Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Đông Y

Mạn đàm Trung y (27): Giới thiệu sơ lược về “thi liệu”

22-07-2025

Tác giả: Nhược Bình Tử

[ChanhKien.org]

Đã có những bài viết giới thiệu đơn giản rõ ràng về “liệu pháp âm nhạc”. Ở Hoa Kỳ và Châu Âu đã có các điểm điều trị và trang web thương mại hóa liệu pháp âm nhạc, mặc dù các loại bệnh mà nó có thể điều trị vẫn còn rất hạn chế và còn lâu mới có thể cạnh tranh với các liệu pháp khác trong y học hiện đại, nhưng nó rốt cuộc đã chính thức được ghi tên trong các liệu pháp để có thể lựa chọn. Tuy nhiên, tác giả tin rằng giá trị của liệu pháp âm nhạc về phương diện chẩn đoán và điều trị bệnh là nhỏ bé không đáng kể so với giá trị lý thuyết của nó.

Tương tự như liệu pháp âm nhạc còn có “liệu pháp thi ca” hay gọi tắt là “thi liệu”. Nếu liệu pháp âm nhạc đã không phải là một kỹ thuật trị liệu được biết đến rộng rãi thì liệu pháp thơ ca thậm chí còn ít được biết đến hơn. Lý do của nó rất rõ ràng: việc nghe nhạc chịu ảnh hưởng và thay đổi cảm xúc dễ hơn nhiều so với việc đọc thơ để thay đổi cảm xúc của mình. Mặc dù ít được biết đến, nhưng khi chúng ta truy tìm nguồn gốc của nó, lại phát hiện rằng liệu pháp này có lịch sử đặc biệt lâu đời và liên quan hết sức mật thiết đến các phương pháp chẩn đoán, điều trị lâu đời nhất và đã thất truyền, nhưng đã được ghi lại trong các sách cổ điển của Trung y. Do đó, mặc dù liệu pháp thơ ca vẫn hoàn toàn chưa được khám phá như một phương pháp điều trị chính thức, nhưng giá trị của nó trong việc khám phá các lý thuyết điều trị cổ đại và những ứng dụng có thể có trong tương lai là không thể giới hạn.

Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng một số ví dụ thực tế trong lịch sử có thể được xác nhận là “liệu pháp thi ca” đích thực để cung cấp cho độc giả ấn tượng chung và rõ ràng về “liệu pháp thi ca”.

Liệu pháp thi ca sớm nhất trong lịch sử mà hiện nay biết đã được ghi lại trong thể Phú “Thất Phát” của văn học gia Mai Thặng thời Tây Hán. Tác phẩm thơ này của Mai Thặng đặc biệt nổi tiếng và được công nhận là tiền thân của thể “Thơ Đại phú” thời nhà Hán, nhiều nhà văn lớn sau này đã bắt chước “Thất Phát” và viết nên những tác phẩm nổi tiếng của riêng mình. Những tác phẩm nổi tiếng hơn như “Thất Kích Phó Nghị” (Phó Nghị), “Thất Biện” (Trương Hành), “Thất Khải” (Tào Thực), “Thất Thích” (Vương Xán), “Thất Mệnh” (Trương Hiệp), “Thất Phúng” (Tả Tư), v.v. Sau đó, một thể phú “Thất” đã được hình thành, được các thế hệ sau thu thập được thành “thất tập” và “thất lâm”. Ngay cả trong “Văn tuyển” cũng liệt kê “thất loại” thành một thể riêng biệt.

