Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Đông Y

Mạn đàm Trung y (26): Âm nhạc và sức khỏe từ góc nhìn của Trung y

12-07-2025

Tác giả: Trần Trị Bình

[ChanhKien.org]

Lời tựa

Tôi đã hành nghề y tại Seattle, Hoa Kỳ, trong hơn mười năm. Giống như nhiều đồng nghiệp khác, sau một thời gian dài điều trị bệnh nhân, mọi người cũng đã trở nên máy móc, việc điều trị thường đi theo một quy trình cố định. Một lần tình cờ có một bệnh nhân bị hen suyễn mãn tính lên cơn hen cấp tính đến phòng khám của tôi, vì lúc đó quá bận nên tôi đã yêu cầu cô ấy đợi một lúc, ngay lúc ấy trong phòng đang phát một bản nhạc. Một lúc sau, khi tôi quay lại phòng khám, tôi thấy cô ấy đã đi vào giấc ngủ một cách bình yên. Mới cách nhau mười mấy phút ngắn ngủi cô ấy vừa trong tình trạng thở không ra hơi thế mà giờ đã ngủ say như thể đã uống thuốc an thần vậy. Tôi rất ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng nhạc vẫn còn phát trong phòng, trực giác của người thầy thuốc mách bảo tôi rằng các triệu chứng của cô ấy có thể nhờ âm nhạc mà bình ổn.

Sau đó, tôi còn có kế hoạch thử nghiệm mấy lần và yêu cầu bệnh nhân về nhà sử dụng âm nhạc để phối hợp với điều trị, điều này đã đạt được nhiều hiệu quả như mong muốn. Về việc âm nhạc có thể chữa bệnh cũng như mối quan hệ giữa âm nhạc và sức khỏe con người trong nghiên cứu và lĩnh vực y học chính thống ngày nay vẫn là điều chưa được các chuyên gia thực sự coi trọng, đi sâu vào nghiên cứu. Từ điểm này mà nói, chúng ta phải thừa nhận rằng hiểu biết của y học hiện đại về những điều bí ẩn của cơ thể con người và sinh mệnh vẫn còn rất hạn chế.

1. Ngôn ngữ của âm nhạc

Muôn nghìn chúng sinh trong thế giới rộng lớn này, vì khác biệt về địa vực và văn hóa, mọi người có thể do bất đồng về ngôn ngữ mà không hiểu đối phương nói những gì, nhưng họ có thể hiểu được cảm xúc, niềm vui và nỗi buồn mà mỗi người muốn thể hiện thông qua lời hát và âm nhạc họ chơi. Đây chính là sự kỳ diệu của âm nhạc.

Trước khi một sinh mệnh đến thế gian con người, khi còn trong bụng mẹ, nó đã có thể nghe được nhịp tim của mẹ, tiếng nhu động của ruột và dạ dày, tiếng phổi thở, giọng nói của mẹ và bị cảm hóa bởi ưu tư của mẹ. Ta cũng có thể biểu đạt cảm xúc của mình dựa trên cảm giác riêng và những âm thanh nghe được từ thế giới bên ngoài.

Trước khi nói về mối quan hệ giữa âm nhạc và sức khỏe, đầu tiên chúng ta hãy xem xét sự khác biệt trong điều trị giữa Trung y và Tây y:

Đặc điểm của phương pháp điều trị của Tây y là căn cứ vào nhiệt độ cơ thể, công thức máu và các kết quả xét nghiệm khác của bệnh nhân, đem so sánh với các chỉ số bình thường, sau đó đưa ra kết luận để kê đơn thuốc hoặc phẫu thuật. Chúng ta đều biết rằng “phàm là thuốc đều có ba phần chất độc”, đôi khi tác dụng phụ của một loại thuốc rất nghiêm trọng, để giảm tác hại của tác dụng phụ đối với cơ thể con người, thường cần phải thêm các loại thuốc khác, kết quả cuối cùng là bệnh nhân uống ngày càng nhiều thuốc, do phản ứng của thuốc mà dẫn đến rất nhiều triệu chứng bệnh khác, nếu ngừng uống thuốc, đôi khi còn mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn.

