Mạn đàm Trung y (6): Lấy Trung y làm gương để đột phá những nút thắt trong chữa bệnh



Tác giả: Hồ Nại Văn

[ChanhKien.org]

Mục đích của việc chữa bệnh chính là giúp con người tránh xa thống khổ bệnh tật, không còn bị bệnh nữa. Nhưng người xưa thường nói, người ta ăn ngũ cốc tạp lương thì làm sao có thể không sinh bệnh được? Có nghĩa là, sinh bệnh là chuyện thường tình, không sinh bệnh mới là kỳ tích.

Muốn để con người không sinh bệnh tật, thì từ y học truyền thống Trung Quốc ta có thể sẽ có nhiều hy vọng tìm kiếm câu được trả lời hơn là các phương thức ngày càng tự động hóa và cơ giới hóa hiện nay.

Những nút thắt của y học hiện đại là gì? Đó là hiện nay có thể kiểm soát được huyết áp, lượng đường trong máu nhưng thậm chí ngay cả bệnh cảm cúm lại không thể kiểm soát được, bệnh AIDS cũng vậy, nếu mọc khối u thì ngoại trừ phẫu thuật ra sẽ không có cách nào khác. Biến đổi bệnh lý của bệnh thần kinh, ngoại trừ tổn thương cơ học ra thì người ta không biết khi nào và tại sao bệnh thần kinh lại xảy ra, y học phân tử hay sinh vật học phân tử cũng không thể giải quyết các bệnh nội tiết và bệnh tâm thần. Đến cuối cùng, phần điều trị bệnh trở nên không còn quan trọng nữa, mà kiểm tra bệnh lý sinh ra bệnh lại trở thành vấn đề chính, điều này đã tạo nên sự biến đổi vị trí giữa chủ và khách. Các bạn chẳng phải đã thấy rằng khi các thiết bị ngày càng tiên tiến và số lượng thống kê ngày càng chính xác thì ngày càng có nhiều bệnh nhân sao?

Kỳ thực, sở dĩ con người mắc bệnh là vì họ có nghiệp lực đã tích lũy từ đời này qua đời khác. Sự bại hoại về đạo đức của con người và hành vi đi chệch khỏi các chuẩn mực đạo đức của con người chính là điều có thể dễ dàng tạo thành nghiệp lực. Trong “Bị cấp thiên kim yếu phương” của Tôn Tư Mạc viết: “Sở dĩ Thánh nhân chế ra thuốc là để cứu người có đức hạnh; thế nên kẻ ngu muội ôm bệnh quanh năm bởi vì chẳng tu lấy một đức hạnh nào. Cuối cùng vẫn không có lòng hối cải”. Điều này rõ ràng chỉ ra rằng người mà các thầy thuốc muốn cứu là những người do có hành vi sai trái mà mắc bệnh, nhưng con người rất cố chấp trong khuôn khổ nhận thức của bản thân, cho dù ốm đau quanh năm họ vẫn không chịu thay đổi những tư tưởng và quan niệm sai trái để nâng cao đạo đức của mình. Trong cuốn sách “Hoàng Đế Nội Kinh – Thang dịch giao lễ luận” nói rằng: “Các bậc Thánh nhân đời xưa làm ra thang dịch giao lễ (thuốc sắc và rượu thuốc), là để phòng bị. Cho nên người thời thượng cổ làm thang dịch mà không mấy khi dùng đến. Đến thời trung cổ về sau, con người vì đạo đức suy thoái nên đôi khi bị tà khí xâm nhập và họ bị bệnh, khi đó dùng tới thang dịch giao lễ thì rất là công hiệu”. Khi suy nghĩ và hành vi của con người lệch xa đạo đức, thì tà khí bắt đầu xâm nhập vào và sẽ mắc bệnh.

Những căn bệnh hiện đại cũng rất khó chữa, tại sao lại khó chữa đến thế? “Nội Kinh – Thang dịch giao lễ luận” đã nói rằng đạo đức suy đồi là nguyên nhân sinh ra bệnh tật.

