Mạn đàm Trung Y (8): Thượng Công chữa bệnh khi chưa thành bệnh (Kỳ 3)



Tác Giả: Hồ Nãi Văn

[ChanhKien.org]

Vì sao các danh y thời cổ đại có thể biết được bệnh trong tương lai?

Để làm một thầy thuốc giỏi, nên nghiên cứu các sách thuốc kinh điển thời cổ như “Tố Vấn”, “Giáp Ất Kinh”, “Hoàng Đế Châm Kinh”, “Minh Đường”, “Lưu Chú”, “Thảo Dược Đối”, và các tác phẩm của Trương Trọng Cảnh, Vương Thúc Hòa v.v., còn cần phải biết một số học vấn về mệnh lý học, bói toán v.v., nếu không sẽ giống như đi đêm mà không có mắt, sẽ không thể trở thành một thầy thuốc giỏi. Ngoài ra, còn phải có lòng trắc ẩn, coi người bệnh như chính mình hoặc người thân của chính mình, hết sức quan tâm đến họ và nghĩ mọi cách để trị bệnh cho họ.

“Phàm muốn trở thành một thầy thuốc giỏi thì phải am hiểu các bộ kinh điển như Tố Vấn v.v. Người đó phải thông hiểu Âm Dương Lục Mệnh, Chư Gia Tướng Pháp, và đốt mai rùa để biết năm điều báo trước, biết Chu Dịch, Lục Nhâm, phải tinh thông thuần thục như thế thì mới trở thành thầy thuốc giỏi. Nếu không như thế thì giống như đi lang thang trong đêm mà không có mắt, dẫn đến tử vong, thứ hai phải đọc kỹ phương thuốc này, suy ngẫm về đạo lý tinh vi, chú ý nghiên cứu thì khi đó mới có thể nói chuyện với người hành nghề y”. (Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương – Đại Y Tập Nghiệp).

Cho nên y thuật và bói toán là những kỹ nghệ khó tinh thông. Nếu không được Thần Tiên truyền thụ thì dựa vào điều gì mà có thể biết được đạo lý thâm sâu vi diệu?… Vì vậy người học y khoa phải tìm tòi nghiên cứu các nguyên lý y học một cách sâu rộng và thấu đáo, chuyên tâm cần cù không buông thả, không được dựa vào lời nói không có căn cứ, kiến thức nửa vời mà nói rằng mình đã hiểu các nguyên lý của y học. Nếu như vậy thì đã tự làm hại mình quá lớn!”. (Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương – Đại Y Tinh Thành).

“Phàm là một thầy thuốc khi chữa bệnh thì phải an định thần chí, vô cầu vô dục, mà trước hết phải có tâm trắc ẩn đại từ bi, nguyện độ khắp các linh hồn đang đau khổ. Nếu người bệnh tật đau khổ đến cầu cứu thầy thuốc thì bất luận người ta giàu hay nghèo, sang hay hèn, già hay trẻ, tướng mạo đẹp hay xấu, phẩm hạnh thiện hay ác, là người thân hay là người có thù oán, là người Hán hay là người dân tộc thiểu số, dù trí huệ cao hay thấp đều phải xem như nhau, đối xử như với người thân. Không được nhìn trước ngó sau, cân nhắc đến sự an nguy được mất của cá nhân mình, coi trọng tính mạng bản thân và gia đình mình, mà phải coi nỗi thống khổ của bệnh nhân như nỗi thống khổ của chính mình, phải có lòng từ bi sâu sắc, không né tránh đường đi nguy hiểm, không kể ngày hay đêm, lạnh hay nóng, không sợ đói khát hay mệt mỏi, một lòng chỉ nghĩ đến cứu giúp bệnh nhân, không được lãng phí thời gian nghĩ đến việc làm thế nào để mua danh cầu lợi. Chỉ bằng cách này, mới có thể trở thành một thầy thuốc được muôn dân trong thiên hạ tôn sùng, nếu không sẽ là một tai họa lớn cho tất cả chúng sinh”. (Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương – Đại Y Tinh Thành).

