Tác giả: Chương Đông
[ChanhKien.org]
Bệnh có rất nhiều loại và cũng có rất nhiều phương pháp điều trị, bao gồm Tây y, Trung y, khí công v.v. Vậy thì cái nào tốt hơn? Có nhiều ý kiến khác nhau. Kỳ thực, muốn trị bệnh trước tiên phải hiểu cơ thể con người, hiểu rõ sinh mệnh, hiểu được nguồn gốc của bệnh thì mới có thể bắt tay vào trị tận gốc. Bài viết này thảo luận đơn giản về các phương diện trị bệnh bằng khí công, Trung y và Tây y.
Đạo gia Trung Quốc cho rằng cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, giống như đại vũ trụ bên ngoài, nó cũng được cấu thành từ năm loại vật chất kim, mộc, thủy, hỏa, thổ và tự có âm dương tồn tại, có sự sinh trưởng và suy tàn của âm dương, có sự sinh hóa của ngũ hành. Đồng thời tiểu vũ trụ của cơ thể con người có liên quan mật thiết với đại vũ trụ ở bên ngoài. Khi con người bị bệnh, điều đó có nghĩa là có vấn đề trong sự vận hành của tiểu vũ trụ, đã lệch khỏi quy luật vận hành thông thường của nó. Đây chính là cơ sở lý luận của điều trị bệnh bằng khí công và điều trị bệnh bằng Trung y.
Khi mà suy nghĩ, lời nói và việc làm của con người đi chệch khỏi “Đạo”, làm những điều xấu, chẳng hạn như làm tổn thương người khác, v.v., thì sẽ tạo nghiệp. Vì vậy, bị bệnh tức là đang trả nghiệp. Sinh bệnh cũng tức là tiểu vũ trụ cơ thể người này đã đi lệch khỏi “Đạo” và không thể vận hành một cách chính thường. Muốn trị tận gốc bệnh tật, trước tiên phải quy chính tư tưởng của con người, nâng cao đạo đức của con người. Khi tư tưởng và ngôn hành của con người phù hợp với “Đạo” thì cái cơ thể có bệnh đó mới có thể trở lại trạng thái bình thường.
Trong “Hoàng Đế nội kinh” đề cập đến con người thượng cổ “có thể nắm vững sự biến hóa của đất trời, nắm vững quy luật âm dương, hít thở tinh khí âm dương của đất trời, không dựa vào ngoại vật mà độc lập thủ thần, cơ nhục bảo trì thuần nhất tinh khiết, cho nên có thể thọ giống như trời đất, không bao giờ kết thúc”.
Con người thời trung cổ “có đạo đức thuần hậu, hòa với âm dương, thuận với bốn mùa, xa đời lánh tục, tích tinh vẹn thần, rong chơi trong khoảng trời đất, xa trông ra ngoài tám cõi, đây là phương pháp họ kéo dài thọ mệnh và tăng cường sức khỏe. Loại người này cũng có thể liệt vào hàng Chân nhân”.
Tiếp nữa là bậc Thánh nhân “sống trong sự hòa hợp của đất trời, thuận theo lẽ bát phong (tám ngọn gió đời), tuy cũng có thị dục như người thế tục, nhưng không có tâm sân hận, hành động của họ không đi chệch khỏi các tiêu chuẩn chung của thế giới trần tục, cũng ăn mặc quần áo trang sức thông thường, nhưng hành động không mang tính phàm tục, bên ngoài không để cho thân thể mệt mỏi vì sự vật, bên trong không để lo gánh nặng, lấy an tĩnh vui vẻ làm mục đích, lấy nhàn nhã làm thỏa mãn, vì vậy hình thể không mệt mỏi, tinh thần không bị tiêu tán, nên tuổi thọ có thể đạt đến khoảng một trăm năm”.