Còn có một tình huống là, đối với những bệnh nhân nói rằng họ cảm thấy thân thể khó chịu, nhưng sau khi kiểm tra tất cả các chỉ số đều bình thường hoặc không phát hiện ra vấn đề gì, thì Tây y chỉ có thể quy điều này là bệnh ảo tưởng, tin rằng tinh thần người bệnh xuất hiện vấn đề và những hiện tượng đó là do họ tưởng tượng ra, nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ tâm lý. Mãi đến một ngày khi phát hiện những chỉ số bất thường trong kết quả xét nghiệm thì mới vội vã tiến hành điều trị.

Y học phương Tây đã chuyển việc chẩn đoán bệnh sang các thiết bị chẩn đoán, trên bề mặt, điều này đã làm tăng tính khách quan của kết quả chẩn đoán, nhưng trên thực tế, nó đã ngày càng coi nhẹ tính ảnh hưởng lẫn nhau và sự liên hệ mật thiết không thể tách rời biểu hiện của bệnh tật ở bề mặt thân thể và tầng diện tinh thần ở bên trong, hơn nữa, cách làm này cũng ngày càng coi nhẹ sự khác biệt muôn hình vạn trạng mỗi con người với con người và có xu hướng xử lý và đối xử với mọi người như những sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt, không chút khác biệt.

Việc tách rời mối liên hệ giữa tinh thần và thể xác của con người (hoặc hiện tượng tâm lý và hiện tượng bệnh lý) và coi chúng là hai phạm trù không liên quan với nhau, đó là một sai lầm rất giống với sự hiểu biết lỗi thời của vật lý Newton về các khái niệm thời gian và không gian: Vật lý Newton coi thời gian và không gian là lượng biến đổi vật lý cơ bản độc lập và không liên quan để xử lý, nhưng trên thực tế Einstein đã phát hiện ra rằng chúng là hai phương diện của một tổng thể có liên quan chặt chẽ và không thể tách rời. Nếu so sánh một cách hình tượng, thì sự hiểu biết của Tây y về mối quan hệ tương hỗ giữa tinh thần và thể xác con người (hoặc tâm lý và bệnh lý), cho đến nay vẫn chỉ ở trình độ vật lý học Newton, trong khi sự hiểu biết của Trung y về vấn đề này từ hàng nghìn năm trước đã đạt đến trình độ của thuyết tương đối của Einstein.

Mặc dù mấy thập niên gần đây, giới y học đã có được một số hiểu biết về tác dụng của tinh thần đối với sức khỏe, nhưng hiện tại vẫn chưa thể áp dụng một cách toàn diện và hệ thống những kiến ​​thức này vào trong thực tiễn của việc chẩn đoán và điều trị. Từ thiết bị đến đơn thuốc, từ đơn thuốc đến thuốc tây điều trị được sản xuất bằng máy móc hoặc có tác dụng phụ cực mạnh, bệnh nhân dựa theo bác sĩ, mà chẩn đoán của bác sĩ lại phụ thuộc vào máy móc. Đây là tình trạng tồn tại phổ biến trong y học hiện đại.

Trung y điều trị bệnh dựa trên cảm nhận chủ quan và phản ứng của triệu chứng khách quan, dùng phương pháp biện chứng luận trị hay còn gọi là biện chứng thi trị để điều trị. Chữ “chứng” (证) trong từ “chứng hậu” (证侯) mà Trung y nói đến không phải là triệu chứng cũng không phải là tên của một căn bệnh. Ghi chú trong “Thuyết Văn Giải Tự” nói rằng: “chứng” (证) có nghĩa là can ngăn. “Hậu” (侯) cũng có thể được viết là 候, có nghĩa là “chờ đợi và trông mong” (伺望). Nghĩa là sau quá trình quan sát và suy xét toàn diện và cẩn thận, thầy thuốc đã dựa vào đặc trưng chung của bệnh tật và các đặc điểm sinh bệnh khác nhau và sự khác biệt cá thể của từng bệnh nhân, rồi tổng kết ra quy luật, hoặc một thuật ngữ để giải thích rõ các triệu chứng của bệnh.

