Y Sơn dạ thoại (13): Cười có phải là bệnh không?



Tác giả: Ngọc Lâm/ Thản Nhiên

[ChanhKien.org]

Khi nói đến “cười”, dường như nó luôn mang lại cho người ta cảm giác tốt đẹp, bởi vì “cười” thông thường đi kèm với sung sướng và vui vẻ. Nhưng nếu bạn cứ cười mãi, cười không nhịn được, cười to, cười như điên… thì sẽ ra sao? Bạn có thể nói, cười đến đau cả bụng! Có lẽ rất nhiều người đã có cảm giác như vậy. Bởi thế, nghiêm trọng hơn một chút, nếu ai đó cười đến cực độ, cười đến nỗi các cơ trên mặt đau nhức, cười đến mức muốn khóc, chảy cả nước mắt, cười đến mức chảy cả nước mũi, thở không ra hơi … thì sẽ ra sao? Bạn có thể nói: Người này bị bệnh! Bạn nói đúng, “cười” cũng là bệnh.

Có một bệnh nhân như vậy đã đến phòng khám của thầy thuốc Ngọc Lâm. Chúng ta hãy cùng xem câu chuyện của cô ấy.

Từ phòng chờ của phòng khám vang lên một tràng cười…

Âm thanh đó trầm trầm, mạnh mẽ, thoạt nghe giống như người đang cười lớn ấy đang có chuyện vui nào đó hoặc đang mang tâm trạng cực kỳ vui vẻ nói chuyện với một người có khiếu hài hước. Nghe tiếng cười ấy khiến người ta bất giác mỉm cười …

Khi đến lượt ông ấy vào điều trị, tôi mở hồ sơ xem qua bệnh án của ông ấy. Lý do ông đến điều trị lại là “Không thể nhịn được cười, vô cùng thống khổ …”

Tôi liếc nhìn ông ấy. Đây là một người đàn ông khoảng 60 tuổi, dáng người khỏe mạnh, ngoại hình trung bình, tướng mạo đoan chính, giữa hai lông mày lộ rõ nét u sầu hằn sâu khó hiểu, khi hai mắt nhìn vào người khác khiến người ta toàn thân khó chịu.

Đầu tiên ông ấy hỏi tên tôi được phát âm như thế nào, sau đó cười to vài tiếng. Tiếp đó, ông ấy lại hỏi tôi đã đến Mỹ mấy năm, rồi lại cười ha ha. Tôi không thể nghe ra được trong cuộc đối thoại này có lý do gì đáng để ông ấy cười vui vẻ như vậy. Cuối cùng ông ấy cũng cảm thấy ánh mắt tôi nhìn rất nghiêm túc, không có chút ý cười cợt nào, nên mới cố sức nén cười.

Tôi hỏi: “Có thể cười một cách vui vẻ chẳng phải là chuyện tốt sao? Tại sao phải coi đó là bệnh?”

Ông thở dài rồi nói: “Thưa bác sĩ, các cơ trên mặt tôi vì cười mà đau nhức, tôi cười đến mức muốn khóc, cười đến chảy nước mắt, chảy nước mũi, thở không ra hơi. Hơn nữa trong cuộc sống hàng ngày của tôi chẳng có việc gì đáng cười to như thế”.

Tôi hỏi: “Ông bị bệnh này bao lâu rồi?”

Ông nói: “Nó bắt đầu từ khi tôi còn rất trẻ. Lúc hai tuổi rưỡi, tôi mắc một căn bệnh lạ, bác sĩ cũng không thể chẩn đoán được là bệnh gì, nhưng tôi phải tiêm thuốc, cứ 30 phút tiêm một lần, tổng cộng 21 ngày. Lúc đó bố mẹ tôi không ở bên cạnh tôi, tôi bị trói vào giường, hét to kêu cứu, rồi bất lực mà cười to. Tôi đã nghĩ rằng tiếng cười sẽ thu hút mọi người quan tâm đến mình. Sau 21 ngày, toàn thân tôi bị đâm nhiều lỗ kim, không còn mấy chỗ thịt lành lặn, nhưng tôi cứ không ngừng cười.

Chỉ có trái tim tôi biết rằng, ở sâu trong tiếng cười ấy thực ra tôi buồn đau không tả xiết. Thế giới này vốn là nơi không phân biệt được thật giả, dở khóc dở cười. Theo thời gian, tôi trở nên tê liệt. Từ khi còn nhỏ, tôi đã hy vọng rằng ai đó sẽ hiểu mình, không phải tôi thực sự muốn cười hay trong cuộc sống có điều gì đó đáng cười, mà là vì khóc sẽ bị coi thường và thậm chí còn bị bỏ rơi…”

Khi đang nói ông ấy lại không nhịn được cười ha ha. Tiếng cười của ông ta từ cao xuống thấp, từ thấp đến ậm ừ, nghe mà khiến người nghe phải rợn người.

“Tôi đã phá sản, tôi mất hết tiền tiết kiệm. Tôi không có gia đình, tôi ở một mình, đi đến đâu cũng vì tiếng cười của tôi mà để lại cho người ta những ký ức không vui. Bác sĩ ơi, đây có phải là bệnh không?”

… Tôi không biết phải nói gì.

Đây là lần đầu tiên tôi gặp bệnh nhân cười mà lại thấy đau thương, không những đau thương mà còn hao tổn tinh thần. Sau khi tôi châm cứu cho ông ấy, ông ấy đã yên lặng hơn rất nhiều so với lúc mới vào, ông ấy đã có thể nói chuyện một cách bình thường.

