Y Sơn Dạ thoại (40): Bước ra khỏi cuộc đời chắp vá



Tác giả: Ôn Tần Dung/Hồ Nãi Văn/Tống Thần Quang

[ChanhKien.org]

Sinh lão bệnh tử là quy luật của đời người, vì con người có già yếu có bệnh tật, nên mới có việc chữa bệnh, nhưng bất quá chỉ có thể chữa bệnh để kéo dài tuổi thọ, chứ không thể ngăn được cái chết của sinh mệnh. Theo nghĩa này, có người cho rằng dù là Tây y hay Trung y cũng chỉ là sự chắp vá mà thôi. Vì vậy các bài viết sau có lẽ sẽ khơi gợi những suy nghĩ của các bạn về vấn đề này.

Đầu tiên, chúng ta hãy xem bài viết của Ôn Tần Dung, một thầy thuốc Trung y, bài viết có tựa đề “Nguyên nhân thực sự của bệnh tật”.

Một người con gái dẫn người cha bị ung thư phổi từ phía Bắc Nam bộ (Trung Quốc) đến tìm tôi để khám bệnh. Cha cô thường xuyên thở không ra hơi, động một tý là thở hổn hển như sắp chết. Người con gái rất hiếu thảo cho nên nghe thấy ở đâu có thầy thuốc giỏi là dẫn ông đến khám.

Bệnh nặng cấp tính mà châm cứu thì nhanh hơn, châm huyệt Bách Hội và huyệt Khí Hải để bổ sung dương khí; khó thở thì châm huyệt Ngư Tế, Liệt Khuyết và Hợp Cốc; tim đập mạnh thì châm huyệt Nội Quan thấu đến huyệt Gián Sử; phối hợp với huyệt Công Tôn để làm dịu cơ hoành; châm huyệt Túc Tam Lý và Tam Âm Giao để bổ dưỡng khí huyết. Bệnh nặng thì châm ít huyệt, kích thích nhẹ, tránh kích thích quá mạnh làm người bệnh không chịu được. Tôi vừa hết sức tập trung vào việc châm cứu, vừa quan sát sắc mặt của ông ấy, chú ý sự lưu thông khí. Châm xong, bệnh nhân hít một hơi dài phấn khởi nói: “Đã lâu lắm rồi không được hít thở thoải mái, thật dễ chịu!”

Nhưng khi đang hoàn thành mũi châm cuối cùng, nói thì chậm mà xảy ra thì nhanh, tôi lập tức thấy trời đất quay cuồng, mắt nổ đom đóm, chân tay mềm nhũn, gần như ngất xỉu! Tôi cắn răng gọi điện đến quầy đăng ký yêu cầu dừng đăng ký nửa tiếng, vừa đặt điện thoại xuống thì tôi đã tê liệt! Tim dường như sắp ngừng đập! Nằm nửa giờ vẫn không thể ngồi dậy được. Trong lòng tôi biết rõ vừa rồi mình bị vướng phải hung thần ác quỷ của bệnh nhân đó! Suốt một tuần sau khi sự việc xảy ra, đêm nào đi ngủ tôi cũng đều trong tình trạng tức ngực, khó thở như người ta gọi là “bóng đè”, cứ như thế tôi đã trải qua những đêm dài đằng đẵng, trằn trọc kinh hoàng! Về sau, khi tôi thảo luận về y thuật với các bạn đồng nghiệp, một đồng nghiệp nói rằng anh ấy cũng một lần gặp phải chuyện như thế và đã bị ốm nặng ba tháng, từ đó về sau anh ấy không châm cứu nữa. Còn các thầy châm cứu của anh ấy và mấy vị cao thủ trong làng châm cứu cũng gặp tình trạng này, đều vì thế mà bỏ nghề!

Đó là lần đầu tiên tôi tự mình trải nghiệm được việc châm cứu có thể chạm đến nguyên nhân đích thực gây ra bệnh trên cơ thể bệnh nhân ở không gian vi quan – đó là linh thể nghiệp bệnh. Thật đáng sợ! Tất nhiên, tôi biết được những điều đó là do sau này tôi đã đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân quý giá. Cảm tạ Sư tôn đã bảo vệ đôi tay cho đệ tử Đại Pháp chân chính hành nghề thầy thuốc châm cứu, để các đệ tử không phải chuyển sang nghề nghiệp khác, cũng chính là họ không còn phải lo lắng linh thể nghiệp bệnh của bệnh nhân thay đổi mục tiêu tìm đến thầy thuốc đã giải trừ đau khổ của bệnh nhân để trả thù.

