Mạn đàm Trung y (7): Nhìn nhận về Trung y



Tác giả: Lưu Tiên Dật

[ChanhKien.org]

Nhận thức đầu tiên về Trung y

Gia đình tôi ở trong ký túc xá nhân viên của bệnh viện, từ nhỏ tôi đã nghe người lớn nói về bác sĩ Trung y nào trong bệnh viện là gia truyền từ gia đình, ai giỏi châm cứu nhi khoa, ai hiểu dịch lý biết bói toán… Thỉnh thoảng khi đến chơi xưởng sản xuất trung dược của bệnh viện, tôi gặp một số vị bác sĩ Trung y lúc rảnh rỗi đang đọc sách y học, sách được đóng theo kiểu buộc chỉ (kiểu truyền thống) và bằng chữ Hán chính thể (phồn thể). Nét mặt của họ lộ vẻ nhàn nhã và thanh thản, khác với những người khác. Vào thời kỳ đầu thập niên 70, dường như do ở vùng nông thôn cần lượng lớn bác sĩ chân đất, nên lúc đó Trung y bắt đầu thịnh hành, trong đó châm cứu và dùng thảo dược là những phương pháp tiết kiệm chi phí và hiệu quả nhất. Kết quả là các gia đình cũng vì thế mà có những cây kim bạc dài, những cuốn sách có hình minh họa về các loại thảo dược và các mô hình nhỏ về cơ thể và tai người chứa đầy các huyệt vị. Khi còn nhỏ, tôi yêu thích chúng không muốn rời tay nhưng tôi không biết tác dụng tuyệt vời của chúng. Khi lớn hơn một chút, cuốn “Bản thảo cương mục” trong nhà được tôi đọc đi đọc lại, tôi thực sự muốn học cách nhận biết những loại thảo dược đó. Về sau tôi mới thực sự học được từ người lớn cách nhận biết loại cây mã đề có thể thấy ở khắp mọi nơi, đồng thời cũng biết được dùng nó sắc thành nước có thể chữa được bệnh kiết lỵ. Đây đại khái được xem là sự giáo dục vỡ lòng về Trung y của tôi. Đó là lúc tình cảm của tôi với Trung y bắt đầu nảy nở.

Tôi được tiếp xúc với kiến thức trị bệnh Trung y khi lên năm hoặc sáu tuổi. Có một lần, vào lúc nửa đêm, em trai tôi vì đau do thoát vị bẹn mà khóc ầm ĩ, tiếng khóc đã đánh thức những người hàng xóm sống cùng sân, trong đó có bà Vương, một người nghiện thuốc lá nặng. Không biết là chủ ý của ai, nhưng họ đã dùng thuốc lá của bà Vương để đốt ở huyệt vị dưới lỗ rốn của em trai tôi, vậy mà khiến nó ngừng khóc và ngủ một giấc cho đến khi trời sáng. Điều này đã khắc sâu vào kí ức của tôi và không thể xóa bỏ được. Bây giờ nghĩ lại, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một ví dụ thực tế về việc Trung y không cần tiêm thuốc hay dùng thuốc mà chỉ dùng một điếu thuốc lá là có thể chữa được bệnh.

Sau này, khi vào học trường y, tôi lại không học Trung y mà học Tây y. Nhưng có một môn là Trung y bắt buộc phải học, điều này cũng thỏa mãn mong muốn của tôi: biết thêm chút ít kiến thức về Trung y. Trước đây khi chưa làm bác sĩ, tôi đã trải qua nỗi đau và sự bất lực khi làm bệnh nhân, đồng thời tôi cũng nhận thức được điểm khác biệt giữa Trung y và Tây y.