Việc “khai thiên mục” được nhắc đến trong các sách khí công hiện đại, được ghi lại trong câu chuyện của danh y cổ đại Biển Thước:

Biển Thước … lúc trẻ từng quản lý một quán trọ. Vị khách trọ Trường Tang Quân… lui tới quán trọ đó hơn mười năm, cuối cùng gọi Biển Thước gặp riêng một mình và nói với ông: “Ta có một phương thuốc bí mật… muốn truyền lại cho ngươi… hãy uống thuốc này cùng với nước sương chưa rơi xuống đất…”, thế là ông ta trao cho Biển Thước toàn bộ các phương thuốc bí truyền… Biển Thước theo lời ông ta uống thuốc ba mươi ngày, quả thực ông có thể nhìn thấy người ở bên kia bức tường. Ông dựa vào khả năng này để xem bệnh, ông hoàn toàn có thể nhìn ra bệnh tật của ngũ tạng trong cơ thể con người, chẳng qua chỉ lấy danh nghĩa chẩn đoán mạch mà thôi. (Sử Ký – Biển Thước Thương Công Liệt Truyện).

Cũng có nhiều câu chuyện về các danh y thời cổ đại kể rằng y thuật là do Thần truyền dạy.

“Hoa Đà tiên sinh, tự Nguyên Hóa. Ông tính tình điềm đạm, thích sách thuốc, thường xuyên đi đến những ngọn núi nổi tiếng và những hang động hẻo lánh, và thường gặp chuyện gì đó. Một ngày nọ, vì có chút rượu trong người nên ngồi nghỉ trước một động cổ ở núi Công Nghi, ông chợt nghe có người nói về phương pháp chữa bệnh. Hoa Đà quá ngạc nhiên nên âm thầm tiến đến cửa động để nghe lén. Một lúc sau, ông nghe có người nói: “Hoa Đà đang ở gần đây, chúng ta có thể giao phó thuật trị bệnh này cho anh ta”. Nhưng một người khác lại nói: “Hoa Đà bản tính tham lam, không có lòng thương xót chúng sinh. Làm sao có thể giao phó cho hắn được?” Hoa Đà tiên sinh bất giác vô cùng sợ hãi, vội nhảy vào trong động để thanh minh thì nhìn thấy hai cụ già ngồi trong đó, họ khoác y phục làm bằng vỏ cây, đầu đội mũ bằng cỏ, đang nhìn ông cười. Hoa Đà khom mình hướng về hai phía trái phải mà bái lạy nói rằng: “Vừa rồi nghe hai vị hiền nhân nói về thuật chữa bệnh, tôi rất thích thú lắng nghe mà quên cả trở về nhà. Huống hồ, tôi luôn thích học Đạo pháp để trợ giúp bách tính, nhưng tôi không tìm được cách nào hiệu quả, trong lòng luôn cảm thấy có lỗi. Mong hai vị hiền giả có thể minh giám cho tấm chân tình của tôi bớt soi xét về sự ngu muội của tôi, chân thành cầu xin hai vị khai ngộ cho tôi, suốt đời tôi nhất định không phụ ân tình của hai vị”. Lúc này người ngồi trên cùng nói rằng: “Chúng ta không tiếc truyền y thuật cho ngươi, chỉ e rằng sau này sẽ liên lụy đến ngươi. Nếu lúc cứu người, không phân biệt giàu nghèo, không nhận tiền bạc đút lót, không ngại gian khổ, xót thương người già yếu, thì tương lai ngươi sẽ tránh được họa”. Hoa Đà tiên sinh vội bái tạ và nói: “Tôi nhất định ghi nhớ cẩn thận lời giáo huấn của ngài, một câu cũng không dám quên, tuân theo lời chỉ dạy của ngài mà làm việc”. Hai cụ già mỉm cười chỉ vào phía đông động nói: “Trên giường đá có một hộp sách, ngươi tự mình lấy rồi nhanh rời khỏi nơi này! Tuyệt đối không được cho người thường xem! Luôn phải giữ bí mật”. Lúc Hoa Đà bước đến phía trước cầm lấy cuốn sách và quay lại, thì hai cụ già đã biến mất. Hoa Đà sợ hãi rời khỏi sơn động, mới bước ra ngoài cửa động, bỗng nhiên không nhìn thấy gì nữa, mây đen ập đến, mưa như trút nước, động đá liền bị phá tan và sụp đổ…. Hoa Đà bị nhà Ngụy giết khi chưa đầy sáu mươi tuổi, đã chứng minh lời nói của cụ già là đúng. (“Trung Tàng Kinh – tựa” của Đặng Xứ Trung).

