Dạo trong rừng hạnh: Cây ích mẫu



Tác giả: Thiên Nhất

[ChanhKien.org]

Có bài thơ “Trầm túy đông phong” (Say chìm trong gió đông) của tác giả Trần Trường Minh như sau:

Di chủng lai quy dược phố, xuất thân bất vong nê đồ.
Khán tha diệp củng hoa, hoa thành thốc, tự hài nhi luyến bão thân chu.
Dã bác cá gia danh hoán hạ kết, chẩm bỉ đắc công phong ích mẫu.

Diễn nghĩa:

Nhổ các loại cây gom về trồng trong vườn dược, không quên xuất thân từ bùn đất.
Nhìn lá ôm lấy hoa, hoa mọc thành cụm, cứ như đứa bé ôm lấy cha mẹ.
Được ban cho cái tên hay là hạ kết, làm sao so sánh với công đức của ích mẫu.

Thuở nhỏ có lần cùng mẹ đi ra ngoài, mẹ chỉ cho tôi mấy cây thực vật có hoa be bé màu đỏ nhạt và màu tím hồng rồi bảo với tôi rằng chúng tên là ích mẫu. Tôi rất thích cái tên này, liền ghi nhớ.

Mẹ tôi là một bác sĩ giỏi, bà vừa siêng năng lại hiếu học, tuy không đọc qua nhiều sách lắm nhưng quả thực mẹ tôi rất có kinh nghiệm về Trung y và Trung dược, những lúc rỗi rãi mẹ thường kể một số ví dụ về điều trị lâm sàng cho tôi nghe. Càng nghe tôi càng tự nhiên ghi nhớ những cây thuốc, những loài thực vật có dược tính trong đầu mà không hề hay biết. Bây giờ tôi đã là bác sĩ rồi, những kinh nghiệm quý báu của mẹ thường giúp tôi vượt qua khó khăn trong lúc cấp bách.

Cây ích mẫu là một trong những vị thuốc được sử dụng phổ biến và có hiệu quả tốt, nhưng trong các sách Trung y Trung dược người ta chỉ viết vài câu sơ lược về nó. Thật bất ngờ, ích mẫu lại có hiệu quả kỳ diệu trong việc giúp hoạt huyết, điều kinh, bổ máu.

Từ thời Xuân Thu Chiến Quốc trong “Kinh Thi” đã có ghi chép về cây ích mẫu. Trong thiên Vương phong, bài “Trung cốc hữu thôi” (Chữ Thôi “推” thêm bộ thảo “艸” trên đầu, đọc theo âm của chữ Thôi “推” là chữ Thôi “蓷” chỉ cây ích mẫu), viết rằng: “Trung cổ hữu thôi, thán kỳ càn hĩ”, nghĩa là trong hang có cây thôi, đã héo khô rồi. Sách “Thần Nông bản thảo kinh” xếp ích mẫu vào hàng thuốc thượng phẩm, gọi là sung uý, hoặc cây chói đèn, còn có một tên nữa là đại trát. Sách “Hoà Hán dược khảo” gọi ích mẫu bằng những cái tên mỹ miều như thiên tầng tháp, phản hồn đan, thiên chi ma v.v…

Cây ích mẫu có vị cay hơi đắng, chủ yếu dùng để trị các bệnh về khí huyết, thai sản và kinh nguyệt không đều. Rễ, thân, hoa, quả, lá của cây đều có thể dùng làm thuốc; có thể dùng riêng lẻ từng thứ, cũng có thể kết hợp với nhau. Tại các vùng nông thôn ở Giang Nam những phụ nữ lớn tuổi thường trồng cây ích mẫu trước và sau nhà, vào mùa hè họ hái hoa ích mẫu, có thể cho thêm táo đỏ sắc thành nước uống, có tác dụng rất tốt trong việc bổ máu.

Cây ích mẫu đã được dùng làm thuốc trong hơn 2.000 năm và trong dân gian cũng có lưu truyền một câu chuyện về nó:

Tương truyền rằng tại một thôn làng xinh đẹp ở Giang Nam có một cô gái thiện lương tên là Tú Nương, kết hôn không lâu cô đã mang thai. Một hôm Tú Nương đang dệt vải thì bất ngờ có một con nai vàng bị thương chạy vào nhà, con nai ngẩng đầu nhìn cô kêu “be be”, trông có vẻ rất tội nghiệp. Tú Nương nhìn thấy từ xa có một người thợ săn đang đuổi theo con nai chạy đến. Tú Nương tốt bụng sinh lòng thương cảm bèn giấu con nai dưới gầm ghế rồi dùng váy của mình che lại. Một lúc sau người thợ săn đuổi đến tận cửa nhà Tú Nương và hỏi: “Đại tẩu, chị có thấy một con nai màu vàng bị thương không?” Tú Nương vừa quay bông vừa điềm tĩnh nói: “Nó đã chạy về phía Đông rồi”. Người thợ săn lập tức đuổi theo về phía Đông. Tú Nương thả con nai vàng ra và nói: “Hãy mau mau chạy về phía Tây!” Con nai vàng dường như hiểu được lời của cô, nó quỳ xuống, cảm kích liên tục gật đầu rồi khập khiễng chạy về phía Tây.

Qua thời gian không lâu sau Tú Nương chuyển dạ nhưng chẳng may sinh nở khó khăn, bà đỡ cố gắng mãi cũng không giúp được, dù đã uống nhiều thuốc thúc sinh nhưng vô hiệu, cả nhà Tú Nương sốt ruột đi đi lại lại, lo lắng đến mức khóc râm ri.

Đương vào lúc này ngoài cửa có tiếng “be be” vang đến. Tú Nương nhìn ra thì chính là con nai vàng mà cô cứu khi trước. Chỉ thấy nó ngậm một cây cỏ thơm, từ từ tiến đến bên giường Tú Nương, ngẩng đầu nhìn cô kêu “be be”, rơm rớm nước mắt, tỏ vẻ rất thân thiết với cô. Tú Nương hiểu ý nó, bèn nhờ đại phu lấy cây cỏ thơm trong miệng nó ra, nó mới gật đầu rời đi.

Tú Nương uống thuốc sắc từ cây cỏ thơm xong thì cơn đau dần dần giảm bớt, toàn thân nhẹ nhõm, không lâu sau thì có tiếng khóc “oe oe” của em bé mới chào đời. Tú Nương sau khi biết được công dụng của giống cây này đã trồng rất nhiều trước và sau nhà, chuyên dùng cho các sản phụ sắp sinh con và gọi là “cây ích mẫu”.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/21243



Ngày đăng: 30-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.