Y Sơn dạ thoại (22): Y Đức – Phần 2: Không nhớ thù xưa, bị hàm oan không tranh cãi



Tác giả: Lý Đức Phù/Tĩnh Viễn

[ChanhKien.org]

Các học giả tiếng tăm trong lịch sử Trung Quốc đều cho rằng y học là thuật nhân nghĩa, đối với người bệnh thì phải quan tâm, chăm sóc, tận tâm, tận lực để cứu chữa. Đại y học gia Tôn Tư Mạc chủ trương không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, tất cả đều được đối xử bình đẳng. “Phàm là đại y khi chữa bệnh thì phải an thần định chí, vô dục vô cầu, trước hết khởi tấm lòng trắc ẩn từ bi, nguyện phổ cứu các sinh linh đang đau khổ …” Nghĩa là không phân biệt bệnh nhân giàu nghèo, thân thuộc hay xa lạ, đều xem họ như thân nhân, như bạn hữu của mình. Là thầy thuốc thì nên từ bỏ mọi tạp niệm tư tâm, không phân kể người bệnh tuổi tác già hay trẻ, tướng mạo đẹp hay xấu, thông minh hay ngu ngốc, thuộc dân tộc nào, đặc điểm tính cách ra sao, v.v. đều phải tận tâm, chân thành chữa trị.

Nói đến việc chữa bệnh không phân biệt thân quen hay xa lạ, cho dù là người có mối thù hận với mình cũng không thể từ chối chữa trị. Xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện dưới đây:

Thầy thuốc nhi khoa nổi tiếng thời nhà Minh Vạn Toàn, có kẻ thù là Hồ Nguyên Mưu. Hồ Nguyên Mưu có một đứa con trai bốn tuổi bị ho và nôn ra máu, đã đưa đến các danh y khắp nơi nhưng không chữa khỏi, không còn cách nào khác đành đến cầu cứu Vạn Toàn. Vạn Toàn không để bụng thù xưa, lập tức đến nhà bệnh nhân để xem bệnh. Sau khi chẩn đoán, ông chân thành nói với Hồ Nguyên Mưu rằng căn bệnh này có thể chữa khỏi trong một tháng. Ngay sau đó, Vạn Toàn lập tức kê đơn điều trị, sau khi uống năm thang, cơn ho đã giảm được bảy phần, mũi và miệng ngừng chảy máu. Biến chuyển như vậy là rất tốt, không ngờ Hồ Nguyên Mưu lại nghĩ rằng đứa trẻ khỏi bệnh quá chậm, bởi trong lòng ông ta vẫn luôn nghi ngờ, cho rằng Vạn Toàn có hiềm khích với mình nên không để tâm chữa trị, bèn quyết định mời thầy thuốc khác là Vạn Thiệu đến chữa bệnh cho con trai mình.

Về lý mà nói, nếu đã mời thầy thuốc khác thì Vạn Toàn hoàn toàn có thể buông xuôi phó mặc, tuy nhiên khi có người khuyên ông rời đi, Vạn Toàn nói: Hồ Nguyên Mưu chỉ có một người con trai này, ngoại trừ tôi ra, không ai khác có thể chữa khỏi. Sau khi tôi đi, ông ta sẽ không mời tôi trở lại nữa, như thế sẽ lỡ mất việc chữa trị bệnh cho đứa trẻ, tuy tôi không hại nó nhưng đó cũng là lỗi của tôi. Chi bằng, tôi thử xem đơn thuốc của Vạn Thiệu trước, nếu thấy hợp lý thì tôi sẽ đi, nếu dùng sai thuốc tôi sẽ ngăn ông ấy lại, nếu không ngăn cản được, tôi rời đi cũng chưa muộn.

