Mạn đàm Trung Y (8): Thượng công chữa bệnh khi chưa thành bệnh (Kỳ 2)
Tác Giả: Hồ Nãi Văn
[ChanhKien.org]
Phương pháp trị bệnh và trị khi chưa thành bệnh
Phép biện chứng của “Bát cương” đã rõ ràng, qua đó có thể tìm ra căn nguyên để chữa bệnh; các phương pháp điều trị của Trung y rất đa dạng, trong đó phương pháp đơn giản, dễ hiểu nhất là phương pháp “chính trị” (điều trị trực tiếp); phương pháp “chính trị” (nghịch trị) và một khái niệm “tòng trị” (phản trị) là xuất phát từ phương pháp hướng dẫn điều trị “nghịch giả chính trị, tòng giả phản trị” (nghịch là chính trị, tòng là phản trị) trong “Tố Vấn – Chí Chân Yếu Đại Luận”; phương pháp “chính trị” “hàn thì làm cho nhiệt, nhiệt thì làm cho hàn, ôn thì làm cho thanh, thanh thì làm cho ôn, tán thì thu lại, uất thì tán đi, táo thì làm cho nhuận, cấp thì làm cho hoãn, kiên thì làm cho nhuyễn, nhuế (mềm) thì làm cho kiên, suy thì bổ thêm vào, cương thì tả bớt đi” là cách điều trị chọn dùng thuốc ngược với tình trạng bệnh; còn phương pháp “phản trị” hay còn gọi là “tòng trị” “lấy nhiệt trị nhiệt, lấy hàn trị hàn” chính là nhằm vào bệnh tình, dùng các vị thuốc tương đồng với bệnh tình, “thuận theo khí bệnh mà chữa trị”. Sau khi hiểu rõ được bát cương của bệnh tình, thì có thể định ra được một phương pháp chính trị để trị bệnh, Trung y có tám loại phương pháp điều trị là “hãn (đổ mồ hôi), thổ (nôn mửa), hạ (tẩy), hòa, ôn (làm ấm), thanh (thanh lọc), tiêu (loại bỏ), bổ (tẩm bổ, bù)”, tất cả đều dựa trên “Bát cương” biện chứng khác nhau mà dự tính.
“Chính trị” là chữa bệnh bằng phương pháp thông thường, còn “phản trị” là phương pháp chữa bệnh phản thông thường dựa trên tình trạng đặc biệt của bệnh tình. Ngoài ra còn có các phương pháp chữa bệnh dựa vào sự biến hóa tương sinh tương khắc của Âm dương và Ngũ hành.
Việc chữa bệnh khi chưa thành bệnh cũng tương tự như vậy, là phương pháp trị bệnh được sáng chế ra từ lý Âm dương Ngũ hành sinh khắc, tương tự như “hàn thì làm cho nhiệt, nhiệt thì làm cho hàn,…”, chỉ vậy thôi.
Các gia phái có quan điểm khác nhau về trị bệnh khi chưa thành bệnh
Hầu hết các học giả Trung y đều tin rằng ý nghĩa của câu “Thượng công trị vị bệnh, Trung công trị dĩ bệnh” (thầy thuốc giỏi chữa bệnh khi chưa có bệnh, thầy thuốc bậc trung trị bệnh khi đã có bệnh) là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng học thuyết của mỗi gia phái hơi khác nhau, có lẽ vì y thuật của các thầy thuốc và mức độ tu dưỡng y học hàng ngày không giống nhau cũng như có mức độ hiểu biết khác nhau.
Cả “Nạn kinh” và “Kim Quỹ Yếu Lược” đều nói rằng khi chữa bệnh, một thầy thuốc giỏi sẽ biết bệnh sẽ lây lan sang các phủ tạng và kinh mạch khác, vì vậy trước tiên sẽ chữa trị cho các kinh mạch và các phủ tạng có thể bị bệnh ấy, như vậy bệnh sẽ không truyền đến các kinh mạch và phủ tạng khác, điều này quả thực có thể đạt được một số mục đích phòng bệnh.