Hệ thống chữa bệnh cận đại chính là bệnh viện nào có trang thiết bị tiên tiến hơn thì đó là bệnh viện cao cấp hơn và tốt hơn. Lúc đầu vốn không có bệnh gì, vì quảng cáo nói khi người ta có bệnh thì nên phát hiện và điều trị sớm cho nên luôn đến bệnh viện để kiểm tra thường xuyên. Nếu kết quả kiểm tra là có bệnh, thì sẽ làm cho họ sợ gần chết, hoặc là không truy tìm tận gốc căn nguyên của bệnh thì không thôi, hoặc sẽ như con đà điểu giấu đầu vào trong đống cát và không dám đối mặt với hiện thực. Càng kiểm tra càng sợ hãi, nhất là đối với những “căn bệnh hiện đại” chưa có loại thuốc nào được tạo ra để chữa trị. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy không bị bệnh, một số người sẽ nói với người thân và bạn bè rằng: “Bệnh viện này không tốt, chưa đủ trang thiết bị tiên tiến nên không phát hiện ra bệnh”. Hình như phải tìm ra rằng anh ta có bệnh thế mới tính là bệnh viện tốt, bác sĩ giỏi, chưa tìm ra nguyên nhân vì sao thì ngay cả bác sĩ cũng không chịu buông bỏ. Khi tìm ra được bệnh rồi, nhưng lại không có thuốc để chữa trị nên vừa khóc vừa kêu lên rằng không trị được.

Các bệnh nhân thời Trung Quốc cổ đại không có thiết bị khám bệnh tiên tiến như vậy thì làm sao? Họ tìm thầy thuốc bắt mạch, thăm khám, hỏi han và kê đơn. Nếu hỏi đó là bệnh gì, thì chỉ cần nói một số thuật ngữ mà người bệnh không hiểu như nào là “huyết phong”, “vị hỏa”, “gan dương cang”, “âm hư hỏa nhiệt”… v.v., rồi uống thuốc theo đơn, uống vào có thể đổ mồ hôi, cũng có thể bị tiêu chảy, nhưng bệnh sẽ khỏi, nào cần phải truy tìm sự việc đến tận cùng?

Kỳ thực chữa bệnh chính là như thế, hãy xem hiệu quả của ai tốt nào? Khoa học Trung Quốc cổ đại quả thực rất phát triển, sư phụ dạy đồ đệ nhìn sắc mặt, nghe giọng nói, hỏi một số vấn đề mấu chốt như ra mồ hôi, đau đầu, đau nhức cơ thể, sốt, khô miệng, đắng miệng, khi nào xảy ra, xảy ra ở chỗ nào, hoặc xảy ra sau khi đã làm gì đó, v.v., là có thể phân biệt ra ngay tình trạng bệnh hư thực hàn nhiệt, sau đó bắt mạch rồi tìm hiểu thảo luận thông tin về các tạng phủ và kinh lạc, sau đó có thể kê đơn bốc thuốc hoặc cởi y phục để thực hiện châm cứu, xoa bóp hoặc điều trị bằng thôi nã (mát-xa). Còn thời hiện đại thì sao? Đôi khi các loại thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), siêu âm trông có vẻ rất hoành tráng đường hoàng, nhưng nếu dùng những thiết bị đó mà không phát hiện được bệnh thì không còn cách nào. Có bệnh kéo dài nhiều ngày mà không phát hiện ra bệnh gì. Ví dụ, có một bệnh nhân trẻ em hôn mê, sốt cao, đến một bệnh viện đại học y nào đó không chẩn đoán ra bệnh, sốt cao không rõ lý do đành phải chụp cắt lớp não, sau ba ngày vẫn không tìm ra bệnh, vẫn hôn mê và sốt cao, chuyển đến một bệnh viện lớn, bệnh viện cũng kiểm tra y hệt như vậy, lại mất thêm ba ngày nữa, nhưng vẫn hôn mê và sốt cao.

Trung y không chỉ có thể xác định được âm dương, hư thực, hàn nhiệt sinh ra bệnh tật của một người mà còn xác định được bệnh đó thuộc về tạng phủ nào, kinh lạc nào, rồi dựa theo lý mà chẩn đoán ra bệnh, lập đơn thuốc và kê các vị thuốc để chữa trị, hoặc thầy thuốc có thể sử dụng châm cứu, chỉ cần phân biệt được kinh lạc của bệnh, thì có thể dựa vào Ngũ hành tương sinh tương khắc và tìm ra vị trí để châm cứu thì bệnh có thể khỏi.

Bởi vì Trung y và châm cứu đều trực tiếp sử dụng cơ thể con người làm đối tượng trị liệu, không được thực nghiệm trên động vật rồi mới sử dụng trên cơ thể con người, thông tin họ có được trực tiếp dựa vào cơ thể con người nên tất nhiên có thể được sử dụng trực tiếp trên cơ thể con người.