Tiếp theo, có hạng gọi là Hiền nhân, “bắt chước sự vận hành của trời đất và mặt trời, mặt trăng; thuận theo lẽ nghịch và thuận của hai khí Âm Dương, với sự thay đổi của bốn mùa. Học theo những người Chân nhân Thượng cổ, làm cho cuộc sống phù hợp với đạo dưỡng sinh. Như thế cũng có thể tăng tuổi thọ nhưng sẽ có lúc kết thúc”. Từ đó có thể thấy rằng nếu một người hòa hợp với Đạo thì có thể có bệnh tật không?
Lục phủ ngũ tạng cũng đều là sinh mệnh thể sống, “tâm (tim) là bộ phận chính cai quản toàn bộ cơ thể, mọi hoạt động ý thức và tư duy tinh thần của con người đều từ đó sinh ra. Phế (phổi) là phó tướng, giống như phó tướng giúp vua, điều hòa hoạt động của toàn cơ thể vì nó điều khiển Khí của toàn cơ thể. Can (gan), cai quản cơn giận, dũng cảm như một vị tướng, được gọi là cơ quan tướng quân, từ đó đưa ra các mưu lược. Đởm (mật) bảo vệ tim và chấp nhận mệnh lệnh của tim, nó là cơ quan có chức năng như một sứ thần, và niềm vui trong lòng được lan truyền qua nó. Tỳ (lá lách) và vị (dạ dày) là cơ quan tiếp nhận và phân phối thức ăn và là nơi tích trữ thức ăn, năm vị do đó mà sinh ra. Đại tràng là cơ quan truyền dẫn, có thể vận chuyển cặn bã của thức ăn, biến hóa thành phân để bài tiết ra khỏi cơ thể. Tiểu tràng là cơ quan chứa đựng thức ăn từ dạ dày đi xuống tiếp tục phân hóa thành tinh chất và cặn bã. Thận là cơ quan của sức mạnh, nó có thể khiến con người phát huy sức mạnh và tạo ra các kỹ xảo. Tam tiêu là cơ quan quyết độc (quyết là khơi cho chảy, độc là rãnh nước chảy), nó có thể thông hành thủy đạo. Bàng quang là cơ quan châu quận, lưu trữ chất lỏng trong cơ thể thông qua tác dụng khí hóa mới có thể thải bỏ nước tiểu.
Mặc dù 12 cơ quan trên có sự phân công nhưng vai trò của chúng phải được phối hợp nhịp nhàng và không tách rời nhau. Cho nên nếu chủ thông minh thấu hiểu thì thuộc hạ yên, lấy lẽ đó để dưỡng sinh thì trường thọ, trọn đời không bị đau ốm; lấy lẽ đó để trị thiên hạ thì thái bình. Nếu chủ không không sáng suốt thì 12 cơ quan nội tạng sẽ gặp nguy hiểm, khiến cho đường bị tắc nghẽn không thông, cơ thể sẽ bị thương nặng. Trong hoàn cảnh như vậy, không thể nói đến dưỡng sinh kéo dài tuổi thọ. Nó sẽ chỉ dẫn đến tai họa và rút ngắn tuổi thọ của con người. Ở đây, tác dụng của “chủ minh” được giải thích rõ hơn một bước. “Chủ” ở đây ám chỉ trái tim, và “chủ minh” có nghĩa là “tâm chính”. Có thể thấy, chuẩn mực đạo đức khởi tác dụng quan trọng trong phương diện chữa trị và phòng ngừa bệnh tật.
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh của Trung y là hành động nhắm thẳng vào các tầng sâu của sinh mệnh. Trung y chân chính ở Trung Quốc cổ đại cũng có những yêu cầu tương đối rõ ràng về đạo đức con người khi chữa bệnh, ví như trong “Bị cấp thiên kim yếu phương” của Tôn Tư Mạc nói rằng “các bậc Thánh nhân tạo ra thuốc là để cứu những người đã phạm lỗi. Cho nên, những kẻ ngu si, nhiều năm bệnh tật, không tu dưỡng phẩm chất của mình, đến lúc chết cũng không hối hận”. Điều đó chỉ rõ rằng người mà các thầy thuốc muốn cứu là những người mắc bệnh do sai lệch nhất thời trong hành vi và tư tưởng, nhưng con người lại rất cố chấp trong khuôn khổ hiểu biết của mình, dù cho bệnh tật quanh năm cũng không chịu thay đổi tư tưởng quan niệm lệch lạc của mình và để cho đạo đức thăng hoa lên. Tuy nhiên, Trung y cận đại trị bệnh quá thiên về những thứ phương pháp và thuật loại.