“Trị bệnh khi chưa thành bệnh, nghĩa là khi thấy gan có bệnh thì biết gan sẽ truyền bệnh cho lá lách, vì thế trước hết nên tăng cường bồi bổ thực khí cho lá lách, để khiến cho nó không nhận cái tà khí của gan, do đó người ta nói đó là trị bệnh khi chưa có bệnh. Khi nói đến thầy thuốc bậc trung, nghĩa là khi thấy gan có bệnh thì họ không biết bệnh sẽ lan truyền sang lá lách mà một lòng chuyên chú chữa bệnh cho gan nên nói là trị bệnh khi đã có bệnh”. (Nạn Kinh – Đệ Thất Thập Thất Nạn).
“Trị bệnh khi chưa thành bệnh, là thấy bệnh ở gan biết sẽ truyền đến lá lách, trước tiên phải làm cho lá lách mạnh lên. Nếu bốn mùa lá lách đều khỏe mạnh không bị tà khí, thì không cần bồi bổ. Thầy thuốc hạng trung không hiểu quy luật tương truyền đó, thấy gan bị bệnh, không biết làm cho lá lách mạnh lên, chỉ lo trị bệnh ở gan” (Kim Quỹ – Tạng Phủ Kinh Lạc Tiền Hậu Bệnh Mạch Chứng Đệ Nhất).
Trung y cho rằng cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, trong vũ trụ có gì thì cơ thể con người cũng sẽ có cái đó. Trời có ngũ khí là phong, hỏa, thấp, táo, hàn; đất có Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Vạn vật sinh ra trên đất bao gồm các vị thuốc, cũng đều có ngũ vị tương ứng với Ngũ hành: toan (chua), khổ (đắng), cam (ngọt), tân (cay), hàm (mặn), và ngũ tính hàn, nhiệt, ôn, lương, bình; ngũ chí của con người (nộ, hỷ, tư, ưu, khủng) và ngũ tạng (can, tâm, tỳ, phế, thận) đều có sự đối ứng từ xa với nhau. Vì vậy, khi dùng các vị thuốc để chữa bệnh, trước tiên phải suy xét cân nhắc đến việc sử dụng các mối quan hệ sinh khắc hoặc tương đồng tương dị giữa ngũ vị và ngũ tạng.
“Bệnh ở gan (can), dùng vị chua để bổ, dùng vị khét đắng để hỗ trợ, dùng thuốc vị ngọt để điều hòa cho nó. Chua vào can, khét đắng vào tâm, ngọt vào tỳ. Tỳ có thể làm tổn thương thận (Thổ khắc Thủy), thận khí yếu thì Thủy không lưu thông; Thủy không lưu thông thì hỏa khí ở tâm hưng thịnh lên; hỏa khí ở tâm hưng thịnh lên thì làm cho phế bị tổn thương, phế bị tổn thương thì Kim khí không lưu thông, can khí sẽ hưng thịnh. Do đó nếu tỳ được tăng cường thì bệnh của can tự khỏi. Đó là diệu pháp trị can bằng cách bổ tỳ. Can hư thì dùng phép này, thực thì không trị như thế. Sách Nội Kinh viết: ‘Hư trị theo hư, thực trị theo thực, bổ vào chỗ không đủ, bớt chỗ có thừa’, nghĩa nó là như thế”. (Kim Quỹ – Tạng Phủ Kinh Lạc Tiên Hậu Bệnh Mạch Chứng Đệ Nhất).