Sau đây là một số đoạn trích từ “Bài giảng thứ bảy” của sách Chuyển Pháp Luân về “Vấn đề trị bệnh”:

Có một câu nói của Sư tôn:

“…có bao nhiêu bệnh thì có bấy nhiêu công năng để trị.”

Sư tôn cũng giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Con người vì sao có bệnh? Nguyên nhân căn bản làm cho người ta có bệnh hoặc bất hạnh [chính] là nghiệp lực, trường nghiệp lực vật chất màu đen. Nó là thứ thuộc về tính âm, thuộc về những thứ không tốt. Còn những con linh thể bất hảo kia, cũng là thứ có tính âm, đều là thuộc [loại màu] đen, do vậy chúng có thể gắn vào; hoàn cảnh đó thích hợp với chúng. Chúng là nguyên nhân căn bản làm người ta trở thành có bệnh, đó là căn nguyên chủ yếu nhất của bệnh. Tất nhiên còn có hai hình thức [khác] nữa: một là tiểu linh thể rất nhỏ rất nhỏ nhưng mật độ rất lớn, như một cục nghiệp lực; còn nữa là thứ giống như cái ống dẫn đến, loại này ít gặp, đều là do tổ tiên ở trên tích tụ lại; cũng có tình huống như thế.”

“Chúng tôi hãy giảng [tình huống] phổ biến nhất; người ta mọc khối u chỗ này, phát viêm chỗ kia, có gai xương ở chỗ nào đó, v.v., nơi không gian khác thì có một con linh thể nằm chính tại chỗ đó, có một con linh thể tại không gian rất thâm sâu.”

Sư phụ đã giảng cho chúng ta:

“Sau khi chư vị gỡ bỏ [linh thể] ấy đi rồi, thì chư vị phát hiện rằng trên thân thể ở bên [không gian] này chẳng còn [bị] gì nữa. Những gì là lệch đĩa đệm thắt lưng, gai xương, thì sau khi chư vị gỡ bỏ [linh thể] đó xuống, lấy trường kia ra xong, chư vị sẽ thấy lập tức khỏi [bệnh]. Chư vị thử chụp lại X-quang, thì không còn thấy gai xương nào nữa; nguyên nhân căn bản là do [linh thể] kia khởi tác dụng.” (Chuyển Pháp Luân)

Chủ đề chúng ta vừa nói đến liên quan đến các không gian khác, vì bệnh không phải do không gian bề mặt gây nên, nó là siêu thường, vậy ai có thể loại bỏ được tận gốc bệnh này? Người bình thường không thể làm được, như đã nói trong bài viết vừa được nêu ở trên, nếu khi thầy thuốc thực sự chạm đến linh thể đích thực của nghiệp bệnh trong không gian vi quan của cơ thể bệnh nhân, thì nghiệp bệnh sẽ chuyển sang cơ thể thầy thuốc.

Trong sách Chuyển Pháp Luân giảng rằng:

“Có một vấn đề cần nói rõ, trị bệnh bằng khí công thông thường và trị bệnh tại bệnh viện, đều là đưa cái nạn nguyên nhân tạo thành bệnh trì hoãn lại về sau, trì hoãn về nửa đời sau này hoặc về sau, hoàn toàn không động đến nghiệp lực.”

Như vậy khi thầy thuốc sử dụng phương pháp điều trị ở không gian bề mặt để trị bệnh, họ cũng không động chạm đến được nguyên nhân gây bệnh tồn tại ở không gian khác, vì thế chúng tôi thấy rằng bệnh viện đã chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân thì thực chất chỉ là chuyển dịch bệnh về sau. Thậm chí một số bệnh nặng gây tử vong cũng sẽ tạm thời được đẩy lùi.

Tiếp theo, tôi sẽ kể cho các bạn đọc về một trải nghiệm chữa bệnh của thầy thuốc Trung y Hồ Nãi Văn. Trong bài viết “Bệnh đã khỏi rồi phải không?” anh ấy kể rằng:

Cách đây nhiều năm, một bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối đến khám bệnh cho biết bệnh viện lớn nói không điều trị được nên đành phải tìm đến sự giúp đỡ của thầy thuốc Trung y.

Khi gặp bệnh nhân, ấn tượng đầu tiên của tôi là sắc mặt anh ta u ám, bụng trướng to.

