Mạn đàm Trung y (8): Thượng công chữa bệnh khi chưa thành bệnh (Kỳ 1)



Tác Giả: Hồ Nãi Văn

[ChanhKien.org]

Lời nói đầu

Quan niệm cổ xưa của Trung Quốc là nghĩ cách ngăn ngừa việc mắc bệnh, ví dụ “Chu Dịch” nói: “Thủy tại hỏa thượng, Ký Tế. Quân tử dĩ tư hoạn nhi dự phòng chi”, (dịch nghĩa: Nước ở trên lửa là quẻ Ký Tế, đấng quân tử coi đó để nghĩ sự lo mà ngừa sẵn). Có nghĩa là khi khỏe mạnh người ta nên nghĩ tới và phòng ngừa bệnh tật sau này. Trong sách “Quốc ngữ” cũng đề cập rằng con người đều sẽ mắc bệnh, thầy thuốc giỏi có thể loại bỏ chúng sớm, và cũng cảnh báo rằng oán thù cũ từ đời trước của người dân không tốt cho gia tộc, nó cũng có thể được coi là bệnh hoạn của quốc gia, phải đối mặt với nó một cách thận trọng, và cần được ngăn chặn và loại bỏ càng sớm càng tốt.

“Hoàng Đế Nội Kinh”, một cuốn sách tham khảo quan trọng dành cho những người tu Đạo thời kỳ đầu ở Trung Quốc và những thầy thuốc Trung y, có nói rằng: “Đạo giả, Thánh nhân hành chi, ngu giả bội chi. Tòng Âm Dương tắc sinh, nghịch chi tắc tử. Tòng chi tắc trị, nghịch chi tắc loạn. Phản thuận vi nghịch, thị vị ‘nội cách’. Thị cố Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh, bất trị dĩ loạn, trị vị loạn, thử chi vị dã. Phu bệnh dĩ thành nhi hậu dược chi, loạn dĩ thành nhi hậu trị chi, thí do khát nhi xuyên tỉnh, đấu nhi chú binh, bất diệc vãn hồ?” trích “Tố Vấn – Tứ Khí Điều Thần Đại Luận” (tạm dịch: Đạo là điều mà bậc Thánh nhân làm theo, kẻ ngu muội thì làm trái. Thuận theo âm dương thì sinh, nghịch lại âm dương thì tử. Thuận theo thì trị, nghịch lại thì loạn. Từ thuận chuyển thành nghịch gọi là “nội cách”. Vì vậy mà Thánh nhân không trị khi đã thành bệnh, mà trị từ lúc chưa thành bệnh; không trị khi đã loạn, mà trị từ lúc chưa loạn, chính là vì lý do đó. Phàm là bệnh đã hình thành mới dùng thuốc, loạn đã hình thành mới đi trị, thì giống như việc khát mới đi đào giếng, giặc đến mới đi tuyển binh, chẳng phải đã muộn sao?). Có nghĩa là thầy thuốc giỏi đều là người tu Đạo, người tu Đạo thì thuận theo âm dương và không hành sự ngược lại quy luật âm dương, cũng giống như đạo lý âm dương cai trị đất nước, minh quân không làm trái ý trời, họ đều có những đặc điểm giống nhau, vì vậy thầy thuốc giỏi chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân khi còn chưa có bệnh, người trị quốc giỏi chấm dứt hỗn loạn khi chưa hỗn loạn.

Về việc phòng ngừa bệnh tật, Tôn Tư Mạc thời nhà Đường đã nói: “Tồn bất vong vong, an bất vong nguy, đại Thánh chi chí giáo. Cầu dân chi mạc, tuất dân chi ẩn, hiền nhân chi dụng tâm”, (nghĩa là: Khi tồn không được quên nghĩ đến lúc vong, khi bình an không được quên nghĩ đến lúc nguy, đây là lời dạy tối thượng của bậc đại Thánh. Truy tìm nỗi khổ của dân, lo lắng cho nỗi khốn khổ của dân, đó là dụng tâm của bậc hiền nhân). Ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh tật, cũng tức là lý tưởng “thượng công chữa bệnh khi chưa thành bệnh” trong Trung y, điều này liệu có thể thực hiện được không?

