Mạn đàm Trung y (4): Đàm luận về Trung y xưa và nay



Tác giả: Thiên Minh

[ChanhKien.org]

Con người ngày nay, kể cả đại đa số các bác sỹ Trung y đã không còn biết Trung y cổ đại là gì nữa. Văn hóa Trung Quốc cổ đại là được thiết lập dựa trên cơ sở tín Thần, mọi người tin vào Thần và họ cũng tin rằng có thể nhìn thấy và thậm chí tiếp xúc được với các không gian khác. Vì vậy y thuật thời đó là nhắm trực tiếp vào các linh thể khiến người mắc bệnh ở các không gian khác mà chữa trị. Ví dụ kinh mạch và huyệt vị của cơ thể con người là tồn tại trên cơ thể ở một không gian khác, cho nên y học hiện đại cho đến nay vẫn chưa thể hiểu rõ được những bí ẩn trong đó. Bản chất của châm cứu chính là khởi tác dụng trên cơ thể con người ở các không gian khác.

Trung dược trước đây rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ và chú trọng đến “vị thuốc chính gốc”, điều này là do môi trường địa lý của các vùng khác nhau tương ứng với từng trường vật chất ở các không gian khác, và mỗi loại dược liệu có sự thích ứng khác nhau với môi trường tồn tại ở các không gian khác. Khi Trung y cổ đại sử dụng Trung dược để chữa bệnh, kỳ thực là đã sử dụng linh thể ở các không gian khác của dược liệu để chế ước linh thể đã gây ra bệnh ở các không gian khác. Đôi khi một dược liệu đơn độc không đủ lực để chế ước bệnh nên nhiều dược liệu được sử dụng kết hợp cùng nhau. Thời xưa việc phối hợp các vị thuốc trong một bài thuốc rất được chú trọng và nghiêm cẩn, việc lựa chọn dược liệu nào và liều lượng dược liệu rất được chú trọng, chúng được phân thành “quân, thần, tá, sứ”, có câu nói “dùng thuốc cũng như dùng binh”, nên nó có thể trông giống như một trận chiến ở không gian khác. Các danh y thời cổ đại có thể thấy rõ những điều này cho nên dùng thuốc một cách cao minh, không cần bệnh nhân uống quá nhiều thuốc. Ngày nay những người hành nghề Trung y chân chính và cao minh không nhiều, bệnh nhân phải chi trả rất nhiều tiền cho thuốc nhưng hiệu quả chữa bệnh vẫn không nhất định là tốt.

Dược liệu trước đây là có sẵn trong tự nhiên, đôi khi người hái thuốc phải mạo hiểm tính mạng leo lên vách đá cao thẳng đứng để hái, càng là những dược liệu quý có hiệu quả trị bệnh tốt như nhân sâm, nấm linh chi thì càng khó thu thập, là vì chúng càng có linh tính thì càng có năng lực nên không dễ tìm được. Cổ nhân tin vào sự tồn tại của Thần, biết thuận theo ý trời, nên không cần nghĩ đã biết làm thế nào, đức lớn nghiệp lực nhỏ, nên ít bệnh tật, tác dụng của các loại thuốc tương ứng cũng rất nổi bật. Con người ngày nay tin vào thuyết vô thần, tin rằng “nhân định thắng thiên”, họ tạo ra nghiệp lực rất lớn mà không chút kiêng dè, lại do luân hồi liên tục chuyển sinh nên hình thành mọi vật chất nghiệp lực đều rất lớn, họ mắc bệnh ngày càng nặng, hiệu quả chữa bệnh của dược liệu cũng kém. Ngoài ra, con người đã phá hủy môi trường sinh tồn của mình tới mức rất trầm trọng, dược liệu tự nhiên ngày càng ít nên người ta trồng một lượng lớn dược liệu theo cách nhân tạo, cách làm này đã đi ngược lại với đặc tính của các sinh mệnh, bề ngoài thì chúng đều là cùng một loại dược liệu giống nhau, nhưng ở các không gian khác thì khác nhau rất xa, vì vậy hiệu quả trị bệnh sa sút ghê gớm.