Phần “Mậu Thích Thiên” trong Hoàng Đế Nội Kinh viết: Nếu người bị ngã, ác huyết (máu xấu) sẽ tụ lại trong bụng khiến bụng đầy trướng, không cúi xuống hay ngửa ra được, có thể uống thuốc thông đại tiểu tiện trước. Vì tổn thương mạch Quyết Âm (can) ở trên và tổn thương lạc Thiếu Âm (thận) ở dưới, nên cũng có thể châm huyệt “Nhiên Cốc” dưới mắt cá chân, tức là mạch máu trước huyệt Nhiên Cốt, chích cho máu chảy ra. Ngoài ra, châm vào động mạch trên mu bàn chân, nếu không khỏi thì lại châm vào huyệt “Đại Đôn” ở trên ngón chân cái, chích cho máu chảy ra, lập tức khỏi. Bệnh ở bên trái châm huyệt bên phải, bệnh ở bên phải châm huyệt bên trái.

Do đó có thể thấy, giống như bị ngã, máu xấu vẫn còn trong ổ bụng, bụng đầy chướng, làm động tác cúi gập người rất khó. Còn gan bên phải bệnh nhân bị ung thư đau đớn chẳng phải rất giống tình huống có ác huyết trong bụng sao? Sử dụng phương thuốc thông lợi đại tiểu tiện, sau đó chích máu ở huyệt “Nhiên Cốc” và huyệt “Đại Đôn” bên trái, phương pháp điều trị này rất đơn giản, lại rất khả thi.

Theo nhận định trên, tôi chích máu cho bệnh nhân mỗi tuần một lần, đồng thời cho uống thuốc mát gan, dưỡng gan. Tám tuần sau, vào một ngày chủ nhật, bệnh nhân và người nhà vui vẻ đến cảm ơn tôi và nói rằng bệnh viện lớn chẩn đoán rằng bệnh ung thư đã biến mất.

Nhưng ba ngày sau, người thân của bệnh nhân đến khám bệnh nói với tôi rằng, bệnh nhân ấy đã chết. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Làm sao mà chết được?” Người thân bệnh nhân trả lời: “Bị tai nạn xe hơi!” Vị này cho biết, thân xe không có hư hỏng gì, không có hành khách nào khác trên xe bị thương, bệnh nhân cũng không có chỗ nào bị thương nhưng vẫn tử vong.

Trong cuốn sách Chuyển Pháp Luân đã giảng:

“Khí công sư chân chính xuất phát từ tâm từ bi, xuất phát từ [lòng] thương xót, trong quá trình tu luyện thấy chúng sinh đều khổ, [nên] họ giúp đỡ người ta; điều ấy được phép. Nhưng họ không trị [hết bệnh]; họ chỉ tạm thời giúp chư vị ức chế bệnh lại; hoặc giúp chư vị chuyển dịch nó đi, bây giờ không mắc [bệnh] nhưng tương lai sẽ mắc, chuyển dịch bệnh về sau này; hoặc giúp chư vị chuyển hoá [bệnh], chuyển nó sang thân thể thân quyến của chư vị. Còn tiêu trừ nghiệp ấy một cách thật sự triệt để, thì họ không làm được; không được phép tuỳ tiện giúp người thường như thế; nhưng chỉ có thể giúp người tu luyện làm việc ấy; đó chính là đạo lý.”

Khi bệnh nhân lần đầu tiếp xúc với tôi và cho đến khi được chữa khỏi, tôi đều nói với anh ta: Những bệnh nặng đều là do “nghiệp lực” trong quá khứ quá nặng, muốn chữa lành thì nên xem xét các bài công pháp tu luyện Phật gia thượng thừa để tiêu trừ nghiệp lực đã tích lũy từ đời này sang đời khác. Bệnh nhân chỉ cười không để ý, cho rằng nghiệp lực và sự tu luyện mà tôi nói đến không liên quan gì đến bệnh tình của anh ấy, hoàn toàn không cân nhắc những lời đề nghị của tôi.

Kỳ thực, trị bệnh là đẩy lùi cái nạn đó về sau, hoàn toàn không động đến nghiệp lực. Lúc đó người bệnh không nắm bắt cơ duyên để nhanh chóng bước vào con đường tu luyện, để rồi chết trẻ khi còn tráng niên, thực sự đáng tiếc cho anh ta.

Các bạn thân mến, sau khi xem câu chuyện vừa rồi, mặc dù vị bệnh nhân mắc bệnh nan y này đã gặp một thầy thuốc Trung y có y thuật cao siêu, nhưng vì anh ta không tu luyện nên chỉ được thầy thuốc tạm thời đẩy lùi bệnh, có vẻ như là bệnh ung thư đã biến mất. Nhưng theo quy luật sinh lão bệnh tử của người thường, đến một lúc nào đó họ vẫn sẽ gặp nạn xe cộ, họ đã bước đến tận cùng của tiến trình sinh mệnh mà Trời đã định.