Trung y là một đại diện tiêu biểu của khoa học Trung Quốc cổ đại. Khoa học Trung Quốc cổ đại cho rằng vũ trụ mà con người chúng ta đang sống được cấu thành từ năm loại vật chất kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Năm loại vật chất này có những hình thức biểu hiện khác nhau trong các không gian khác nhau. Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, theo sự lên xuống của âm dương, năm loại vật chất này có mối quan hệ chặt chẽ về tương sinh tương khắc. Có thể hiểu, nắm bắt và vận dụng được năm loại vật chất kim, mộc, thủy, hỏa, thổ cùng với sự thay đổi của âm dương và những thay đổi quy luật vận hành của khí huyết, thì sẽ nắm vững được tất cả những nguyên nhân hình thành bệnh, đồng thời sẽ đưa ra được các phương pháp phòng ngừa và điều trị đúng đắn. Vì vậy, các phương pháp chẩn đoán và điều trị của nó nói chung đều nhắm vào không gian tầng sâu của cơ thể con người.
Ví dụ trong “Hoàng Đế nội kinh” có ghi rằng: “Trong tự nhiên có bốn mùa và có ngũ hành, do đó sinh ra các khí hàn, thử, táo, thấp, phong. Con người có năm cơ quan nội tạng. Khí của năm cơ quan nội tạng chuyển hóa thành ngũ chí, tạo ra năm hoạt động cảm xúc: hỷ, nộ, bi, ưu, khủng. Khi khí đi lên và lấp đầy các kinh mạch, thì thần khí sẽ nổi lên và rời khỏi cơ thể. Vì vậy, nếu hỷ và nộ không được tiết chế, và nếu hàn thử không được điều chỉnh tốt thì sinh mệnh sẽ không được bền. Đạt đến cực điểm âm có thể chuyển hóa thành dương dẫn đến bệnh dương và đạt đến cực điểm dương có thể chuyển hóa thành âm dẫn đến bệnh âm. Vì vậy, nếu bị tổn thương bởi hàn khí vào mùa đông thì dễ mắc bệnh sốt vào mùa xuân; nếu bị tổn thương do gió vào mùa xuân thì sẽ dễ mắc bệnh tiêu chảy vào mùa hè. Nếu bị tổn thương bởi thử khí vào mùa hè, thì dễ mắc bệnh sốt rét vào mùa thu; nếu bị tổn thương do ẩm khí vào mùa thu, sẽ dễ bị ho vào mùa đông”. “Nếu lại thêm sự ăn quá no, gân mạch tức thời sụt lỏng, đại tràng tích nhiệt mà gây nên bệnh trĩ; hoặc vì uống quá nhiều thì khí nghịch lên; nếu lại dùng sức lực quá mạnh, thì sẽ làm tổn thương thận khí, do đó thành chứng đau xương cột sống ở eo lưng. Nói chung, cái cốt yếu của âm dương, dương có bền bỉ thì sinh mệnh mới vững vàng. Hai khí ấy nếu không điều hòa, giống như có xuân không có thu, có đông không có hạ. Nếu làm cho nó điều hòa tức là phương pháp của bậc Thánh nhân. Nếu dương bị tà phạm, không thi hành được cái nhiệm vụ làm bền ở bên ngoài, âm sẽ bị mất ở bên trong. Âm dương cân bằng tinh thần sẽ yên ổn, âm dương ly biệt tinh khí sẽ cạn kiệt”.