Trung y lại thuộc về phần trong hệ thống học thuật của Đạo gia, chú trọng đến “thiên nhân hợp nhất”, Đạo gia tin rằng cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, cơ thể sinh vật khác cũng giống như vậy. Hết thảy sự tuần hoàn vận chuyển khí huyết trong cơ thể con người đều có một đường thông liên hệ tương hỗ với đại vũ trụ, cho nên chỉ cần nhân khí được kết nối với thiên khí thì sẽ không bị bệnh, do đó mượn đặc tính vũ trụ tự nhiên của động vật, thực vật, v.v để điều chỉnh khí của con người, dùng phương pháp châm cứu kết nối khí của con người với khí của vũ trụ, để loại bỏ cơn đau. Vì vậy, một số loại thuốc trong cách sử dụng cần chú ý đến sự phối hợp của các thời không, ví như: “Thập Táo Thang” nên uống lúc rạng sáng (sáng sớm, khi mặt trời lên ngang với tầm mắt của chúng ta, khoảng 5 giờ sáng), các loại thuốc bổ thận như “Lục Vị Địa Hoàng Hoàn” và “Bát Vị Địa Hoàng Hoàn” nên uống khi bụng đói. Thậm chí còn phải chú ý đến phương pháp sắc thuốc, như: Trong cát căn thang và ma hoàng thang thì ma hoàng phải sắc trước, loại bỏ lớp bọt phía trên, sau đó cho phần thuốc còn lại vào sắc; tương tự cát căn cũng được sắc trước. Trong sự phát triển của y thuật châm cứu, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau liên quan đến thời gian như “Tý ngọ lưu chú” và “Linh quy bát pháp”. Các phương pháp châm cứu này đều có liên quan đến can chi của thời thần, kỳ thực chính là đặc tính âm dương của thời gian có quan hệ mật thiết với Ngũ hành. Một số bệnh có thể chữa khỏi vào những ngày này nhưng không thể chữa khỏi vào những ngày khác, ví dụ có các phương pháp châm cứu bao gồm: “Giáp bất trị đầu, Ất bất trị hầu, Bính bất trị kiên, Đinh bất trị tâm, Mậu Kỷ nhật bất trị phúc, Canh bất trị yêu, Tân bất trị tất, Nhâm bất trị hĩnh, Quý bất trị túc, (giờ Giáp không chữa bệnh ở đầu, giờ Ất không chữa bệnh ở cổ họng, giờ Bính không chữa bệnh ở vai, giờ Đinh không chữa bệnh ở tim, ngày Mậu và Kỷ không chữa bệnh ở bụng, giờ Canh không chữa bệnh ở eo lưng, giờ Tân không chữa bệnh ở đầu gối, giờ Nhâm không chữa bệnh ở cẳng chân, giờ Quý không chữa bệnh ở bàn chân).

Một số loại thuốc chọn dùng chất của chúng, trong khi có những loại thuốc chọn dùng khí của chúng, tất cả đều rất đáng được chú ý. Một số loại thuốc không thể dùng cách đun sắc mà nhất định phải nghiền thành bột mịn rồi nuốt, chẳng hạn như cây nguyên hồ sách. Loại bào chế cũng là một vấn đề quan trọng như: cao, hoàn, đơn, tán, thang, dịch, giao, lễ, mỗi loại đều có tác dụng riêng, tức là hoàn tễ (thuốc viên) có loại làm thành mật hoàn (viên mật ong), có loại làm thành cơm nắm giã thành viên, có loại làm thành thủy hoàn, có loại làm thành diện quả hoàn… Trong y học có câu “Thang giả thang dã, hoàn giả hoãn dã, tán giả tan dã…”, có nghĩa là thuốc sắc có tác dụng của thuốc sắc, thuốc viên là có mục đích làm tác dụng chầm chậm, thuốc bột có tác dụng chữa bệnh cấp tính… Y học hiện đại cũng đã nhận ra điều này và đã phát triển các dạng bào chế như “Trường Y Đĩnh” (viên bao trong ruột), “Vị Y Đĩnh” (viên bao dạ dày) là nhằm giúp thuốc tan ra trong ruột hoặc dạ dày để đạt được hiệu quả hấp thu tối ưu.