Mỗi kinh mạch của huyệt đạo châm cứu đều có ngũ du huyệt: Tỉnh (như cái giếng), Huỳnh (là dòng chảy), Du (dồn tới nơi sâu hơn), Kinh (là xuyên qua), Hợp (là dồn lại đi sâu vào tạng phủ) liên quan đến Ngũ hành, khi sử dụng phương pháp điều trị bằng châm cứu cũng sẽ xem xét đến mối quan hệ tương ứng giữa thuộc tính sinh khắc của Ngũ hành của huyệt đạo với bệnh tình. Như vậy nếu có thể làm cho sự biến đổi năng lượng của các kinh mạch và các tạng phủ trong cơ thể con người tương ứng với trời đất, thì bệnh tật có thể dễ dàng chữa khỏi. Phương pháp tương tự cũng có thể được sử dụng để phòng bệnh, ví dụ phương pháp phòng bệnh “mùa xuân châm chích thì cần chọn ở giữa lạc mạch và phận nhục, mùa hạ châm chích thì cần chọn ở giữa thịnh kinh và phận thấu, mùa thu châm chích thì cần chọn huyệt Kinh và huyệt Du, mùa đông châm chích thì cần chọn huyệt Tỉnh và huyệt Huỳnh”. Lấy ví dụ về việc mùa đông cần chọn huyệt Tỉnh và huyệt Huỳnh:
Hoàng Đế nói: “Vào mùa đông châm chích nên chọn huyệt Tỉnh và huyệt Huỳnh, là đạo lý gì?” Kỳ Bá nói: “Vào mùa đông, thủy khí bắt đầu thuận theo mùa, thận khí bắt đầu bế tàng (đóng lại), dương khí suy giảm một ít, âm khí ngày càng mạnh lên nhiều, khi mặt trời nổi lên và chìm xuống, dương mạch cũng chìm xuống theo, vì thế châm chích nên lấy huyệt Tỉnh trên dương kinh để đè khí âm phản nghịch xuống, châm huyệt Huỳnh của âm kinh để bổ sung lượng dương khí còn thiếu”. Vì vậy mới có câu: “Mùa đông nên chọn châm ở Tỉnh Huỳnh, mùa xuân sẽ không sổ mũi chảy máu cam, chính là đạo lý đó” (“Tố Vấn – Thủy Nhiệt Huyệt Luận”).
Nếu dự đoán được bệnh tật trong tương lai, thì sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Uống thuốc để chữa bệnh hoặc sử dụng thuốc trước để nâng cao năng lực và sức khỏe thể chất dĩ nhiên là điều tốt, nhưng những người không bị bệnh nếu vì muốn sau này không bị bệnh thì cũng có thể dùng thuốc để dưỡng sinh.
Trong nhiều kinh điển y dược đều đã ghi lại cái gọi là “phục thực pháp” (phương pháp sử dụng đan dược và thảo dược), đó chính là để bảo dưỡng cơ thể con người khiến cho nó không phát sinh bệnh tật, chẳng hạn nhiều phương pháp đa dạng như “Phục địa hoàng phương”, “Hoàng tinh cao phương”, “Phục tùng chi phương” v.v. Trong lịch sử Trung y dược, đã có những chế tác ra bài thuốc thực phẩm tự nhiên, những phương thuốc để bổ dưỡng các phủ tạng. Ví dụ như các phương thuốc: “Quy tỳ thang” và “Tứ quân tử thang” dùng để bổ tỳ, “Thiên vương bổ tâm thang” dùng để bổ tim, “Lục vị địa hoàng hoàn” dùng để bổ thận, “Hoàn thiếu đan” được sử dụng để bổ tỳ thận, còn “Bát trân thang” và “Thập toàn đại bổ thang” dùng để bổ cả khí và máu, cùng với “Ngũ thạch thang” mà Trương Trọng Cảnh đã kê đơn cho Vương Trọng Tuyên đã đề cập ở trên, và “Thang dịch giao lễ” được đề cập trong “Hoàng Đế Nội Kinh – Tố Vấn” tất cả chỉ là để nuôi thận, là nền tảng tiên thiên, hoặc nuôi lá lách, là nền tảng hậu thiên, hoặc là dưỡng gan thanh nhiệt gan, hoặc bổ sung tâm khí thiếu hụt, đều hy vọng có thể cân đối chức năng của lục phủ ngũ tạng, nhờ đó tăng cường được khả năng chống lại bệnh tật, tránh được phát sinh bệnh tật sau này. Nhiều phương thuốc học trong sách cổ cũng ghi lại các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Ví dụ, “Y Phương Tập Giải” của Uông Ngang vào thời nhà Thanh có một thiên “Vật Dược Nguyên Thuyên”, đã nói với hậu nhân rằng có thể sử dụng các loại phương pháp xoa bóp hoặc hít thở, điều tức hoặc những cách tu dưỡng tính tình của bản thân để có trái tim nhân hậu có thể tránh khỏi bệnh tật.
