Y Sơn dạ thoại (08): Cầu vồng hiện lên trong mưa
Tác giả: Ngọc Lâm
[ChanhKien.org]
Trong bài trước, chúng tôi đã kể về câu chuyện thần kỳ của thầy thuốc Trung y Ngọc Lâm khi chữa một số bệnh nan y. Phương pháp mà thầy thuốc sử dụng trông rất đơn giản, nhưng lại trị được tận gốc bệnh. Tuy nhiên có một số bệnh dùng rất nhiều phương pháp như uống thuốc, châm cứu, điểm huyệt v.v. cũng không thể chữa khỏi, mà phải điều trị từ gốc, tức là từ “tâm”. Trong thời đại ngày nay, dù là bác sĩ hay bệnh nhân đều khó mà hình dung được chữ “tâm” của bác sĩ và bệnh nhân đóng vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình chữa bệnh.
Sau đây mời các bạn xem hai câu chuyện chữa bệnh của thầy thuốc Ngọc Lâm. Đầu tiên, chúng ta hãy xem câu chuyện “Hao tài thiệt thân, chỉ vì không nhẫn”.
Bệnh viện Tây y chuyển đến một bệnh nhân, cô ấy tên là Thụy. Cô ấy đang bị mắc chứng bệnh “Parkinson”. Parkinson trong Trung y được gọi là bệnh tê liệt rung. Cô ấy có tiền sử mắc bệnh này gần ba năm rồi, hai tay của cô đều bị run, tay phải run nhiều hơn tay trái. Khi ăn, cô thường bị run rẩy mạnh đến nỗi cơm chưa đưa được đến miệng đã rơi xuống đất. Cô ấy đã trị liệu một thời gian, tuy rằng đã có một số tiến triển nhưng các triệu chứng vẫn tái phát lại sau vài ngày, sau nhiều lần lặp lại như thế, tôi bắt đầu hỏi kỹ về những sự việc đã xảy ra gần đây trong cuộc sống của cô. Cô ấy kể cho tôi nghe một câu chuyện đã giày vò cô suốt ba năm.
Cô nói: “Vợ chồng tôi điều hành một công ty vận tải container, chúng tôi có một biệt thự trên một hòn đảo, trên đảo chỉ có hai nhà, nhà chúng tôi và nhà hàng xóm cùng đi chung đường. Do mặt đường hư hỏng nên chúng tôi đề nghị hai nhà cùng đóng tiền sửa đường, nhưng hàng xóm phản đối nên chúng tôi đành phải tự bỏ tiền ra sửa. Không ngờ rằng những người công nhân làm thuê không chú ý, đã đổ đá sửa đường ra giữa đường, gây bất tiện cho việc đi lại của nhà hàng xóm. Hàng xóm nghi ngờ rằng chúng tôi vì giận dỗi đã cố tình làm điều này, nên đã chặn cánh cổng trên đất nhà họ, mà cánh cổng này lại giúp chúng tôi về nhà vừa gần vừa thuận tiện, điều này khiến chúng tôi muốn về nhà phải đi vòng xa thêm mấy dặm so với bình thường. Chồng tôi bắt đầu mắng chửi và trong cơn tức giận đóng van nước máy lại. Nguồn nước này do chúng tôi lắp đặt từ trước, để tiết kiệm tiền, họ đã đấu nối tiếp từ chúng tôi. Việc đóng van này đã cắt nguồn nước của họ. Khi bị cắt nước, họ gần như phát điên nên đã đổ xi măng và đá xuống đường, chặn hoàn toàn đường về nhà của chúng tôi. Như thế, vì khoản chi phí 2000 tệ sửa đường, chúng tôi đã trở thành kẻ thù không đội trời chung. Điều đáng buồn là cả hai chúng tôi đều đi tìm luật sư, vụ kiện này đã kéo dài gần ba năm, tiền thuê luật sư đã lên tới 2 triệu tệ. Trong ba năm này, chúng tôi không thể về nhà mình, và họ cũng không thể sống ở nhà của họ. Bây giờ mâu thuẫn của chúng tôi gần như đã đến mức một mất một còn. Căn nhà không thể bán được do kiện cáo chưa giải quyết xong, cũng không thể ở được, hơn nữa cần phải duy tu lại…” vừa nói, cô vừa xúc động đến mức tay run run, mặt đỏ bừng, cảm giác gần như sắp sụp đổ.
