Mạn đàm Trung y (5): Nội hàm tu luyện của Trung y



Tác giả: Lưu Đông Mai

[ChanhKien.org]

1. Tu luyện và các khái niệm liên quan đến tu luyện

Tu luyện là gì?

Nói một cách đơn giản, tu luyện chính là sự thăng hoa và quay trở về của sinh mệnh ở tầng thấp lên tầng cao. Bất kỳ phương pháp tu luyện chân chính nào cũng đều tuân theo một tiền đề chung là: Sinh mệnh chân chính của con người không phải được sản sinh ra trong xã hội loài người, mà được sản sinh ra trong một thời không cao tầng đặc định nào đó; sinh mệnh chân chính của con người thường không biến mất cùng với cái chết của thể xác mà là lấy cái chết của thể xác làm điểm khởi đầu cho một hành trình thăng hoa và quay trở lại khác; và mỗi một bước tiến trong quá trình thăng hoa quay trở lại đều thể hiện sự khác biệt về tầng thứ của sinh mệnh. Nếu không có tiền đề chung này thì sẽ không có cơ sở để thảo luận các vấn đề tu luyện, và cũng sẽ không có cách nào tiến hành bất kỳ cuộc thảo luận nào về các vấn đề liên quan đến tu luyện.

Vậy làm thế nào để kiểm chứng tính khách quan và tính chân thực của tiền đề này? Tính khách quan và tính chân thực của tiền đề này trước tiên là từng bước từng bước trong quá trình tu luyện không ngừng của những người tu luyện chân chính khiến con người chân thực của người tu luyện hiển hiện ra, đây là nguồn sức mạnh tinh thần mạnh mẽ chủ yếu để một người chân tu kiên trì tu luyện, không bao giờ dao động, thậm chí hy sinh mạng sống vì đạo nghĩa; thứ hai là những người chân tu trường kỳ đều sẽ xuất hiện những thay đổi rất lớn đến kỳ lạ và không thể phủ nhận được trên cả hai phương diện thân và tâm, đây là bằng chứng chính khiến những người không tu luyện đều tín phục đối với tính khách quan và tính chân thực của việc tu luyện. Tất nhiên, đây là tình huống chung nhất và phổ biến nhất. Trong một số tình huống và trường hợp đặc biệt nào đó, có người sẽ trực tiếp nhìn thấy sự hiển hiện của các sinh mệnh ở tầng thứ cao hơn, thậm chí còn nhận được sự giúp đỡ của họ, và những sự giúp đỡ này thường là những việc mà thường không làm được, thậm chí không thể tưởng tượng được. Đó là câu chuyện có thật về “gặp Tiên” và “gặp Thần” được ghi lại ở mỗi thời đại trong lịch sử.

Loại phương pháp chứng nghiệm thận trọng, tiến dần từng bước đối với tính chân thực và khách quan của tiền đề tu luyện này đối với bản thân trên thực tế biểu hiện minh hiển hơn nhiều so với phương pháp nhận thức thế giới khách quan của khoa học hiện đại: Mỗi bước của phương pháp này đều là trực tiếp tiếp cận hướng đến mục tiêu, cũng là khẳng định hoàn toàn đối với bước trước đó; tuy nhiên phương pháp nhận thức của khoa học là qua quá trình không ngừng phủ nhận bản thân và không ngừng điều chỉnh bước đi trước đó để từ đó chậm chạp tiến gần đến mục tiêu của mình: Thời đại Newton tuyên bố đã đạt được chân lý tuyệt đối, nhưng thời đại Einstein phải dựa trên việc sửa đổi lại cách hiểu của Newton mới có thể tiến thêm một bước. Do đó có thể thấy, bước tiếp theo là tiến thêm một bước nữa dựa trên việc sửa lại cho đúng với Einstein, điều này khiến chúng ta bất cứ lúc nào cũng không dám nói rằng hiểu biết khoa học của chúng ta về thế giới khách quan là hoàn toàn chính xác, bởi vì chúng ta biết rằng những sửa đổi và phủ nhận tiếp theo chắc chắn sẽ đến và chúng sẽ đến với tốc độ ngày càng nhanh hơn.

Tu luyện như thế nào?