Khi tôi học năm thứ hai và năm thứ ba đại học, không biết nguyên nhân vì sao tôi lại cảm thấy đau ở xương sườn bên phải, dựa vào một chút cảm nhận và kiến thức y khoa đó của bản thân, tôi nghĩ chỉ có Trung y mới có thể chữa khỏi bệnh. Tôi đến khoa Trung y của bệnh viện trực thuộc trường, vị bác sĩ rất giỏi về y thuật đã kê đơn bài thuốc “Tiểu sài hồ thang”. Bài thuốc đó đã chữa cho tôi khỏi bệnh. Tôi đã kiểm chứng rằng bài thuốc Tiểu sài hồ thang có tác dụng điều trị chứng bệnh can khí uất kết (tích tụ ứ đọng, đau sườn). Niềm tin vào Trung y của tôi cũng đã được hình thành vào thời điểm đó.

Một lần khác, tôi bắt đầu bị tiêu chảy, tôi đã uống rất nhiều thuốc kháng sinh và các loại thuốc Tây khác nhưng không có tác dụng, ngược lại tác dụng phụ rất nhiều. Tôi đến gặp bác sĩ của trường, khi bác sĩ của trường nghe nói là tiêu chảy, ông không hỏi gì cả, lập tức kê ngay một loại thuốc chế biến sẵn trong hộp là “Hoắc hương chính khí hoàn”. Thuốc này quả là không thể uống, từ đó về sau, toàn bộ chức năng tiêu hóa của tôi trở nên rối loạn. Thuốc này đã làm hại tôi. Khi tôi biết rõ rằng “Hoắc hương chính khí hoàn” chủ yếu được sử dụng để điều trị khi bị tiêu chảy do cảm lạnh gây nên, tôi hiểu rằng loại Trung dược này không được uống lung tung bừa bãi. Một bác sĩ Trung y giỏi, sau khi bệnh nhân đến khám, qua vọng, văn, vấn, thiết, sẽ biết bệnh của bệnh nhân là ở ngoài da hay trong nội tạng, rồi mới kê đơn thuốc phù hợp để trị bệnh. Trung dược này cũng có rất nhiều kiến thức, các vị thuốc có nào là quân, thần, tá, sứ, lại có vị thuốc nào vào kinh nào, mạch nào, tuyệt đối không được một chút mảy may qua loa đại khái. Mà vị bác sĩ của trường ấy đâu có ngờ được rằng vì trình độ y thuật kém của mình, khiến một căn bệnh lẽ ra có thể chữa được bằng Trung y lại trở nên phức tạp và khó chữa. May mắn thay, căn bệnh của tôi không đến mức làm hại tính mệnh của tôi, nhưng chứng rối loạn chức năng đường tiêu hóa để lại khiến tôi khó chịu trong hơn 10 năm, cho đến khi tôi tu luyện Pháp Luân Công mới khỏi. Sự việc này không làm tôi cảm thấy chán ghét Trung y mà ngược lại khiến tôi cảm nhận được tính hợp lý trong việc biện chứng để thực hiện trị bệnh của nó. Mặc dù triệu chứng của bệnh giống nhau nhưng nguyên nhân lại khác nhau, thuốc dùng cũng khác nhau, không thể dùng rập khuôn cùng một loại thuốc để điều trị.

Sau khi trải nghiệm cảm giác làm bệnh nhân, tôi bắt đầu tham gia vào học các môn lâm sàng. Khi học lý thuyết về Trung y, tôi mới biết sự thâm sâu và rộng lớn về nguồn gốc của Trung y. Sự viên dung của lý thuyết Trung y khiến tôi cảm thấy tựa như không có bệnh nào là không thể chữa khỏi bằng cách phân tích khảo chứng để thực hiện trị bệnh. Nhưng đồng thời, dù có thể sử dụng thuyết Âm Dương Ngũ Hành của lý thuyết Trung y để phân tích một cách rõ ràng mạch lạc ca bệnh, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình không biết bắt đầu từ đâu, lực bất tòng tâm và không thể nắm bắt được điểm tinh túy của nó. Lúc đó, tôi cũng không muốn đi sâu tìm hiểu lý do tại sao, nhưng những kinh nghiệm này cho tôi biết rằng Trung y có những nét độc đáo riêng trong việc chữa bệnh, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành thầy thuốc Trung y, để trở thành một người hành nghề Trung y giỏi không phải là điều dễ dàng. Nhưng điều đó là có thể, bởi vì trong lịch sử có rất nhiều thầy thuốc Trung y nổi tiếng. Vậy mấu chốt để trở thành một thầy thuốc Trung y giỏi là gì?