Sau khi xem đơn thuốc mới của Vạn Thiệu, Vạn Toàn cho rằng loại thuốc đó không đúng với bệnh, uống vào rất nguy hiểm. Vì vậy đã ông hết lòng khuyên ngăn: “Phổi của đứa trẻ phồng lên rồi không xẹp xuống, nở ra rồi không thu lại được, làm sao có thể dùng hai vị phòng phong và bách bộ được?” Vạn Thiệu không những từ chối không tiếp thu mà còn cố chấp nói: “Phòng phong và bách bộ là thần dược trị ho”. Hồ Nguyên Mưu ở bên cạnh cũng hùa theo: “Đó là phương thuốc bí truyền của ông ấy”. Vạn Toàn rất nghiêm túc nói: “Tôi là lo lắng cho đứa trẻ này chứ không phải có tâm đố kỵ với ông”.

Vạn Toàn không đành lòng nhìn thấy chết mà không cứu, trước khi đi, ông lại đến thăm đứa trẻ lần cuối, xoa đầu nó và nói: “Uống ít thôi, thật đáng thương, khi bệnh tái phát thì ta biết làm thế nào?” Nói xong liền ra về.

Quả nhiên không ngoài dự đoán, đứa trẻ vừa uống một chén nhỏ thuốc của Vạn Thiệu thì cơn ho tái phát, cậu bé thở dốc và lại nôn ra máu như trước. Đứa trẻ khóc và nói: “Con uống thuốc của ông Vạn Toàn đã đỡ hơn rồi, nhưng cha lại mời người này đến đầu độc con!” Thế là bệnh tình của đứa trẻ thay đổi đột ngột, sắp nguy hiểm đến tính mạng.

Vợ của Hồ Nguyên Mưu rất tức giận mắng nhiếc chồng. Hồ Nguyên Mưu bắt đầu hối hận. Ông ta không còn cách nào khác đành phải dằn lòng đến mời Vạn Toàn lần nữa. Vào thời điểm ngàn cân treo sợi tóc này, Vạn Toàn không tính toán so đo gì, chỉ chân thành khuyên nhủ: “Sớm nghe tôi, thì mọi chuyện đã không như thế này. Nếu muốn tôi trị bệnh thì trước tiên phải dẹp bỏ nghi tâm, việc này hoàn toàn giao cho tôi, với kỳ hạn một tháng.” Kết quả là chỉ mất 17 ngày, Vạn Toàn đã chữa khỏi bệnh cho cậu bé.

Câu chuyện kể trên đây khiến trong tâm mỗi chúng ta đều cảm thấy vô cùng xúc động. Tấm lòng đạo đức cao đẹp như vậy thật đáng quý trên thế gian con người ngày nay. So sánh với y đức của giới y học Trung hiện nay, không cần tôi phải nói, các bạn hẳn cũng thở dài thất vọng.

Là thầy thuốc thì cần phải lấy việc coi trọng tu dưỡng y đức, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, trung thành với nghề nghiệp, tận tâm khám chữa cho bệnh nhân làm tiêu chuẩn đạo đức. Các thầy thuốc thời xưa chọn học trò để truyền nghề đều phải chọn những người thành tâm chuyên ý. Ngay cả con cháu của các danh y cũng không nhất định có thể kế thừa nghề nghiệp của gia đình. Thầy thuốc Vạn Toàn trong câu chuyện vừa rồi có tất cả mười người con trai, nhưng không ai trong số họ có thể kế thừa nghề thuốc của cha mình. Danh y thời nhà Thanh là Diệp Thiên Sĩ trước lúc lâm chung đã cẩn thận nhắc nhở các con mình: “Xem xét một người có thể làm thầy thuốc hay không, đầu tiên là phải xét tư chất và ngộ tính, sau là cần phải đọc hết hàng vạn cuốn sách thì mới có thể cứu đời. Nếu không như thế, hiếm có người không giết người, chính là dùng thuốc như lưỡi dao. Nếu ta chết, con cháu phải thận trọng không nên khinh suất khi chữa bệnh”. (trích “Thanh sử cảo – Diệp Quế Truyền”) Đoạn văn này rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Người xưa nói: “Thầy thuốc là một nghề mà không phải bất cứ người nào cũng có thể làm được”. Tục ngữ có câu: “Người làm thầy thuốc mà không có lòng nhân ái, thì không thể phó thác; không thông thấu đạo lý, thì không thể đảm đương; không liêm khiết lương thiện, thì không đáng tin cậy.”