Phần kết luận

Các sách cổ khác nhau có cách giải thích khác nhau về “Thượng công trị bệnh khi chưa thành bệnh”, “Nạn Kinh” cho rằng chẩn bệnh là để nhận ra bệnh sau này sẽ thay đổi, nhất định phải sớm phòng ngừa. Còn về bệnh tật, “Linh Khu” nhận thấy bệnh đang ở giai đoạn đầu mới phát triển hoặc đã thuyên giảm, tốt nhất nên phòng bệnh khi chưa có bệnh; nếu không thì phải chữa trị ngay khi chưa có bệnh hoặc khi bệnh đã giảm dần. “Tố Vấn” cho rằng sự phát sinh của bệnh tật có liên quan đến sự suy thoái đạo đức, liên quan đến việc ăn uống không điều độ, hành vi không kiểm soát, ham muốn quá mức, nói dối và nói năng khoác loác, v.v. “Thiên Kim Phương” và “Tố Vấn” của nhà Đường cũng có những cách nói khá giống nhau, người ta tin rằng những người có tính cách thiện lương sẽ tự nhiên không bị bệnh tật, ngay cả tai họa cũng khó xảy ra. Cho nên người tu tốt bản tính thì đã khỏi bệnh trước khi có bệnh. Vì vậy, thầy thuốc giỏi chỉ cứu được những người nhất thời có tư tưởng và hành vi lệch lạc, đối với những người không chịu cải biến lại tư tưởng và hành vi của mình thì sẽ thường xuyên sinh bệnh.

Những thầy thuốc giỏi thời cổ đại yêu cầu truyền thụ cho bệnh nhân những phương pháp dưỡng sinh và phòng bệnh tương tự như “Tố Vấn” hay “Thiên Kim Phương”, dạy cho bệnh nhân rằng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của họ phải hoàn toàn phù hợp với Âm dương và Ngũ hành của trời đất, việc ăn uống, ngủ nghỉ của người bệnh phải nên điều độ và bình thường (“Con người thời thượng cổ, họ đều biết đạo dưỡng sinh, bắt chước ở âm dương, điều hòa với thuật số, ăn uống điều độ, sống điều độ, không làm quá sức”), hơn nữa cần tránh sự xâm nhập của thời tiết như gió nóng đối với con người, người bệnh phải giảm bớt ham muốn trong đời sống của mình, như thế thì hoàn toàn không bị bệnh chút nào. (“Bậc Thánh nhân thời thượng cổ dạy người dưới mình biết xa lánh hư tà tặc phong, trong lòng điềm đạm hư vô, chân khí thuận theo, tinh thần bền vững, bệnh còn do đâu mà sinh ra được?”). Vì vậy, cách chữa bệnh của thầy thuốc thời xưa khác xa so với bây giờ.

Nếu như các thầy thuốc hiện tại của chúng ta cũng có thể coi trọng và học hỏi những phương pháp chữa bệnh của các thầy thuốc thời xưa để bệnh nhân không còn đối mặt với bệnh tật nữa chẳng phải tốt lắm sao?

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778



Ngày đăng: 20-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.