Y Sơn dạ thoại (31): Tổn thương (1)



Tác giả: Ngọc Lâm

[ChanhKien.org]

Hôm nay chúng tôi xin giới thiệu với các bạn đọc bài viết của thầy thuốc Ngọc Lâm có tựa đề “Tổn thương”.

Đến cuối ngày khám bệnh, sau khi bệnh nhân cuối cùng rời phòng khám, lúc tôi chuẩn bị đóng cửa ra về thì nghe tiếng chuông điện thoại. Tôi do dự một chút, tuy trong tâm không muốn trả lời nhưng vẫn bất giác đưa tay ra bắt máy. Đó là một bác sĩ Tây y gọi đến nhờ giúp đỡ, anh ấy có môt bệnh nhân bị trẹo lưng cấp tính, không thể cử động được và muốn tôi giúp đỡ gấp, anh ấy biết rằng điều trị trẹo thắt lưng là chuyên môn của tôi.

Khi tôi nhìn thấy bệnh nhân Jane, cô ấy đang rên rỉ đau đớn, hai tay cô nắm chặt vào tay vịn ghế, cô không thể đứng lên ngồi xuống, hễ khẽ thay đổi tư thế thì đau ghê gớm. Tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân như vậy trong phòng khám, vì vậy tôi ngay lập tức châm cứu vào huyệt nhân trung của cô ấy, cô còn chưa kịp nhận ra thì kim đã châm xuống ba phân. Tôi bảo cô ấy hít thở sâu, trong vòng chưa đầy một phút cô ấy đã có thể đứng dậy. Mặc dù eo lưng cô vẫn còn đau nhưng rõ ràng là đã dễ chịu hơn nhiều rồi. Vẫn để kim nguyên tại đó, tôi bảo cô ấy đi vài bước, khi này khuôn mặt vốn bị đau và căng thẳng của cô ấy dần dần thư thái hơn.

Sau khi rút kim, tôi bắt đầu quy trình điều trị lâm sàng thông thường, tôi hỏi cô ấy về chỗ bị đau, rồi đưa tay kiểm tra vùng eo của cô ấy. Tay tôi chưa chạm vào cơ thể cô ấy, mà Jane đã hét lên kinh hoàng, giọng kinh hãi và thất thanh như thể ai đó đâm dao vào eo cô ấy. Khi thấy tay tôi dừng lại giữa chừng, cô ấy ngay lập tức nói lời xin lỗi: Tôi xin lỗi, tôi thực sự xin lỗi…

Sau đó cô ấy nắm lấy tay tôi mà khóc, khóc một cách rất thương tâm. Tôi biết rằng trước mặt tôi nhất định là một cô gái bị tổn thương nặng nề về tinh thần và thể xác.

Tôi nhẹ nhàng nói với cô ấy: “Trước tiên hãy chữa khỏi chứng đau lưng đã. Hôm nay cô về ngủ một giấc thật ngon nhé”.

Khi cô ấy ra về, tình trạng đau lưng của cô đã đỡ nhiều, về cơ bản cô đã có thể đi lại và đứng ngồi thoải mái.

Cô ấy xấu hổ nói với tôi: “Vừa rồi tôi đã làm như vậy với bác sỹ, thực sự …, tôi … tôi có thể lại đến gặp bác sỹ để điều trị được không?”

Tôi trả lời: “Tất nhiên là có thể”.

Chứng đau lưng của Jane đã nhanh chóng được giải quyết. Tôi biết cô ấy sẽ trở lại. Vài ngày sau, cô mang theo hồ sơ bệnh án của mình đến gặp tôi để chữa bệnh động kinh cho cô. Nhờ vậy tôi biết được một số điều về cuộc đời của cô. Sau đây là câu chuyện của cô ấy:

Jane kể: “Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn miền Trung (nước Mỹ), tôi có năm anh chị em. Mẹ tôi là một người không có năng lực gì nhưng lương thiện, còn bố dượng của tôi là một người nghiện rượu. Họ kết hôn khi tôi mới năm tuổi. Kể từ đó, tôi bắt đầu sống trong địa ngục trần gian.