Những người tu luyện chính Đạo đều cho rằng con người là từ các tầng thứ thời không cao rớt xuống, và nguyên nhân rớt xuống là do sinh mệnh ở tầng thứ đó tâm của họ đã trở nên không tốt nữa, không còn phù hợp với yêu cầu tâm tính của tầng thứ đó nữa, bởi vì các sinh mệnh của mỗi tầng thứ đều phải phù hợp với yêu cầu về tâm tính của sinh mệnh ở tầng thứ đó. Vì vậy, để sinh mệnh ở tầng thứ thấp thăng hoa và quay trở về tầng thứ cao thì cần phải thay đổi mức độ tâm tính của bản thân, làm cho tâm của mình lần nữa trở nên tốt đẹp như trước.

Nói lúc đầu thì tốt mà bây giờ thì không tốt nữa, cần phải tu để quay trở về, vậy thì cần phải có một định nghĩa về tiêu chuẩn của “tốt đẹp”. Các pháp môn tu luyện khác nhau sẽ có những tiêu chuẩn nhấn mạnh riêng, ví như tu luyện Đạo giáo nhấn mạnh tu “Chân”, tu luyện Phật giáo nhấn mạnh tu “Thiện”. Cho đến nay, môn tu luyện tốt nhất mà chúng ta biết là “Chân, Thiện, Nhẫn” đồng tu, bởi vì như thế là bao hàm tất cả các môn tu luyện chính đạo của nhân loại ngày nay mà chúng ta biết.

Căn cứ vào nhận thức trên, chúng ta có thể mở rộng nội hàm của tu luyện đến mức độ rộng nhất, phổ quát nhất và dễ thực hành nhất: Tất cả mọi hành vi đều phải hữu ý chiểu theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” để tu tâm, để đề cao tâm tính thì đều là tu luyện. Hiểu tu luyện như vậy mới thực sự làm được “trực chỉ nhân tâm”, trực tiếp nhắm thẳng đến bản chất của tu luyện: Tu tâm.

Những thay đổi về thân và tâm trong quá trình tu luyện

Những thay đổi trong tâm của người tu luyện do tu luyện tạo ra là những cải biến rõ ràng nhất, có lực chấn động nhất. Người được hưởng lợi lớn nhất từ sự cải biến này chính là bản thân người tu luyện và người thân, bạn bè liên quan xung quanh. Nhưng với người ngoài không liên quan thì rất khó cảm nhận được, cũng không dễ dàng tin tưởng và chấp nhận. Vì vậy chúng tôi chú trọng bàn về những thay đổi có tính khách quan hơn của cơ thể, nó cũng là điều liên quan mật thiết hơn với bài viết này.

Những cải biến trên cơ thể của người tu luyện do tu luyện tạo ra có một số biểu hiện là của công năng, một số biểu hiện là của khí chất. Một số ví dụ về công năng: Không bị chết đuối trong nước (ngâm lâu dưới nước mà không lên khỏi mặt nước), không bị nóng trong lửa (đi chân trần trên than nóng không tổn thương chân), không bị lạnh trong tuyết (mặc quần áo mỏng ngồi dưới trời đầy băng tuyết mà nhiệt độ cơ thể không giảm), tịch cốc không ăn uống (thời gian từ vài ngày đến một số năm không ăn uống) v.v. Một số ví dụ về khí chất: Nhiều tăng nhân Phật giáo sau khi chết hỏa táng có xá lợi tử, một số người tu luyện sau khi chết thi thể không bị phân hủy, thậm chí toàn bộ cơ thể của họ biến thành ngọc; nhiều Lạt ma Tây Tạng trước khi qua đời đã thực hiện hồng hóa (biến thành cầu vồng) trước công chúng (cơ thể của họ phát ra ánh sáng màu cực mạnh, đồng thời ngày càng nhỏ hơn cho đến khi biến mất). Những hiện tượng này đều có những ghi chép và công bố trong lịch sử và thời hiện đại, thậm chí một số còn được báo chí chính thức đưa tin.

Điều đáng ngạc nhiên nhất và liên quan nhất với bài viết này là công năng đặc dị nhờ tu luyện mà có: Thị giác siêu thường (cách tường khán vật, thấu thị nhân thể, nhìn vật biết người), phi nhãn thị giác (tay sờ, tai nghe được những thông tin văn bản đã được gấp lại, niêm phong, thậm chí cả thông tin còn sót lại), v.v. Đây là những khả năng mà những người chân tu trong Phật giáo và Đạo giáo thường có được. Trong số đó “phi nhãn thị giác” chính là hiện tượng “lục căn hỗ dụng” (sáu căn dùng lẫn cho nhau) thường được nói đến trong Phật giáo. Những hiện tượng này không chỉ được ghi chép, công bố trong lịch sử và thời hiện đại mà còn liên tục có một số lượng đáng kể các nhà nghiên cứu khoa học đã tiến hành thực nghiệm và nghiên cứu. Những cuốn sách được viết dựa trên các tư liệu đã được giải mã cho thấy thành quả của những nghiên cứu này đã được một số bộ phận ngành quân sự và đặc công sử dụng.

