Y Sơn Dạ thoại (38): Truyền thuyết về Tôn Tư Mạc (2): Chữa rồng cứu hổ



Tác giả: Chánh Kiến Net

[ChanhKien.org]

Chào các bạn, chương trình hôm nay sẽ tiếp tục kể cho các bạn nghe câu chuyện về Dược vương Tôn Tư Mạc. Tôn Tư Mạc không chỉ chữa khỏi bệnh cho vô số bệnh nhân, hơn nữa vì ông có phương pháp tu luyện, y đức cao thượng, ông còn để lại truyền thuyết thần kỳ “chữa rồng cứu hổ, đức đến muôn loài”. Có nghĩa là trị bệnh cho rồng và hổ, nghe có vẻ rất thú vị.

Đầu tiên là câu chuyện “cách trị bệnh tài tình cho Long Vương”.

Vào một đêm khuya mưa bão sấm sét, ngôi nhà tranh nằm dưới vách núi cao của Tôn Tư Mạc vang lên tiếng gõ cửa. Ông mở cửa thấy một cậu học trò áo trắng đứng trước cửa nhà, khi đó trên trời sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước, nhưng điều thật kỳ lạ là quần áo cậu học trò áo trắng này lại không dính một giọt nước! Tôn Tư Mạc hỏi anh ta: “Cậu muốn xem bệnh à?” Cậu học trò áo trắng vội vàng gật đầu nói vâng.

Tôn Tư Mạc bảo cậu ta vào trong phòng rồi ngồi xuống, sau khi bắt mạch ông nói: “Cậu không phải là người chăng?” Cậu học trò áo trắng ngây người rồi lập tức trấn tĩnh lại trả lời rằng: “Làm sao ông biết được?” Tôn Tư Mạc mỉm cười nói: “Cậu đến thì có sấm sét đùng đùng, cuồng phong nổi lên, cậu ngồi yên tĩnh thì gió mưa sấm sét cũng hết. Y phục cậu mặc trong mưa to gió lớn mà không hề bị ướt chút nào, hơn nữa mạch tượng của cậu không cái nào là không hiển thị thuộc tính kỳ lạ. Nếu tôi đoán không lầm thì cậu nhất định là đứng đầu thủy cung – là Thần long chăng?” Cậu học trò áo trắng nghe xong liên tiếp gật đầu ca ngợi: “Thảo nào đại danh Chân nhân khắp nơi trên trời dưới đất không đâu không biết. Đúng là đại danh, quả thực danh bất hư truyền!” Nói rồi, cậu học trò tự mô tả chứng bệnh của mình: “Mấy hôm trước, vì tôi đói quá nên ăn uống vội vàng, không biết vật gì đã gây tắc thực quản. Thế là mấy ngày sống chút hơi tàn, chỉ có thể uống được một chút canh loãng để giữ mạng sống”. Tôn Tư Mạc nghe xong bèn sai đồng tử đem một thùng nước thuốc đặt trước mặt người học trò áo trắng, giục anh ta mau chóng uống, không được ngừng nghỉ, nếu không thì bệnh này khó chữa.

Người học trò áo trắng nghe xong vội vàng bưng thùng nước lên uống liền một hơi hết thùng nước vào trong bụng. Trong bụng bỗng cuộn trào, cổ họng cảm thấy không thể nhẫn chịu nổi, lập tức cúi đầu xuống “ọe” một tiếng, nôn liên tục vào cái thùng lớn đó. Người học trò áo trắng đó kinh ngạc nhìn thấy lẫn trong mớ ô uế nôn ra đó có một con rắn dài, anh ta bất giác ca ngợi: “Linh đan diệu dược của Chân nhân, quả thực là ra tay là bệnh hết”. Tôn Tư Mạc vui vẻ cười ha hả và nói: “Linh đan diệu dược gì đâu, chẳng qua chỉ là một thùng giấm trộn tỏi giã nhỏ mà thôi. Chua cay trộn lẫn, con rắn đó tự nhiên sẽ không chịu được”. Ông dừng lại một lát rồi nói tiếp: “Bệnh của cậu cái gốc đã bị trừ, nhưng nguyên khí chưa khôi phục, tôi châm thêm cho cậu một mũi kim thì có thể chịu đau một lần mà yên ổn mãi mãi”. Người học trò áo trắng nghe xong liên tiếp khen hay.