Ta có thể tìm thấy những ghi chép về các thần tích y học ở trong vô vàn sách Trung y cổ đại, và trong những cuốn sách lịch sử cổ đại cũng có rất nhiều ghi chép như thế. Trong “Sử ký – Biển Thước Thương Công Liệt truyện” ghi chép: “Có một vị khách tên là Trường Tang Quân đi ngang qua và ở lại quán trọ của Biển Thước, chỉ có Biển Thước thấy rằng ông ta là một người rất đặc biệt và kỳ lạ, nên luôn đối đãi cung kính với ông ấy. Trường Tang Quân cũng biết Biển Thước không phải là người bình thường. Ông ta đã lui tới nhà trọ này hơn mười năm, cuối cùng mới gọi riêng Biển Thước vào ngồi với ông, nhẹ nhàng nói: ‘Trong người ta có một bài thuốc bí mật, bây giờ ta đã già rồi, ta muốn truyền nó cho ngươi, nhưng ngươi không được phép tiết lộ ra ngoài’. Biển Thước nói: ‘Xin tuân lệnh’. Thế là Trường Tang Quân lấy thuốc từ trong ngực ra giao cho Biển Thước và nói: ‘Hãy uống thuốc này với nước sương trên cây cỏ, sau 30 ngày thì có thể nhìn thấu vạn vật’. Thế là ông ta lấy toàn bộ sách bài thuốc bí mật đưa cho Biển Thước. Đột nhiên không thấy ông nữa, chắc chắn ông ấy không phải là người thường. Biển Thước theo lời ông đã uống thuốc 30 ngày thì nhìn thấy được người ở bên kia bức tường. Xem bệnh với cách này, có thể thấy được tất cả các triệu chứng của ngũ tạng, dùng việc chẩn mạch làm cớ chể che tai che mắt người đời”.

Đại ý là Trường Tang Quân biết Biển Thước không phải người bình thường, sau khi quan sát Biển Thước hơn mười năm, đã bí mật dạy ông những bài thuốc bí truyền, ban tặng ông bí dược, còn yêu cầu ông uống thuốc cùng “nước sương trên cây cỏ” trong 30 ngày. Sau đó đột nhiên không nhìn thấy ông ấy nữa. Biển Thước sau khi uống thuốc như lời dặn, có thể cách tường khán vật, dùng phương pháp này coi bệnh cho mọi người, có thể nhìn thấy tình huống bệnh biến của nội tạng con người. Nhưng bề ngoài thì lấy danh nghĩa là chẩn mạch.

Trong cuốn sách này cũng đề cập đến y thuật cao siêu của Du Phụ, một danh y thời thượng cổ, nói rằng ông “chữa bệnh không dùng các phương pháp như thuốc sắc, rượu thuốc, kim đá, xoa bóp, bôi thuốc chườm nóng, mà vén y phục, khám bệnh biết bệnh tật ở nơi nào, rồi lựa theo đường huyệt vị của ngũ tạng, sau đó cắt da, tách cơ, khơi thông kinh mạch, thắt mạch máu, ấn trị tủy não, thụ lý cơ hoành, rửa sạch dạ dày, rửa sạch ngũ tạng, tu luyện tinh khí, cải biến thần sắc”. Trong “Tam Quốc Chí – Phương Kỹ truyện” đã ghi lại y thuật cao siêu của Hoa Đà, cũng như việc ông sử dụng bột Ma phí tán để gây mê cho bệnh nhân và sau đó thực hiện các ca phẫu thuật ngoại khoa.

Các thần y thời cổ đại được ghi chép trong sử sách đều có một đặc điểm chung trong việc chữa bệnh, đó là chẩn đoán bệnh nhanh chóng, rõ ràng chính xác, phương pháp điều trị bất ngờ ngoài dự đoán nhưng hiệu quả trị liệu rất cao. Hơn nữa những kỹ thuật mà họ nắm vững rất toàn diện, không giống như các bác sĩ hiện đại phải dành cả cuộc đời để đi sâu nghiên cứu y thuật của một khoa duy nhất. Kỳ thực chính là họ đều có công năng siêu thường, có thể nhìn thấy bản chất của bệnh tật và cũng có thể thấy được bản chất của các phương pháp chữa trị khác nhau mà thôi.