Điều đáng chỉ ra là có một số người có công năng đặc dị dường như chưa trải qua tu luyện, công năng đặc dị của họ dường như là bẩm sinh hoặc tự nhiên sinh ra. Nhưng căn cứ vào sự thật mà người tu luyện đã biết, không có sự khác biệt cơ bản giữa “bẩm sinh” và “tu được ở kiếp này”, chúng chẳng qua là thứ có được ở những giai đoạn khác nhau trong hành trình dài của sinh mệnh mà thôi. Ngoài ra còn có tình huống “có được một lần”, chẳng hạn như sư phụ của Biển Thước – Trường Tang Quân đã đưa cho ông ta một loại thuốc giúp ông có công năng thấu thị nhân thể. Bản thân hiện tượng này thuộc về phạm trù tu luyện, vậy nên khi nói về những công năng đặc dị liên quan đến Trung y, chúng tôi không đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn gốc của chúng. Hơn nữa, việc thừa nhận những công năng đặc dị bẩm sinh hoặc tự phát và “có được một lần”, bản thân điều này chính là thừa nhận nội hàm tu luyện của nó, bởi vì tất cả những hiện tượng này đều là kiến thức phổ biến trong nội bộ giới tu luyện hoặc là thể ngộ tu luyện của những người tu luyện ở các tầng thứ khác nhau.

2. Nguồn gốc của Trung y và tu luyện

Tính siêu dị về nguồn gốc của Trung y

Sự ra đời và phát triển của Trung y khác xa với những gì các “học giả” hiện đại suy đoán: Trong quá trình tìm kiếm thực phẩm, con người cổ đại dần dần biết đến một số loại thuốc và chức năng chữa bệnh chính của chúng, dần dần phát triển lý thuyết y học và tích lũy kinh nghiệm lâm sàng, hiệu quả điều trị bệnh cũng ngày càng tốt hơn. Trung y lúc đầu đều là những người tu luyện hoặc những người có công năng đặc dị mới được thực hiện và không cần bất kỳ loại thuốc hay phẫu thuật nào. Ví dụ Miêu Phụ thời viễn cổ (ít nhất là trước thời Hoàng Đế), ông chỉ dùng một con chó bằng rơm và miệng niệm mười chữ, là có thể trị bệnh hiệu quả cho mọi người. Ngay cả Quảng Thành Tử, Kỳ Bá và bản thân Hoàng Đế trong thời đại Hoàng Đế, tất cả họ đều là những người tu luyện mà ai ai cũng biết. Trong số đó, câu chuyện về Hoàng Đế sinh ra với năng lực siêu nhiên và sau đó giác ngộ thành đạo mà rời đi được truyền tụng rộng rãi trong lịch sử Trung Quốc. Tất nhiên, họ đồng thời cũng là những nhân vật chủ chốt trong việc truyền cấp những kiến thức y dược Trung Quốc cho nhân loại.

Sau này Trung y dần dần được chuyển hóa sang người thường, kinh nghiệm và lý thuyết được tổng kết và tích lũy ngày càng nhiều, khiến cho những người không tu luyện và những người không có công năng đặc dị cũng có thể học và chữa bệnh, ít nhất đó là việc sau khi bộ “Hoàng Đế Nội Kinh” ra đời. Việc tiến hành tăng tốc quá trình thường nhân hóa và phổ biến trên diện rộng Trung y rõ ràng là do sự tác động của cuốn sách “Thương hàn tạp bệnh luận” của Trương Trọng Cảnh, ra đời vào khoảng năm 200.