Tôi hỏi về bố mẹ của ông ấy. Ông ấy rơi nước mắt, lại cười và nói với tôi rằng khi ông bảy tuổi, sau khi bàn bạc kỹ với nhau, cả hai người cùng chĩa súng bắn vào nhau rồi chết ở ngay trước mặt ông. Thoạt đầu ông nghĩ đó là trò đùa của họ, nên đứng bên cạnh cười ha ha. Mãi cho đến khi cha mẹ ngã trong vũng máu và không còn đáp lại tiếng khóc gào của ông được nữa, ông mới nhận ra rằng tất cả những điều này là sự thật. Kể từ đó, tiếng cười của ông ấy đều có liên quan đến sự bất hạnh. Khi gặp phải tình huống tuyệt vọng, không thể cứu vãn trong cuộc đời, ông ấy lại ra sức cười. Đây là những gì ông ấy đã học được từ khi còn nhỏ. …

Khi đang chuẩn bị rời phòng khám, ông thấy một người mẹ trẻ đang bế đứa bé khoảng hơn hai tháng tuổi ngồi trong phòng chờ đợi tôi. Người mẹ trẻ đó nhìn tôi áy náy giải thích rằng hôm nay cô không tìm được người để giúp cô ấy chăm sóc con, lại sợ tôi phải chờ đợi, không biết làm sao nên đành mang đứa bé theo.

Ông nghe vậy hai mắt sáng lên, lập tức nói: “Để tôi bế cho, tôi có thời gian, tôi sẽ bế đứa trẻ ngồi ở trên ghế sô-pha này, tựa như trên giường, ngồi đợi không đi đâu cả”.

Người mẹ trẻ cười vui vẻ: “A, hay quá! Tôi vừa cho nó ăn no, vừa thay bỉm cho nó, nó sẽ ngủ một giấc”.

Người mẹ nhìn tôi với vẻ tin tưởng, nghĩ rằng những bệnh nhân bước ra khỏi phòng khám của tôi đều đáng tin cậy.

Tôi không bày tỏ bất cứ thái độ gì. Thấy ông đón đứa trẻ hết sức trân trọng, tôi nhẹ nhàng nhắc nhở: “Tạm thời ông hãy coi nó là chính mình lúc còn nhỏ!”

Ông ấy gật đầu, nước mắt lưng tròng, cảm động nhìn tôi nói: “Tôi hiểu rồi!”

Người mẹ trẻ đã yên tâm đi vào. Tôi đứng ở cửa phòng chờ, nán lại vài phút, vì sợ rằng tiếng cười ha ha của ông ấy sẽ đánh thức đứa trẻ đang ngủ say, tôi hy vọng khoảnh khắc này có thể lấy lại sự thiện lương trong bản tính của ông. Trong ký ức bị bỏ rơi khi còn nhỏ, có lẽ cảm giác từng được một người mẹ ôm ấp có thể quay ngược thời gian trở lại trong tâm trí không trọn vẹn này. Hành động bế đứa bé hoàn toàn trong sáng không chút ô nhiễm bụi trần này có thể chữa lành vết thương thời thơ ấu của ông.

Ông quay người lại, thấy tôi vẫn còn đứng đó, ông nhẹ nhàng nói: “Bác sĩ, cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội này. Tôi biết rằng khoảnh khắc này quan trọng hơn bất cứ điều gì khác, vì nó có thể chữa lành vết thương của tôi…”

Tôi gật đầu, nhẹ nhàng đóng cửa lại.

Một giờ sau, đứa bé tỉnh dậy với đôi mắt mở to trong vòng tay ông, tò mò nhìn xung quanh. Người mẹ trẻ ôm con vào lòng.

Nhưng lúc này, chính ông ta mới là người cảm ơn rối rít: “Tuần sau tôi lại tới khám bệnh, cô cứ đến khám tiếp sau tôi nhé, tôi sẽ lại bế nó như thế cho cô, cô yên tâm, cứ yên tâm nhé”.

Người mẹ trẻ nhướng mày: “Hay quá! Bác sĩ ơi, quyết định như thế nhé!”

Thấy đứa trẻ đang rời đi, ông lại rướn cổ lên để nhìn thêm lần nữa. Lúc này tôi mới nhớ ra, đã hơn một tiếng đồng hồ, ông ta không còn cười thành tiếng.

Có một bài thơ rằng:

Khổ đáo cực thời khai hoài tiếu
Tiếu lý đa thiểu thống dữ tháo
Tha đương ngã thị đắc ý nhân
Thùy tri ngã tâm khổ hải đào
Hỗn độn trọc thế giả thị chân
Mị ảnh già thiên âm dương đảo
Khu tán âm mai tầm đồng chân
Phản hồi chân ngã quy chính đạo

Diễn nghĩa:

Khi đau khổ tột cùng cười thỏa thích
Nhưng trong tiếng cười có biết bao đau đớn và khô khan
Họ tưởng rằng tôi là người đắc ý
Ai biết trong tim tôi đau khổ như biển cạn
Trần thế hỗn loạn lấy giả làm thật
Bóng ma đang che phủ bầu trời đảo lộn âm dương
Xua tan mây mù tìm kiếm sự trong sạch
Trở về con người thật của ta và về với chính Đạo

Loạt bài “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện và Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/262359



Ngày đăng: 29-04-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.