Y Sơn dạ thoại (20): Ông ấy mắc bệnh gì?
Tác giả: Ngọc Lâm
[ChanhKien.org]
Trong kỳ trước chúng ta đã nói về căn bệnh hoảng sợ, trong đó đã nói về một bài thuốc dân gian: đó là đứa trẻ bị hoảng sợ bay mất hồn, cha mẹ chỉ cần đi gọi hồn cho đứa trẻ về mà không cần tiêm hay uống thuốc thì sẽ khỏi bệnh. Điều này quả là thật thần kỳ! Cơ thể con người quả là kỳ diệu! Bởi vì cơ thể con người không chỉ tồn tại trong không gian mà mắt thịt của chúng ta nhìn thấy được. Nói một cách đơn giản, những gì được nhìn thấy dưới kính hiển vi là thứ mà mắt thịt của bạn không thể nhìn thấy được, phải không? Vậy thì kính hiển vi cũng có những hạn chế của nó, những thứ vi quan hơn mà ta không nhìn thấy được sẽ còn nhiều hơn, những vật chất càng vi quan hơn nữa đều có những hình thức tồn tại khác nhau của riêng chúng. Nếu nói vậy thì có phải là “hồn phách” cũng tồn tại trong không gian vi quan đúng không? Rất có thể là như vậy, không thể nói rằng nếu bạn nhìn không thấy nó thì nó không tồn tại.
Các bạn biết rằng có một câu là “hồn bất thủ xá” (mất hồn mất vía hoặc là hồn vía lên mây), có thể các bạn nghĩ rằng đó chỉ là một sự mô tả và một phép ẩn dụ? Nhưng câu chuyện tôi muốn nói với các bạn hôm nay lại là một căn bệnh có thật, căn bệnh này đã đeo bám bệnh nhân hơn nửa cuộc đời. Sau đây, mời các bạn xem bài viết của thầy thuốc Ngọc Lâm có tựa đề “Ông ấy mắc bệnh gì?”.
Trong bài viết thầy thuốc Ngọc Lâm kể:
Khi chuyển ông ta đến chỗ tôi, bác sĩ Tây y đã gửi theo một tập thông tin lớn về ông ấy, vì quá bận nên tôi chưa có thời gian để xem, sau đó ông ấy đã đến phòng khám của tôi.
Tôi hỏi ông ấy không thoải mái ở đâu, ông ta trả lời: “Rất tốt! Dường như không có bệnh gì.”
Tôi thấy hơi kỳ lạ nên hỏi: “Vậy tại sao ông đến tìm tôi?”
Ông ấy nói: “Bác sĩ của gia đình tôi cứ nhất quyết bảo tôi bị bệnh, ông ấy bảo tôi đến gặp cô nên tôi mới đến”.
Sau đây là những gì ông ấy kể:
“Vợ tôi từ lâu đã muốn ly hôn với tôi. Để cứu vãn cuộc hôn nhân này, tôi đã đáp ứng mọi điều kiện mà cô ấy đưa ra. Một trong những điều kiện là yêu cầu tôi đi khám bác sĩ tâm lý mỗi tuần một lần. Tôi đã đi khám độ hơn hai năm, cuối cùng họ kết luận rằng tôi bị khiếm khuyết tâm lý rất nghiêm trọng, yêu cầu tôi làm nhiều trắc nghiệm và kiểm tra, họ cũng yêu cầu tôi uống hơn chục loại thuốc, nhưng cuối cùng càng điều trị càng thấy không khả quan. Vấn đề chẳng những không được giải quyết, mà còn dẫn đến nhiều bệnh hơn. Nhưng họ cho rằng chẩn đoán của họ là chính xác, chẳng qua là Tây y không chữa được bệnh đó nên chuyển tôi sang chỗ cô … ”
Giọng ông vừa có chút tuyệt vọng, vừa có phần bất lực.
Tôi tò mò hỏi: “Thật sự Tây y nghĩ ông đang mắc bệnh gì?”