Tính siêu dị của các phương pháp chẩn đoán của Trung y

Các phương pháp chẩn đoán của Trung y thuở ban sơ đều là dựa vào năng lực nhận biết đặc biệt, trực tiếp nhìn thấy vị trí của “bệnh” trong cơ thể con người, thậm chí nhìn thấy được nguyên nhân cơ bản nhất của bệnh tật – căn nguyên của nghiệp lực. Khả năng nhận biết đặc biệt này có một số là bẩm sinh hoặc tự phát, có một số là thông qua tu luyện mà đạt được, còn có một số là do gặp “dị nhân” mà “đạt được duy nhất một lần”.

Nổi tiếng nhất trong lịch sử là việc Biển Thước uống một loại thuốc do sư phụ Trường Tang Quân ban cho, từ đó có công năng thấu thị nhân thể, trở thành một trong những thầy thuốc nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong lịch sử có rất nhiều ghi chép về khả năng chữa bệnh là do bẩm sinh mà có hoặc tự phát xuất hiện. Chẳng hạn như Hạnh Linh “kỳ nhân” của nhà Tấn là một ví dụ được ghi chép trong chính sử. Trong cao trào khí công ở Trung Quốc vào khoảng những năm 1970 của thế kỷ trước, tác giả biết có một số “kỳ nhân” tương tự, họ chưa từng được đào tạo về y học hay thậm chí không có trình độ học vấn, nhưng lại có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân. Còn với những người thông qua tu luyện mà trở thành thầy thuốc nổi tiếng, thì trong lịch sử Trung y đâu đâu cũng có, và nhiều bước phát triển to lớn và có tính thực chất trong lịch sử Trung y đều do những người này tạo ra. Những người nổi tiếng nhất như Thần Nông, Hoàng Đế, Kỳ Bá, Biển Thước, Hoa Đà, Cát Hồng, Đào Hồng Cảnh, Tôn Tư Mạc, v.v.

Điều đặc biệt đáng nói đến là mức độ lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu và hình thức biểu hiện của năng lực siêu thường của mỗi người là khác nhau, có sự sai biệt về tầng thứ khác nhau. Lấy chức năng thấu thị nhân thể làm ví dụ, có một số người nhìn thấy ổ bệnh của người bệnh là khí huyết ứ đọng, phù thũng và biến dạng; có một số người nhìn thấy là một đám khí đen, khí ấy càng đen đặc thì bệnh càng nặng; một số người có thể nhận thấy sự biến dạng bất thường ở vùng nhiễm bệnh thực chất là một con động vật nhỏ nằm ở đó; người ở tầng thứ cao hơn, thì có thể lần theo dấu vết lịch sử sinh mệnh kiếp trước của con động vật này, trực tiếp nhìn thấy nghiệp báo nhân duyên giữa nó và bệnh nhân. Khi Ngụy Văn Hầu hỏi Biển Thước rằng trong ba anh em ai làm thầy thuốc giỏi nhất, Biển Thước trả lời rằng đó là anh cả của ông bởi vì “anh cả coi bệnh như Thần, trị bệnh khi chưa có biểu hiện bệnh”. Nói cách khác, khi “bệnh” chưa hình thành được hình ảnh độc lập của riêng nó, thì anh ấy đã có thể nhìn thấy và trừ bỏ nó.

Lý thuyết của Trung y là thể hiện cụ thể của lý thuyết tu luyện

Bất cứ ai có một chút kiến thức thông thường về Trung y hoặc Đạo gia đều sẽ giữ lại ấn tượng sâu sắc bởi mối tương quan chặt chẽ giữa lý thuyết Trung y và lý thuyết tu luyện Đạo gia. Lý thuyết cơ bản của Trung y, nói một cách đơn giản, chính là sự thể hiện cụ thể của lý thuyết tu luyện của Đạo gia về các phương diện như nhân thể, sinh mệnh, sức khỏe và bệnh tật.

