Y Sơn dạ thoại (21): Y Đức – Phần 1: Bảo mật thông tin và nghĩ cho người khác



Tác giả: Ngọc Lâm / Lục Đạo Tử

[ChanhKien.org]

Trong bài hôm nay chúng ta sẽ nói về chủ đề “y đức”.

“Tàu vạn tấn chìm do ‘khe hở’ trên miệng”, nghĩa là một câu nói mà ai đó vô tình buột miệng nói ra có thể gây ra tổn thất không thể vãn hồi.

Người thầy thuốc chỉ với y đạo tinh thâm để trị bệnh cho người thì vẫn chưa đủ, còn cần phải biết người, biết tính, biết bệnh, biết tâm. Đôi khi chỉ một “sơ suất nhỏ” trong đối nhân xử thế cũng có thể tạo thành sai lầm lớn.

Tại các phòng khám, không hiếm những sự cố không bảo mật thông tin khiến bệnh nhân oán hận.

Một lần, hai y tá vừa xem hồ sơ bệnh án vừa trò chuyện, có bệnh nhân ngồi bên cạnh nghe hết toàn bộ câu chuyện. Các y tá nói: “Cô ấy luôn muốn có thai và đã thử nhiều lần, nhưng người chồng giấu cô đi thắt ống tinh, thật đáng thương! Tại sao vợ chồng cô ấy không bàn với nhau, làm sao chúng ta có thể mở miệng nói với cô ấy được! … ” Nghe xong câu nói ấy, chúng ta có thể đoán được kết quả, bệnh nhân sau đó trở về nhà, gặng hỏi chồng thì phát hiện đó là sự thật, thế là một cuộc cãi vã nổi lên. Hậu quả là khiến cho trong nhà hầu như không còn một chiếc bình thủy tinh hay gốm sứ nào nguyên vẹn…

Lại có một lần khác:

Bác sĩ viết bệnh án nửa chừng thì có điện thoại gọi đi, liền để nguyên bệnh án ấy trên bàn. Đúng lúc đó, có một bệnh nhân đi tìm nước uống, vì nhầm cửa nên đã lao thẳng vào phòng làm việc của bác sĩ, vô tình liếc thấy hồ sơ bệnh án để trên bàn: Bệnh nhân AIDS XXX …. Hồ sơ đó là bệnh án của chồng đồng nghiệp của cô ấy, ngày thường khi gặp đồng nghiệp đó thấy khó chịu, tốt rồi, lần này thì hay rồi, tin này sẽ truyền khắp công ty…

Còn có chuyện ly kỳ hơn nữa:

John và Nancy đã đính hôn. Một ngày nọ, Nancy về nhà và nhìn thấy một bức thư từ một công ty dược gửi đến, Nancy vô tình mở bức thư ra và thấy nó có nội dung:

“John thân mến, được biết rằng cách đây 5 năm bạn không may mắc phải căn bệnh ‘giang mai’. Chúng tôi đã tốn rất nhiều công sức nghiên cứu để chữa trị tận gốc căn bệnh này, gần đây chúng tôi đã cho ra một loại thuốc mới. Bạn đã may mắn được lựa chọn là một trong những người thử nghiệm loại thuốc mới này. Chúng tôi báo cho bạn biết một tin vui là thuốc mới này hoàn toàn miễn phí …”

Nancy xem xong bức thư vô cùng tức giận, ngay lập tức dọn hết đồ đạc của mình chuyển đi, chỉ để lại một lời nhắn cho John. Khi John về đến nhà, thấy đồ đạc trong phòng vương vãi ngổn ngang, trên bàn là bức thư của công ty dược và lời nhắn của Nancy: “Hãy mang anh cùng hôn lễ xuống địa ngục đi!”. Đầu óc John mù mịt rối bời, không biết làm sao mà lá thư này được gửi cho anh, mình đâu có tiền sử bệnh này, tên và địa chỉ trên bì thư đều không sai, nhìn kỹ phong bì thì phát hiện phần họ của John thiếu một chữ cái. Đến đây, John mới phát hiện rằng, cái ông John “may mắn” kia đã chuyển đi cách đây không lâu, hai người trùng tên với nhau, nhưng họ của anh ta lại bớt đi một chữ cái, công ty dược không biết thông tin đó, thế là khiến John này phải giơ đầu chịu oan. Cuối cùng thì sự việc cũng được làm sáng tỏ, nhưng John và Nancy đã vì thế mà chia tay nhau.

Ở phòng khám, thường có những nhóm bệnh nhân khác nhau, họ có thể là giáo viên cùng trường hoặc vận động viên cùng đội bóng, họ biết nhau, nhưng không bao giờ trao đổi với nhau thông tin về tình trạng sức khỏe của mình. Cũng luôn có những người ngồi lê đôi mách muốn hóng chuyện về chỗ hay chỗ dở của người khác, họ tìm trăm phương nghìn kế, vòng vo để biết chuyện đời tư của người khác, nhằm thỏa mãn tâm hiếu kỳ phức tạp không diễn tả được này của họ. Nếu người thầy thuốc không chú ý, thì có thể vì một lúc không giữ mồm miệng mà có thể sẽ khiến người khác thù oán nhau.

Một ngày nọ, có một bệnh nhân ngồi ở phòng chờ thì nhìn thấy đồng nghiệp của cô ấy vừa bước ra khỏi phòng khám của tôi, liền hỏi tôi: “Cô ấy trông khỏe hơn trước, cô ấy đến đây làm gì thế?” Tôi biết cô ấy muốn hỏi dò tin tức, nên nói một cách tế nhị: “Thử đặt mình vào vị trí người khác xem, lẽ nào chị lại bằng lòng cho bác sĩ thảo luận về tình trạng sức khỏe của mình với một người không thể trị bệnh cho chị?”

Những bệnh nhân đến khám chữa bệnh lần đầu đều phải ký một cam kết có nội dung về bảo mật bệnh án của bệnh nhân, nếu chưa được sự đồng ý của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tuyệt đối không tiết lộ bất cứ thông tin nào của người bệnh cho bất cứ cá nhân, đơn vị hay tổ chức nào. Đối với tình huống đặc biệt thì có ngoại lệ, đó là “nếu bệnh nhân có xu hướng tự tử hoặc coi thường mạng sống, không nghe lời khuyến cáo của bác sĩ, thì vì sự an toàn của bệnh nhân, bác sĩ có trách nhiệm thông báo cho người nhà hoặc cảnh sát địa phương”, đây là chức trách cơ bản của bác sĩ: chịu trách nhiệm đối với bệnh nhân và tính mạng của bệnh nhân.

“Lời thề Hippocrates” của Hippocrates, một y học gia người Hy Lạp được vinh dự gọi là “cha đẻ của y học” ở phương Tây (sống vào khoảng năm 460-377 trước Công nguyên) là một tác phẩm chuyên luận rất nổi tiếng về y đức trong lịch sử Tây y. Tất cả các sinh viên y khoa ở Hoa Kỳ trước khi tốt nghiệp đều phải căn cứ theo cuốn sách đó mà viết lời tuyên thệ về phương diện chủ nghĩa nhân đạo, quan niệm đạo đức trong ngành y của mình sau khi tốt nghiệp, nếu không thì không được tốt nghiệp, điều này chưa từng có ngoại lệ.

Chuyên luận này sau đó được tập hợp trong cuốn “Hippocrates toàn tập”. Trong “Lời thề Hippocrates” viết:

“Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề.”

“Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công. Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ.”

“Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.”

“Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.”

“Lời thề Hippocrates” được giới y học các nước coi là tín điều, được coi là tiêu chuẩn đạo đức của y học phương Tây trong hơn 2000 năm qua.

Y đức là đạo đức nghề nghiệp. Ở Trung Quốc cổ đại, yêu cầu về y đức cũng rất nghiêm khắc. Ngay từ thời Tây Chu, đã có quy chế đánh giá toàn diện đối với các thầy thuốc. Theo ghi chép trong “Chu Lễ – Thiên quan”, y học Trung Quốc thời Tây Chu xuất hiện các phân khoa gồm: thực y (thầy thuốc dinh dưỡng), tật y (thầy thuốc nội khoa), dương y (thầy thuốc ngoại khoa) và thú y (thầy thuốc thú y). Bất kể môn nào cứ đến cuối năm cũng phải sát hạch. Có thể thấy người xưa rất coi trọng quan niệm đạo đức và y thuật.

Loạt bài “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/263508



Ngày đăng: 19-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.