Một ví dụ khác, trong “Hoàng Đế nội kinh” còn nói: “Tức giận tổn hại gan, vui mừng tổn hại tâm, suy nghĩ tổn hại lá lách, lo âu tổn hại phổi, hoảng sợ tổn hại thận”. Điều này nghĩa là nói đến năm chí (năm tình cảm) dẫn đến mắc bệnh. Ngược lại, bệnh về nội tạng cũng có thể dẫn đến những tình cảm và chí nguyện thất thường. “Can khí thiếu, can huyết không đủ sẽ khiến người ta cảm thấy sợ hãi; can khí quá mức sẽ khiến người ta dễ tức giận. Tâm khí yếu đuối sẽ khiến người ta sinh ra cảm giác buồn rầu; tâm khí mạnh mẽ sẽ khiến người ta cười không ngừng".
Sự chuyển động của khí huyết và tân dịch cơ thể là sự thể hiện chân thực sự tồn tại và hoạt động của cơ thể trong các không gian khác nhau. Ví dụ, đối với các bệnh về nội tạng của con người, châm cứu thường được thực hiện trên một số huyệt trên tứ chi để đạt được hiệu quả chữa bệnh. Đây chính là nội bệnh mà ngoại trị, tức là điều trị bên ngoài để chữa các bệnh bên trong cơ thể. Ngoài ra còn có cách nói nào là bệnh mùa đông, bệnh mùa hè, nghĩa là nguyên nhân của một số bệnh có liên quan đến âm dương hàn thử, cho nên việc điều trị phải phối hợp với quy luật thay đổi lạnh nóng để chữa khỏi căn bản, nếu không thì chỉ chữa được triệu chứng bề ngoài.
Trung y trị bệnh, kỳ thực bản chất giống như là đưa hoạt động của tiểu vũ trụ trong cơ thể con người trở lại trạng thái bình thường, và khiến nó phù hợp với Đạo Pháp. Trong số các chiến lược điều trị của nó chính là có “bệnh nhiệt thì trị bằng thuốc hàn”, “bệnh hàn thì trị bằng thuốc nhiệt”, “dương bệnh thì trị ở âm”, “âm bệnh thì trị ở dương”, “bù đắp chỗ thiếu, đào thải chỗ thừa”, thúc đẩy âm dương cân bằng, khôi phục trạng thái bình thường của âm dương. So với y học hiện đại, phương pháp điều trị của nó là giúp cho điều chỉnh cơ thể con người ở tầng diện sâu hơn, đồng thời, các loại thảo mộc được sử dụng đều được lấy từ thiên nhiên, và thuộc tính tự nhiên của nó được sử dụng để điều chỉnh cơ thể con người và khôi phục cơ thể con người về trạng thái tự nhiên. Cho nên nói trị bệnh bằng Trung y khoa học hơn. Người ta thường nói Trung y trị bệnh tận gốc cũng chính là đạo lý này.
Tiếp theo hãy nói về Tây y. Tây y cũng coi cơ thể con người là một thể hữu cơ phức tạp và phân chia nó thành nhiều hệ thống, chẳng hạn như hệ vận động, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, v.v. Mỗi hệ thống độc lập với nhau nhưng cũng có mối liên hệ với nhau. Điều này không thể nói là không có tính khoa học, nhưng tất cả đều nhắm vào không gian bề mặt của cơ thể con người. Nếu đem cơ thể con người so sánh với một quả dưa lớn có lớp biểu bì được phủ đầy bởi những mạng vân lưới phức tạp, thì Tây y chỉ đang khám phá những mạng vân lưới phức tạp trên lớp biểu bì và nghiên cứu mối liên hệ giữa các mạng vân lưới đó. Còn Trung y chia quả dưa từ trong ra ngoài thành năm loại vật chất (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), mỗi loại đều có sự tồn tại các tầng thâm sâu và biểu hiện bề mặt của các tầng không gian khác nhau. Nó nghiên cứu mối quan hệ giữa những thay đổi từ bên trong đến biểu hiện bên ngoài của mỗi loại, cũng như mối quan hệ chuyển hóa phụ thuộc lẫn nhau giữa mỗi loại khi tồn tại sự tương tác của âm và dương với nhau.