Tất nhiên tác phẩm kinh điển có uy tín nhất trong các sách Trung y cổ hiện còn tồn tại chính là bộ sách “Hoàng đế nội kinh”. Chương đầu tiên nói rõ tôn chỉ của “Hoàng đế nội kinh” là nói về “Đạo”, “tu luyện” và những cảnh giới khác nhau mà người tu luyện có thể đạt được. “Về đời thượng cổ, những người biết Đạo, bắt chước ở âm dương; điều hòa với thuật số, ăn uống có mực, khởi cư có thường, không làm quá sức, cho nên giữ được cả hình hài và tinh thần, sống trọn số trời”. Điều này có nghĩa là con người thời xưa cách Đạo không xa, đều biết “Đạo”, tôn trọng “Đạo”, tuân theo “Đạo”, nên thể xác và tinh thần được bảo tồn, không bị bệnh tật, không chết trẻ và họ có thể sống trọn tuổi trời. Ngoài ra “lời dạy của thánh nhân thời thượng cổ” còn cho con người biết đạo lý “điềm đạm hư vô, chân khí thuận theo, tinh thần bền vững, bệnh còn do đâu mà sinh ra được”, đòi hỏi con người “chí nhàn mà ít dục, tâm yên mà không sợ”, “không vì địa vị cao thấp mà hâm mộ hay đố kỵ”, cuối cùng phải đạt đến trạng thái “những điều ham muốn không làm mỏi mắt họ, những điều tà dâm không thể làm bận tâm họ”, như thế chính là “hợp với Đạo”. Những gì được đàm luận ở đây đều là những phương pháp tu luyện rất cụ thể. “Người tu Đạo, có thể không già và giữ vẹn được thân hình”, Đạo có thể ngăn ngừa sự lão hóa và giữ vững hình dáng mãi mãi. “Đời thượng cổ có chân nhân có thể xoay chuyển được trời đất, hiểu rõ âm dương, thở hút tinh khí, giữ vững hình thần, da thịt không lúc nào thay đổi, nên mới có thể sống cùng trời đất, tới mãi vô cùng tận”. Nghĩa là loại người tu luyện đạt đến mức tốt nhất mới có thể tu thành “chân nhân”, khiến cho sinh mệnh của họ không có tột cùng. “Về đời trung cổ, có bậc chí nhân, sửa đức hợp Đạo, hòa với âm dương, thuận với bốn mùa, xa đời lánh tục, chứa tinh, vẹn thần, rong chơi trong khoảng trời đất, xa trông ra ngoài tám cõi, đó là bởi biết giữ gìn tu luyện, nên mới được mạnh mẽ và sống lâu, bậc này rồi cũng được như chân nhân”. Bậc “chí nhân” này mặc dù kém hơn “chân nhân” một chút, nhưng vì họ có thể thông qua tu luyện mà gia tăng thọ mệnh của mình, vẫn có hy vọng tu thành chân nhân, nên chúng ta vẫn xếp họ vào loại chân nhân; “thánh nhân” và “hiền nhân” được nhắc đến ở sau thì khác nhau khá nhiều. Bởi vì phương pháp tu luyện của họ đã tương đối gần với phương pháp của người thường rồi, nên thọ mệnh của họ không thể tăng lên vô hạn được.

“Âm dương” là cốt lõi trong lý thuyết tu luyện của Đạo gia, cũng là nền tảng của mọi lý thuyết của Trung y. “Âm dương là đạo của trời đất, là kỷ cương của muôn vật, là cha mẹ của sự biến hóa, là gốc ngọn của sự sinh sát, là cái kho chứa của sự Thần minh”. Đạo của trời và đất được thể hiện thông qua âm và dương nên trong lý thuyết của Trung y bất kể việc chẩn đoán hay phân tích để trị liệu đều không thể tách rời âm dương. “Âm bình dương bí tinh thần sẽ trị, âm dương ly biệt tinh khí sẽ tuyệt”. Như vậy toàn bộ quá trình điều trị của Trung y có thể được khái quát cao độ một cách cực kỳ ngắn gọn là “cân bằng âm dương” và “điều chỉnh âm dương”. Còn những khái niệm quan trọng khác trong lý thuyết Trung y như hàn nhiệt (lạnh và nóng), biểu lý (ngoài và trong), hư thực (thiếu và thừa) đều có thể biểu đạt bằng lý thuyết và ngôn ngữ âm dương.

“Ngũ hành” cũng là một khái niệm cơ bản trong lý thuyết tu luyện của Đạo gia, chuyên dùng để mô tả các mối quan hệ phức tạp và các trạng thái biến hóa của sự hỗ trợ nhau phát triển và chế ước lẫn nhau giữa vạn vật trong trời đất. Trong lý thuyết của Trung y, “ngũ hành” cũng là một khái niệm cơ bản không thể thiếu. Thông qua việc vạn vật trong trời đất đều có thể quy về ngũ hành, đây là một sự thực, trong lý thuyết Trung y đã tự nhiên tạo ra một bộ lý thuyết về sự ảnh hưởng qua lại giữa con người và môi trường tự nhiên, trong đó bao gồm các cấu trúc lý thuyết phức tạp như “ngũ vận lục khí”. Việc mô tả và phân tích các mối quan hệ qua lại giữa lục phủ ngũ tạng và “sinh, khắc, thừa, vũ” trong quá trình lây truyền và biến đổi của bệnh tật, thậm chí cả những nguyên tắc điều trị rất cụ thể như “hư tắc bổ kỳ mẫu, thực tắc tả kỳ tử” (hư thì bổ mẹ, thực thì tả con) cũng đều đến từ những ứng dụng cụ thể của “Ngũ hành”.

