Mạn đàm Trung y (3): Nhận thức đúng đắn về y học cổ đại Trung Quốc
Tác giả: Phủ Văn
[ChanhKien.org]
Khi còn là một thiếu niên tôi bắt đầu học Trung y, khí công và võ thuật, rồi lần lượt đạt được hai học vị thạc sĩ về võ thuật và Trung y, đồng thời vừa là bác sĩ Trung y vừa là giảng viên của hai ngành học này.
Cuối năm 1992, một người bạn của tôi họ Dương làm việc trong quân đội, đồng nghiệp của anh ấy là ông Trần mắc một căn bệnh quái lạ: Cứ mỗi khi có dịp quan trọng hoặc hưởng thụ cuộc sống cao cấp thì lại lên cơn đau tim, có lúc nghiêm trọng đến mức ngất xỉu trên mặt đất. Ví dụ một lần khi tiếp kiến thủ tướng thì ông bị đau tim ngã xuống đất, và được đưa đến bệnh viện cấp cứu khẩn cấp. Hơn nữa, bất cứ khi nào đi trên một chiếc xe sang trọng hoặc ở trong một khách sạn cao cấp ông lại cảm thấy đau dữ dội; còn khi ở trong một ngôi nhà giản dị hoặc đi trên một chiếc xe rẻ tiền thì đỡ đau hơn nhiều. Ông Trần có chức vụ quan trọng trong quân đội, nên đi khám bệnh cũng thuận lợi, ông đã từng đi khám ở nhiều bệnh viện nổi tiếng nhưng đều không tìm ra chứng bệnh gì. Bệnh tình tiếp diễn như vậy hơn hai năm, ông đã nhiều lần tìm đến các chuyên gia tim mạch nổi tiếng trong nước để chẩn đoán nhưng đều không biết nguyên nhân của bệnh là gì. Ông vô cùng đau khổ, cuối cùng, người bạn của ông là ông Dương đã tìm đến tôi và muốn mời tôi thử khám cho ông ấy. Tôi vội vã đến Bắc Kinh gặp ông Dương bạn tôi trước, chuẩn bị cùng ông ấy đến khám bệnh cho ông Trần. Lúc đó, ông Dương hỏi tôi: “Anh xem trên người ông ấy có thứ gì không?” Bởi vì ông Dương cũng đã từng tập khí công, nên ông cũng rất tin vào công năng đặc dị. Lúc ấy tôi nhắm mắt lại tĩnh lặng nhìn một chút thì vô tình nhìn thấy một con bọ cạp rất to, tôi nghĩ chính là nó. Nhưng tôi không nói gì với ông Dương, chỉ theo ông ấy đến nhà ông Trần. Lần đầu gặp ông Trần, thấy người ông ấy rất to cao và chắc khỏe, nhưng vùng tim thì đau không chịu nổi. Tôi đã châm cứu vào huyệt Nội Quan và Túc Tam Lý của ông. Ông lặng lẽ ngồi và chìm vào giấc ngủ. Khi tôi đang tĩnh tọa thì thấy con bọ cạp đang bò trên lưng tới cổ ông ấy, tôi liền dùng ý niệm tấn công xua đuổi nó, sau đó nó đã bay đi. Sau khi châm cứu, ông Trần cảm thấy dễ chịu và thoải mái, cũng không còn đau nữa. Ông nói rằng lần đầu tiên sau hai năm ông ấy cảm thấy thoải mái như vậy. Ngày hôm sau, tôi lại châm cứu một lần nữa và đã nói lời cáo từ với ông ấy.