“Hoàng Đế Nội Kinh” cho rằng việc điều trị bệnh có liên hệ lớn với sự phát triển của bệnh tình; hơn nữa còn cho rằng sự thuận nghịch của khí và sự hư thực của mạch cũng như Âm dương Ngũ hành đều có tính tương quan nhất định đến việc trị bệnh, nắm vững phương pháp trị bệnh này thì mới có thể kê đơn trị bệnh. Đưa ra một phương pháp điều trị tốt có mối quan hệ tương tự như việc tác chiến, không nên chống lại bệnh khi bệnh nặng và nghiêm trọng mà hãy đợi cho đến khi bệnh thuyên giảm rồi mới điều trị lại, cũng giống như trong đánh trận thì không nên đối đầu khi nhuệ khí đối phương đang cao thì mới hữu hiệu.
Việc thuận nghịch của khí là tương ứng với tứ thời Ngũ hành Âm dương Thiên địa. Sự mạnh yếu của mạch là do tình trạng thiếu hoặc thừa của khí huyết. Người giỏi châm cứu phải biết rõ bệnh nào có thể châm được, bệnh nào chưa có thể châm được, bệnh nào không thể châm được.
“Binh pháp” nói rằng, không đánh khi địch đang khí thế bừng bừng, không đối trận khi quân địch đội ngũ chỉnh tề, tiến lui nhịp nhành. Phương pháp châm nói rằng, không châm khi nóng hâm hấp, không châm khi mồ hôi đầm đìa, không châm khi mạch không rõ, không châm khi bệnh và mạch có sự trái ngược nhau.
Thầy thuốc giỏi có thể châm cho người khi chưa thành bệnh. Thầy thuốc hạng vừa có thể châm khi bệnh chưa nặng. Hạng tiếp nữa có thể châm khi bệnh đã suy yếu. Thầy thuốc có y thuật thấp kém, khi tà khí vẫn đang mạnh hoặc bệnh có triệu chứng nghiêm trọng, hoặc trong tình huống bệnh tình không phù hợp với tình trạng mạch mà vẫn tiến hành châm. Cho nên mới nói khi tà khí vẫn còn mạnh thì không nên dùng châm mà tổn hại đến nguyên khí, khi tà khí đã suy yếu mà tiến hành châm thì bệnh nhất định sẽ khỏi. Cho nên nói thầy thuốc giỏi phòng ngừa và điều trị bệnh trước khi thành bệnh, chứ không điều trị sau khi bệnh đã phát sinh. Đây chính là ý nghĩa như thế. (“Linh Khu. Nghịch thuận Đệ ngũ Thập ngũ”)
Một thầy thuốc giỏi trị bệnh là có thể hiểu rõ được bệnh tình và tiến hành điều trị sớm khi bệnh tình còn chưa phát triển đến một trạng thái nào đó. Ví dụ “Tố Vấn – Thích Nhiệt Thiên” viết: “Ở những người bị nóng gan, má trái sẽ đỏ trước tiên… Tuy bệnh chưa xuất hiện nhưng nếu thấy đỏ thì châm nên gọi là ‘trị khi chưa thành bệnh’. Đó là để ngăn chặn sự khởi phát của bệnh tình; và trong “Tố Vấn – Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận ” viết: “Thiện trị giả trị bì mao” (thầy thuốc giỏi trị bệnh khi bệnh còn ở ngoài da), trong “Tố Vấn – Bát Chính Thần Minh Luận” viết: “Thượng công cứu kỳ manh nha” (Bậc thượng công chữa bệnh ngay từ lúc mới manh nha) đều mong rằng trước khi bệnh tình phát sinh thì đã thấy sự phát triển tiếp theo của bệnh và trị khỏi. Nhưng nếu thầy thuốc có thể khiến mọi người chú ý đến việc dưỡng sinh ở giai đoạn sớm hơn trước khi bệnh tình xảy ra, để gốc rễ bệnh tình không có cơ hội phát sinh, đó là điều mà chỉ những thầy thuốc có tầm nhìn xa trông rộng mới có thể làm được.
“Hoàng Đế Nội Kinh” cho rằng tiêu chuẩn đạo đức thấp là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Khi đạo đức hơi sa sút, con người sẽ bắt đầu mắc bệnh, con người thời Hoàng Đế đã không còn giữ gìn đạo đức được chu toàn nữa, đến mức phải thu góp các thứ độc dược và châm cứu để chữa bệnh. “Thang dịch giao lễ… đến thời Trung Cổ, đạo đức suy đồi một chút, khi tà khí phạm tới, khi này dùng tới Thang dịch và Giao lễ thì tất là công hiệu… Nay tất phải bào chế độc dược để trị bên trong và dùng sâm thạch châm ngải để điều trị bên ngoài thì bệnh mới mong khỏi được” (Tố Vấn – Thang Dịch Giao Lễ Luận Thiên Đệ Thập Tứ). Không chỉ như vậy, “Hoàng Đế Nội Kinh” còn cho rằng “châm thạch cũng là phương pháp trị bệnh, không phải là một điều bình thường, nó thực sự liên quan đến cái lý của tu Đạo, nhất định tinh thần ý chí phải ở trong Đạo, thì bệnh mới có thể chữa khỏi”, “thần khí của người bệnh đã phân tán, ý chí đã tán loạn, cho dù có phương pháp tốt thì thần khí cũng không khởi được tác dụng nên bệnh không thể khỏi”. “Tố vấn – Thang Dịch Giao Lễ Luận” cũng cho rằng nếu sở thích và ham muốn của con người là vô tận, thì hoạn nạn khốn khó sẽ không ngừng, khiến khí lực và tinh thần trở nên lỏng lẻo và hỗn loạn, khí huyết cũng sẽ trở nên tồi tệ, như vậy là dùng nhiều độc dược để chữa bệnh bên trong, sau đó dùng châm cứu để chữa bệnh bên ngoài thì cũng khó mà thành công. Vì vậy, “Tố Vấn – Thang Dịch Giao Lễ Luận Thiên” nói rằng “con người ngày nay tuy uống thang dịch giao lễ nhưng bệnh không khỏi” và “sự thèm muốn là vô tận, lo lắng hoạn nạn là vô cùng, dẫn đến chân khí của con người bại hoại, máu trở nên khô, dần dần mất hẳn tác dụng, mất đi hiệu quả với các phương pháp điều trị, tất nhiên bệnh sẽ không khỏi” và than thở rằng “phải kết hợp độc dược để tấn công bên trong, và đá châm và châm cứu để chữa trị bên ngoài thì bệnh mới khỏi”.
“Sử ký – Biển Thước Thương Công Truyện” cũng cho rằng việc trị bệnh là dựa vào sự hợp tác giữa thầy thuốc giỏi và bệnh nhân; thầy thuốc giỏi có thể biết được sự phát triển của bệnh tình ở giai đoạn đầu, bệnh có thể được chữa khỏi sớm và người bệnh có thể được cứu sống, ông cũng đã nêu ra sáu loại bệnh khó chữa ở con người.
Nếu Thánh nhân có thể đoán trước được sự tinh vi ảo diệu, khiến cho thầy thuốc giỏi có thể sớm xử lý thì bệnh có thể khỏi và cơ thể có thể được cứu sống. Điều mà con người lo lắng là có quá nhiều bệnh tật, còn điều mà thầy thuốc lo lắng là có quá ít phương pháp trị bệnh. Có sáu tình huống khó điều trị: loại thứ nhất là kiêu ngạo phóng túng không phân rõ phải trái; loại thứ hai là thà bỏ mạng chứ không bỏ tiền của; loại thứ ba là cơm ăn áo mặc không thích hợp; loại thứ tư là âm dương rối loạn, phủ tạng tinh khí mất cân bằng; loại thứ năm là cơ thể quá yếu không thể uống thuốc; loại thứ sáu là tin tưởng vào phép thuật của thầy phù thủy mà không tin vào y thuật. Nếu mắc vào một trong những tình huống đó thì bệnh sẽ rất nặng và khó chữa trị. (Sử Ký – Biển Thước Thương Công Truyện).