Người xưa nói: “Bệnh thì không có triệu chứng cố định mà điều trị thì không theo một phương pháp cố định”. Tùy theo sự khác biệt về người bệnh, loại bệnh, thời gian bị bệnh và địa điểm bị bệnh mà áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Từ góc độ này mà nói, biện chứng trị liệu của Trung y truyền thống tiên tiến hơn nhiều so với Tây y.

Âm nhạc có thể tăng thêm trí nhớ

Trong thực hành lâm sàng, tôi đã từng thử cho một bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer nghe một bản nhạc mà ông ấy yêu thích nhất khi còn trẻ. Cụ già những năm gần đây sống khép mình, hầu như đã không nhận ra ai, nhưng khi nghe bản độc tấu vĩ cầm tuyệt vời, giai điệu đó đã từng làm ông say mê, ông dường như bừng tỉnh khỏi giấc mộng, ông vội ôm chặt đứa con bằng cả hai tay và nói: “Tchaikovsky, mẹ con ở đâu?” Người con trai rơi nước mắt. Mẹ đã mất, cha như người xa lạ, ai cũng không nhận ra được nữa, tình cảm gia đình ngày xưa bị căn bệnh ngăn cách như một bức tường dày. Cha anh từng là bạn thân nhất của anh, nhưng sau đó ông lại trở nên như hồn bay phách lạc, đến nỗi không còn ai tồn tại trong thế giới của ông nữa. Bản độc tấu vĩ cầm đó chính là bản nhạc mà cha và mẹ anh đã chơi sau khi họ quen nhau, yêu nhau, kết hôn và luôn đồng hành cùng với họ. Từ đó ngày nào người con trai cũng chơi đủ mọi thể loại nhạc mà cha mình thích, điều đó khiến ông cụ vốn trước kia nóng tính và sống trong tuyệt vọng, giờ lại trở nên thân thiết, ôn hòa điềm đạm và biết ơn mọi thứ xung quanh.

Âm nhạc dần dần khôi phục lại trí nhớ của ông, thay đổi tâm trạng của ông và khiến ông nhớ lại lịch sử đã bị lãng quên của mình.

Âm nhạc có thể hỗ trợ giấc ngủ

Mất ngủ là điều rất mệt mỏi. Khi màn đêm buông xuống, mọi thứ đều yên tĩnh, mọi người đều mệt mỏi và muốn đi vào giấc mộng, nhưng một số người lại không thể ngủ được. Lý do khiến người ta khó ngủ thì muôn vàn, và trong đó có một nguyên nhân khiến người ta không ngủ được là vì cảm xúc. Vì bị hành hạ sau một đêm, ngày hôm sau tâm trạng người ta càng thêm suy sụp, sầu muộn và buồn bực, sau một thời gian, tinh thần của người ta sẽ ở bên bờ vực sụp đổ.

Tây y điều trị mất ngủ cũng rất khó khăn, chỉ có cách dùng thuốc và dùng thuốc, từ thuốc an thần này đến thuốc an thần khác, bất kể nguyên nhân gây mất ngủ là gì, thì đều dùng thuốc an thần. Kết quả là có một số bệnh nhân hôn mê bất tỉnh, có người uống liều mạnh nhưng không có tác dụng, lại có người không thể tách rời thuốc, nếu không họ sẽ không thể ngủ được.

Trung y cho rằng tâm chứa thần, tâm huyết hư nhược thì thần bất an, gây mất ngủ, hay quên, đêm không thể ngủ được, biểu hiện lâm sàng bao gồm hư phiền mất ngủ, đêm mơ liên tục, chóng mặt, hoảng sợ trong lòng. Tại đây nhịp điệu của âm nhạc rất quan trọng, lúc này âm nhạc được sử dụng để giúp an thần, và nhịp điệu nên chậm rãi và phù hợp với tần số của nhịp tim.

Ngôn ngữ của con người là hậu thiên thông qua học tập mà có được, nhưng cảm giác về âm nhạc là tiên thiên sinh ra đã có rồi, nó không cần phải thông qua đầu não để lý giải và phân tích, hoặc được dịch sang kiểu ngôn ngữ mà bạn quen thuộc, nó có thể trực tiếp đi vào trái tim bạn và câu thông với tâm hồn bạn.