Ông ta suy nghĩ một lúc, có chút khó nói, nhìn tôi rồi ánh mắt lại quay đi chỗ khác. Cuối cùng, ông ấy dường như hạ quyết tâm nói: “Vấn đề lớn nhất là cả đời tôi đến nay đã hơn 50 tuổi rồi, mà làm bất cứ điều gì cũng chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc”. Nghe đến đây, tôi cố nhịn để không bật ra tiếng cười.
Ông ấy tiếp tục kể một cách nghiêm túc:
“Cả đời tôi chưa từng có một công việc chính thức, mỗi lần chuẩn bị hồ sơ xin việc đều rất hăng hái, nhưng cứ điền hồ sơ được một nửa thì không điền tiếp nữa. Sửa chữa bất cứ thứ gì cũng vậy, mỗi khi mở hộp dụng cụ hoặc trải các dụng cụ ra thì đều không muốn tiếp tục làm nữa, cho nên rất lâu cũng không hoàn thành nổi. Vợ tôi vì thế rất không hài lòng với tôi. Bất kỳ cuốn sách nào tôi cũng chỉ đọc đến trang thứ hai hoặc trang thứ ba thì không đọc tiếp được nữa. Vì vậy, kết quả học tập của tôi ở trường tiểu học và trung học cơ sở luôn dưới mức C cũng chính vì lý do này…”
Tôi hỏi: “Thế làm sao ông tốt nghiệp được?”
Ông nói: “Tuổi thơ và quãng đời thanh thiếu niên của tôi thật đau khổ vì không chăm chỉ học tập, chiếc quần nào của tôi cũng đều bị mài thủng chỉ vì ngồi vặn vẹo cọ xát tới lui trên ghế mà rách. Bố mẹ tôi thực sự không còn cách nào khác, nên đã dùng dây thừng buộc chặt tôi lên ghế. Cứ như vậy, tôi cố gắng mang cả người với ghế ra sân để ngắm sóc, chơi với mèo chứ không muốn làm bài tập về nhà. Cuối cùng, bác sĩ đưa cho cha tôi một “đơn thuốc” để “chữa trị” cho tôi, đó là: mỗi ngày đánh một lần, mỗi lần năm phút. Cha tôi đã làm theo bác sĩ, điều đó khiến tôi miễn cưỡng gắng gượng tốt nghiệp ra trường. Tôi có nhiều chủ kiến hay cũng như là cách nghĩ mới khiến người khác không ngờ tới, bạn bè nghe theo những cách nghĩ hay chủ kiến đó của tôi đều có thể phát tài hoặc kinh doanh tốt. Nhưng bản thân tôi vì không thể thực sự làm đến nơi đến chốn những việc cụ thể nên sống một cuộc sống bình thường.”
Ông ấy càng nói càng chán nản…
Tôi muốn giúp ông ấy thoát ra khỏi sầu muộn, vì vậy tôi hỏi nửa đùa nửa thật: “Trên đời này có rất nhiều nghề, chỉ cần động miệng mà không cần động tay, tại sao ông không thử tìm xem?”
Ông nói: “Tôi biết rằng ngay cả những người tàn tật không có tay không có chân cũng sẽ không làm mọi việc chỉ có mở đầu mà không có phần tiếp theo giống như tôi. Sự hứng thú và nhiệt tình của tôi chỉ ngắn như pháo hoa, trong nháy mắt là biến mất.”
Sau khi nghe ông ấy kể, tôi bắt mạch, xem lưỡi của ông, tôi cầm kim trong tay và nghĩ nên bắt đầu điều trị từ đâu…
Một hôm, vào buổi sáng sớm, khi chưa mở mắt ông đã nghe tiếng vợ nói: “Chỉ còn bảy ngày nữa là hết hạn nộp thuế, ông đã có thời gian một năm để chuẩn bị, bây giờ là lúc cần sắp xếp mọi thứ rành mạch, tập hợp thành bộ hồ sơ và gửi đi. Nếu lần này lại tiếp tục kéo dài như trước đây, tôi sẽ lập tức dọn ra ngoài…”
Ông ấy hỏi vợ: “Đây có phải là lời đe dọa không?”