Tính siêu dị của dược vật học Trung y

Tác phẩm cổ điển về dược vật học sớm nhất của Trung y là “Thần Nông Bản Thảo Kinh”, trong đó ghi lại 365 vị thuốc Trung dược. Nhưng các vị thuốc này không phải như người hiện đại tưởng tượng, mà là chúng được tích lũy, tổng kết từng chút một từ trong thực tiễn cuộc sống, lao động của đông đảo người dân, rồi mới lần lượt được các thầy thuốc biên soạn ra. Thậm chí cũng không giống như những gì được nói đến trong một số truyền thuyết, rằng “Thần Nông đã nếm hàng trăm loại thảo mộc” và đã “nếm” từng loại một.

Câu nói “Thần Nông nếm hàng trăm loài thảo mộc” tìm thấy trong sách “Hoài Nam Tử”, trong đó có ghi chép rằng “Thần Nông nếm mùi vị của hàng trăm loài thảo mộc, xem xét vị ngọt đắng của suối nguồn để người dân biết nơi nào cần tránh đến gần, khi đó trong một ngày ông đã gặp phải 70 loại độc”; nhưng hoàn toàn không đề cập đến chuyện Thần Nông lấy việc “nếm trăm loại thảo mộc” để xác định công hiệu chủ trị của các vị thuốc. Sau thời nhà Hán, một số thầy thuốc hảo tâm, gồm có Hoàng Phủ Mật đời nhà Tấn, Tư Mã Chân đời nhà Đường và Mão Lâm đời nhà Thanh, đã dựa trên đoạn văn này và sự tưởng tượng và hiểu biết mà bản thân có thể chấp nhận được, đã suy luận đoạn văn này thành “Thần Nông nếm trăm loài thảo mộc, rồi mới có thuốc”, kết quả đã gây thêm nhiều phiền phức khiến cho ngay cả người hiện đại đều không tin cách nói đầy hàm súc thực tiễn “Thần Nông đã nếm hàng trăm loại thảo mộc”, cứ cho rằng đó là “mượn danh người khác”.

Tuy nhiên những gì chúng ta nhận được từ các chú giải bổ sung của “Hán Thư” lại hoàn toàn là nhận thức ngược lại: Sở dĩ Thần Nông có thể biết được tác dụng chữa bệnh chính của các loại thuốc là vì ông đã cầm một cái “roi đỏ” du hành khắp “Ngũ nhạc tứ tú” (năm núi bốn sông), phàm là thảo dược mọc lên từ đất, ông đều dùng roi để hỏi từng loại và “biết được tác dụng chữa bệnh của chúng”.

Trước hết, chú giải bổ sung này không mâu thuẫn với “Hoài Nam Tử” mà chỉ là bổ sung cho nó; thứ hai, nó đi ngược lại với ý kiến của các đại y học gia như Hoàng Phủ Mật cũng như các nhân vật lịch sử nổi tiếng khác, chúng tôi cho rằng điều đó tuyệt đối không phải là không có căn cứ, bởi vì nó chẳng khác nào tự chuốc thêm phiền phức. Thứ ba, cách nói “nếm trăm loài thảo mộc” để xác định tác dụng trị bệnh chủ yếu của vị thuốc, nếu suy nghĩ một cách kỹ càng thì kỳ thực là đi ngược lại logic: Trong “Thần Nông bản thảo kinh” và rất nhiều sách nghiên cứu dược liệu sau đó đều có liên quan đến mối quan hệ tương ứng giữa tác dụng chữa bệnh chủ yếu của các vị thuốc với khí và vị (như vị đắng nhập tâm có tác dụng thanh nhiệt), đó là quy luật rút ra được sau khi biết tác dụng chính của nhiều loại thuốc, sau đó tiến hành tổng hợp, sắp xếp và so sánh. Phạm vi của tứ khí và ngũ vị của một loại thuốc nhỏ hơn nhiều so với phạm vi công dụng chữa bệnh chính của loại thuốc đó. Từ các phạm trù lớn tổng kết ra quy luật nào đó và tạo thành các phạm trù nhỏ, đó là điều hợp lý và có thể; nhưng ngược lại, việc xác định một số lượng lớn các tác dụng trị bệnh chính của các vị thuốc khác nhau chỉ từ một vài đặc tính thì đó là điều hoàn toàn trái ngược với logic.