Âm nhạc có thể điều trị cơn đau

Hãy lấy “đau mạn sườn” làm ví dụ! “Đau mạn sườn” thường gặp trong các bệnh về gan và túi mật, thường do trầm cảm và rối loạn chức năng gan gây ra. Triệu chứng lâm sàng là tức ngực khó chịu, đắng miệng, ợ hơi liên tục, triệu chứng này tăng hoặc giảm tùy theo tâm trạng thay đổi. Dự theo nguyên lý của Trung y “thông thì bất thống, thống thì bất thông” (thông thì không đau, đau do không thông), dùng âm nhạc để khai thông và điều hòa khiến cho nó được thông suốt.

Ở nước ngoài, do đời sống vật chất tốt hơn nên khi còn trẻ, mọi người không có nhiều lo âu trong cuộc sống. Khi bước vào tuổi trung niên, áp lực từ mọi mặt của cuộc sống và môi trường bắt đầu tăng lên, và người ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thế là tâm tư trở nên trầm cảm, sầu muộn không thôi, ý chí tiêu trầm, tinh thần sa sút dẫn đến suy yếu và bệnh tật. Quả thực có quá nhiều ví dụ về các rối loạn cảm xúc do những thay đổi trong xã hội và hoàn cảnh gây ra, từ đó dẫn đến không khỏe mạnh về thể chất, chẳng hạn các loại bệnh biến thường gặp nhất ở trong nước như hội chứng xơ cơ, hội chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh tim, tăng huyết áp, thậm chí có thể phát triển thành ung thư.

Do sự phát triển kinh tế xã hội, nhịp sống của con người ngày càng nhanh, con người hiện đại bắt đầu mắc phải các bệnh hiện đại liên quan đến môi trường sống hiện đại, các triệu chứng và phương thức biểu hiện lâm sàng khác nhau, tình trạng bệnh cũng khác nhau, nhưng về căn bản đều xuất phát từ một yếu tố cơ bản đó là áp lực về tinh thần.

Áp lực tinh thần cao thực sự có thể dẫn đến phát sinh rất nhiều bệnh tật và cũng là một trong những nguyên nhân căn bản mà hiện nay khiến người trung niên tử vong vì đau tim đột ngột. Do sống dưới áp lực to lớn trong thời gian dài, con người cần tìm cách giải tỏa áp lực về mặt tinh thần nên bắt đầu uống rượu, dùng ma túy hoặc uống các loại thuốc giảm đau, thuốc an thần, nó có thể khiến họ tạm thời thoát khỏi hiện thực, thoát khỏi thống khổ trong chốc lát, rơi vào ảo giác do thuốc gây ra, nhưng cuối cùng lại đi xa hơn, dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn. Thuốc giảm đau liều cao như morphine và pethidine hiện có thể được mua mà không cần đơn thuốc của bác sĩ trên thị trường chợ đen, trên Internet hoặc ở những nơi bất hợp pháp với số tiền lớn. Mọi người sẽ làm bất cứ điều gì bằng mọi giá để thoát khỏi thực tế này vì họ quá khao khát sự giải thoát trong chốc lát để tinh thần mình được thư giãn một chút.

Kết quả là nhiều trung tâm cai nghiện ma túy được thành lập ở nước ngoài, quy mô ngày càng lớn, nhu cầu ngày càng cao. Ví dụ nhân viên làm việc tại hãng Microsoft ở Seattle có thể được tư vấn tâm lý miễn phí.

Âm nhạc có thể loại bỏ sự mệt mỏi

Còn nhớ trước đây tôi đã từng đến các vùng nông thôn để sưu tầm các bài hát dân ca trong dân gian. Lúc đó tôi không hiểu tại sao nhiều bài hát dân ca và bài hát miền núi hay như thế lại đến từ các vùng nông thôn. Nhiều bài hát trong số đó là những bài hát được hát trong khi làm việc, khi đầm đất và khi kéo thuyền. Sau này tôi mới dần hiểu ra rằng, việc ngâm nga ca hát ngoài việc để thống nhất nhịp điệu lao động của mọi người, điều quan trọng nhất của ca hát là nó có thể xua tan mệt mỏi. Khi hát dân ca, chúng ta sẽ quên đi sự vất vả cực nhọc của công việc, lòng cũng trở nên khoan khoái, mọi người cũng trở nên vui vẻ.