Bà trả lời rất dứt khoát: “Không, đây chỉ là một thông báo”.
Bà vợ biết rằng điều này đối với ông ấy gian nan như thế nào, là điều thống khổ hơn bất cứ điều gì khác. Bà cũng biết chồng mình không làm được nhưng bà đã nhẫn đến nỗi không còn lòng tin nữa.
Ông ấy lại đến phòng khám của tôi, trông như người mất hồn mất vía.
Vừa ngồi xuống, ông ta bất giác lấy ví tiền từ trong túi ra, lật đi lật lại không biết nên tìm cái gì. Đột nhiên từ trong ví rơi ra một bức ảnh, tôi tiện tay nhặt lên đưa lại cho ông ấy. Đó là một bức ảnh rất cũ, trong ảnh là một đứa trẻ khoảng năm tuổi, khó phân biệt được là trai hay gái, vì khuôn mặt trang điểm sặc sỡ, nhìn không đẹp cũng không có chút tiêu chuẩn nghệ thuật, không biết tại sao ông lại cất giữ bức hình này kỹ như thế.
Không đợi tôi hỏi thì ông đã chủ động giải thích: “Bức ảnh này chụp lúc tôi năm tuổi. Quãng thời gian đó, chị gái tôi mê vẽ, đặc biệt thích vẽ trên mặt người. Một đêm, nhân lúc tôi đang ngủ, chị ấy đã vẽ mặt tôi thành ra thế này đấy. Đêm hôm đó tôi đột nhiên bị sốt cao, tình huống rất nghiêm trọng đến mức tôi bị hôn mê. Khi người nhà đưa tôi đến bệnh viện, bác sĩ đã rất hoảng hốt khi nhìn thấy khuôn mặt của tôi. Khi bác sỹ biết rằng đó chỉ là vẽ đùa, nên đã dùng máy ảnh chụp lại khuôn mặt của tôi…”
Nghe đến đây, tôi bỗng nhiên nhớ đến một câu nói cổ xưa mà người già từng nói: “Khi người ta đang ngủ không được đùa giỡn lấy bút mực vẽ lên mặt, vì làm thế thì hồn sẽ không quay được về với thân thể của họ …”
Tôi hỏi ông ấy: “Bệnh của ông có phải bắt đầu từ lúc đó không”?
Ông ta suy nghĩ một lát rồi mơ màng nói: “Hình như là vậy”.
Hồn phách không trở về thì hỷ nộ liên hồi. Mất hồn mất vía thì yêu ghét không rõ, khí huyết không đủ. Thần hồn và thể phách không ở cùng nhau thì tổn hại đến sinh mệnh. Buồn thay!
Vì thế, tôi đã nói với ông ấy về đạo lý tu thân, tu tâm và tu luyện cũng như lợi ích của việc điều chỉnh tâm và đả tọa. Tôi cũng giải thích cho ông ấy các phương pháp chữa bệnh bằng Trung y. Tôi đề nghị ông ấy nên bắt đầu từ điều tiết sự cân bằng tâm lý và nuôi dưỡng khả năng tập trung đối với sự vật, trước tiên làm từ một phút, thử làm cho được tĩnh tâm như nước lặng, như thế linh khí ở trong tim, thì sẽ đạt được tĩnh. Tâm tĩnh thì thần ngưng, thần ngưng thì khí tụ, khí tụ thì hình toàn, hình toàn thì hồn phách trở về!
Sau khi nghe xong, ông rơi vào trầm tư, tựa như hiểu mà không hiểu…
Căn bệnh này Tây y không thể chữa khỏi, không tìm ra nguyên nhân của bệnh, nhưng thầy thuốc Trung y Ngọc Lâm chỉ một câu là nói rõ. Tuy nhiên, có chữa khỏi được hay không cuối cùng còn phụ thuộc vào người bệnh.
Loạt bài “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.
Ngày đăng: 10-07-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.