Dựa vào những cân nhắc ở trên, cùng với việc Thần Nông là một người tu luyện nổi tiếng và có những thần tích khác, chúng tôi cho rằng những ghi chép trong ghi chú bổ sung của “Hán Thư” đáng tin cậy hơn nhiều so với các ý kiến khác. Về việc nói thảo mộc có tư duy và có thể giao lưu với con người, đây cũng là sự thật đã được chứng thực trong các ghi chép lịch sử và nghiên cứu khoa học hiện đại.

Bản thân việc chú trọng đến y đức chính là tu luyện

Tôn Tư Mạc, thầy thuốc trứ danh thời nhà Đường, ông cũng là một người tu Đạo nổi tiếng, được hậu thế gọi là Tôn Chân Nhân. Từ sau khi cuốn sách “Đại y tinh thành” ra đời, các thế hệ thầy thuốc sau này đã coi đó là tấm gương cho nghề y. Kỳ thực muốn đạt được những tiêu chuẩn đề ra trong cuốn “Đại y tinh thành” quả thực là điều rất khó, bởi vì thực tế nó đòi hỏi người thầy thuốc đồng thời phải là người tu tâm, để tâm tính mình có thể đạt và duy trì ở trình độ rất cao.

Chữ “Tinh” trong “Đại y tinh thành” là chỉ y thuật, còn chữ “thành” là chỉ y đức, yêu cầu đối với cả hai phương diện đều rất cao. “Phàm một vị đại y chữa bệnh thì phải an định thần chí, không ham muốn, không mong cầu, trước hết phát tâm trắc ẩn đại từ bi, thề nguyện độ khắp các linh hồn đang đau khổ”. Yêu cầu này chính là tâm phải chính, nếu thực hiện đầy đủ đã là rất khó rồi. Khi một người tự biết rằng mình chưa đạt được yêu cầu này nhưng cố gắng đạt được nó trong thực hành chữa bệnh thì đó đã là một quá trình tu luyện. Không chỉ như thế, chúng ta nên đối xử với đau đớn của người bệnh và gia đình họ như đau đớn của chính mình, không trốn tránh khó khăn nguy hiểm, ngày đêm, nóng lạnh, đói khát, mệt mỏi v.v., đều phải “hết lòng cứu chữa”. Điều này không chỉ đòi hỏi phải mài giũa tâm trí mà còn phải mài giũa cơ thể. Đối với những bệnh nhân bị lở loét, tiêu chảy, cơ thể có mùi hôi thì không được phản cảm mà nên có tấm lòng cảm thông. “Sát sinh cầu sinh, khứ sinh cánh viễn” (nghĩa là: Sát hại sinh mệnh của súc vật để bảo toàn sinh mệnh của con người, như thế, sẽ càng rời xa đạo nghĩa sống), Tôn Tư Mạc phản đối việc sát sinh bởi vì ông biết hậu quả nghiêm trọng của nó. Không những không được truy cầu danh lợi, mà cũng không được “tự khoe công đức” và “khoe khoang danh tiếng”. Tóm lại, muốn đạt được tiêu chuẩn “đại y” (thầy thuốc vĩ đại) này của Tôn Tư Mạc, không có phương pháp nào khác ngoại trừ việc thực sự tu tâm và ma luyện.

Phàm là người thầy thuốc chữa bệnh phải có đầy đủ phẩm đức và y thuật, phải an định thần chí, không ham muốn, không mong cầu (vô cầu vô dục), trước tiên phải tỏ lòng từ bi đồng cảm, quyết tâm cứu khổ cho nhân loại.