Âm nhạc và cảm xúc

Con người có thất tình: hỷ, nộ, ai, lạc, kinh, khủng, bi (mừng, giận, buồn, vui, kinh hãi, sợ và bi thương). Khi chúng ta vui, chúng ta ca hát và nhảy múa. Khi đón năm mới, khi được mùa, khi ăn mừng đám cưới, chúng ta sử dụng âm nhạc để thể hiện những cảm xúc không thể diễn tả bằng lời. Khi đau buồn, con người không thể không dùng âm nhạc để diễn tả nỗi buồn vô tận trong lòng. Lúc này, âm nhạc trang nghiêm có thể khiến con người đã đắm chìm trong đau khổ lại có thể kiềm chế được tình cảm của mình để không đến nỗi rơi vào nỗi buồn quá bi thương và không thể tự thoát ra được.

Âm nhạc có thể khích lệ mọi người khởi phát niềm kiêu hãnh về dân tộc và nền văn hóa của mình, lòng tự hào đó lại có thể khơi dậy nỗi nhớ quê hương; âm nhạc có thể đưa chúng ta trở về với sự khác biệt của thời gian, một vài nốt nhạc và vài từ ngữ có thể gợi lại suy nghĩ của chúng ta về bất kỳ quá trình nào trong cuộc sống.

Tôi nhớ khi còn thanh niên, điều tôi sợ nhất là tiếng kèn quân đội phát ra từ loa phóng thanh vào sáng sớm. Âm thanh đó phá vỡ mọi sự im lặng và những cánh cửa và cửa sổ đóng chặt, đi thẳng đến nơi sâu nhất trong đầu tôi, tôi có bịt tai bằng chăn như thế nào thì cũng vô ích. Cho đến bây giờ, nếu bạn hỏi tôi âm thanh nào tôi ghét nhất, tôi sẽ nói với bạn: “Tiếng còi xe vào sáng sớm”.

Ở nước ngoài, khi lễ hội đến, các loại âm nhạc sẽ liên tiếp xuất hiện, đặc biệt là vào dịp Giáng sinh. Cho dù mọi người có bận rộn đến đâu, họ cũng sẽ tìm cách dành thời gian để đi xem hòa nhạc. Đây có phải là loại âm nhạc đặc biệt không? Hay đó là bầu không khí lễ hội mà chính lễ Giáng sinh tạo ra cho mọi người? Đây cũng là lúc chúng ta, những người xa xứ ở hải ngoại, nhớ nhà nhất. Có lẽ chính là cảm giác hòa hợp giữa con người với nhau và bầu không khí tràn ngập thiện lương được bao quanh bởi âm nhạc đã làm thay đổi nỗi buồn của mọi người và điều chỉnh tình cảm của mọi người vào lúc này.