Trung y độc đáo

Sau khi tốt nghiệp trường y, tôi không đi vào công việc lâm sàng mà tham gia nghiên cứu y học cơ bản. Điều này xem ra ngày càng rời xa Trung y, sẽ không còn có cơ hội tiếp xúc và suy nghĩ về nó nữa. Nhưng khi chuẩn bị ra nước ngoài, tôi không quên mua một cuốn sách giáo khoa Trung y về châm cứu và xoa bóp, nghĩ rằng sau này nó sẽ có công dụng. Sau khi đến Mỹ, tôi phát hiện ra rằng châm cứu đã dần dần được người Mỹ chấp nhận, một số người đã thử dùng NMR (chụp cộng hưởng từ hạt nhân) để nghiệm chứng sự tồn tại thực sự của các huyệt vị. Nghiên cứu này cũng khiến tôi bắt đầu suy nghĩ lại về Trung y. Tại sao châm cứu đã tồn tại hàng nghìn năm và chữa khỏi bệnh cho vô số bệnh nhân lại không được y học hiện đại chấp nhận hoàn toàn mà cần được khoa học hiện đại xác nhận bằng thực nghiệm mà mắt nhìn thấy là thật thì con người mới tin vào sự tồn tại thực sự của nó? Điều gì đã che mắt mọi người và khiến họ phớt lờ sự thật đã diễn ra hàng nghìn năm qua mà không quan tâm? Là vấn đề gì đã sinh ra từ tự thân con người chúng ta?

Mãi cho đến khi tôi đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân” thì những vấn đề này mới được giải quyết một cách dễ dàng. Trung y đi theo con đường hoàn toàn khác với y học hiện đại. Do sự suy thoái đạo đức và sự phức tạp về tư tưởng của con người hiện đại, họ không còn có thể thực sự hiểu được những tinh túy của Trung y mà chỉ chú trọng vào việc mò mẫm kinh nghiệm và ứng dụng các thủ pháp. Chỗ độc đáo của Trung y cổ đại là nó không coi con người như một cá thể biệt lập mà gắn kết con người với trời đất và môi trường xung quanh, đó cũng chính là quan niệm “Thiên nhân hợp nhất”. Theo quan niệm này, nhận thức về bệnh tật và phương pháp điều trị của Trung y cổ đại hoàn toàn khác với y học hiện đại. Hãy xem các danh y thời xưa như Biển Thước thời tiên Tần, Đổng Phụng và Hoa Đà thời Tam Quốc, Tôn Tư Mạc thời Đường, v.v., họ đều có năng lực đặc biệt và là những người tu Đạo. Khi người tu luyện đạt đến một cảnh giới nhất định, một số người có thể nhìn thấy các không gian khác, vì vậy sự tồn tại của các huyệt vị trên cơ thể con người không phải là không có căn cứ mà là những gì người tu luyện đã tận mắt nhìn thấy và ghi lại. Đối với những người ngày nay không tin vào tu luyện và chỉ tin vào khoa học hiện đại mà nói, thì đó chỉ là ảo tưởng. Không phải Trung y không còn tốt nữa mà là bởi người ta kém cỏi, không nhận ra được những tinh túy của Trung y, nên mới khiến cho Trung y bị chôn vùi trong bụi bặm.

