Y Sơn dạ thoại (36): Bí mật của “thần y”
Tác giả: Vương Nguyên Phủ
[ChanhKien.org]
Những câu chuyện về các “thần y” của Trung Quốc cổ đại vốn được nhiều người biết đến, liệu câu chuyện của họ có phải là thật không? Nếu đó là sự thật, thì y thuật thần kỳ của họ đến từ đâu? Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về chủ đề này.
Đầu tiên phải nói đến thần y Biển Thước.
Biển Thước là người thời Chiến Quốc, sống cách nay khoảng 2.500 năm. Biển Thước tên thật là Tần Việt Nhân, vì y thuật của ông ấy rất cao siêu, nên người dân thời đó gọi ông là Biển Thước, tên Biển Thước là gọi theo tên của một thầy thuốc nổi tiếng vào thời Hoàng Đế.
Theo ghi chép trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên, Biển Thước ban đầu không phải là học y, mà là chủ một quán trọ, chuyên quản lý các công việc của quán trọ. Lúc đó có một người là Trường Tang Quân hơn mười năm liền thường đến ngủ trọ ở quán này. Có một ngày, Trường Tang Quân gọi Biển Thước đến và nói rằng: “Ta có một bí thuật muốn truyền cho anh, nhưng anh chớ nói cho người khác”. Biển Thước đồng ý. Trường Tang Quân lấy ra một bọc thuốc và yêu cầu Biển Thước dùng ‘thượng trì thuỷ’, tức là loại nước từ sương sớm chưa rơi xuống đất để uống, đồng thời đưa cho Biển Thước sách y và nói rằng sau 30 ngày nữa một điều rất kỳ diệu sẽ xảy ra.
Điều kỳ diệu gì đã xảy ra? Trường Tang Quân nói xong thì đột nhiên biến mất, điều này được ghi chép trong Sử ký, do đó Sử ký miêu tả rằng Trường Tang Quân có lẽ không phải là người phàm! Biển Thước đã làm theo lời của Trường Tang Quân, sau 30 ngày uống gói thuốc, ông có thể cách tường khán vật (người sau này gọi là “động viên chi thuật”), tức là ông có thể ở bên này bức tường nhìn thấy được người ở phía bên kia của bức tường, vì vậy Biển Thước có công năng thấu thị nhân thể, ông đã dùng công năng này để xem bệnh.
Có một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi về “Biển Thước thay tim” được ghi chép trong sách Liệt Tử – Thang vấn thiên. Câu chuyện này bây giờ nghe khá khó tin, 2500 năm trước sao có thể thay tim, hơn nữa lại là hai người sống hoán đổi tim cho nhau? Thần y Biển Thước đã hoán đổi quả tim cho Công Hộ và Tề Anh (thuật hoán đổi tim), đầu tiên cho hai người uống rượu độc (rượu gây mê), khiến họ hôn mê trong ba ngày, mổ lồng ngực lấy hai quả tim ra, hoán đổi cho nhau, cho thần dược vào lồng ngực (chỗ có quả tim); sau khi hai người tỉnh lại, mọi thứ hoàn hảo như trước, bèn cáo từ nhau trở về nhà.
Nhưng sau khi hoán đổi tim thành công, cả hai đều đã về nhầm nhà: Công Hộ trở về nhà của Tề Anh, Tề Anh trở về nhà của Công Hộ. Kết quả dẫn đến tranh chấp giữa hai nhà, kiện đến quan phủ, sau đó Biển Thước đã kể lại đầu đuôi sự việc và vụ kiện mới được giải quyết ổn thỏa.
Vừa rồi là câu chuyển về thần y Biển Thước, tiếp theo là chuyện của thần y Hoa Đà.
Hoa Đà sinh ra vào cuối thời Đông Hán, cách nay khoảng 1.800 năm. Các chính sử như Tam Quốc Chí và Hậu Hán Thư đều có ghi chép kỳ tích về thủ thuật mổ bụng của Hoa Đà. Cũng giống như Biển Thước, Hoa Đà có công năng thấu thị nhân thể, người đời sau gọi là thần mục. Hoa Đà chẩn bệnh nhìn thấy khối u trong bụng của bệnh nhân, trước tiên ông dùng ma phí tán (một loại thuốc mê do Hoa Đà chế) để gây mê cho bệnh nhân, sau khi bệnh nhân bất tỉnh, thì mổ bụng lấy ruột ra, khi thấy được khối u thì cắt bỏ khối u đi rồi khâu lại, bôi thần cao, thế là đã hoàn tất. Những điều này đều được ghi chép trong các sách chính sử của quốc gia như Hậu Hán Thư và Tam Quốc Chí, tất cả đều rất đáng tin cậy.
Trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa cũng có rất nhiều câu chuyện về Hoa Đà, ví dụ như việc ông cạo xương cho Quan Công để chữa vết thương, hay chuyện nhìn thấy một khối u trong đầu Tào Tháo. Tương truyền Tào Tháo thường xuyên bị đau đầu, tìm Hoa Đà để chữa trị, Hoa Đà thấy Tào Tháo có khối u trong đầu nên muốn giúp Tào Tháo làm thủ thuật mổ sọ lấy khối u. Tào Tháo nghĩ rằng Hoa Đà muốn lấy mạng mình nên đã bắt Hoa Đà giam lại, sau đó Hoa Đà chết trong nhà ngục. Khi Tào Tháo lâm bệnh nghĩ đến Hoa Đà, nhưng Hoa Đà đã chết rồi. Về sau Tào Tháo chết vì bệnh đau đầu.
Tương truyền Hoa Đà trong một lần đến núi Công Nghi gặp một kỳ nhân truyền bí thuật cho ông.
Trong bộ sử Tam Quốc Chí có ghi lại rằng Hoa Đà không màng danh lợi, thông hiểu thuật dưỡng sinh, tuy đã hơn trăm tuổi nhưng tướng mạo vẫn còn rất trẻ.
Theo ghi chép của các sách y học cổ và sách lịch sử, cả hai thần y Biển Thước và Hoa Đà đều có công năng thấu thị nhân thể, công năng thấu thị của Biển Thước được gọi là “động viên chi thuật” (cách tường khán vật), công năng thấu thị của Hoa Đà được gọi là “thần mục”. Cả hai người đều biết thực hiện phẫu thuật, Biển Thước biết làm “hoán tâm thuật” (phẫu thuật hoán đổi tim), Hoa Đà biết làm phẫu thuật bụng và não. Vậy “thần kỹ” (kỹ năng thần kỳ) của họ đến từ đâu?
Thần kỹ đến từ “y đạo”. Biển Thước và Hoa Đà là truyền nhân về y đạo của Hoàng Đế. Vậy y đạo là gì?
Y đạo có nguồn gốc từ Thượng Đế (vị hoàng đế trên thiên giới của Đạo gia), thuộc về văn hóa Thần truyền, được truyền lại cho vị sư phụ đầu tiên (thầy của Kỳ Bá) và Kỳ Bá, rồi truyền lại cho Hoàng Đế, từ đó khai sáng ra nền văn hóa 5000 năm rực rỡ của y học Trung Quốc (Thượng Đế → Tiên Sư → Kỳ Bá → Hoàng Đế). Hoàng Đế truyền y đạo cho Lôi Công, sau đó truyền cho các hoàng tộc của triều đại nhà Thương và nhà Chu, rồi đến Biển Thước vào thời Chiến Quốc (cách đây 2.500 năm) và Hoa Đà vào cuối thời Đông Hán (cách đây 1.800 năm). Biển Thước và Hoa Đà có y thuật thần kỳ, họ được gọi là thần y, chính là vì họ là đệ tử chân truyền về y đạo của Hoàng Đế (do Thượng Đế Thần truyền), do đó cái hiển hiện chính là “thần kỹ” về thấu thị nhân thể và thực hiện phẫu thuật.
Vậy “thần kỹ” của các “thần y” từ đâu đến? Bí mật của nó nằm ở hai chữ “tu luyện”.
Việc tu luyện của Đạo gia cổ đại là bí truyền và đơn truyền, y đạo của Trung Y cũng như thế; sư phụ cần chọn đồ đệ, và cũng chỉ chọn một vị tâm tính tốt nhất để chính truyền, những đồ đệ khác chỉ có thể được một chút sơ lược. Chỉ có y đạo chính thống mới có thể xuất hiện “thần y”, trị bệnh mới có “thần tích”; kỳ thực thì y thuật sơ lược bề ngoài đã có thể dùng để trị bệnh rồi.
Hoàng Đế nội kinh là do Hoàng Đế truyền lại, là Thánh Kinh của Trung Y, có phần y lý bằng văn tự; tuy nhiên phần quan trọng của “y đạo” là tu luyện, Hoàng Đế nói với Lôi Công: “Thận chi thận chi, ngô vi tử ngôn chi” (hãy cẩn thận hãy cẩn thận, ta vì con mà nói điều này). Những phần trọng yếu sẽ không được chép trong kinh sách, đều do sư phụ khẩu truyền tâm thụ, bí mật truyền lại cho đệ tử, người ngoài khó có thể nhìn ra bí ẩn của nó. Vì vậy, Hoàng Đế nội kinh không chỉ khó hiểu đối với người cổ đại, mà đối với người hiện đại còn khó hiểu hơn.
Tại sao các thần y thời cổ đại lại có công năng đặc dị thấu thị nhân thể? Có công năng đặc dị chính là vì họ tu luyện. Kỳ thực, công năng đặc dị là bản năng tiên thiên của con người, thuộc về bản ngã tiên thiên. Con người có hai phần là bản ngã tiên thiên và bản ngã hậu thiên.
Bản ngã tiên thiên là căn bản nhất của sinh mệnh, cũng chính là nguyên thần. Nguyên thần có nguồn gốc đến từ thiên quốc, là thuần khiết và lương thiện.
Bản ngã hậu thiên là những suy nghĩ bất hảo, là tự tư và bất thiện của hậu thiên.
Phương pháp tu luyện của Đạo gia cổ đại là tính mệnh song tu, tức là cần tu tâm tính, trọng đức (coi trọng đạo đức), lại còn phải luyện khí công để tu mệnh (đạo trường sinh). Các thần y thời cổ đại là những người đã qua tu luyện, đã loại bỏ được những tư tưởng bất hảo của hậu thiên, thì họ mới có thể trở về với nguyên thần của tiên thiên, tức là phản bổn quy chân, thì những công năng đặc dị của bản năng tiên thiên của con người có thể tự nhiên xuất hiện.
Ngoài Biển Thước và Hoa Đà, thời Trung Quốc cổ đại còn có nhiều thần y khác, chẳng hạn như Tôn Tư Mạc thời Đường và Lý Thời Trân thời Minh. Các thần y thời cổ đại nhất định phải coi trọng đức, qua tu luyện mới có thể đạt được [thần kỹ], khi hành nghề y tự nhiên sẽ thể hiện ra tâm không màng danh lợi, một lòng tế thế cứu người. Đại y học gia Tôn Tư Mạc đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của y đức trong sách Thiên Kim Yếu Phương – Đại Y Tinh Thành, ông nói: “Phàm là đại y chữa bệnh cần an thần định chí, vô dục vô cầu (không ham muốn không truy cầu), trước tiên phải khởi tâm đại bi trắc ẩn, thề nguyện phổ cứu hàm linh chi khổ (nguyện cứu khổ cho các sinh linh)”. Ông tin rằng là một thầy thuốc vĩ đại, cần phải có ý chí kiên định trong việc tu dưỡng bản thân, không được vội vàng cũng không chần chừ trong xử sự, ít ham muốn và không truy cầu gì trong tâm; trước hết phải thể hiện tâm từ bi đại thiện, nguyện giải thoát đau khổ cho bệnh nhân. Điều này hình thành sự trái ngược hẳn với nhiều bác sĩ hiện đại coi trọng tiền bạc và coi thường y đức. Đặc biệt có một số tự xưng cái gọi là “thần y”, thực sự lừa đảo một cách công khai. Y đức gần như biến mất!
Loạt bài “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.
https://www.zhengjian.org/node/267208
Ngày đăng: 27-11-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.