2. Âm nhạc và sức khỏe

“Nói chung, việc sản sinh ra âm thanh đều xuất phát ra từ trái tim con người, nơi có khả năng tạo ra suy nghĩ và cảm xúc. Những thay đổi trong suy nghĩ và cảm xúc của con người là kết quả của sự ảnh hưởng từ những sự vật bên ngoài. Bị ảnh hưởng của sự vật bên ngoài, những suy nghĩ và tình cảm của con người nảy sinh thay đổi, và sẽ thể hiện ra bằng “âm thanh”. Không phải chỉ có một loại âm thanh; giữa chúng có các âm thanh giống nhau và các âm thanh khác nhau. Các âm thanh khác nhau phối hợp với nhau, nên mới tạo nên sự thay đổi; khi những thay đổi hình thành nên những quy luật nhất định thì đó được gọi là âm luật. Âm luật song hành trở thành làn điệu của bài hát, đồng thời khi hát thì cầm theo cây búa và cờ lông vũ làm đạo cụ, đó được gọi là “âm nhạc”. Từ những điều trên có thể thấy rằng cái gọi là “âm nhạc” được cấu thành từ âm thanh, và nguồn gốc của nó nằm ở cảm nhận của lòng người đối với sự vật bên ngoài. Vì vậy, khi lòng người cảm thấy buồn, âm thanh họ phát ra trở nên lo lắng và yếu ớt; khi lòng người cảm thấy vui vẻ, âm thanh họ tạo ra sẽ thư thái và êm dịu; khi lòng người cảm thấy vui sướng, âm thanh họ tạo ra sẽ vui tươi và nhẹ nhàng; khi lòng người đầy sự phẫn nộ, âm thanh họ phát ra sẽ thô bạo và khắc nghiệt; khi lòng người đầy kính trọng, âm thanh họ phát ra sẽ chính trực và đoan trang; khi lòng người cảm thấy mến mộ, âm thanh họ phát ra trở nên ôn hòa và dịu dàng. Sáu loại âm thanh này không phải trời sinh như thế mà là do nội tâm con người chịu ảnh hưởng của sự vật bên ngoài mới tạo thành. Vì vậy các bậc Thánh Vương thời xưa rất coi trọng những sự vật có thể làm rung động lòng người. Dùng lễ nghi để dẫn dắt ý chí của mọi người, dùng âm nhạc để điều hòa tính khí của mọi người, dùng sắc lệnh để thống nhất hành động của mọi người và dùng hình phạt để ngăn cản mọi người làm điều xấu” (Lễ Ký-Nhạc Ký).

Có nghĩa là: mọi âm thanh đều xuất phát từ trái tim con người. Các rung động của trái tim con người là do sự vật bên ngoài dẫn khởi. Khi trái tim con người bị kích thích bởi những sự vật bên ngoài và gây ra những rung động thì biểu hiện thành “thanh” (tiếng nhạc); khi các “thanh” ứng họa với nhau, thì phát sinh biến hóa, biến hóa và hình thành một hệ thống nhất định, được gọi là “âm” (làn điệu). Làn điệu âm nhạc phát triển từ âm và bắt nguồn từ sự cảm thụ của trái tim con người đối với các sự vật bên ngoài. Cho nên cảm xúc bi ai do những thứ cảm ứng bên ngoài khuấy động lên, và âm thanh nó tạo ra là đau buồn và gấp gáp; cảm xúc vui vẻ là do cảm ứng với những sự vật bên ngoài gây nên và âm thanh phát ra là thư thái và ôn hòa; cảm xúc vui sướng được kích thích bởi các vật thể bên ngoài và âm thanh mà nó tạo ra là thoải mái và tự do; cơn giận được khơi dậy bởi những sự vật bên ngoài, và âm thanh nó tạo ra là thô lỗ và gay gắt; cảm giác tôn kính được khơi dậy bởi các vật thể bên ngoài, và âm thanh phát ra là ngay thẳng và trang nghiêm; cảm giác yêu thương được khơi dậy bởi cảm giác của các vật thể bên ngoài và âm thanh mà nó tạo ra là ôn hòa và dịu dàng. Sáu loại âm thanh này không phải là bản tính vốn có của con người, mà là kết quả của việc tâm con người cảm ứng với các vật thể bên ngoài khiến cho cảm xúc bên trong bị rung động.

Trong thực hành lâm sàng, tôi cũng đã thử sử dụng âm nhạc Trung Quốc để tác động đến người nước ngoài. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng có lẽ họ hoàn toàn không hiểu khái niệm nhạc của Trung Quốc vì đó không phải là ngôn ngữ của họ. Nhưng thực ra, khi âm nhạc bắt đầu vang lên, khi đó tôi thấy phản ứng của họ không hề yếu hơn người Trung Quốc, và đôi khi thậm chí còn cảm động hơn, tôi nhận ra rằng âm nhạc thực sự không có ranh giới quốc gia hay sự phân biệt chủng tộc.