Sau đây xin kể lại một câu chuyện thời cổ đại.

Lão Ngụy là một người tinh thông y thuật và thích làm việc thiện. Người đến nhà xin ông chữa trị, dù đó là người giàu hay nghèo, ông đều tận tâm cứu chữa, không mưu cầu báo đáp; Đối với những bệnh nhân nghèo khó, ngược lại ông còn tặng tiền, phát thuốc cho họ; gặp người từ nơi xa xôi vào thành để khám chữa bệnh, thì trước tiên đều được ông mời ăn một ít cháo hoặc bánh, ăn xong mới bắt đầu chẩn mạch. Ông nói: “Vì họ phải đi bộ một quãng đường dài, lại thêm đói bụng nên các mạch máu sẽ rất rối loạn. Tôi mời họ ăn một chút gì đó trước, nghỉ tạm một lúc thì mạch mới có thể ổn định lại”.

Có một lần lão Ngụy được mời đến nhà một bệnh nhân để chữa bệnh. Bệnh nhân bị mất 10 lượng bạc để cạnh gối, con trai bệnh nhân nghe lời gièm pha, nghi là lão Ngụy lấy số bạc đó, nhưng không dám hỏi thẳng. Có người bảo anh ta cầm một nén hương đến quỳ trước cửa nhà lão thầy thuốc. Lão Ngụy thấy chuyện quái lạ nói: “Có chuyện gì thế?” Anh ta trả lời: “Có chuyện nghi vấn khó xử, muốn hỏi thầy thuốc, sợ tiên sinh phật ý nên không dám nói”. Lão thầy thuốc nói: “Anh cứ nói, tôi không trách anh đâu!” Anh ta lúc này mới nói ra đầu đuôi câu chuyện.

Lão Ngụy mời anh ta vào mật thất và nói: “Quả thực có chuyện này, ta muốn tạm thời lấy dùng cho việc cấp bách, ta vốn định ngày mai đến tái khám sẽ bí mật trả lại. Hôm nay anh đã đến hỏi, vậy có thể lấy lại ngay. Xin anh đừng nói với người ngoài!” Ngay lập tức trả đủ cho anh ta số bạc đó.

Chứng kiến con trai của bệnh nhân cầm hương đến quỳ trước cửa nhà lão thầy thuốc, mọi người đều nói lão thầy thuốc xưa nay luôn là người đức cao, thận trọng, không nên vu cáo, hãm hại người có đạo đức, ông ấy không thể có hành vi dơ bẩn như thế. Khi thấy con trai bệnh nhân cầm bạc trở về, mọi người đều đồng thanh thở dài: “Lòng người thật khó lường, không ngờ ông ta lại đến mức như thế!” Thế là người thêm kẻ thắt chê bôi, bàn tán xôn xao khắp nơi. Nghe được điều này, lão thầy thuốc thần thái an nhiên không chút lưu tâm.

Không lâu sau đó, bệnh nhân bình phục. Trong khi dọn dẹp quét tước giường chiếu, ông tìm thấy túi bạc dưới đệm, lúc này ông mới vô cùng bàng hoàng và hối hận nói: “Bạc không hề mất, vậy mà ta đã hãm hại một vị trưởng lão đức cao, nên làm thế nào đây! Phải ngay lập tức đến nhà thầy thuốc trả lại bạc cho ông ấy trước mặt mọi người, không thể để ông ấy ôm nỗi oan không được giãi bày!”