Tôi bị bố dượng hành hạ cho đến khi tôi 14 tuổi, cuối cùng một ngày nọ, tôi bỏ trốn khỏi nhà, từ đó đến nay tôi chưa bao giờ quay trở lại. Tôi hiện giờ đã có gia đình và có hai đứa con. Tôi là một người rất tự ti, hoàn cảnh khi nhỏ khiến tôi luôn thống khổ và nghi hoặc: Tại sao người lớn lại đối xử với tôi như vậy, tại sao tôi lại là một đứa trẻ bất hạnh như vậy? Mặc cảm tự ti và tâm lý nổi loạn khiến tôi trở thành một người tự phụ và tự ái đến độ cực đoan. Chính vì vậy, tôi sống trong hai thái cực, tính tự ái biểu hiện bên ngoài là để che giấu sự tự ti cực độ trong lòng. Tôi sống một cuộc sống rất khổ sở… Tôi không hiểu tại sao các nguyên tắc đạo đức lý niệm của con người lại bị bỏ rơi đến mức như vậy trong xã hội ngày nay. Việc ngược đãi trẻ em có thể thấy ở khắp mọi nơi, thậm chí ngay cả con đẻ cũng không ngoại lệ. Mỗi khi đến ngày chủ nhật, mọi người đều đến nhà thờ để cầu nguyện, nhưng đó là cầu nguyện cho lợi ích của chính họ. Trong sâu thẳm tâm hồn, những người đó đã làm nhiều điều xấu đến mức một chút lương tri cũng không còn, huống hồ là ăn năn hối cải…”

Cô nói thao thao bất tuyệt, càng ngày càng xúc động, hơi thở cũng bắt đầu gấp gáp. Đúng lúc này, bệnh động kinh của cô lại tái phát. Tôi đã giúp cô ấy ngừng co giật.

Khi tỉnh lại, cô ấy nói với tôi rằng đây là lần phát bệnh ngắn nhất từ trước đến giờ mà cô ấy nhớ được, nó diễn ra chưa đầy một phút.

Jane là giáo viên thể dục, thân thể rất khỏe mạnh, chí ít biểu hiện bề ngoài là như thế. Cô ấy yêu hoạt động thể thao, môn thể thao yêu thích của cô ấy là bóng đá. Vì vậy, mỗi lần đến phòng khám, trên cơ thể cô lúc nào cũng chỗ thì xanh chỗ thì tím, từ chân bị bong gân đến đầu gối bị chấn thương, cứ hết chỗ này chưa khỏi thì chỗ kia lại bị tiếp.

Một lần tôi về nhà và đi ngang qua sân bóng nơi Jane đang chơi, nên tôi quyết định đứng ngoài hàng rào và xem cô ấy thi đấu. Bộ quần áo nổi bật của Jane khiến người ta có thể nhận ra cô ấy ngay lập tức. Hôm nay cô ấy là thủ môn, và khi cô ấy lao về phía trái bóng, tốc độ lao ra như một quả đạn pháo được bắn ra, nhanh đến nỗi khiến người ta không thể tưởng tượng được. Cô ấy đã lao người ra ngoài gần như 100% mà không giữ lại một chút gì, tôi bất ngờ khi nhìn thấy điều này.

Nhìn thấy tôi giơ ngón tay cái lên, cô ấy cũng reo lên thích thú, vui sướng như một đứa trẻ.

Khi cô ấy đến phòng khám của tôi để điều trị một lần nữa, tôi bày tỏ sự khâm phục của mình đối với sự dũng cảm của cô ấy trên sân bóng. Thật khó tưởng tượng rằng tôi sẽ thảm hại như thế nào nếu quả bóng đó bay về phía tôi.

Cô nói: “Khi chơi bóng, tôi luôn nghĩ trái bóng đó là bố dượng của tôi. Nếu hơn 20 năm trước tôi có được sức mạnh như ngày hôm nay, thì ông ấy nhất định không thể đến gần tôi. Thật đáng tiếc vì lúc đó tôi quá yếu. Nếu không phải mẹ tôi còn sống thì tôi đã tống ông vào tù từ lâu rồi!”