Thói quen ngôn ngữ của âm nhạc cũng giống như thói quen ngôn ngữ của con người, so với ngôn ngữ, nó đơn giản và hay hơn, nhưng biểu hiện cảm xúc lại phù hợp với độ dài, độ mạnh và độ yếu của nhịp điệu. Âm nhạc Trung Quốc cũng giống với tiếng Trung Quốc nhất, có một mối quan hệ tương ứng nhất định giữa năm âm thanh (ngũ âm) và thể thơ năm chữ (ngũ ngôn) và bảy chữ (thất ngôn), người xưa thường ngâm thơ, đó chính là dùng hình thức ca hát để biểu đạt.

Trong đời sống thực, âm nhạc thực sự có thể chữa lành bệnh. Nếu một người có thể làm được chính trực, ôn hòa, từ bi, và có lòng thông cảm với người khác, thì người đó sẽ cảm thấy vui vẻ hạnh phúc trong lòng, và vui vẻ hạnh phúc sẽ thúc đẩy sự an hòa và yên ổn trong lòng, sự an hòa trong lòng có thể kéo dài sinh mệnh, và sống lâu có thể giúp người ta hiểu được mệnh trời từ đó sẽ tôn kính Thần Phật.

Một ngày nọ, một bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai thể đông cứng đến phòng khám của tôi. Bàn tay phải của anh ta là một bàn tay sắt có ba cái móc chứ không phải là tay bằng thịt. Anh ta có vẻ mặt nghiêm nghị, hai mắt sáng long lanh nhưng không có dấu hiệu nào khiến người ta dễ gần. Bàn tay phải anh ta đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi khi anh ta tám tuổi. Nghe nói lúc đó kỳ nghỉ tết đang đến gần, mọi người trong gia đình đều vui vẻ đến nỗi quên hết tất cả, vừa lái xe vừa la hét và ca hát. Chiếc xe sau đó đã lật xuống một khe núi, anh là người duy nhất sống sót, nhưng đã mất một bàn tay kể từ đó.

Dường như âm nhạc là nỗi đau thương của anh ấy, hoặc ít nhất là mang lại cho anh ấy cảm giác không may mắn. Khi anh ấy đến phòng khám, điều đầu tiên anh ấy nói là “Làm ơn tắt nhạc đi”, và tôi đã làm theo lời anh ta. Sau khi châm cứu, tôi không kìm nổi nên hỏi anh ấy: “John, sở thích của anh là gì?” Anh suy nghĩ một lúc rồi nói: “Tôi không có sở thích gì cả. Ngoài công việc, tôi dành thời gian dạy người khác cách đi 20 mét trên than hồng”. Tôi lập tức cảm nhận được nhiệt độ của cục than đỏ rực và mừng vì mình đang đứng trên tấm thảm trong phòng khám, tôi không biết phải nói gì.

Có tiếng hú của còi xe cứu thương vọng đến từ xa, đó là một âm thanh khó chịu, vì vậy tôi đổi chủ đề và nói, “Có một loại bát kim loại có thể phát ra âm thanh rất lạ, anh có muốn nghe không?” “Được thôi”, anh ấy nói, và rõ ràng là anh ấy có tâm trạng tốt hơn một chút sau khi châm cứu. Âm thanh này được tạo ra bằng cách dùng cái dùi gỗ gõ vào bốn hoặc năm chiếc bát bằng đồng có kích thước khác nhau. Âm trầm dường như có thể phát sinh cộng hưởng với hộp sọ của con người, âm trung lại dường như trực tiếp tiến nhập vào khoang bụng của bạn. Âm thanh này tràn vào cơ thể con người từng đợt từng đợt giống như thủy triều, giống như những con sóng lớn vỗ vào tâm linh con người. Anh ta nghe và ngơ ngẩn người, vì đây là âm thanh mà anh ta chưa từng nghe kể từ khi anh ta cách biệt với âm nhạc. Đã lâu lắm rồi, thiên nhiên quá quen thuộc, âm thanh đó khiến anh trở về với những ký ức đã xa cách từ ​​lâu. Một giờ đã trôi qua rất nhanh chóng, anh ấy hỏi tôi: “Ngày mai tôi có thể đến lần nữa không?” Tôi gật đầu.

