Thần tích Trung y cổ đại: Ngón tay bị đứt có thể nối lại được



Tác giả: Đức Huệ

[ChanhKien.org]

Giang Uý, người huyện Hoàng Bi sống vào thời Minh, từng làm công việc áp tải tiền đến Bắc Kinh. Khi đi đến Chân Định (nay thuộc huyện Chính Định, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc) thì gặp phải bọn đạo tặc đến cướp của, Giang Uý đã giao đấu với chúng và bị chặt mất hai ngón tay. Khi ông đến được Bắc Kinh thì đã năm ngày trôi qua. Chỗ ngón tay bị đứt đau đớn không chịu nổi, vì vậy ông đã phải đi tìm thầy thuốc ở Bắc Kinh để chữa bệnh, chỉ mong có thể giảm bớt cơn đau là được rồi. Một vị thầy thuốc dưới quyền của Cừu tổng binh ở Bắc Kinh khi nghe qua việc này đã nói với Giang Uý rằng: “Tôi có thể nối lại ngón tay bị đứt cho ông”. May thay các ngón tay bị đứt của Giang Uý lúc ấy đã được nhặt lại. Sau khi nhìn thấy các ngón tay bị đứt vị thầy thuốc liền nối chúng vào chỗ miệng vết thương, bôi từng lớp một thuốc mỡ lên rồi cố định vết thương bằng một chiếc kẹp bản mỏng và bảo Giang Uý không được để miệng vết thương động vào nước trong vòng 21 ngày.

Giang Uý cẩn trọng làm theo lời dặn dò của thầy thuốc, đến ngày hạn định thì gỡ miếng kẹp cố định ra và lau hết thuốc mỡ, ông phát hiện các ngón tay vốn bị đứt lìa đã hoạt động trở lại, bất kể hình dáng bên ngoài, các cử động gập, duỗi cũng như cảm giác khác đều giống như trước, chỉ là ở chỗ miệng vết thương có một vạch đỏ. Để cảm tạ vị thần y, Giang Uý đã dâng tặng cho ông ấy tất cả số tiền mà Giang Uý có, tổng cộng là ba mươi lượng bạc. Đây là điều mà Lưu Tử Tài, một vị Vạn hộ (tên một chức quan) ở Hồ Bắc đã nói với tác giả cuốn Nhĩ Đàm, Lưu Tử Tài còn đề cập rằng các dược liệu trong đơn thuốc mà vị thần y đã kê có băng phiến, mã não, bột ngà voi và giáng hương v.v…

Tây y hiện đại ngày nay cũng có thể nối lại được các ngón tay bị đứt, nhưng yêu cầu là thời gian [tính từ lúc] ngón tay bị đứt [đến khi được phẫu thuật nối lại] phải càng ngắn càng tốt và phần ngón tay bị đứt ra phải được bảo quản lạnh, nếu không sẽ bị hoại tử, không thể nối được nữa, hơn nữa quá trình nối chi đòi hỏi phải thực hiện phẫu thuật vi phẫu và tiên lượng cho cuộc phẫu thuật không hẳn là tốt. Còn vị thần y trong câu chuyện thì chỉ cố định các ngón tay bị đứt [vào bàn tay] và bôi thuốc mỡ, nhưng hiệu quả đạt được lại tốt hơn so với Tây y hiện đại. Có thể thấy rằng Trung Quốc thời cổ đại đã từng có những phương thức phát triển khoa học khác, có thể đạt được những hiệu quả mà khoa học hiện đại không thể nào đạt được. Khoa học hiện đại của phương Tây không phải là con đường khoa học duy nhất, càng không phải là tiêu chuẩn đánh giá sự vật duy nhất.

Nguồn tư liệu: Theo sách Nhĩ Đàm thời Minh

Nguyên văn: Giang Uý, người Hoàng Bi. Giải tiền về kinh, đến Chân Định thì gặp cướp, bị chặt mất hai ngón tay. Năm ngày sau khi đến kinh đô, mời thầy thuốc, nhưng chỉ cầu giảm đau. Có vị thầy thuốc dưới quyền Cừu tổng binh nói: Ta có thể nối [các ngón tay] lại được. May thay các ngón tay bị đứt đã được người khác nhặt lại, liền nối chúng lại. Bôi thuốc mỡ từng lớp, rồi dùng kẹp bản mỏng cố định lại, hạn chế không được động vào nước trong ba bảy hai mốt ngày. Đến thời hạn kết quả là ngón tay hoạt động lại như trước, chỉ có một lằn đỏ [ở chỗ miệng nối]. Kính tặng 30 lượng vàng để báo đáp. Sở vạn hộ Lưu tử tài kể lại chuyện này. Lại nói phương thuốc gồm có các loại dược liệu như băng phiến, mã não, bột ngà voi, giáng hương v.v…

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/277354



Ngày đăng: 03-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.