Hệ thống chữa bệnh hiện đại đã xuất hiện rất nhiều nút thắt không thể vượt qua, mặc dù ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan có rất nhiều cơ sở nghiên cứu và phòng thí nghiệm đang phát triển, nghiên cứu Trung y và Trung dược, cả về mặt lý thuyết cũng như trên thực tế dường như họ rất có thành tựu, rất nhiều loại thuốc mới cũng đã được phát triển và ứng dụng; kỹ thuật gây mê bằng châm cứu đã nở hoa kết trái và có thể hỗ trợ cho các ca phẫu thuật ngoại khoa.

Trung y có lý thuyết và phương pháp điều trị rất cao và đạt tới đỉnh điểm do tự nó đã hình thành, nó là một hệ thống trị bệnh của tầng thứ cao hơn, Trung y thời cổ chưa bao giờ có ý nghĩ về vi khuẩn hay virus, nó chỉ sử dụng khái niệm phong, hỏa, nhiệt… để mô tả nguyên nhân gây bệnh, ví dụ thời xưa gọi bệnh cúm truyền nhiễm theo nguyên nhân gây bệnh bằng các tên như “thương hàn”, “ôn bệnh”, “nhiệt bệnh”, v.v. nhờ thế mà có thể chữa khỏi bệnh trong chưa đầy một tuần. Bởi vì nhờ sự tiến bộ của thiết bị kiểm tra, con người hiện đại dường như có thể truy tìm nguồn gốc của bất kỳ căn bệnh nào, nhưng họ không thể điều trị hiệu quả chứ đừng nói đến việc phòng ngừa. Ví dụ, loại “Trường bệnh độc” (dịch bệnh truyền nhiễm virus đường ruột enterovirus) từng hoành hành ở Đài Loan đã được phát hiện nhưng không có cách nào chữa trị. Cùng một bệnh đến thầy thuốc Trung y, chỉ cần xác định là vị hỏa (hỏa ở dạ dày), thì thanh lý vị hỏa, nếu xác định là can hỏa (hỏa ở gan), hãy thanh lọc can hỏa, nếu xác định cái gì hỏa, thì giải trừ hỏa đó, thuốc đến là bệnh khỏi. Bản thân tôi đã gặp nhiều trường hợp mắc bệnh này, vị trí phát bệnh luôn thay đổi thiên biến vạn hóa, có người bị tổn thương dây thần kinh thính giác khiến khi đi lại mất thăng bằng, cuối cùng là mất thính lực; có người bị tổn thương dây thần kinh mặt, có người bị mụn rộp ở mí mắt, có người bị mụn rộp ở tai, có người bị mụn rộp ở trong khoang miệng và trên ngón tay, Tây y đều xem là những vấn đề lớn, còn Trung y nói rõ nguyên nhân gây bệnh là do “hỏa”. Sau đó dùng một ít thuốc để thanh lý hỏa các kinh lạc và tạng phủ khác nhau, mấy ngày là có thể trị khỏi bệnh.

Sự phát triển của khoa học đều hy vọng đơn giản hóa những điều phức tạp và sử dụng những mô thức đơn giản để giải thích mọi hiện tượng vật lý, hóa học và sinh học vốn muôn hình vạn trạng. Khoa học phương Tây đã phát hiện ra rằng cơ sở của bất kỳ vật chất nào đều là các hạt rất nhỏ bé, là nguyên tử, nó là thành phần cơ bản của vật chất, và nguyên tử lại do các thành phần như electron, proton, neutron cấu thành, dùng mô hình này có thể giải thích nhiều hiện tượng vật chất, sau đó lại trên cơ sở này đã phát hiện ra vi lạp vi quan hơn và nhỏ hơn, nhưng việc giải thích về các hiện tượng vật chất vẫn còn dừng lại ở ý tưởng, tuy có thể có những thành tựu trong các vấn đề mà vật lý và hóa học quan tâm, nhưng vẫn còn cách rất xa mới ứng dụng được vào việc trị bệnh trên cơ thể con người, thật khó để có thể tiến thêm một bước về phía trước. Nền tảng của khoa học Trung Quốc cổ đại chính là âm dương và ngũ hành, có thể dùng để giải thích mặt trời, mặt trăng, các vì sao và dùng để giải thích vạn sự vạn vật trên thế gian, đều giảng rất thông suốt, và trong y học cũng như vậy. Mối quan hệ giữa ngũ hành và ngũ sắc, ngũ hành và ngũ vị, ngũ hành và ngũ tạng, ngũ hành và ngũ dịch, ngũ thanh, v.v. ., kỳ thực là mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, tất cả đều có thể dùng nó để giải thích rõ ràng.