Giọng điệu của cô đầy căm hận, khiến người ta cảm thấy nỗi uất hận này đã ăn sâu trong tim, không bao giờ có thể xóa bỏ được. Bạn có thể tưởng tượng được tình hình sẽ như thế nào nếu ngày hôm nay họ gặp lại nhau.

Tôi hỏi: “Cô di truyền bệnh động kinh từ người nào trong gia đình?”

Cô ấy nói, “Mẹ và bà nội”. Đang nói cô ấy trở nên buồn bã, “Lúc còn nhỏ, khi tôi bị bắt nạt và hành hạ, tôi muốn tự mình phát bệnh. Sau đó, tôi thậm chí có thể điều khiển để tự mình lên cơn bất cứ khi nào tôi muốn. Đó là để tự bảo vệ mình, nhưng hậu quả thật không ngờ: tôi ngày càng yếu đi, cuối cùng đi lại khó khăn”.

Tôi hỏi cô ấy: “Mẹ cô có biết không?”

Cô ấy nói: “Mẹ biết tất cả những điều này. Bởi vì tôi còn có những người chị em khác, để bảo vệ họ, tôi đã trở thành vật hy sinh. Bản thân mẹ tôi cũng thường xuyên bị ông ấy đánh bầm tím mặt mũi. Mẹ tôi có vẻ giống một giáo đồ Phật giáo hơn là một tín đồ Cơ Đốc thành kính. Bà ấy tin vào thuyết định mệnh, bà ấy luôn nói rằng: ‘Kiếp trước chúng ta đã làm những điều xấu xa để rồi phải nhận lấy báo ứng như thế này. Mặc dù bố dượng của con không tốt với con, nhưng suy cho cùng thì ông ấy đã cung cấp bánh mì trên bàn ăn. Nếu không có ông ấy, chúng ta sẽ phải đi xin ăn. Vì điều này, chúng ta phải nhẫn chịu'”.

Trong tâm hồn trẻ thơ của mình, tôi biết rằng mọi thứ trên đời đều không miễn phí, tất cả đều phải trả một cái giá nào đó. Để có bánh mì trên bàn ăn và để cả nhà không phải đi ăn xin, tôi phải trả giá. Nhưng bố dượng cũng phải trả giá cho hành động của mình. Một ngày nào đó trong tương lai, tôi và ông ấy sẽ đứng trước mặt Thượng Đế, không cần tôi nói một lời, khi Thượng Đế nhìn thấy linh hồn ông ấy đã sa đọa, ngay lập tức sẽ đưa ra phán quyết công bằng và ném ông ấy xuống địa ngục…”

Ngoài chứng động kinh, Jane còn bị trầm cảm nặng. Vì mất ngủ kéo dài và những cơn ác mộng triền miên nên cô ấy phải dùng thuốc để duy trì cuộc sống. Cảm xúc của cô ấy rất thất thường cùng với sự căng thẳng trong tinh thần đã khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp sống và làm việc với cô không biết xử lý ra sao. Cô ấy quá nhạy cảm, luôn cảm thấy lời nói của người khác mang sự châm biếm và có ý hại mình. Chỉ một số ít bạn bè quen biết trong những lần gặp gỡ thời thơ ấu của cô mới có thể thông cảm được tính cách kỳ lạ của cô. Mặc dù cô ấy đã cố gắng để thay đổi, nhưng vết thương lòng thời thơ ấu này đã hằn quá sâu khiến cô ấy không thể thoát khỏi nó, cuộc sống của cô ấy rơi vào tình trạng hoảng hốt bất an.

Loạt bài “Y Sơn dạ thoại” là những trải nghiệm của người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong quá trình thực hành theo chân lý vũ trụ “Chân, Thiện, Nhẫn” đã có nhận thức sâu sắc về nhân thể, sinh mệnh và vũ trụ, cũng như nhận thức hoàn toàn mới về văn hóa và nghệ thuật chính thống của nhân loại. Nếu bạn quan tâm đến khám phá bí ẩn của vũ trụ, sinh mệnh và thân thể người thì hãy tìm hiểu loạt bài này của chúng tôi, để cùng cảm ngộ cuộc sống bằng những ý tưởng mới và tư duy mới, tìm ra chân tướng của sinh mệnh.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/265915



Ngày đăng: 03-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.