Điều mà cổ nhân chú trọng trong đối nhân xử thế chính là “đức”. Việc đánh giá một người tốt hay xấu cũng là lấy đạo đức làm tiêu chuẩn, đối với một người thầy thuốc chữa bệnh cứu người mà nói, yêu cầu này lại càng cao hơn rất nhiều. Trong thời Tam Quốc, Đổng Phụng cùng với Trương Trọng Cảnh người Nam Dương, Hoa Đà người huyện Tiêu đều là những người nổi tiếng và được gọi là “Kiến An tam Thần y” (ba Thần y thời Kiến An), họ không chỉ tu Đạo mà cuối cùng còn đắc Đạo thành Tiên. Đổng Phụng sống ở nhân gian hơn 300 năm mới quy Tiên, khi rời đi, dáng vẻ của ông vẫn như một người ngoài 30 tuổi. Trong cuốn “Thần Tiên truyện” có những sự tích phi thường về việc chữa bệnh cứu người của ông, trong số đó, câu chuyện được người đời sau ca ngợi nhiều nhất là câu chuyện “Hạnh lâm xuân noãn” (Xuân ấm rừng hạnh), đó là một trong hai điển cố kinh điển lớn của Trung y cổ đại Trung Quốc.

Đổng Phụng sống trên núi, không làm ruộng, hàng ngày chữa bệnh cho mọi người mà không nhận một xu nào. Tuy nhiên, ông có một yêu cầu, những người bệnh nặng được ông chữa khỏi phải trồng năm cây hạnh, những người bệnh nhẹ thì trồng một cây. Nhiều năm sau, ông đã chữa khỏi bệnh cho hàng nghìn hàng vạn bệnh nhân và đã trồng được hơn 100.000 cây hạnh, tạo thành khu rừng tươi tốt. Đổng Phụng hàng năm bán quả hạnh để đổi lấy lương thực, ông đã dùng toàn bộ lương thực đó để cứu tế cho người nghèo và người qua đường thiếu lộ phí. Mỗi năm hai vạn hộc lương thực như thế này được phát ra, rừng hạnh của ông đã cứu được vô số sinh mệnh. Vì vậy người đời sau dùng các câu “Hạnh lâm xuân noãn” (Xuân ấm rừng hạnh) và “Dự mãn hạnh lâm” (Tiếng tăm đầy rừng hạnh) để ca ngợi mỹ đức của lương y.

Muốn làm một thầy thuốc giỏi trên thế gian không hề dễ. Tôn Tư Mạc, một danh y thời nhà Đường, khi 70 tuổi đã viết “Thiên kim yếu phương” và “Thiên kim dực phương”, trong phần mở đầu của “Bị cập thiên kim phương” có phần “Đại y tập nghiệp” và “Đại y tinh thành”. Ông đã nhấn mạnh đến y đức và y thuật mà một thầy thuốc nên có. “Đại y tinh thành” đã trở thành lời thề y đức mà các thầy thuốc đời sau phải tuân theo.

Muốn trở thành một “thương sinh đại y” (thầy thuốc giỏi của muôn dân) phải “nghiên cứu sâu sắc về nguyên lý y học, chuyên tâm siêng năng không biết mệt mỏi, không được nghe tin đồn lưu truyền”, khi chữa bệnh “nhất định phải ổn định tinh thần và ý chí, vô dục vô cầu, trước tiên phải có tấm lòng thông cảm đại từ đại bi, nguyện thề vui lòng giải trừ thống khổ cho tất cả các sinh linh”. Đối với phía bệnh nhân đến chữa bệnh “không được hỏi người ta địa vị cao hay thấp, giàu hay nghèo, già hay trẻ, đẹp hay xấu, người thân hay kẻ thù, người Hoa hay dân tộc thiểu số, người thông minh hay ngu dốt, tất cả đều bình đẳng, tất cả đều như người thân, cũng không được do dự nhìn trước ngó sau, tự lo lắng lành hay dữ, bảo vệ tính mệnh của bản thân và gia đình mình”. Khi thấy nỗi khổ của người bệnh, hãy coi như nỗi khổ của chính mình, trong lòng cảm thấy buồn bã, không trốn tránh hiểm nguy, ngày đêm, nóng lạnh, đói khát, mệt nhọc, toàn tâm toàn ý cứu vớt người bệnh. Ngược lại sẽ gây “thiệt hại lớn cho nhân dân”. Ngoài ra, Tôn Tư Mạc cũng có những quy định về hành vi của thầy thuốc khi đến khám bệnh tại nhà bệnh nhân là “Khi đến nhà bệnh nhân, trước mắt đầy hoa lụa không liếc mắt nhìn xung quanh, đàn sáo áp bên tai nhưng hình như không có gì thú vị, món ngon quý lạ dâng lên, ăn như vô vị, mỹ tửu bày ra, nhìn mà dường như không”. Nếu không làm như vậy sẽ là “nỗi sỉ nhục cho cả con người và Thần linh”.