Phương pháp quan sát đoán bệnh tình của Trung y thực hiện theo khái niệm âm dương và ngũ hành, dùng cách đơn giản nhất, ví như ngũ tạng đều có thuộc tính của ngũ hành (gan là âm mộc, tim là âm hỏa, lá lách là âm thổ, phổi là âm kim, thận là âm thủy), ngũ phủ cũng có thuộc tính của Ngũ hành (túi mật là âm mộc, ruột non là âm hỏa, dạ dày là âm thổ, ruột già là âm kim, bàng quang là âm thủy), ngũ vị, ngũ sắc, ngũ mạch, cho đến Thiên can và Địa chi dùng để ghi ngày tháng năm cũng có thuộc tính Ngũ hành riêng của nó, các mùa, giờ, ngày, tháng, năm đều có thuộc tính Ngũ hành của nó. Không những vậy, chúng còn có thuộc tính âm dương, đó là vì chúng có những điểm liên quan đến toàn bộ vũ trụ, vậy nên ngũ sắc, ngũ vị của thuốc đều hình thành mối liên hệ nhất định với các phủ tạng trong cơ thể chúng ta. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh trong Trung y đều được suy xét theo hướng này.

Trung y rất chú trọng việc sử dụng, thu hái và kết hợp các loại thuốc. Ví dụ như mùa và giờ đều liên quan đến hiệu quả của thuốc, chẳng hạn một số loại thuốc được thu hái vào ngày hạ chí, có một số loại thuốc được thu hái vào ngày 5 tháng 5, ngày 6 tháng 6 hoặc ngày 7 tháng 7 (như cây Hy thiêm), ngoài ra việc thu hái thuốc và chế thuốc cũng chú ý đến việc chọn người, hiệu quả của thuốc do những người khác nhau thu hái cũng khác nhau. Ví dụ, khi nói đến việc thu hái nhân sâm, truyền thuyết kể rằng có một số người đặc biệt nhìn thấy những đứa trẻ chạy nhảy trong rừng núi, họ dùng sợi tơ đỏ quây lại, rồi ngày hôm sau mới thu hái, kỳ thực chính là họ đã nhìn thấy hình dáng của nhân sâm ở không gian khác. Nhân sâm được sử dụng trên lâm sàng hiện nay là nhân sâm được nuôi trồng, nếu không có sự chú trọng như vậy thì hiệu lực và tác dụng của nhân sâm cũng giảm đi rất nhiều. Kỳ thực, người chuyên thu hái nhân sâm này là người đã khai mở thiên mục, phải là người có chuẩn mực đạo đức nhất định, nếu không phải là người có chuẩn mực đạo đức cao thì không thể khai mở thiên mục đủ để nhìn thấy trẻ em chạy nhảy ở không gian khác.

Trung y khi chẩn đoán bệnh cần luôn quan sát tỉ mỉ và cũng chú ý đến việc điều trị tâm lý. Họ chú trọng vào sự kết hợp của bốn cách chẩn đoán “vọng, văn, vấn, thiết” (nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch), đặc biệt ưu tiên đối với “vọng”, họ thậm chí còn cho rằng “nhìn là biết thì gọi là thần”. Ví dụ, “Thương hàn tạp bệnh luận” của Trương Trọng Cảnh có phương pháp quan sát bệnh nhân giả mắc bệnh, khi bệnh nhân nằm quay mặt vào tường, khi thầy thuốc đến sẽ không còn trạng thái trông mong hay sợ hãi, lúc nói chuyện với anh ta còn ngáp, đây là căn bệnh giả, đơn thuốc ghi rằng có thể sử dụng hàng trăm mũi kim và hàng chục điểm châm cứu để khiến bệnh nhân sợ hãi đến mức không dám giả vờ bị bệnh, đồng thời đưa ra chẩn đoán chi tiết và điều trị tâm lý.