Tôn Tư Mạc liền đi đến sau lưng người học trò, lấy ra một chiếc kim vàng dài hơn một thước, nhằm đúng vị trí phía sau đỉnh tim sau lưng cắm mạnh xuống. Người học trò áo trắng đó gầm lên một tiếng, lập tức hóa ra nguyên hình thực sự là một con rồng lớn to bằng thùng nước có vẩy bạc lấp lánh. Con rồng mềm nhũn nằm cuộn trên nền nhà không động đậy. Hai con mắt như hai chiếc đèn bạc kia chăm chăm nhìn Tôn Tư Mạc. Tôn Tư Mạc nói: “Lát nữa ta rút chiếc kim vàng ra thì cậu sẽ vụt lên chui mạnh vào tường đá trong nhà. Nếu như cậu có thể chui qua vách đá ngọn núi này, bay lên mây thì nguyên khí của cậu đã thực sự phục hồi rồi”. Nói rồi, ông đưa tay rút chiếc kim trên lưng rồng ra và thét lên: “Mau chui qua vách đá!” Rồng trắng lay động chuyển mình, lập tức chui vào vách đá, thoáng chốc đã biến mất trên vách đá. Từ đó một cái lỗ lớn sâu và rộng được lưu lại trên vách đá đó.

Một lát sau, trên không trung vọng xuống tiếng nói của người học trò áo trắng: “Chân nhân đức đến muôn loài, là mẫu mực của Thần Tiên. Tôi phải lập tức trở về thủy phủ, phòng lũ cứu hạn, mãi mãi tạo phúc cho nhân loại”. Tôn Tư Mạc mở cửa ra, chỉ thấy một tia chớp trên bầu trời, bóng hình rồng trắng thấp thoáng trong mây và biến mất trong không trung bao la.

Sau chuyện “chữa bệnh thần kỳ cho Long Vương”, chúng ta lại nói đến câu chuyện của Tôn Tư Mạc “Cứu chữa mãnh hổ, vòng chuông truyền thế”.

Một lần Tôn Tư Mạc xuống núi chữa bệnh cho bệnh nhân, trên đường trở về bỗng thấy trong lùm cây một con mãnh hổ trán trắng, con ngươi dựng ngược bước ra. Mặc dù là người tu Đạo đã bàng quan với thế giới, đối diện với sinh tử đều rất bình thản, nhưng bỗng nhiên xuất hiện tình huống này, Tôn Tư Mạc vẫn thất kinh.

Con mãnh hổ đó dường như cũng biết Tôn Tư Mạc hiểu lầm nó, nên đi đến cách Tôn Tư Mạc chừng ba thước thì nó thu hai chân trước lại, nằm phủ phục xuống đất, giống như dáng vẻ khấu đầu của con người. Tôn Tư Mạc cảm thấy kỳ lạ, trong lòng thầm nghĩ: Lẽ nào vị chúa sơn lâm này muốn chữa bệnh sao? Thế là ông bèn hỏi: “Lẽ nào hổ trên thân có bệnh, muốn ta chữa trị chăng?”

