Y Sơn dạ thoại (25): Cai thuốc lá (1)



Tác giả: Từ Ngọc Lâm

[ChanhKien.org]

Trong loạt bài Y Sơn dạ thoại, thầy thuốc Ngọc Lâm thường kể cho chúng ta những câu chuyện xảy ra trong phòng khám của cô. Cô nói: “Mấy chục năm hành nghề y, tôi vẫn phải thường xuyên đọc sách y học, chịu khó tra cứu tài liệu thông tin, nhưng thường thì chính những bệnh nhân đến tìm tôi để chữa bệnh lại giúp tôi mở mang kiến thức hơn, khi chữa khỏi bệnh cho họ tôi cũng thường được lợi ích, trong quá trình tiếp xúc với họ, tôi lại hiểu rõ hơn về bản thân mình”.

Một lần có một bệnh nhân đến để cai thuốc lá và rượu. Vì nghiện nặng không kiểm soát được cộng với lối sống buông thả bản thân, nên dù tuổi tác chưa quá già nhưng cơ thể tàn tạ của người đàn ông trung niên này trông già hơn rất nhiều so với tuổi thật.

Đâu là nguyên nhân khiến một người cam tâm tình nguyện để cho thuốc lá và rượu khống chế cơ thể của mình mà không thể tự giải thoát khỏi nó? Con người bắt đầu nhiễm thói quen xấu này từ khi nào? Rốt cuộc họ đang hủy hoại bản thân một cách có ý thức hay vô ý thức? Từ bỏ nó có thực sự thống khổ như vậy không? Tôi thường nghĩ về những vấn đề này.

Anh ấy nói: “Thực sự rất khó cai, mỗi ngày tôi hút hai bao thuốc và uống gần hết một chai rượu, cai không nổi, cai còn khó chịu hơn là chết… Tôi ngưỡng mộ danh tiếng của cô nên mới đến đây, và muốn thử một lần nữa, có lẽ cô có cách giúp tôi cai bỏ chúng, nhưng trước khi điều trị, tôi có một vài yêu cầu: thứ nhất, không cần giảng đạo lý dài dòng cho tôi, vì theo thực tế bản thân tôi đã trải qua, tôi có lẽ hiểu biết về đạo lý còn nhiều hơn cô, trừ khi cô có đạo lý gì đó đặc biệt mà tôi trước giờ chưa từng nghe nói đến. Thứ hai, tôi không uống thuốc Đông y, vì các loại thuốc Tây tôi đang dùng có thể kỵ với mấy loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc này, nếu xảy ra phản ứng thì tôi sẽ không chịu được, hơn nữa, chỉ ngửi thấy mùi thuốc Đông y là tôi đã buồn nôn rồi, huống chi là uống vào. Thứ ba, đừng nói với tôi bất cứ điều gì về yoga, thiền, khí công hít thở, tôi đã thử tất cả rồi, và tất cả đều không hiệu quả. Thứ tư, khi châm cứu cho tôi cô không được làm tôi đau, tôi đến đây là vì danh tiếng của cô, hẳn là cô rất giỏi việc châm cứu không đau, nếu không tôi chỉ cần tốn 25 tệ là có thể tùy ý tìm được một người châm cứu giỏi ở khu phố Tàu”.

Anh ta nói xong. Dáng vẻ và giọng điệu hách dịch của anh ta khiến một người vốn khí khái như tôi đột nhiên chỉ muốn lôi hết 18 chiêu võ thuật cùng với đao thương côn kiếm ra để chuẩn bị đấu với anh ta một trận, giống như trước đây khi tôi là người thường chưa tu luyện. Nhưng trong chốc lát, tôi lập tức thanh tỉnh lại, mình không thể như thế, không được như thế.

Anh ta là bệnh nhân, anh ta có thể nói tất cả những gì mình muốn nói, đưa ra yêu cầu của mình, còn tôi là một thầy thuốc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ngay cả một chút lòng khoan dung tha thứ cũng không có sao?

Vì vậy tôi trả lời: “Được rồi, tôi sẽ cố gắng hết sức”.

“Hôm nay anh tới đây tìm tôi, chứng tỏ anh đã hiểu tất cả đạo lý, cho nên tôi không cần nói nữa. Anh không cần phải uống thuốc Đông y, dựa vào ý chí và nghị lực của mình mà thực sự có thể bỏ được chúng, đây là điều đáng mừng. Ngồi thiền và tập luyện là cách dưỡng sinh cơ bản, hiệu nghiệm hay không sẽ không phụ thuộc vào việc anh có tập hay không, mà phụ thuộc vào việc anh có tin hay không. Nhưng tôi không thể đảm bảo rằng châm cứu sẽ không đau, vì không có tiêu chuẩn nào để đo lường mức độ đau cả, mấu chốt là ở chỗ cơ thể anh có nhạy cảm với châm cứu hay không, tình trạng của mỗi người khác nhau, điều đó phải do tự anh quyết định”.