Trong bài phú “Thất Phát” Mai Thặng đã lưu giữ cho chúng ta một câu chuyện “thi liệu” vô cùng hoàn chỉnh từ lý thuyết đến thực tiễn: “Sở Thái tử” đã lâm bệnh lâu ngày, nằm trên giường không dậy được, “vị khách người nước Ngô” từ nước Ngô đã đến thăm. Vị khách người Ngô này có vẻ là một người phi thường, vừa nhìn thấy Thái tử, ông ta đã hùng hồn đĩnh đạc đàm luận, ông đã dùng thơ thể phú hoa mỹ để chẩn đoán bệnh cho Thái tử và tuyên bố rằng bệnh của Thái tử có thể chữa khỏi mà không cần các phương pháp chữa trị thông thường như “uống thuốc và châm cứu”, chỉ cần nói với Thái tử những “yếu ngôn diệu đạo” (những lời sâu sắc tinh tế và đạo lý cao siêu) thì bệnh của Thái tử sẽ “biến mất”. Khi Thái tử tỏ ý sẵn lòng tiếp nhận cách chữa trị của ông, vị khách nước Ngô bèn dùng ngôn ngữ đặc biệt và vô cùng sống động có hình tượng để kể về bảy điều (một thể phú cổ có tên là “Thất Phát”), khiến cho chính khí của Thái tử dần dần phục hồi, cuối cùng, Thái tử “đột nhiên đổ mồ hôi, và bệnh đã được chữa khỏi một cách nhanh chóng”. Thái tử mắc bệnh đã lâu vậy mà ông thực sự đã chữa khỏi hoàn toàn, hơn nữa không ngờ ông lại sử dụng “Hãn” pháp (liệu pháp ra mồ hôi), đây là một trong “Bát Pháp” (Thổ, Hạ, Hãn, Ôn, Thanh, Tiêu, Hòa, Bổ) của Trung y cho thấy hiệu quả ngay lập tức!

Điều đáng chú ý đặc biệt là trong các bài thơ theo thể phú mà vị khách họ Ngô xuất khẩu thành thơ tất cả đều là “ngôn ngữ hình ảnh” với tư duy tượng hình rất mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là những người nghe thơ không chỉ thu được thông tin từ ý nghĩa và âm thanh mà còn thu được một lượng lớn thông tin từ những hình ảnh thị giác liên tục thay đổi.

Đỗ Phủ là một trong hai đại thi nhân nổi tiếng nhất thời nhà Đường (người còn lại tất nhiên là Lý Bạch). Do con đường làm quan lận đận, cuộc sống vào những năm cuối đời hầu như toàn dựa vào sự giúp đỡ của người thân và bạn bè. Điều đáng quý là ông luôn giữ được tấm lòng nhân ái. Có câu chuyện về cách ông chữa khỏi bệnh sốt rét bằng thơ đã được ghi lại trong sách bình thơ: Có một người bị sốt rét, Đỗ Phủ nói với bệnh nhân rằng bệnh có thể được chữa khỏi chỉ bằng cách đọc thơ của mình. Bệnh nhân nói: “Bài thơ nào nhỉ?” Đỗ Phủ trả lời rằng: “Dạ lan cánh bỉnh chúc, tương đối như mộng mị” (dịch nghĩa: Đêm sắp tàn, lại thắp đèn lên, vợ chồng nhìn nhau, tưởng như trong giấc mộng). Người bệnh sau khi ngâm hai câu thơ đó bệnh sốt rét vẫn chưa khỏi ngay. Đỗ Phủ lại bảo anh ta đọc lại câu thơ của mình: “Tử Chương độc lâu huyết mô hồ, Thủ đề trịch hoàn Thôi đại phu”. (Dịch nghĩa: Đầu lâu Tử Chương bị bêu đầm máu tươi, Tay xách ném lại cho quan đại phu Thôi Quang Viễn).

Ngay sau khi người ấy đọc xong, quả nhiên đã được chữa khỏi. Điều thú vị về ví dụ này là Đỗ Phủ mỗi lần chỉ dùng hai câu thơ. Vì hai câu đầu thơ ngũ ngôn chỉ có mười chữ, đầy sự dịu dàng thắm thiết nên tà bệnh không tiến nhập vào được; hai câu thơ thất ngôn không chỉ nhiều chữ hơn mà còn mang thông tin mạnh mẽ theo cách khốc liệt, nên có hiệu quả ngay lập tức. Mặc dù nguyên văn không đề cập đến phương pháp chữa bệnh cụ thể, nhưng dựa trên loại bệnh và nội dung câu thơ, về cơ bản chúng ta có thể chắc chắn rằng phương pháp “Hãn” (liệu pháp ra mồ hôi) có hiệu quả ngay lập tức.

Tô Thức, tức Tô Đông Pha, là một đại thi nhân thời Bắc Tống, và là một trong những tác giả nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ông không chỉ là một nhà văn hóa tài năng mà còn có hiểu biết nhiều về nhiều lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là ông còn có cách nhìn rất sâu sắc về lĩnh vực dưỡng sinh trong y học. Ông rất sùng bái đại thi nhân Đào Uyên Minh thời nhà Tấn và coi những bài thơ của Đào Uyên Minh là báu vật. Ngoài việc thường xuyên đọc thơ và sao chép thơ của Đào Uyên Minh để tặng người khác, ông còn dùng thơ của Đào Uyên Minh để chữa bệnh cho chính mình. Mỗi khi thấy khó chịu ở đâu đó trong người, ông liền cầm thơ của Đào lên đọc một bài, và cũng không thể không đọc thêm bài nào khác!