Trung y trong chẩn đoán điều trị cũng rất coi trọng sự tương tác giữa thầy thuốc và bệnh nhân, trong “Hoàng Đế Nội Kinh – Thang dịch giao lễ luận” có một đoạn: Đối với người bị bệnh tại sao lại không trị khỏi? Tại sao “một khi bệnh tình phát triển đến mức hình thể hư hại, khí huyết cạn kiệt thì việc điều trị không có hiệu quả?” Câu trả lời là “Đó là do thần khí của bệnh nhân đã không thể phát huy tác dụng vốn có của nó nữa”. Thế thì tại sao nói “thần khí không thể phát huy tác dụng vốn có của nó nữa”? Bởi vì châm cứu và kim đá là thể hiện của “Đạo”, nếu như “tinh thần của bệnh nhân đã tán loạn, ý chí cũng đã tán loạn, dù có phương pháp tốt thì thần khí cũng không khởi tác dụng, và bệnh cũng không chữa khỏi được”. Nhưng bây giờ, bởi vì hầu hết mọi người đều có “ham muốn vô tận và lo lắng vô tận” khiến “tinh khí tan rã, dinh vệ cạn kiệt cho nên thần khí đã mất, bệnh không khỏi”. “Tinh khí bại hoại thần khí mất” cho nên “dinh vệ không thể hồi phục” thì bệnh khó chữa được. Khi chữa bệnh cho người bằng châm cứu, chúng ta nên chú ý đến “bản thần triều”, nghĩa là người bệnh và thầy thuốc phải hướng về nhau thì mới đạt được hiệu quả, vì vậy người ta nói “người bệnh và thầy thuốc không hướng vào nhau thì không chữa trị được”.

Trung y không chỉ dùng để chữa bệnh mà nội hàm của nó còn bao gồm cả dưỡng sinh. “Hoàng Đế Nội Kinh” về cơ bản là một cuốn sách nói về việc chữa bệnh, dưỡng sinh và tu luyện. Nhưng ba điều này lại không thể tách rời nhau, vì khi nói tu luyện mà mang theo một thân thể suy nhược thì hoàn toàn không thể tu luyện được, bệnh của một người đã chữa khỏi rồi, nhưng thường xuyên ốm đau cũng không được, cho nên phải chú ý đến dưỡng sinh. Sau đây là những quan điểm về bệnh tật, dưỡng sinh và tu luyện được đề cập đến trong “Hoàng Đế Nội Kinh”:

1. Ngăn ngừa sinh bệnh

“Hoàng Đế Nội Kinh – Thượng Cổ Thiên Chân Luận” dạy mọi người rằng nếu biết thiên mệnh của mình, họ có thể sống và hưởng thụ những năm tháng Trời ban; Những người hiểu Đạo Pháp trong con người thời kỳ sớm nhất đều biết rằng họ nên đồng hóa với Âm Dương, phải biết thiên mệnh của mình là đã có định số, cho nên việc ăn uống và chỗ ở phải có sự tiết chế nhất định, không ép mình làm việc quá sức, vì vậy, cả hình thể và thần khí đều không xa rời Đạo Pháp, cho nên đều có thể đạt đến tuổi thọ tối đa và sống đến trăm tuổi mới qua đời. (“Về đời Thượng cổ, những người biết đạo, bắt chước ở âm, dương; điều hòa với thuật số, ăn uống có mực, khởi cư có thường, không làm quá sức, cho nên giữ được cả hình hài và tinh thần, sống trọn số trời, linh trăm tuổi mới thác”).

2. Dưỡng sinh

“Hoàng Đế Nội Kinh – Thượng Cổ Thiên Chân Luận” cũng dạy mọi người rằng ngăn ngừa bị bệnh, nên cẩn thận gió lạnh, không màng với những ham muốn như danh lợi, cũng không chấp trước vào tình cảm, làm việc vừa phải, vì vậy họ có thể hưởng trọn tuổi trời, dù đã lớn tuổi nhưng động tác vẫn linh hoạt nhanh nhẹn. (“Bậc thánh nhân thời Thượng cổ đã răn dạy người dưới mình, biết xa lánh hư tà tặc phong, trong lòng điềm đạm hư vô, chân khí vì thế mà thuận theo, tinh thần bền vững, bệnh còn do đâu mà sinh ra được. Vì vậy chí nhàn mà ít dục, tâm an mà không sợ, cơ thể hoạt động mà không mệt mỏi, chân khí điều hòa, mọi sự đều được mãn nguyện. Cho nên người ta ăn gì cũng thấy ngon, mặc gì cũng thấy hài lòng, ai cũng yêu phong tục tập quán của mình, sống vui vẻ, cho dù địa vị xã hội cao thấp đều không ngưỡng mộ riêng ai, vì vậy những người này có thể được gọi là thật thà chất phác. Do đó những điều ham muốn không thể làm mỏi mắt họ, những điều tà dâm không thể mê hoặc tâm họ, kẻ ngu, người khôn, người giỏi kẻ kém đều không vì sự biến đổi của sự vật ngoại giới mà động tâm lo lắng. Cho nên mới phù hợp với đạo dưỡng sinh, sở dĩ họ có thể sống trên trăm tuổi mà không tỏ ra già nua trong cử động chính là vì họ hiểu và nắm vững các phương pháp tu thân dưỡng tính mà không bị tà linh bên trong và bên ngoài can nhiễu làm tổn hại, đó là bởi đức toàn vậy”)