Tây y xem ra có vẻ rất sâu sắc và phức tạp, nhưng thực chất là nó làm phức tạp mọi việc và khởi điểm xuất phát của nó có vấn đề. Vì nó không cách nào nắm vững được các mối liên hệ tầng sâu của cơ thể con người cho nên việc điều trị rất trực tiếp như: thiếu canxi thì bổ sung canxi, thiếu máu thì truyền máu, thiếu khí thì bổ sung khí, v.v. Nhổ răng thì dùng kìm để lôi răng ra, huyết áp cao thì hạ huyết áp xuống, nhiệt độ cơ thể tăng lên thì hạ sốt, nếu transaminase (1) tăng cao, thì cố gắng hạ thấp transaminase xuống, v.v. Mục đích của nó cũng là đưa cơ thể con người trở lại trạng thái bình thường, phù hợp với đạo lý bề ngoài mà cơ thể con người phải tuân theo. Ví dụ, nhiệt độ cơ thể con người bình thường là khoảng 36,5 độ C, chỉ số huyết áp bình thường là 80 đến 120 mmHg, v.v. Những phương pháp này tưởng chừng như rất phù hợp với quy luật, và một số biện pháp có thể có hiệu quả trị bệnh rõ rệt trong một thời gian nhất định nhưng lại khó chữa khỏi bệnh tận gốc vì nó không điều chỉnh được các nhân tố lệch lạc tại các phần sâu trong cơ thể. Vì vậy bệnh tái phát là điều gần như phổ biến.
Mặc dù Tây y hiện nay đã đạt đến cấp độ phân tử và cấp độ tế bào, nhưng sự hiểu biết của nó về cơ thể con người vẫn chưa thoát khỏi không gian bề mặt, vì vậy đó bất quá chỉ là sự tìm kiếm “mối liên hệ giữa các vân lưới ngoài vỏ quả dưa” một cách chi tiết hơn mà thôi.
Tóm lại, bất kể phương pháp trị bệnh nào, mục đích đều là đưa cơ thể con người trở lại trạng thái bình thường và làm cho nó phù hợp Đạo Pháp mà nó cần phải tuân theo. Tác dụng chủ yếu cần đạt được của việc chữa khỏi bệnh cuối cùng vẫn là dựa vào cơ chế tự điều chỉnh mạnh mẽ của cơ thể con người, về bản chất, cơ chế tự điều chỉnh mạnh mẽ này chính là thể hiện tác dụng của Pháp và là thể hiện lực lượng của Pháp. Sự khác biệt của nó là, tu luyện là để quy chính lại tư tưởng của con người, cơ chế bên trong cơ thể và trạng thái bề mặt của cơ thể về bản chất con người và đưa nó trở lại đúng trạng thái mà sinh mệnh lẽ ra phải có; Trung y đưa cơ chế bên trong cơ thể con người và trạng thái bề mặt của cơ thể trở về trạng thái bình thường của cơ thể con người; Tây y chỉ đưa bề mặt cơ thể con người trở lại trạng thái bình thường. Biểu hiện của các phương pháp điều trị của nó như sau: tu luyện không dùng thuốc, Trung y sử dụng thảo dược, còn Tây y thì sử dụng thuốc tổng hợp hóa học. Cảnh giới cao hơn của Trung y kỳ thực chính là tu luyện.
Tài liệu tham khảo: Học từ Y học cổ truyền Trung Quốc để vượt qua những nút thắt y tế, được viết bởi Hồ Nãi Văn.
Chú thích: Transaminase hoặc aminotransferase là các enzym xúc tác phản ứng chuyển hóa giữa axit amin và axit α-keto. Chúng rất quan trọng trong việc tổng hợp các axit amin, hình thành nên protein.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778