Sau khi chúng tôi rời khỏi nhà ông Trần, ông Dương lại hỏi tôi: “Anh có thấy gì trên người ông ấy không?” Tôi nói thẳng: “Có!” Ông ta hỏi: “Là cái gì?” Tôi nói: “Đó là một con bọ cạp!” Ông Dương lại hỏi: “Có nên nói cho ông ấy biết không?” Tôi nói: “Người ta là đảng viên, cán bộ quân đội, đừng nói với ông ấy chuyện này”. Ông Dương đồng ý. Sau đó tôi quay lại nhà khách chuẩn bị về nhà. Nhưng 12 giờ đêm, ông Dương gọi điện bảo tôi ngày mai đừng đi, dù thế nào cũng nên nói chuyện với ông Trần một lần nữa. Tôi hỏi vì sao. Hóa ra là sau khi ông Dương về nhà, ông Trần đã gọi điện hỏi xem tôi có nói về thứ gắn trên người ông ấy không? Ông Dương giữ lời hứa và nói: “Có, nhưng tôi không thể nói với anh”. Ông Trần nhất thời đoán lung tung, nhưng ông Dương nói đều không đúng. Cuối cùng, ông Trần cũng bình tĩnh lại và từ từ nói: “Đó là một con bọ cạp à”. Ông Dương hỏi: “Tại sao anh lại nói là bọ cạp? Làm thế nào anh nói giống ông ấy thế?” Ông Trần kể lại câu chuyện của mình: Hai năm trước, ông ấy chuyển đến nhà mới, sáng hôm sau vợ ông bị bọ cạp cắn vào chân, sau đó ông lập tức đưa vợ đến bệnh viện, ông ta trở về nhà phát hiện ra con bọ cạp, bắt nó bỏ vào rượu đun lên mà không để nó chết, rồi uống rượu đó; rồi lại đổ rượu vào nấu tiếp. Có lúc ông ta bỏ nó vào một cái chai rỗng và hơ trên lửa… Tóm lại, ông ấy đã làm tất cả những cách trả thù mà ông có thể nghĩ ra. Kể từ đó, ông Trần bỗng nhiên mắc phải căn bệnh này: Vùng tim đau như hai gọng kìm kẹp lại. Kể xong câu chuyện, ông Dương tin chắc rằng chuyện mà hai người chúng tôi nói là một…
Thời điểm đó, tôi nghiên cứu khoa học về nhân thể người và đã gặp không ít những ví dụ loại này, sau đó, khi tôi đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân”, trong sách có đoạn: “Bởi vì con người trước đây đã làm điều xấu nên nghiệp lực sinh ra mới tạo thành có bệnh hoặc ma nạn”. Trong sách còn có đoạn: “Sát sinh sẽ tạo thành nghiệp lực rất lớn”. Tôi nghĩ nếu ông Trần giết con bọ cạp này thì thế là xong, nếu tiếp tục trả thù nó như một kẻ thù không đội trời chung thì sẽ tạo thêm nhiều nghiệp lực, huống hồ ông ta còn uống rượu đun con bọ cạp đó…
Qua tu luyện, tôi biết đây là quả báo đời này của ông ta, nếu là giết hại sinh mệnh càng lớn hoặc giết người thì sẽ tạo nghiệp lực còn lớn hơn nữa và khó có thể hoàn trả. Người thường không biết rằng ở trong mê nghiệp cuộn lấy nghiệp thì hoặc sẽ phải chịu quả báo ngay ở đời này hoặc quả báo ở kiếp sau.
Lại nói về việc bắt mạch của Trung y phát triển như thế nào. Nhận thức của tôi là: Trước đây tôi phát hiện bệnh nhân bị bệnh ở bộ phận nào, nếu tôi sờ vào bộ phận đó thì tay của tôi cũng đau, nên tôi biết đó là ổ bệnh. Ngoài ra, khi chia sẻ với những người bạn luyện khí công, tôi còn phát hiện rằng dùng đầu ngón tay đặt vào ba vị trí Thốn, Quan, Xích, nếu tạng phủ nào của bệnh nhân bị bệnh thì ngón tay chỉ vào đó sẽ bị đau hoặc như bị kim châm, hoặc khó chịu, nếu ấn vào vị trí Thốn, Quan, Xích của tay trái tương ứng với tim, gan, thận hoặc Thốn, Quan, Xích của tay phải tương ứng với phổi, lá lách, mệnh môn, giống như cách chẩn đoán mạch trong Trung y hiện nay. Dần dần nghiên cứu kỹ, nếu là người không luyện công thì có thể qua quan sát các hiện tượng rung động khác nhau của mạch để tổng kết ra các mạch tượng khác nhau như trầm, phù, huyền, hoạt, trì, sác, nhu, nhược, sáp v.v. để chẩn đoán bệnh của bệnh nhân. Vì vậy mạch tượng cũng được phát triển từ các công năng nhỏ.
Tôi phát hiện rằng nếu người có công năng cũng có cảm ứng khác nhau đối với các loại thực vật và thảo dược khác nhau, họ sẽ biết các dược tính của thảo dược (nóng, lạnh, mát, ấm, trung tính v.v.), các vị (đắng, cay, chua, ngọt, mặn v.v.) và quy kinh (1) của nó (như 14 kinh mạch…).
Vì vậy theo quan điểm của y học cổ đại Trung Quốc, nếu con người duy trì được bản năng tiên thiên và không bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng biến dị hiện đại thì có thể thực sự trở lại với trình độ của y học cổ đại Trung Quốc. Bệnh tật của con người có liên quan đến nghiệp lực, y thuật của Trung y có liên quan đến bản năng tiên thiên của con người, điều này dựa trên Pháp lý của đặc tính “Chân, Thiện, Nhẫn” của vũ trụ, sự huyền diệu của Trung y cũng chính là ở chỗ này.
Chú thích:
(1) 归经 Quy kinh: “Quy” tức là sự phân bổ, đề cập đến sự phân bổ tác dụng của thuốc; “kinh” tức là kinh lạc của nội tạng cơ thể; “quy kinh” tức là định vị tác dụng của thuốc, là liên kết chặt chẽ giữa tác dụng của thuốc với kinh lạc tạng phủ của cơ thể để minh họa tính chọn lọc tác dụng của thuốc đối với một bộ phận nào đó của cơ thể, từ đó làm cơ sở cho điều trị trên lâm sàng.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778
Ngày đăng: 05-01-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.