Thấy tôi trả lời điềm tĩnh lại có chút vui vẻ, anh ấy ngừng nói và gật gật đầu.

Châm cứu xong, anh ta ngủ thiếp đi còn tôi rời khỏi phòng bệnh.

Nhớ lại cảnh tượng vừa rồi, trong lòng tôi chấn động sâu sắc, thế nào là thực sự nghĩ cho người khác, không để tâm đến giọng điệu, thái độ, cung cách của anh ta, cố gắng hết sức mình để làm tốt và hoàn thành nó, đây chẳng phải cũng là một phương diện mà người tu luyện chúng ta cần viên dung sao?

Vài ngày sau bệnh nhân này trở lại phòng khám, thái độ lần này thân thiện hơn rất nhiều, chúng tôi có thể ngồi nói chuyện vui vẻ, anh ấy vẫn mở miệng trước.

Anh ấy nói: “Thưa bác sĩ, tôi luôn cho rằng mình là người có khả năng tự kiềm chế tốt, khi say rượu tôi chưa bao giờ gây rắc rối, tôi biết chính xác giới hạn của mình ở đâu, nên đã dùng sự khôn vặt của mình để giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn và một số tình huống khó xử, nhưng điều này cũng khiến tôi rất khổ sở”.

“Ngày của Mẹ năm ngoái tôi hứa với mẹ tôi sẽ đến ăn cùng bà, vì sau khi uống rượu tôi hoàn toàn quên mất điều đó khiến mẹ phải khổ sở chờ đợi. Mấy ngày sau mẹ tôi lên cơn đau tim và đột ngột qua đời, khi thu dọn những di vật của bà thì tôi tìm thấy một tờ giấy, trên đó viết: “Mình sẽ đợi con trai về để ăn cơm cùng nhau, hôm nay là Ngày của Mẹ, nó nhất định sẽ đến, mình phải kiên nhẫn…” Bệnh nhân này nói mà giọng có chút nghẹn lại.

Anh ấy kể tiếp: “Tôi hút thuốc rất lâu rồi, bỏ không biết bao nhiêu lần nhưng lần nào cũng dừng lại giữa chừng. Cai thuốc khó ở chỗ tôi thấy mùi thuốc lá quả thật không làm người ta dễ chịu, nhưng những hành động liên quan đến hút thuốc lá mới thực sự khiến người ta không dễ dàng cai thuốc lá. Buổi sáng thức dậy, thuận tay cầm điếu thuốc, buổi tối trước khi đi ngủ, tay cầm bật lửa miệng ngậm điếu thuốc, vừa có thể khoả lấp được tâm lý căng thẳng, mà những lời không nên nói ra cũng có thể bay đi theo khói thuốc, trong làn khói thuốc bạn nhìn người ta cũng khác đi…”

Tôi tò mò hỏi: “Gia đình anh đã đối xử với chứng nghiện ngập của anh như thế nào?”

Anh ấy nói: “Vợ tôi rất tốt bụng, cô ấy không uống rượu, không hút thuốc và cũng không hề oán hận tôi, nhưng một cuộc kiểm tra sức khỏe gần đây cho thấy cô ấy bị ung thư phổi…” Anh ấy lại nói thêm một câu: “Tôi còn có một đứa con mười tuổi”.

Bạn có thể cảm nhận được cảm giác đau đớn đang dày vò tận sâu trong tim của bệnh nhân này. Trong cuộc sống thực tế, người bị hại đôi khi lại là người hít phải khói thuốc lá do người khác nhả ra, có lẽ người mỗi ngày hít khói của một bao thuốc lại chính là người chưa bao giờ hút một điếu thuốc, nhưng sinh mệnh lại đang gặp nguy hiểm, Thần chết sắp đến.

Tôi không nói gì. Nói gì đây? Những điều nên nói có lẽ anh ấy cũng biết rồi.

“Trên đời này có lẽ rất nhiều sự việc có thể trì hoãn được, chỉ có một việc không thể trì hoãn, đó chính là cái chết”.

Ai cũng có thân thể, nhưng có mấy ai biết được sự bí ẩn của nó? Mọi người đều muốn biết tuổi thọ của mình, nhưng ai có thể hiểu được sinh mệnh đến từ đâu và đi về đâu? Từ xưa đến nay con người luôn tìm hiểu về hàm nghĩa của đạo đức, nhưng liệu có bao nhiêu người thực sự hiểu được?

Loạt bài “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/265325



Ngày đăng: 20-08-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.