3. Sự ra đời và phát triển của Trung y

Mục đích của người truyền nghề y và người học nghề y là khác nhau

Như đã đề cập trước đó, sự ra đời của Trung y đến từ những người tu luyện và những người đắc đạo. Người thời xưa tôn trọng Đạo và tuân theo Đạo nên cơ thể sẽ không bị bệnh. Đến khi nhiều người mắc bệnh, thì họ đã rời xa Đạo rồi. Người tu luyện xuất tâm từ bi vì con người mà tạm thời giải trừ đau đớn của họ là điều có thể, nhưng người tu luyện sẽ không thể chỉ vì để bệnh nhân có được sự thoải mái mà làm những việc như thế, bởi vì điều này sẽ trái ngược với pháp lý của vũ trụ, tức là: sinh mệnh có thể gây ra nợ nghiệp mà không phải trả. Mọi điều sinh mệnh ở tầng thứ cao làm với con người chỉ có một mục đích: để họ trở về nơi tốt đẹp ban đầu của họ.

Vì vậy, mục đích của các sinh mệnh cao cấp truyền lại Trung y không phải là làm cho con người sống thoải mái, mà là làm mọi cách có thể để bảo lưu một con đường sau này cho con người bước vào tu luyện, để những sinh mệnh ở tầng thứ thấp tương lai có cơ hội quay trở về. Thần Nông nói: “Nếu bách bệnh không khỏi thì sao có thể trường sinh được?” Sau khi khỏi bệnh thì có thể tiến một bước hướng tới các mục tiêu tiến đến tầng thứ cao như “trường sinh” trong tu luyện. Trong cuốn sách nổi tiếng “Bào Phác tử” của mình, Cát Hồng đã ghi lại nhiều bài thuốc phân biệt ra cho phù hợp với người bình thường và người tu luyện ở tầng thứ thấp, dụng ý của ông cũng là làm cầu nối cho những người muốn tu luyện. Trong một số phương pháp tu luyện của Đạo gia, giai đoạn thanh lọc cơ thể ở tầng thứ thấp sẽ được thực hiện bằng dùng một số loại thuốc. Kỳ thực, sự xuất hiện của “Thần Nông bản thảo kinh” cũng chủ yếu là phục vụ người tu luyện: 365 vị thuốc trong cuốn sách đó được phân thành ba phẩm cấp thượng, trung, hạ, phần lớn loại thượng phẩm của nó là “dùng lâu dài sẽ khiến thân nhẹ nhàng, tuổi thọ kéo dài”, “dùng lâu dài sẽ không đói”, thậm chí những vị thuốc siêu thường có thể làm người ta bay lên trời, nhưng con người sau này càng ngày càng không tin vào chuyện tu luyện, nên nhiều vị thuốc loại thượng phẩm ngược lại chẳng có ai để ý đến nữa.

Con người mê ở chốn trần thế mịt mù, những thứ mà họ truy cầu thường phải đi một chặng đường rất xa, một lòng chỉ nghĩ đến việc bản thân thoải mái, hưởng lạc ra sao. Khi ngày càng có nhiều người như thế này, họ sẽ ảnh hưởng ngược lại đến các thầy thuốc, khiến họ đi chệch khỏi ước nguyện ban đầu của một sinh mệnh cao cấp là “tâm cứu người” và giúp họ quay trở về, mà chỉ làm việc “chữa bệnh cho cơ thể người”, giúp họ hưởng lạc.

Triển vọng của tương lai

Sự bại hoại của vạn vật trên thế gian đều là kết quả của nhân tâm bại hoại. Muốn xoay chuyển, quy chính sự vật bại hoại, phải bắt đầu từ việc xoay chuyển và quy chính nhân tâm. Vì vậy, khi nhân tâm bắt đầu hồi thăng cũng chính là lúc phải loại bỏ bại hoại.

Con người trong tương lai có tâm tính cao hơn và có thể đều là người tốt tin tưởng vào Chân-Thiện-Nhẫn, nên con người trong tương lai có thể không có bệnh hoặc ít bệnh, cũng giống như con người thời thượng cổ lúc họ còn tôn kính Đạo, tin tưởng Đạo và tuân theo Đạo. Ngay cả khi mắc bệnh, họ cũng không nhất thiết chữa trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, bởi vì việc cải biến tâm của một người có thể cải biến tình trạng cơ thể của người đó. Khi con người có thể nắm giữ được tâm của mình thì họ cũng sẽ có thể nắm giữ được cơ thể của chính mình, lúc đó có lẽ ngay cả khái niệm y học cũng không có nữa, chỉ mong là như thế!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/58778



Ngày đăng: 01-03-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.