Thế là hai cha con họ cùng đến nhà lão thầy thuốc, vẫn như lần trước, họ quỳ trước cửa với nén nhang trên tay. Lão Ngụy nhìn thấy cười nói: “Hai cha con hôm nay làm thế này lại có việc gì vậy?” Hai cha con xấu hổ nói: “Chúng tôi không bị mất bạc, chúng tôi đã trách nhầm trưởng lão, tội thật đáng chết. Hôm nay chúng tôi đến để trả lại bạc cho tiên sinh. Tiểu tử dốt nát, xin tùy tiên sinh đánh mắng!” Lão thầy thuốc mỉm cười đỡ họ dậy và nói: “Chuyện đó có can hệ gì đâu? Không cần phải để tâm!”

Con trai của bệnh nhân hỏi lão thầy thuốc: “Hôm đó cháu vu oan cho tiên sinh, vì sao tiên sinh lại cam chịu ô danh mà không làm rõ chuyện, khiến cháu hôm nay vô cùng xấu hổ! Hôm nay đã được ngài rộng lòng tha thứ, tiên sinh có thể cho cha con cháu biết tại sao ngài lại làm như vậy không? ”

Lão Ngụy cười nói: “Cha anh và ta là hàng xóm của nhau, ta biết rằng từ trước đến nay ông ấy rất cần kiệm, quý trọng tiền bạc. Đang lúc bị bệnh, nếu nghe nói mất mười lượng bạc, thì bệnh tình nhất định sẽ trầm trọng hơn, thậm chí bệnh sẽ không khỏi. Vì vậy, ta thà chịu oan ức mang tiếng xấu một chút, để cha cháu biết bạc mất đã tìm lại được, biến đau buồn thành vui mừng, bệnh tình tự nhiên sẽ khỏi! ”

Nghe đến đây, hai cha con đều quỳ gối xuống đất, khấu đầu lạy tạ liên tục mà nói: “Cảm tạ tiên sinh đức dày, đã bất chấp thanh danh của bản thân, chịu ô nhục để cứu mạng tôi. Nguyện kiếp sau làm khuyển mã để báo đáp đại ân!” Lão thầy thuốc mời hai cha con vào nhà, bày tiệc rượu khoản đãi vô cùng vui vẻ rồi mới ra về.

Ngày hôm đó, rất nhiều người đến xem vây quanh như bức tường, họ đều nói rằng hành động của lão thầy thuốc quả thực nằm ngoài suy đoán của mọi người. Từ đó danh tiếng người lương thiện của lão Ngụy ngày càng lan rộng.

Bị ô nhục mà không tranh cãi, trước hàng trăm người chịu hàm oan mà vẫn không thanh minh, không động tâm, quả là việc khó làm được. Nhưng điều mà lão Ngụy lúc đó nghĩ đến là bệnh tình của kẻ đã vu khống ông, không để tâm tới việc mình mất hết thanh danh, mang tiếng là đạo tặc, chỉ mong rằng bệnh tình của bệnh nhân thuyên giảm. Khi bệnh nhân cảm ơn công đức, ông vẫn rất khiêm tốn, không hề tỏ vẻ kiêu ngạo, ông chỉ coi đó là bổn phận cần phải làm như vậy.

Từ xưa đã có cách nói “Đức vi phúc thọ chi bản (nghĩa là: đạo đức là nền tảng của phúc thọ)”, “Nhân giả thọ (nghĩa là: người nhân từ thì sống thọ)”. Việc làm hành thiện tích đức, hết lòng vì mọi người của lão Ngụy đã được phúc báo nhiều lần, hơn nữa còn để lại phúc trạch cho đời sau, con trai ông là Ngụy Liêm Phỏng sau khi đậu cao trung tiến sĩ đã làm quan ở một tỉnh. Trong lần mừng đại thọ 80 tuổi, lão thầy thuốc được Hoàng thượng phong tặng nhiều tước hiệu, con cháu của ông đều được vinh hiển. Người thời đó cho rằng, thiện báo của ông Trời giành cho người hành thiện quả là có thật!

Loạt bài “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/263680



Ngày đăng: 01-08-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.