Dạo trong rừng hạnh: Sử quân tử
Tác giả: Dung Tử
[ChanhKien.org]
Tương truyền rằng ở vùng Phan Châu [1] có một thầy thuốc họ Quách tên là Sử Quân rất giỏi dùng vị thuốc sử quân tử để chữa bệnh cam tích cho trẻ con, nên ông mới được gọi tên như thế. Sách Khai bảo bản thảo [2] có ghi chép rằng: “Tục truyền rằng ở Phan Châu, thầy thuốc họ Quách dùng độc một vị thuốc sử quân tử để trị bệnh cho trẻ con nên các y học gia đời sau gọi ông là Sử Quân Tử”.
Sử quân tử, tên gọi khác là lưu cầu tử, là loài cây thân leo rụng lá theo mùa. Sử quân tử ra hoa vào mùa hè với từng chùm hoa mềm mại đẹp mắt, hương hoa thơm say đắm lòng người, những cánh hoa thường có màu đỏ. Khi hoa kết quả thì cho quả có góc cạnh, dùng làm thuốc cũng gọi là sử quân tử, là một vị thuốc nhi khoa trứ danh, tính ôn, vị ngọt, công dụng dùng để trị giun, tiêu tích, chủ trị về cam tích, trùng thống (giun chui ống mật, bụng trên đau quặn).
Hoa sử quân tử
Trong tiểu thuyết Kính hoa duyên [3] kể rằng Đường Ngao du lịch đến ngoại quốc, gặp tài nữ Lan Âm mắc chứng trướng bụng. Đường Ngao chẩn đoán bệnh này là do: “Lúc nhỏ thức ăn đọng lại không tiêu, lâu ngày sinh bệnh giun nên trướng bụng”. Đường Ngao còn khuyên cô nên dùng sử quân tử để tán giun: “Tổ tiên nhà tôi có phương thuốc bí truyền, chỉ dùng hai vị thuốc là lôi hoàn và sử quân tử, chỉ cần 5-6 liều sẽ trị khỏi bệnh giun”. Quả nhiên sau đó bệnh của Lan Âm đã được trị khỏi.
Vì sử quân tử có cái tên đặc biệt như vậy, nên tên loài cây này cũng được sử dụng trong các câu đối, dưới đây là một ví dụ:
Sử quân tử hoa, triều bạch, ngọ hồng, mộ tử
Ngu mỹ nhân thảo, xuân thanh, hạ lục, thu hoàng
Dịch nghĩa:
Hoa sử quân tử sáng trắng, trưa hồng, chiều tía
Cỏ ngu mỹ nhân xuân xanh, hạ lục, thu vàng
Câu đối trên mô tả các màu sắc khác nhau của hoa sử quân tử vào các thời điểm khác nhau trong ngày, câu đối dưới mô tả các màu sắc khác nhau của cỏ ngu mỹ nhân vào các mùa khác nhau. Câu đối này thể hiện một cách sinh động đặc điểm của hai loại hoa và thực vật thay đổi theo thời gian và mùa.
Chú thích:
[1] Địa danh có từ thời Bắc Ngụy, nay thuộc Hà Nam, Trung Quốc
[2] Quyển y thư trứ danh thời nhà Tống
[3] Tiểu thuyết của Lý Nhữ Trân triều Thanh
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/20901
Ngày đăng: 20-06-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.