Thời cổ đại người ta chú trọng đến mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân, đều hy vọng rằng tâm trí của bệnh nhân sẽ theo kịp các phương pháp điều trị, trong “Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương – Dưỡng Tính – Tự” của Tôn Tư Mạc viết: “Thánh nhân dùng thuốc men và thần dược để cứu người qua đường. Cho nên kẻ ngu bị bệnh nhiều năm mà không tu một môn phái nào, cuối cùng bệnh tật quấn đầy thân mà không hề hối hận”. Điều này có thể nhìn thấy rõ.
Người thầy thuốc giỏi là người coi trọng đạo dưỡng sinh, đồng thời dạy bảo người bệnh làm người lương thiện, vì tính thiện có thể trừ bỏ được bách bệnh; và việc dưỡng tính có thể chữa khỏi bệnh trước khi có bệnh, đồng thời không nhấn mạnh rằng người bệnh phải uống thuốc; sở dĩ một thầy thuốc giỏi yêu cầu bệnh nhân uống thuốc là vì để tạm thời cứu vãn người có hành vi và suy nghĩ hơi lệch lạc, nếu người này cải chính phương thức hành vi và suy nghĩ của mình thì sẽ có thể không bị bệnh. Ví dụ Tôn Tư Mạc đã nói trong “Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương”:
“Dưỡng tính cần không ngừng tu luyện bản tính để đạt đến lương thiện, khi bản tính tự nhiên hướng thiện, cho dù không tu luyện, bất kể là ở đâu cũng không gặp khó khăn gì. Bản tính tự nhiên mà hướng thiện, trong ngoài bách bệnh đều sẽ không phát sinh, các loại tai họa và thiên tai cũng không xảy ra một cách vô duyên vô cớ, đây là nguyên tắc chung của dưỡng tính”.
Người dưỡng tính tốt thì có thể chữa bệnh khi chưa có bệnh, đó là ý nghĩa của việc này.
Vì vậy dưỡng tính không chỉ là thuốc trường sinh bất lão, mà còn bao gồm các loại phẩm hạnh và đức hạnh, các loại đều có đầy đủ, tuy thuốc có thể kéo dài tuổi thọ, nhưng đức hạnh chưa đủ thì ngay cả uống ngọc dịch kim đan vẫn không thể kéo dài tuổi thọ được.
Vì vậy Lão tử nói rằng với người chuyên dưỡng sinh đi trên đường sẽ không bao giờ gặp phải thú dữ, “đạo đức” nói tới ở đây là chỉ cảnh giới cao siêu này, sao có thể muốn sống lâu nhờ vào việc uống đan dược được?
Thánh nhân dùng thuốc men và thần dược để cứu người qua đường. Cho nên kẻ ngu bị bệnh nhiều năm mà không tu một môn phái nào, cuối cùng bệnh tật quấn đầy thân mà không hề hối hận. Người như thế này thì dẫu các bậc Thần y như Kỳ Bá, Y Hòa, Vu Bành, Du Phụ cũng bó tay mà ra đi mãi mãi, quả là rất có đạo lý” (Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương – Dưỡng Tính – Tự).
“Bậc Thánh nhân thời thượng cổ dạy người dưới mình biết xa lánh hư tà tặc phong, trong lòng điềm đạm hư vô, chân khí thuận theo, tinh thần bền vững, bệnh còn do đâu mà sinh ra được?” (Tố Vấn – Thượng Cổ Thiên Chân Luận).
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778
Ngày đăng: 17-09-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.