Sau đây chúng ta hãy lại xem bài viết “Bước ra khỏi cuộc đời chắp vá” của thầy thuốc Trung y Tống Thần Quang.

Một lần, tôi cùng người bạn đến thăm một cụ già người Nhật đã gần 90 tuổi. Người bạn cho biết cụ cũng là bác sỹ, thầy thuốc Tây y.

Ông cụ cười hiền lành bảo Tây y không sánh được với Trung y, Trung y chú trọng chữa bệnh tận gốc, Tây y chỉ tu sửa trên bề mặt, ở đâu mọc lên cái gì thì phẫu thuật cắt bỏ nó đi, về bản chất không thực sự giải quyết được vấn đề, có một số phương pháp điều trị còn có thể gây hại cho cơ thể.

Lúc đó thấy ông cụ bị đau thắt lưng, được sự đồng ý của ông cụ, tôi bấm vài huyệt trên tai ông, sau khi ông lão cử động thắt lưng vài cái, ông ngạc nhiên nói rằng cơn đau thắt lưng đã biến mất. Hôm sau, ông cụ lại gọi điện nói cả đêm không bị đau lưng, thực sự cảm ơn nhiều.

Ông cụ đã hành nghề chữa bệnh mấy chục năm, không phải ngẫu nhiên mà nói câu nói như vậy. Lúc đó, tôi thực sự cảm thấy rằng Trung y cao hơn hẳn Tây y một bậc. Về sau, khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân khác nhau, tôi cũng dần dần phát hiện ra rằng Trung y khi đối diện với nhiều bệnh nan y mà Tây y không chữa được, thông qua việc phân tích chẩn đoán chính xác để điều trị sẽ đạt được hiệu quả trị liệu khiến Tây y không thể lý giải được. Nhưng, kỳ thực, nó cũng không vượt quá phạm vi chắp vá. Các nguyên lý của Trung y bắt nguồn từ lý luận của Đạo gia – thuyết âm dương ngũ hành, trong khi chữa bệnh cũng tiến hành điều chỉnh theo nguyên lý thuyết âm dương ngũ hành, không vượt ra ngoài nguyên lý thuyết âm dương ngũ hành, ví dụ Trung y giảng rằng “hư tắc bổ, thực tắc tả” (yếu thì phải bồi bổ, đầy thì phải tháo ra). Thấy bệnh ở gan, biết gan truyền qua lá lách. Theo nguyên lý thuyết âm dương ngũ hành, thông qua hình thức “bồi bổ” và “tháo ra” có thể đạt được cân bằng âm dương, nhưng điều này cũng không thể giải quyết được vấn đề cơ bản.

Kỳ thực, quy luật của đời người là sinh lão bệnh tử, vì con người có già yếu có bệnh tật nên mới cần chữa bệnh, nhưng thầy thuốc chỉ chữa được bệnh và kéo dài tuổi thọ chứ không thể ngăn được cái chết của sinh mệnh (chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh). Theo nghĩa này, Trung y cũng chẳng qua chỉ là tu sửa, chắp vá. Nhưng xét cho cùng, Trung y khác với Tây y, bởi nó bắt nguồn từ “Đạo”, có thể chữa khỏi bệnh tật và kéo dài tuổi thọ cho con người, cũng để lại một cánh cửa thông đến “Đạo”. Nhiều người chính là thông qua đạo lý của Trung y mà bắt đầu hiểu được đạo dưỡng sinh, từ đó bước vào con đường tu Đạo, tìm kiếm đại đạo cao hơn. Bởi vì chỉ có tu luyện mới có thể thoát ra khỏi cuộc sống chắp vá. Trong số hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công, rất nhiều người đều vì có bệnh mà đến Tây y và Trung y để khám, sau đó đã bước vào tu luyện Đại Pháp, thông qua tu luyện Đại Pháp, các bệnh tật của họ không cần điều trị mà khỏi, Đại Pháp đã giúp họ minh bạch được ý nghĩa đích thực của cuộc sống là phản bổn quy chân, từ đó thoát ra khỏi kiếp sống tu sửa, bước lên con đường trở thành Thần.

Cảm ơn bạn đã đọc “Y Sơn Dạ thoại” và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/268367



Ngày đăng: 07-03-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.