Tôi thấy được nỗi thống khổ của cô ấy, biết được nguyên nhân sâu xa khiến bệnh cô ấy tái phát nhiều lần mà không thuyên giảm. Tức giận sẽ dẫn đến đau gan và túi mật, khiến hỏa khí ở gan bốc lên tim, khí không thuận, ngạt thở khó chịu, hại khí, hại thần, hại thân. Cô ấy không biết rằng, sự việc này so với sinh mệnh thì cái nào quan trọng hơn? Kỳ thực, đây là quan niệm của con người, mâu thuẫn hoàn toàn có thể được giải quyết. Nhưng hiện nay, vì không thể nhẫn nhịn, họ đã khiến chuyện nhỏ thành lớn, kiện tụng liên miên, mất tiền oan uổng, chỉ đem lại phiền não không thôi.
Tôi biết rằng bệnh của cô ấy uống thuốc không thể chữa khỏi, mà cần phải trị căn nguyên của bệnh. Vì vậy, tôi đã nói chuyện với cô ấy về “Nhẫn”, nói với cô ấy về đạo lý “lùi một bước, biển rộng trời trong; Nhẫn một chút, liễu ám hoa minh”. Sau khi nghe xong, cô ấy nói với tôi rằng nếu cô ấy được nghe điều này ba năm trước, cô ấy sẽ không bao giờ cho phép sự việc này xảy ra. Sau đó tôi nói tiếp với cô ấy về “Chân” và “Thiện” và Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cũng nói sơ qua về mối quan hệ giữa luân hồi và nhân quả của nghiệp lực luân báo. Lần đầu tiên cô ấy nghe thấy những điều này, cô ấy nói: “Lạy Chúa! có phải chúng con đã quá xa rời Chân-Thiện-Nhẫn nên mới gặp phải cảnh ngộ bất hạnh như vậy không? Có phải vì kiếp trước chúng con đã làm điều gì không tốt, có lỗi với người khác nên hôm nay mới nhận quả báo như vậy không? Có phải tất cả những điều này kỳ thực là đang nhắc nhở chúng ta rằng Thượng đế cho chúng ta được làm người, là để trở thành một người biết đối xử tốt với người khác không?”
Tay cô không còn run nữa. Khi ra về, cô ấy nói với tôi: “Bác sĩ ơi, ông đã cởi bỏ nỗi uất ức và oán hận suốt ba năm qua của tôi”.
Tôi im lặng, nhìn bóng dáng cô ấy xa dần mà lòng ngậm ngùi xúc động mãi. Tôi biết rằng một sinh mệnh nữa lại được nghe nói về Đại Pháp, hy vọng một ngày nào đó cô ấy có thể thực sự minh bạch nguyên nhân và đạo lý đằng sau của những điều này.
Nghe xong câu chuyện vừa rồi, các bạn có thể suy nghĩ về câu hỏi sau đây không? Bệnh tật của con người, ngoài những khái niệm về chẩn đoán, điều trị, kê thuốc… thì còn có liên quan gì với nhân tâm, đạo đức, chính niệm, làm việc thiện? Trong câu chuyện trên, bệnh nhân đã nghe theo lời khuyến thiện của thầy thuốc, và bệnh đã khỏi ngay lập tức. Điều này chẳng phải rất thần kỳ sao? Trung y cho rằng thân và tâm của con người là một chỉnh thể, chúng sẽ ảnh hưởng lẫn nhau. Sự thực này ngày nay ngày càng được nhiều người phương Tây công nhận, hơn nữa họ đã bắt đầu áp dụng điều này vào phương pháp trị liệu.