Chỉ thấy hổ khấu đầu liền ba cái. Nhưng lúc đó Tôn Tư Mạc lại nghĩ: Long Vương là Thần linh, chúa sơn lâm là loài tàn ác. Hổ đói ăn thịt người, ai nấy đều muốn tự tay đâm mới hả dạ, sao ta có thể chữa cho nó, trở thành người giúp kẻ ác được? Thế là ông nói với nó rằng: “Đời ta không chữa bệnh cho ba loại, không chữa cho kẻ ác, không chữa cho yêu tà, không chữa cho kẻ tàn hại dân chúng. Ngươi là thú dữ trong núi rừng, ta chữa khỏi bệnh cho ngươi, chẳng phải giúp ngươi hại người, ăn thịt người đó sao?” Nói rồi ông ngẩng cao đầu ưỡn ngực bước thẳng về phía trước. Con mãnh hổ đó theo sát sau ông, dùng miệng cắn nhẹ góc áo ông, trong miệng kêu thành tiếng “u, u”, nước mắt “rào rào” rơi xuống. Tôn Tư Mạc là người tu Đạo, từ bi vô lượng, thấy hổ như thế thì trong lòng thương cảm, bất giác rơi lệ. Ông lập tức dừng bước nói: “Ngươi nhất định muốn ta chữa bệnh cũng được, nhưng phải đảm bảo từ nay trở đi quyết không được làm tổn hại đến sinh mệnh người”. Hổ lập tức bỏ áo ông xuống, nằm phủ phục xuống đất như con cừu, gật đầu đồng ý. Tôn Tư Mạc lại nói: “Nhân loại cũng có nhiều người nói mà không giữ chữ tín, để ngăn ngươi cũng có thói đó, hàng ngày ngươi phải đến trước mặt ta nhe răng để ta kiểm tra”. Hổ cũng gật đầu đồng ý.

Tôn Tư Mạc mạnh dạn bước tới xem, thấy yết hầu con hổ bị sưng tấy nghiêm trọng, nhìn kỹ thì thấy có một cái xương đâm xuyên từ trên xuống dưới yết hầu, bất chấp nguy hiểm, ông dùng thanh sắt giữ miệng con hổ, đề phòng khi điều trị nó bị đau mà cắn làm tổn thương ông. Sau đó ông rút cái xương ra, cắt bỏ phần thịt thối, bôi thuốc và lấy thanh sắt ra.

Từ đó con hổ này cũng rất trọng tín nghĩa, hàng ngày ở xung quanh bảo vệ ông. Tôn Tư Mạc vào núi hái thuốc, nó cõng gùi thuốc trên lưng, miệng ngậm cuốc đào thuốc; khi Tôn Tư Mạc đi chữa bệnh, nó để ông cưỡi trên lưng, miệng ngậm hòm thuốc, thực sự đã trở thành vệ sỹ trung thực và đồng bộc của ông. Các thầy thuốc cổ đại trên lưng thường cõng hòm thuốc, tay đeo chiếc vòng chuông, đi trên ngõ phố thường giơ chuông ngang tầm trán lắc leng keng không ngừng. Chiếc chuông này tương truyền chính là năm xưa Tôn Tư Mạc chữa bệnh cho chúa sơn lâm, dùng để đặt vào miệng hổ để nó há ra, rồi thò cánh tay vào trong miệng hổ dùng các y cụ để chữa bệnh.

Các bạn thân mến, các bạn vừa nghe câu chuyện thần kỳ của Dược vương Tôn Tư Mạc, nghe rất giống thần thoại và truyền thuyết phải không? Kỳ thực, Trung y của Trung Quốc cổ đại, thế giới mà họ quan sát được đã vượt ra ngoài không gian hiện có mà khoa học hiện đại thừa nhận. Một số Thần y vốn là những người tu luyện, người hiện đại không thể hiểu được sự tinh túy của họ, càng không biết được làm thế nào con người có được kiến thức thần kỳ như vậy hàng ngàn năm trước. Cho nên trong mắt của con người ngày nay, nó đã trở thành truyền thuyết thần thoại. Vì vậy, trong chương trình tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục kể cho các bạn nghe câu chuyện “chữa bệnh miễn phí đổi nhân sâm” của Tôn Tư Mạc khi ông bị bọn cướp bắt cóc.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/268062



Ngày đăng: 07-02-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.