Khi một người đã đột phá được tầng thấp nhất của người thường, khi từ tầng thứ cao hơn người thường mà xem xét cái lý của người thường, thì họ sẽ tự nhiên vừa liếc qua là thấy rõ ngay. Vì vậy họ có thể xuất hiện ngoài xã hội để tế thế hoặc có thể lui về để cứu người. Các nho sinh Trung Quốc cổ đại có một câu nói như thế này: “Bất vi lương tướng, tức vi lương y” (không làm tướng giỏi thì làm thầy thuốc giỏi).

Các học giả thời cổ đại, đặc biệt là những người hành nghề y đều phải nghiên cứu về Chu Dịch, từ xưa đến nay vẫn nói “Y Dịch đồng nguyên” (y học và Chu Dịch có cùng nguồn gốc). “Chu Dịch” là thứ di lưu lại từ thời tiền sử, đạo lý mà nó giảng là đạo lý trong phạm vi hệ ngân hà của chúng ta, là những điều cao hơn người thường, đương nhiên có tác dụng chỉ đạo đối với y học của con người.

Thời Trung Quốc cổ đại các ngành các nghề đều coi trọng “đức”, có một cụm từ gọi là “đức cao vọng trọng”, người luyện võ giảng võ đức, người theo nghề y giảng y đức. Hơn nữa, khi nói đến truyền thừa, họ đều chú ý “không đúng người không truyền dạy”, nếu không tìm được một đệ tử có đức hạnh tốt, ngộ tính cao thì thà không truyền dạy còn hơn. Cùng với việc chuẩn mực đạo đức của toàn xã hội ngày càng xuống thấp thì ngày càng có nhiều điều tốt đẹp bị thất truyền. Kỳ thực đây cũng là một biểu hiện cho thấy đạo đức con người đã suy đồi và nền văn minh đã bị Thần kìm giữ lại.

Người hiện đại luôn cảm thấy việc nghiên cứu Trung y quá rộng, sách y học nhiều đến mức cả đời cũng không đọc hết, hơn nữa trong hàng nghìn năm qua có nhiều danh y đã đưa ra nhiều lý luận và chia thành nhiều trường phái đến mức một người cả đời cũng không thể nghiên cứu hết được. Đó là bởi vì con người hiện đại tự cho rằng những điều tinh hoa của người xưa là ngu muội và mê tín, và con người hiện đại chỉ là mò mẫm trong những bài thuốc và kinh nghiệm mà người xưa để lại. Kỳ thực có một số sách y học cổ xưa còn ghi lại những bài thuốc rất hữu hiệu, nhưng các bác sĩ hiện đại đã không biết sử dụng nữa, còn cho rằng người xưa đang thổi phồng khoa trương. Thế hệ này chưa học được hết toàn bộ những điều của thế hệ trước, thế hệ sau lại chưa học được hết toàn bộ những điều của thế hệ này, dần dần đã suy vong, chỉ còn lại từng chút tinh hoa thất lạc trong dân gian. Ngày nay các bệnh viện Trung y khám bệnh cũng yêu cầu ba xét nghiệm thông thường (máu, nước tiểu, phân), treo chai truyền dịch và chụp X-quang, việc nắn bó xương cũng dùng đến những thứ như cưa và đinh thép, bệnh nặng cũng cần dùng các thủ thuật của Tây y để điều trị, việc chẩn đoán bệnh cũng ngày càng phụ thuộc vào các dụng cụ hiện đại hóa. Bản thân nhiều bác sĩ Trung y cũng cảm thấy có nhiều điều chẳng ra ngô ra khoai gì cả.

Từ một góc độ khác mà nói, nhìn chung suốt lịch sử y học của nhân loại, con người trước bệnh tật luôn là kẻ thất bại, khi con người nắm vững đầy đủ các kỹ thuật điều trị những căn bệnh hiện có, họ sẽ phát hiện ra rằng lại có những căn bệnh mới không thể chữa khỏi. Con người không thể thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, nói cách khác, con người không thể chiến thắng bệnh tật, bởi vì nó là những gì siêu xuất khỏi người thường, là do Thần an bài để tiêu nghiệp cho con người.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778



Ngày đăng: 19-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.