Cuốn sách y học cổ điển của Trung Quốc [Hoàng Đế Nội Kinh] đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của “tâm” trong việc đánh giá một thân thể khỏe mạnh và trong điều trị bệnh tật. “Tâm giả, quân chủ chi quan dã, thần minh xuất yên.” “Chủ minh tắc hạ an”, “chủ bất minh thập nhị quan nguy”. “Tâm giả, sinh chi bản, thần chi biến dã.” (Dịch nghĩa: “Tâm đóng vai trò chủ quản các cơ quan, Thần linh ngụ ở đây”, “Chủ mà ngay chính thì các cơ quan yên ổn”, “Chủ không ngay chính thì 12 cơ quan nội tạng gặp nguy”. “Tâm là căn bản của sự sống, là sự biến đổi của Thần”) Vì vậy, điều trị bệnh tật trên thân thể trước hết nên điều trị tâm.
Tiếp sau đây, thầy thuốc Ngọc Lâm một lần nữa qua thực tiễn trị bệnh đã triển hiện những kỳ tích bất ngờ mà những nguyên tắc cổ xưa mà đơn giản này tạo nên. Mời các bạn nghe một câu chuyện khác của Ngọc Lâm với tựa đề “Cầu vồng hiện lên trong mưa”.
Đây là cuộc khẩu chiến kịch liệt xảy ra trong một gia đình.
Cuộc khẩu chiến kịch liệt này bắt đầu từ việc nên cắt bánh mì dày hay mỏng. Điều này cùng với sự khác nhau về tín ngưỡng, lối sống, không thống nhất quan điểm nên đã dẫn đến công kích lẫn nhau, vạch trần khuyết điểm và dùng lời lẽ thô tục với nhau. Vợ chồng Dana và Steve càng cãi vã càng trở nên gay gắt, cả hai đều đỏ mặt tía tai. Dana đẩy đứa con gái 6 tháng tuổi vào tay chồng rồi lên tầng trên.
Chưa đầy mười phút sau, Dana nghe thấy tiếng khóc của con gái, cô đi xuống cầu thang và thấy rằng chồng mình đang thở gấp. Việc này trước đây cô đã từng chứng kiến trong quá khứ, nên khi chồng cô yêu cầu: “Gọi cấp cứu 911 đi, anh có thể không ổn rồi…” cô có chút không đồng ý. Sau khi cúp điện thoại, trong lòng vẫn đang cố nghĩ ra một vài từ mạnh mẽ hơn vừa rồi để có thể khiến anh không nói nên lời, nếu vẫn không có cơ hội nói ra thì đợi để lần cãi vã sau dùng.
Ai ngờ, chưa đầy một tiếng đồng hồ sau khi xe cấp cứu đưa anh ấy đi, chồng cô đã chết vì nhồi máu cơ tim. Anh ta đã ra đi mà không để lại một lời nào.
Miếng bánh mì anh thái quá dày vẫn còn trên bàn…
Dana bị bệnh trầm cảm. Khi đến phòng khám, ở bên ngoài trời đang mưa, cô vô cùng chán nản.
Cô ấy nói: “Bác sĩ, người chết có thể sống lại được không?”
“Nếu tôi có cơ hội lại được sống với Steve chồng tôi lần nữa, tôi nhất định sẽ không giống như trước đây, tôi sẽ trân trọng anh ấy…”
Lúc này những điểm tốt và ưu điểm của chồng cứ không ngừng xuất hiện trong đầu cô sau khi anh ra đi.
Nước mắt chảy giàn giụa, cô khóc không thành tiếng: “Tôi hối hận lắm!”