Sự gợi mở mà Tô Đông Pha mang đến cho chúng ta là so với liệu pháp dùng thuốc, hiện tượng “khác biệt cá thể” trong liệu pháp thi ca có thể lớn hơn rất nhiều. Bởi vì sự lý giải về bất kỳ bài thơ nào cũng có thể có một số khác nhau giữa mỗi người, và có khi sự khác biệt này còn rất lớn, vì thế cổ nhân mới nói “thi vô đạt hỗ” (thơ không thể giải thích diễn đạt). Thơ của Đào Uyên Minh là những bài thơ “thực” nhất, nhiều nhà thơ hạng hai, hạng ba đều không thể hiểu được sự tuyệt diệu của nó. Tô Đông Pha có tầm nhìn độc đáo và hiểu sâu sắc vẻ đẹp thần kỳ trong thơ của Đào Uyên Minh, nên hiệu quả trị liệu bằng thơ của ông có thể tốt hơn nhiều so với nhiều người khác.

Lục Du, một đại thi nhân của thời Nam Tống, là một trong “Tống thi tam đại gia” (Tô Thức, Lục Du và Hoàng Đình Kiên). Ông là nhà thơ yêu nước sáng tác nhiều thơ nhất trong lịch sử Trung Quốc (hiện còn hơn 9.000 bài thơ), đồng thời cũng là người có kiến ​​thức uyên thâm. Vào những năm cuối đời về ở ẩn tại làng quê, ông thường ra ngoài đào thảo dược và dùng thảo dược đào được để chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Trong một bài thơ tứ tuyệt của mình, ông đã ghi lại câu chuyện về cách ông chữa chứng đau đầu cho một bệnh nhân bằng thơ: Khi ông trên đường ra ngoài đào tìm thảo dược, có một chàng trai trẻ đỡ người cha già của mình, đang đợi ông bên bờ suối. Ông vừa đến nơi thì chàng thanh niên đã nói với ông rằng bệnh đau đầu của cha anh (giống như bệnh của Tào Tháo) đã rất lâu rồi không chữa khỏi. Lần này Lục Du không dùng các loại thuốc thông thường như “Bạch Chỉ” và “Xuyên Khung” để chữa đau đầu mà lại yêu cầu lão nhân đọc thơ của mình. Sau khi ông lão đọc xong những bài thơ của Lục Du, bệnh đau đầu của ông đã biến mất.

Trong trường hợp này, điều khiến mọi người lấy làm tiếc là Lục Du đã không để lại cho chúng ta nội dung cụ thể của bài thơ đã chữa khỏi căn bệnh “đau đầu” thời bấy giờ. Tất nhiên, điều này chúng ta không thể trách ông ấy, làm sao ông ấy có thể biết rằng gần một ngàn năm sau, chúng ta lại ở đây thảo luận về bài thơ nhỏ tầm thường của ông ấy? Xét theo giọng điệu của những bài thơ của ông, chúng dường như tầm thường không có gì nổi bật, có đáng gì đâu, càng không đáng để ngạc nhiên. Nếu ông tự cho rằng có chỗ nào đó thật tuyệt vời, có lẽ ông đã viết ra bài thơ đã chữa khỏi những căn bệnh nghiêm trọng như “đau đầu” (nếu ông đã làm vậy, hãy cho tôi biết nếu có độc giả nào phát hiện ra nó). Dựa trên suy đoán này, có thể ông ta đã làm điều như thế này rất nhiều lần!

Những người chúng tôi đề cập ở trên đều là những đại thi nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Vì sự nổi tiếng của họ, những phần trong thơ của họ liên quan đến liệu pháp thi ca mới dễ được mọi người phát hiện và chú ý nhất. Trong số những nhà thơ ít nổi tiếng hoặc thậm chí là hoàn toàn vô danh, có thể có nhiều người đã sử dụng thơ ca của mình để chữa bệnh, nhưng chỉ là họ chưa có cơ hội được mọi người phát hiện.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài