Y Sơn dạ thoại (01): Lời nói đầu



[ChanhKien.org] Giải thích Y Sơn dạ thoại: Dạ thoại là câu chuyện kể lúc đêm khuya. Y Sơn: Đạo là khởi nguyên của Sơn-Y-Mệnh-Tướng-Quẻ trong ngũ thuật của thời xưa, trong đó: “Sơn” là phương pháp đắc đạo, “Y” là chỉ sau khi đắc đạo, ứng dụng nó vào tìm hiểu sinh mệnh và thân thể con người.

Chào các bạn, hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một chuyên mục mới – Y Sơn dạ thoại. Đây là một loạt những câu chuyện hấp dẫn về Trung Y, chúng tôi sẽ kể lại cho các bạn những câu chuyện thần kỳ về cách các thầy thuốc và bệnh nhân cùng nhau chữa khỏi những căn bệnh kỳ quái như thế nào.

Người ta mỗi khi nói đến bệnh tật thì những khái niệm như phác đồ điều trị, chẩn đoán, trị liệu, thuốc v.v.. đều sẽ lần lượt hiện ra trong đầu, nhưng ít ai liên tưởng đến những vấn đề như nhân tâm, đạo đức, chính niệm, làm điều thiện có quan hệ tới bệnh tật như thế nào. Cuốn sách y học cổ điển của Trung Quốc Hoàng Đế Nội Kinh đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của “tâm” trong việc có một thân thể khoẻ mạnh và trong điều trị bệnh tật. “Tâm giả, quân chủ chi quan dã, thần minh xuất yên” “Chủ minh tắc hạ an”, “chủ bất minh thập nhị quan nguy”. “Tâm giả, sinh chi bản, thần chi biến dã.” (Dịch nghĩa: Tâm là vua chủ quản các cơ quan, tinh thần và trí tuệ sinh ra từ đây. Chủ mà trong sáng tất các cơ quan bên dưới sẽ yên ổn. Chủ không trong sáng thì 12 tạng cũng nguy hiểm. Tâm là căn bản của sự sống, có thể biến đổi tinh thần) Vì vậy, điều trị thân thể trước hết đầu tiên phải điều trị cái tâm. Trị tâm không chỉ cho bệnh nhân mà còn là bài học cho chính thầy thuốc. Trong Đại Y Tinh Thành của đại y học gia Tôn Tư Mạc triều đại nhà Đường, yêu cầu tất cả những ai muốn trở thành thầy thuốc “giỏi” thì mỗi khi trị bệnh cho bệnh nhân, đều phải “an thần định chí, vô dục vô cầu, tiên phát đại từ trắc ẩn chi tâm, thề nguyện phổ cứu hàm linh chi khổ” (Dịch nghĩa: an thần định chí, không ham muốn không truy cầu, trước hết phải có tâm đại từ bi và lòng trắc ẩn, nguyện thề cứu vớt nỗi khổ tinh thần). Nếu như thật sự làm được như vậy, thì bác sỹ mỗi lần điều trị bệnh, tức là đã một lần tự điều trị trước cho tâm của mình.

Trong thời đại ngày nay, dù là thầy thuốc hay bệnh nhân, khó ai hình dung được cái “tâm” của thầy thuốc và bệnh nhân trong quá trình chữa bệnh có thể khởi tác dụng quan trọng như thế nào. Chương trình “Y Sơn dạ thoại” hôm nay sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng nguyên tắc cổ xưa đơn giản này thường có thể tạo ra những kỳ tích bất ngờ. Chương trình này rất độc đáo, nó trình bày mối quan hệ giữa cái tâm con người với bệnh tật và cách điều trị bệnh qua những câu chuyện chân thực và sống động, triển hiện ra hình ảnh trước mặt các bạn. Kỳ thực, thân và tâm con người là một thể thống nhất, ngày càng nhiều người phương Tây không những công nhận mối quan hệ ảnh hưởng tương hỗ này mà còn bắt đầu áp dụng nguyên lý đó trong chữa bệnh.

Hầu hết tác giả của “Y Sơn dạ thoại” đều là thầy thuốc, những câu chuyện có thật này đã được đăng tải trên các trang mạng và báo giấy, nhận được nhiều lời ca ngợi của độc giả. Nhiều độc giả khi đọc những câu chuyện này đã xúc động mạnh mẽ, thậm chí khóc hoặc cười ra nước mắt. Những câu chuyện chân thực này đã khơi dậy thiện tâm và chính niệm trong trái tim họ.

Quý độc giả thân mến, hãy xem “Y Sơn dạ thoại” bằng “trái tim” mình, các bạn sẽ thu được rất nhiều lợi ích.

 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/261022



Ngày đăng: 05-11-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.