quốc, đã thăm quan liệu pháp “châm cứu” của Trung Quốc. Ông nhìn thấy một cây kim bạc mảnh nhẹ nhàng cắm vào tay bệnh nhân, sau đó nối dòng điện vào, rồi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Bệnh nhân tỏ ra không hề đau đớn khi không dùng thuốc mê, việc này đã làm tổng thống Hoa Kỳ kinh ngạc. Trước sự thần kỳ của Trung y, Tổng thống Nixon cảm thấy nghi hoặc khó hiểu nên đã cẩn thận hỏi vị bác sĩ đó: “Kinh mạch là gì? Chức năng và đặc điểm của nó là gì?” Điều làm mọi người vô cùng xấu hổ là vị bác sĩ đó và tất cả các bác sĩ có mặt đều không biết, không ai có thể trả lời chính xác các câu hỏi của tổng thống.

Nghe nói rằng năm sau đó các chuyên gia y tế và học giả nổi tiếng trong nước đã được yêu cầu nhất định phải làm sáng tỏ bản chất của kinh mạch càng sớm càng tốt, lý thuyết kinh mạch của Trung Y đã đơm hoa kết quả trong thời gian đó. Thời gian đó chính nhờ sự biến đổi của thiên tượng này mới kêu gọi sự trở lại của văn hóa truyền thống Trung Quốc, cũng dấy lên một “phong trào khí công” chưa từng có từ trước đến nay ở vùng đất Trung Hoa lâu đời.

Từ xưa đến nay đã có câu “Y Đạo tương thông”, “hậu đức tải vật” (“Đức dày chở muôn vật”, ý là người có đức lớn có thể làm được việc lớn). Nói cách khác, những bản lĩnh thực sự siêu thường đó ở Trung Quốc cổ đại chỉ có thể được truyền lại cho những người có đạo đức cao thượng. Do quy luật thành, trụ, hoại, diệt của vũ trụ, sự biến dị về tâm linh, những Thần y thời cổ đại thà mang theo những y thuật siêu thường tích lũy cả đời của họ vào quan tài chứ không muốn truyền cấp cho những người đời sau có đạo đức thấp. Vì vậy, y thuật gia truyền có thể thực sự điều trị được cả gốc lẫn ngọn đang mất dần người kế thừa và thất truyền, dần dần được thay thế bằng phương pháp Tây Y chỉ điều trị ngọn chứ không điều trị gốc.

Mọi người đều biết rằng những căn bệnh siêu thường thì phải dùng phương pháp siêu thường mới có thể chữa được. Một khi nghiệp bệnh của nhân loại tích lũy từ đời này qua đời khác vượt quá trình độ công nghệ y tế hiện đại và hiệu quả trị liệu của thuốc hiện đại, một khi một dịch bệnh quy mô lớn như SARS lại xuất hiện trên thế gian, lại thêm các chính trị gia vô thần ngày nay giống như Hoàn Hầu trong câu chuyện “Biển Thước gặp Thái Hoàn Công” luôn giấu bệnh sợ thầy (sợ người khác phê bình mà giấu lỗi lầm), thậm chí còn chống lại khoa học siêu thường như Trung Y và khí công coi đó là mê tín, có lẽ khi đó cuộc đại đào thải nhân loại được nhắc đến trong những lời tiên tri trong và ngoài nước từ xưa đến nay sẽ bắt đầu. Đại ôn dịch kéo dài từ năm 2020 đến nay đã một lần nữa đưa ra lời cảnh báo cho nhân loại.

Trong “Hoàng đế nội kinh” nói: “Thượng công trị vị bệnh; Trung công trị dĩ bệnh” (thầy thuốc bậc thượng điều trị khi bệnh chưa đến, thầy thuốc bậc trung điều trị khi bệnh đã đến). “Thiên Kim Yếu Phương” nói: “Thượng y y quốc; trung y y nhân; hạ y y bệnh” (thầy thuốc bậc thượng có thể chữa lành những sai lầm của quốc gia, thầy thuốc bậc trung có thể chữa lành những sai lầm của con người, thầy thuốc bậc hạ có thể chữa lành các bệnh tật trên thân thể người). Tục ngữ nói: “Nhân đắc bệnh thị thất phân tinh thần tam phân bệnh” (người bị bệnh thì do bảy phần tinh thần ba phần bệnh). Nói cách khác, những vị quân vương giỏi trị vì quốc gia đều hiểu được đạo lý mà thánh nhân đã giảng rằng “tinh thần và vật chất là nhất tính” (Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999]). Bởi vì bệnh tật bề ngoài của con người là bệnh do tâm lý nội tại của con người gây ra, sự suy vong, lụi bại của đất nước cũng chính là do đạo đức bại hoại gây ra. Chỉ bằng cách phát huy tinh hoa của đất nước, quay về với truyền thống, tịnh hóa nhân tâm, đề cao đạo đức, phòng họa khi chưa xảy ra, thì mới có thể thiên hạ đại trị, quốc thái dân an.

Loạt bài “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/267108



Ngày đăng: 14-11-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.