Cô cho biết bản thân thường khắt khe, soi mói bắt bẻ, lải nhải lắm lời, làm việc gì cũng phải theo ý mình, động một chút là nổi cáu, có vấn đề gì cũng trách mắng người khác…
Giờ đây, chồng cô đã ra đi không một lời từ biệt, ra đi mãi mãi. Ngay cả giữa những người bạn với nhau cũng thường xuyên nói hai từ “cảm ơn”, nhưng cô chưa từng nói với anh ấy hai từ này. Giờ đây, khi cô thực sự muốn nói ra, thì anh cũng chẳng bao giờ nghe thấy được nữa. Dana hối hận không lời nào tả xiết.
Từ sau cái chết của chồng, đầu tiên Dana bị trầm cảm, sau đó là bệnh lupus ban đỏ. Lupus ban đỏ là bệnh thuộc hệ thống tự miễn, căn nguyên của bệnh là do trong thân thể và tinh thần không khỏe mạnh. Đau buồn, hối hận, tự trách bản thân đã khiến nghiệp bệnh cứ đè lên cơ thể từng cục từng cục, Dana ngày càng hoang mang, sợ hãi, không biết làm cách nào để thoát khỏi đau khổ, nhưng bệnh tình ngày càng nặng thêm.
Trung y hiện là phương pháp tạm thời có thể giảm bớt đau khổ cho cô. Trong tình huống cảm thấy bất lực, cô quyết định đến gặp thầy thuốc Trung y.
Trong quá trình điều trị, tôi hỏi cô ấy: “Sau khi trải qua bao nhiêu khó nạn như thế, cô đã học được điều gì?”
Thật bất ngờ, câu trả lời của cô là: “Tôi nhận thức được bản thân tôi. Tôi trước giờ không bao giờ muốn thay đổi bản thân, tôi chỉ muốn thay đổi người khác. Tôi thấy rằng những điều mà tôi không ưa ở người khác vừa đúng lại cũng là điểm yếu nhất của tôi. Tôi nói anh ấy lười biếng, kỳ thực tôi cũng lười biếng; tôi nói anh ấy tham lam, tôi cũng chẳng khác gì? Nhớ lại khi chúng tôi cãi nhau rất gay gắt mà không dứt, tôi thấy những điều xấu xa và không lương thiện trong tính cách của tôi, tất cả đều được phơi bày ra không sót chút gì. Khi tôi tức giận, tôi không thể kiểm soát được bản thân mình chút nào. Vì sự vui thích của riêng tôi, tôi đã đổ lỗi hoàn toàn cho người khác. Bởi vì chồng tôi không thể nói lại tôi, nên anh ấy đã kìm nén nó trong lòng… anh ấy đã ra đi trước rồi, anh ấy muốn để tôi sửa chữa những lỗi lầm này, để kiếp sau nếu có thể đầu thai, thì làm một người tốt trong sạch”. Dana bình thản nói.
Tôi đã nói chuyện với cô ấy về tu luyện. Khi tôi nói về Chân-Thiện-Nhẫn, tôi thấy hai mắt cô ấy sáng rực, với vẻ mặt giống như tinh thần khô kiệt gặp cơn mưa vậy, cô ấy muốn nghe nhiều thêm những đạo lý mà trước giờ cô ấy chưa từng biết đến.
Thế là, từ thiện ác hữu báo và nhân quả luân hồi, tôi đã nói cho cô ấy biết lý do sinh ra bệnh. Trong nháy mắt, cô ấy dường như đột nhiên hiểu ra đạo lý nào đó, lập tức đứng lên khỏi ghế, thốt lên “A, tôi hiểu ra rồi!”
Tôi hỏi: “Gì cơ?”
Cô nói: “Tôi hiểu ra rồi, một trái tim hoà ái và khoan dung”.
Cầu vồng đã hiện lên trong tim…
Loạt bài về Y Sơn dạ thoại là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện và Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/261669
Ngày đăng: 14-03-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.