Về mặt lý thuyết thì có thể nhưng thực tế lại rất khó. Làm thế nào để có thể đạt được “thượng công trị bệnh khi chưa có bệnh”? Hãy nhìn vào khả năng “biết bệnh khi chưa thành bệnh” và “trị bệnh khi chưa có bệnh” của các thầy thuốc cổ đại, có lẽ có thể lấy đó làm tham chiếu cho các bác sỹ sau này.

Người ta khó tin vào những căn bệnh mà họ nhìn không thấy

Câu chuyện Biển Thước gặp Tề Hoàn Hầu được ghi lại trong “Sử ký – Biển Thước Thương Công truyện” là một ví dụ.

Biển Thước là khách của Tề Hoàn Hầu. Khi vào triều kiến, ông nói: “Ngài có bệnh ở da, nếu không chữa trị bệnh sẽ nặng hơn” … Hoàn Hầu không ưng ý cứ phớt lờ. Khi Biển Thước ra về, Hoàn Hầu không vui. Năm ngày sau, Biển Thước gặp lại Hoàn Hầu liền thoái lui… Hoàn Hầu sai người hỏi nguyên cớ. Biển Thước nói: “Bệnh ở da thịt còn chữa được bằng cách uống thuốc, bệnh ở huyết mạch chữa được bằng cách châm cứu, bệnh ở ruột và dạ dày dùng rượu thuốc chữa được, nay bệnh đã vào đến xương tủy rồi thì thần không có cách nào cứu được nữa”. Năm ngày sau, Hoàn Hầu lâm bệnh, sai người triệu Biển Thước nhưng Biển Thước đã bỏ trốn. Sau đó Hoàn Hầu qua đời. (Sử Ký – Biển Thước Thương Công truyện).

Trong bộ “Hoàng Đế Tam bộ Châm cứu Giáp ất kinh” có ghi chép một câu chuyện về Trương Trọng Cảnh, một danh y thời Đông Hán có thể nhìn thấy trước được bệnh tật.

Trương Trọng Cảnh gặp người hầu của mình là Vương Trọng Tuyên khi đó hơn 20 tuổi. Ông nói: “Anh có bệnh. Khi bốn mươi tuổi lông mày sẽ rụng, lông mày rụng trong nửa năm thì chết”. Có thể tránh được điều đó bằng cách uống “Ngũ Thạch Thang”. Trọng Tuyên không hài lòng khi nghe những lời này, tuy nhận thuốc nhưng không uống. Ở lại ba ngày, Trọng Cảnh gặp Trọng Tuyên hỏi: “Uống thuốc chưa?” Trọng Tuyên đáp: “Đã uống rồi”. Trọng Cảnh nói: “Thần sắc của anh vẫn như cũ, anh chưa hề uống thuốc, sao anh xem nhẹ mạng sống của mình vậy!” Trọng Tuyên vẫn không tin. 20 năm sau quả nhiên lông mày của anh rụng, 187 ngày sau anh ta qua đời đúng như lời Trọng Cảnh đã nói. (Hoàng Đế Tam bộ Châm cứu Giáp ất kinh).

Dịch SARS đã hoành hành cực kỳ nghiêm trọng, nó đạt đến đỉnh điểm từ tháng Ba đến tháng Sáu năm 2003. Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan và Toronto của Canada khi đó đều là những vùng có nguy cơ mắc bệnh. Trên thực tế, “Kim Dịch” (dịch bệnh Vàng) đã được nói đến từ lâu trong “Hoàng Đế Nội Kinh”, “Kim Dịch” là một bệnh dịch ở phổi. Ba năm trước khi “Kim Dịch” phát sinh (năm Canh Thìn, Ất Canh thất thủ) có một tình trạng đã xảy ra; sau khi có những điềm báo trước phát sinh thì còn có một trận bão cát che khuất tầm nhìn (cánh đồng tối đen mù mịt, cát bụi trắng bay tứ phía), tất cả đều siêu việt lạ thường. Không chỉ vậy, nếu nó xảy ra sớm hơn thì manh mối đã được nhìn thấy vào năm Nhâm Ngọ (2002), nhưng nó đã xảy ra muộn hơn một chút vào năm Quý Mùi (2003).