Làm thế nào mới có thể có y thuật tinh minh? “Phàm muốn trở thành thầy thuốc giỏi ắt phải hiểu sâu Hoàng đế nội kinh – Tố Vấn, Châm cứu Giáp Ất kinh, Hoàng đế Châm Kinh, Minh Đường lưu trú, Thập nhị kinh mạch, Tam bộ Cửu hầu, Ngũ tạng lục phủ, Biểu lý khổng huyệt, Bản thảo dược đối, và các bài thuốc nổi tiếng của Trương Trọng Cảnh, Vương Thúc Hòa, Nguyễn Hà Nam, Phạm Đông Dương, Trương Miêu, Cận Thiệu”. Ngoài ra “còn phải hiểu vận mệnh Âm Dương, Chư gia tướng pháp, Cập chước quy ngũ triệu, Chu dịch lục nhâm, và phải thành thạo”. Không đạt được những yêu cầu này thì giống như “đi đêm không có mắt, dẫn đến tử vong”, yêu cầu tiếp nữa là phải “đọc kỹ các phương thuốc này, suy nghĩ về diệu lý của chúng và nghiên cứu kỹ” thì mới có tư cách để nói chuyện “Y Đạo” với người khác.

Tôn Tư Mạc cũng nói về tính quan trọng để làm “thầy thuốc giỏi” là phải đọc nhiều sách. Ông nói: “Nếu không đọc Ngũ Kinh thì không biết đạo nhân nghĩa; nếu không đọc Tam Sử thì sẽ không biết nhiều sự kiện trong lịch sử xưa và nay; nếu không đọc Bách gia Chư tử để mở rộng kiến thức thì khi gặp sự tình không thể im lặng mà nhận thức nó; nếu không đọc kinh Phật thì sẽ không biết được đạo đức của Phật giáo về từ bi hỷ xả; nếu không đọc Trang tử Lão tử, thì không thể chấp thuận nguồn gốc của mình, quan sát thuận theo sự biến hóa của tự nhiên, vì quá quan tâm đến hung cát mà sản sinh ra các loại cấm kỵ và cố chấp, và hoàn cảnh khó khăn sẽ sinh ra khắp nơi”. Nếu còn có thể hiểu được lý thuyết về Vượng, Tướng, Hưu, Tù, Tử có tác dụng tương hỗ trong Ngũ hành và các quy luật vận hành thiên văn của Mặt Trời, Mặt Trăng và ngũ tinh, thì những người học nghề y cũng cần phải tìm tòi nghiên cứu những đạo lý vi diệu ở trong đó. Nếu có thể học tập một cách chu toàn, “thì trong nghiên cứu tìm tòi y đạo sẽ không gặp phải sự đình trệ và cản trở, thế là sẽ tận thiện tận mỹ”.

Hãy nhìn Trung y ngày nay, có bao nhiêu người có thể tuân theo những quy tắc do Tôn Tư Mạc đặt ra cho thầy thuốc từ hàng ngàn năm trước? Trung y có thể chữa khỏi bệnh, chỉ là vì con người không còn tốt nữa nên bệnh mới khó chữa.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778



Ngày đăng: 11-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.