3. Tu luyện

“Hoàng Đế Nội Kinh – Thượng Cổ Thiên Chân Luận” nói rằng thời cổ đại có “Chân Nhân”, “Chí Nhân”, “Thánh Nhân” và “Hiền Nhân”, về cơ bản họ đều là những người tu luyện, tức là những người tu Đạo, họ đều hiểu được dưỡng sinh, và biết rằng ngoài việc bảo dưỡng hình thể, còn có một số điều về mặt tinh thần cần phải cải biến, chẳng hạn như không màng tới những ham muốn và chấp trước ở chốn nhân gian. “Chân Nhân” là người có thể nắm vững, nắm bắt được định số âm dương của trời đất; “Chí Nhân” là người có thể đồng hóa được với định số âm dương; “Thánh Nhân” là người có thể thuận theo cái lý của trời đất nhân gian, tức là người tốt trong số những người tốt, có thể bảo dưỡng tinh, khí, thần; “Hiền Nhân” tức là người có thể hòa hợp với trời đất và đạo nhân gian. (“Đời Thượng cổ có bậc Chân Nhân có thể xoay chuyển được trời đất, điều hòa được Âm Dương, thở hút tinh khí, giữ vững hình thần, da thịt không lúc nào thay đổi, nên mới có thể sống lâu cùng trời đất, tới mãi vô cùng tận. Đó là hạng người sống hợp với đạo”. “Về đời Trung cổ, có bậc Chí Nhân, sửa đức hợp đạo, hòa với âm dương, thuận với bốn mùa, xa đời, lánh tục, chứa tinh, vẹn thần, rong chơi trong khoảng trời đất, xa trông ra ngoài tám cõi. Đó là bởi biết giữ gìn tu luyện, nên mới được mạnh mẽ và sống lâu. Bậc này rồi cũng được như Chân Nhân”. “Về bậc thứ, có hạng gọi là Thánh Nhân, ở trong vòng trời đất, thuận theo lẽ tám phương, tuy cũng có thị dục như người thế tục, nhưng không có lòng hờn giận, cũng áo, mũ, cũng miếu đường; bên ngoài không để nhọc hình về việc; bên trong không để nhọc về lo; lấy vui làm hay, lấy tự đắc làm thích. Do đó hình thể không mỏi mệt, tinh thần không lìa tan, nên cũng có thể sống được linh trăm tuổi”. “Lại bậc thứ nữa, có hạng gọi là Hiền Nhân, bắt chước sự vận hành của trời đất và mặt trời, mặt trăng; thuận theo lẽ nghịch và thuận của hai khí Âm Dương, với sự thay đổi của bốn mùa cố tu luyện theo đời người Thượng cổ, cho hợp với đạo. Như thế cũng có thể sống lâu mãi mãi”).

Việc bảo dưỡng sức khỏe phải đồng hóa với sự thay đổi của mùa tiết, lao động và nghỉ ngơi cũng phải phù hợp với sự thay đổi thời tiết trong mùa. “Tứ Khí Điều Thần Đại Luận” (Hoàng Đế Nội Kinh chương 2) cho rằng: Nếu không tuân theo “Xuân dưỡng sinh, Hạ dưỡng trưởng, Thu dưỡng thâu, Đông dưỡng tàng” sẽ làm tổn hại đến khí của các cơ quan nội tạng và các bệnh khác sẽ xảy ra trong mùa tiếp theo. (Vào ba tháng của mùa xuân, đây được gọi là “phát trần”, khi cả trời và đất sinh ra, vạn vật thịnh vượng. Đêm nằm dậy sớm, đi thong dong ngoài sân, buông xõa tóc, nới rộng áo, để cho “chí” sinh ra. Chí sinh mà không sát, trao cho mà không đoạt, thưởng mà không phạt. Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa xuân, tức là cái đạo dưỡng sinh vậy. Nếu trái lại sẽ tổn thương đến Can, không đủ khí giúp sự phát triển của Tâm, tới mùa hạ sinh ra bệnh hàn. Ba tháng mùa hạ gọi là “Phồn tú” khí của trời đất giao nhau, cây cối đâm hoa kết trái. Đêm nằm dậy sớm, chớ ngại ngày dài. Đừng để trong “chí” có sự giận dữ, cho thần khí được thư thái. Để cho khí bên trong được tiết ra bên ngoài, không bị che lấp. Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Hạ, tức là cái Đạo dưỡng sinh vậy. Nếu trái lại sẽ tổn thương đến Tâm, tới mùa Thu sinh ra bệnh sốt rét. Tâm khí ít không đủ giúp cho sự thu lượm của Phế, mùa đông tất lại mắc thêm bệnh. Ba tháng mùa Thu gọi là “dung bình”, khí trời hanh ráo, khí đất trong sáng. Nằm sớm dậy sớm theo tiếng gà gáy. Để cho “chí” được an ninh làm cho dịu bớt cái khí xơ xác tiêu điều của mùa thu ảnh hưởng đến cơ thể con người, hội tụ thần khí cho Phế khí được trong sạch. Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Thu, tức là phương pháp giúp sự hội tụ vậy. Nếu trái lại, sẽ tổn thương đến Phế; không đủ khí giúp sự thu Tàng, đến mùa đông sinh ra bệnh thổ tả. Ba tháng mùa Đông gọi là “bế tàng”. Nước thành băng, đất nứt nẻ, không nên làm phiền nhiễu Dương khí. Nằm sớm dậy muộn, nên đợi lúc mặt trời mọc, khiến cho “chí” như ẩn nấp, như giấu diếm, để cho khí của Tâm với Thận giao nhau, lánh nơi rét, tới nơi ấm, đừng để da hở ra khiến cho Dương khí bị tổn thất liên tục. Làm như vậy cho hợp với cái khí của mùa Đông, tức là cái đạo giúp sự thu tàng vậy. Nếu trái lại sẽ tổn thương đến Thận, không đủ khí giúp sự sinh trưởng của Can, tới mùa Xuân, tất sinh ra bệnh nuy, quyết (liệt, hôn mê)).

Từ việc quan sát bệnh, chữa bệnh cho đến phòng bệnh, các phương pháp của y học cổ truyền đều là vô cùng đơn giản tiết kiệm, chỉ cần “điều hòa âm dương” và “biến hóa thuận theo ngũ hành” là có thể đạt được mục đích. Đặc biệt là đối với việc quan sát và nghiên cứu vạn sự vạn vật trong trời đất vô cùng đơn giản và tiết kiệm, nhưng cũng cực kỳ hiệu quả và có thể áp dụng cho con người, ví dụ như Thần Nông nếm hàng trăm loại thảo mộc bằng phương pháp đơn giản nhất, dùng giác quan của chính mình để nếm thử năm vị như chua đắng của các loại thực vật thân thảo là biết nó có thể đi vào tạng nào, phủ nào và kinh mạch nào, ít nhất không cần phải tốn nhiều tiền hay tốn nhiều nhân lực để chế tạo các thiết bị máy móc. Nhiều đại y học gia thời cổ đại có những năng lực đặc biệt, dùng ngôn ngữ hiện đại thì gọi là “công năng đặc dị”. Ví dụ như Biển Thước nhìn bệnh của Tề Hoàn Công liền biết diễn biến quá trình mắc bệnh của bệnh Tề Hoàn Công; Trương Trọng Cảnh nhìn bệnh của Vương Xán, biết Vương Xán khoảng 40 tuổi sẽ gặp đại nạn, sau khi tóc rụng, huyết mạch sẽ bị tổn hại…; Hoa Đà nhìn thấy Tào Tháo bị bệnh và biết rằng ông ta có khối u trong não và cần phải phẫu thuật; Cát Hồng điều trị vết thương chó cắn bằng cách bôi não chó lên vết thương để giải độc, tương tự như cách điều trị của Pasteur hàng nghìn năm sau, cũng phù hợp với liệu pháp miễn dịch được mô tả trong y học hiện đại; làm sao các y học gia thời cổ đại lại có được những “công năng đặc dị” siêu thường như vậy? Câu trả lời là tu luyện.

Ngoài ra, chăm sóc, dưỡng sinh, tu luyện đều là những cách giúp con người không sinh bệnh tật và có thể hưởng trọn tuổi trời. Các bậc tiền bối của y học Trung Quốc từ lâu đã cung cấp cho chúng ta những con đường thực tiễn. Loại bỏ dục vọng và chấp trước càng nhiều, thì càng có thể đạt được nhiều hơn.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778



Ngày đăng: 21-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.