Âm nhạc có thể chữa lành cả thể chất lẫn tinh thần của con người, giúp con người khỏe mạnh thông qua việc điều hòa tính khí, khơi thông hứng thú; ngược lại, nó cũng có thể khiến con người trở nên kích động và hung bạo do giác quan bị kích thích. Người xưa nói buồn nhưng không nên bi thương, nghĩa là con người và cảm xúc đều không nên quá mức. “Bi thương” sẽ làm tổn thương khí, tổn thương tâm, tổn thương thần và sẽ gây ra tác hại. Âm nhạc cũng được dùng để điều trị chứng trầm cảm, các triệu chứng đau khác nhau, các bệnh về hệ tiêu hóa, v.v. Ngoài ra còn có trường hợp luân hồi chuyển thế ở kiếp này sử dụng âm nhạc trong liệu pháp thôi miên và nhớ lại tiền kiếp.

Âm nhạc có thể đưa con người đến các cảnh giới, không gian và thời gian khác nhau. Nó sử dụng một phương thức rất đặc biệt, đó là dựa vào ký ức tư duy của con người để dẫn dắt con người vào một thế giới vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Một cơ thể khỏe mạnh đến từ sự cân bằng trong nội tâm, cũng bao gồm trong đó sự lý giải và truy cầu chân và thiện đối với thế gian.

Một ngày nọ, một bệnh nhân nói với tôi: “Bác sĩ, âm nhạc rất tao nhã và êm tai. Nó thực sự có thể đưa con người vào một trạng thái yên ổn êm đềm. Nhưng đáng tiếc, sự thoải mái mà âm nhạc có thể mang lại cho con người lại quá ngắn ngủi và không lâu dài. Trên thực tế, cuộc sống không tốt đẹp như vậy, có quá nhiều thứ khiến con người lo lắng và sầu muộn…” Nếu không có một trái tim yên bình và khoan dung, làm sao có thể hòa điệu cùng môi trường êm đềm được đây?

Sau khi Tiến sĩ Masaru Emoto – một chuyên gia người Nhật về các thí nghiệm kết tinh nước – kết thúc bài diễn thuyết, khi tôi hỏi ông có cách nhìn thế nào về âm nhạc Trung Quốc, ông trả lời: “Kết quả thí nghiệm đạt được của âm nhạc Trung Quốc là khẳng định và khá tốt”. Nước lắng nghe âm nhạc sẽ tạo thành những bông hoa tinh thể tuyệt đẹp, kiểu thiết kế và hình dạng vô cùng khéo léo này rất tinh xảo, đó là ngôn ngữ riêng mà nước thể hiện sau khi lắng nghe âm nhạc. 70% cơ thể con người được tạo thành từ nước, nếu nước lắng nghe âm nhạc có thể thay đổi thành những hình mẫu đẹp như thế, vậy tại sao cơ thể với máu thịt và tinh thần này lại không thể thay đổi? Con người có hai nhân tố cơ bản là thiện và ác (kể cả tình cảm của con người), hai nhân tố này luôn tồn tại trong phần bản chất nhất của tính cách con người, trong nơi sâu thẳm nhất của trái tim con người, nếu những thiện niệm thường xuyên được dẫn dắt, con người sẽ có lòng từ bi và muốn giúp đỡ người khác khi thấy họ đau khổ, đây chính là mặt Phật tính của con người; ngược lại, nếu mặt ác của con người thường xuyên bị kích động, nếu không tăng cường khắc chế nó để cho nó phát triển, thì đó chính là mặt ma tính sẽ gia tăng.

Tôi tin rằng trong tương không xa, con người sẽ hiểu rõ hơn và nhận ra giá trị của âm nhạc, thông qua nó để khám phá ra những quy luật và chân tướng của tầng thâm sâu hơn của các sinh mệnh và vũ trụ. Bởi vì âm nhạc là ngôn ngữ có thể khai sáng trí huệ và tâm linh mà Thần đã truyền cấp cho chúng ta.

Tài liệu tham khảo:

1. “Hoàng Đế Nội Kinh – Tố Vấn” (《黄帝内经·素问》)

2. “Sử Ký – Nhạc Thư” của Tư Mã Thiên (《史记·乐书》司马迁)

3. “Trung y Chẩn Đoán Học” (《中医诊断学》)

4. “Lễ Ký – Nhạc Ký” (《礼记·乐记》)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài