Dạo trong rừng hạnh: Một bát canh cá



Tác giả: Diệc Phong

[ChanhKien.org]

Tục ngữ có câu: Ghế đẩu nhà thợ mộc có ba chân, con trai nhà thợ may quần bị lộ mông, người nhà bác sĩ bị bệnh không ai chữa.

Tôi nhớ hồi còn nhỏ, trong gia đình có một quy định bất thành văn rằng: ai bị ốm thì có thể uống một bát canh cá. Ở vùng sông nước Giang Nam, cá diếc dưới sông đem nấu canh sẽ thành một món ngon tuyệt mỹ. Vì nhà đông con nên chỉ trong dịp Tết Nguyên đán mọi người mới có cơ hội được thưởng thức món này. Do vậy, món canh cá chỉ được uống khi bị ốm đã trở thành một món ăn hấp dẫn đối với tôi. Dù là em út nhưng tôi vẫn không được bà ngoại ưu ái bằng anh trai lớn hơn tôi hai tuổi. Và vì vậy nên tôi thường chứng kiến việc anh ấy được uống canh cá. Khi uống canh, anh ấy làm ra vẻ như đang phải uống thuốc vậy, trông rất đau khổ và bất lực. Nhưng thi thoảng trong mắt anh ấy ánh lên một cảm giác thỏa mãn khiến người đứng cạnh nhìn là tôi cảm thấy ghen tị. Vậy là tôi thầm hạ quyết tâm rằng vì để có được bát canh cá này mà tôi có bị ốm một trận cũng không hối tiếc. Tôi đã cố thử vài lần nhưng không thành công, có lần tôi bị lạnh đến chảy nước mũi nhưng chẳng bị ốm. Rồi cuối cùng cũng có một ngày tôi được uống canh cá khi tôi thực sự bị cảm mạo nặng. Bà ngoại nấu cho tôi một bát canh cá nóng hổi, thơm phưng phức, trông có vẻ rất ngon. Nhưng còn chưa kịp bưng đến miệng, chỉ mới ngửi mùi canh tôi đã nôn. Thấy vậy, anh trai chạy đến an ủi tôi: “Nếu thật sự không thể uống được thì để anh giúp cho!” Tôi không cam lòng, bởi vì tự tôi đã làm mình phát ốm chỉ vì bát canh cá này, tôi gượng ngồi dậy uống canh, nhưng khi ngửi mùi canh cá, một cảm giác khó chịu lại trào từ dạ dày dâng lên tận cổ họng, thật sự là không thể nuốt nổi. Tôi chỉ đành từ bỏ món canh cá, mắt đăm đăm nhìn ông anh nốc cạn bát canh của tôi một cách ngon lành.

Khi mẹ tôi từ phòng khám trở về, tôi băn khoăn, buồn bực hỏi bà rằng: “Loại cảm mạo nào mà mắc bệnh vẫn thèm ăn? Loại cảm mạo nào mắc bệnh rồi thì không thèm ăn nữa? Vì sao anh trai đang ốm vẫn ăn uống, không bỏ lỡ món gì mà con lại khó chịu như vậy?” Mẹ tôi cười đáp: “Vì động cơ muốn mắc bệnh của con là không tốt, nên con mắc chứng phong hàn, dẫn đến tiêu hoá rối loạn, thân đau đầu nhức, không có vị giác. Con uống thêm nhiều nước, ngủ một giấc dậy sẽ khỏe thôi…” Giọng của mẹ tôi rất nhẹ nhàng. Nhưng tôi cảm thấy hết sức uỷ khuất: Bị ốm mà chỉ được uống nước đun sôi để nguội, tại sao người nhà tôi lại cho người bệnh uống canh cá? Chẳng lẽ món canh cá này không để chữa bệnh mà chỉ để chữa chứng háu ăn? Đến khi khỏi bệnh rồi tôi phát hiện quy định trong nhà đã thay đổi, món canh cá chỉ khi ốm mới được uống giờ đã thường xuyên hiện diện trên bàn ăn, nhưng mỗi lần uống canh, tôi lại nghĩ đến nguyên nhân của lần bị bệnh đó, bài học giáo huấn cho việc càng chấp trước càng không có được ấy thật quá sâu sắc.

Nhiều lần trong vô hình tôi như cảm nhận được ánh mắt của mẹ khi ấy nhìn thấu trái tim tôi, và bảo tôi rằng, bệnh tật là không thể cầu, một khi cầu được bệnh thì món canh cá kia cũng không thể thưởng thức được.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/20166



Ngày đăng: 30-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.