Muốn chữa bệnh cần phải biết bệnh và tiến trình diễn biến của bệnh

Trung y sử dụng phương pháp “Tứ chẩn” là “vọng văn vấn thiết” để chẩn đoán bệnh và sử dụng phương pháp “bát cương” để đoán định “âm – dương, biểu – lý, hư – thực, hàn – nhiệt” của bệnh. Đứng đầu trong “Tứ chẩn” là vọng chẩn (nhìn, quan sát để đoán bệnh), thứ hai là văn chẩn (nghe âm thanh, ngửi mùi để đoán bệnh), thứ ba là vấn chẩn (hỏi để đoán bệnh) và thứ tư là mạch chẩn (bắt mạch để đoán bệnh). Trong “Nạn Kinh – Lục Thập Nhất Nạn” có cách nói như sau: Vọng mà biết thì gọi là Thần, Văn mà biết thì gọi là Thánh, Vấn mà biết thì gọi là giỏi, Thiết mà biết thì gọi là tài nghệ… Người giỏi về Vọng nhìn thấy thần sắc thì biết bệnh của họ; người giỏi về Văn nghe được ngũ âm để phân biệt bệnh của họ; người Vấn giỏi, tức là hỏi người ấy về ngũ vị mà họ ham muốn để biết được bệnh của họ bắt nguồn từ đâu; người Thiết (bắt mạch) mà biết thì có thể đoán được mạch cổ tay của người ấy, thấy được thực hư của người ấy, để biết được bệnh và bệnh ở tạng phủ nào.

Khoa học Trung Quốc cổ đại dựa trên học thuyết Âm Dương và Ngũ Hành, người ta tin rằng mọi thứ vật chất và tinh thần đều liên quan đến học thuyết này. Vì vậy, thiên “Đại Y Tập Nghiệp” trong “Bị Cấp Thiên Kim Yếu Phương” của Tôn Tư Mạc nhà Đường viết: “Phàm muốn trở thành một thầy thuốc giỏi thì phải am hiểu bộ kinh điển như “Tố Vấn”. Người đó còn phải thông hiểu Âm Dương Lục Mệnh, Chư Gia Tướng Pháp, đốt mai rùa để biết năm điềm báo, Chu Dịch lục nhâm (một loại phương pháp bói toán cổ xưa sử dụng Âm Dương Ngũ Hành để dự đoán điều tốt hay xấu), hơn nữa phải đạt đến mức tinh thông thuần thục thì mới trở thành thầy thuốc giỏi. Nếu không như thế thì giống như đi lang thang trong đêm mà không có mắt, dẫn đến tử vong, thứ hai là phải đọc kỹ phương thuốc, suy ngẫm về đạo lý tinh vi, chú ý nghiên cứu thì khi đó mới có thể nói chuyện với người hành nghề y”. Nếu muốn trở thành một thầy thuốc giỏi, nhất định phải học các bài thuốc trong các sách kinh điển thời cổ, cũng cần biết xem số mệnh, và các thuật chiêm bói, chỉ khi có huệ nhãn có năng lực phân biệt độc đáo, mới có thể trở thành một thầy thuốc giỏi.

Trong “Hoàng Đế Nội Kinh” cũng ghi lại phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh theo “Ngũ vận lục khí”, lấy ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, còn được gọi là “Ngũ vận”, phối hợp với sự thay đổi của lục khí gồm “phong, hỏa, nhiệt, thấp, táo, hàn” của thời tiết theo bốn mùa trong năm, từ đó có thể phán đoán những bệnh nào có thể xảy ra trong năm ấy. Lời tiên đoán về “Kim Dịch” năm Quý Mùi nêu trên là được tính toán bằng cách sử dụng “Ngũ vận lục khí”. Nếu có thể biết trước sự xuất hiện của bệnh tật thì sẽ có thể đưa ra lời cảnh báo để người dân tránh bị lục khí như phong hàn thấp nhiệt v.v. xâm nhập, “bậc Thánh nhân thời thượng cổ đã răn dạy người dưới mình biết xa lánh hư tà phong tặc (khí độc và gió độc)”. Ngoài ra đời sống tinh thần và vật chất của người dân đều có thể phối hợp một cách đơn giản thì sẽ không dễ mắc bệnh, “trong lòng điềm đạm hư vô, chân khí thuận theo, tinh thần bền vững, bệnh còn đâu mà sinh ra được?”

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778



Ngày đăng: 14-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.