Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Câu chuyện tu luyện

Câu chuyện tu luyện của các thi nhân thời xưa (Phần 5) – Đào Uyên Minh

05-07-2025

Tác giả: Mai Tùng Hạc

[ChanhKien.org]

Đào Uyên Minh (365 – 427), tên là Tiềm, tự Nguyên Lượng, là một nhà thơ và nhà văn vĩ đại thời Đông Tấn. Thơ văn của ông về mặt nghệ thuật có thể được gọi là “tự nhiên”, về mặt phong cách có thể được gọi là “chân thật”, và là nhà thơ duy nhất trong lịch sử có phong cách như vậy. Tác phẩm tản văn “Đào hoa nguyên ký” của ông được công nhận là một kiệt tác thiên cổ; câu thơ “Dưới giậu Đông hái cúc, Thảnh thơi thấy núi Nam” là tuyệt phẩm được mọi người ca ngợi. Thơ của ông ai cũng thấy là thanh đạm và thuần chân, nhưng có người cho rằng thiếu sự trau chuốt, gọi đó là “vàng ngọc thô chưa được mài” [1]; cũng có người cho rằng chưa đủ “văn chương”. Thế nhưng, đại thi hào và văn hào thời Bắc Tống là Tô Thức lại cho rằng thơ của ông là bảo bối, thậm chí còn mở ra tiền lệ chưa từng có là “người thời nay họa lại thơ của người xưa”, đã viết họa lại thơ cho 109 bài thơ của Đào Uyên Minh! Không chỉ vậy, Tô Thức còn dùng thơ của Đào Uyên Minh để chữa bệnh cho mình: khi trong người thấy khó chịu chỗ nào, ông liền lấy ra đọc một bài thơ, thậm chí còn không nỡ đọc nhiều. Ông còn tuyên bố rằng, trong số các nhà thơ đời sau Đào Uyên Minh, không ai có thể sánh được với Đào Uyên Minh [2].

Bất kỳ đặc điểm nghệ thuật và phong cách nào của một nhà thơ cũng đều là sự phản ánh đặc biệt nhạy cảm của thế giới nội tâm họ đối với sự vật khách quan bên ngoài ở một phương diện nào đó: nhà thơ thuộc phái hào phóng thì lòng đầy hào khí, dễ dàng đồng cảm với những hành động hào hùng tráng trí, thường dễ sôi sục khí huyết; còn nhà thơ thuộc phái uyển chuyển hàm súc thì tình cảm mềm mại như nước, thường rơi lệ khi thấy hoa rơi rụng, đau lòng khi ngắm trăng. Khi họ thông qua thơ của mình để khơi gợi sự đồng cảm nơi độc giả có cùng kiểu mẫn cảm như vậy, thực tế là khiến người đọc nhìn nhận sự vật khách quan thông qua cảm quan và cảm xúc của họ, giống như đeo cho người đọc một cặp kính màu mà chính bản thân nhà thơ yêu thích vậy.

Thơ của Đào Uyên Minh ai cũng có thể nhận ra sự thanh đạm trong đó, nhưng loại thanh đạm ấy đã đạt đến mức không còn màu sắc, nhạt đến mức không còn mùi vị. Ông không đưa cho người đọc bất kỳ cặp kính màu nào, mà là để người đọc tự mình nhìn thấy màu sắc nguyên bản của sự vật, tự mình thưởng thức hương vị nguyên sơ của sự vật. Nhưng điều đó lại khiến những độc giả đã quen nhìn đời qua lăng kính màu rất khó tiếp nhận, vì họ không tìm thấy được màu sắc mà mình yêu thích. Vì thế, rất nhiều bài thơ của Đào Uyên Minh khiến nhiều người đọc không cảm nhận được hương vị của nó; chỉ có một số ít cao thủ tinh tường, có con mắt sắc bén mới thực sự khen ngợi, thậm chí tôn sùng phần lớn thi phẩm của ông, mà trong lịch sử văn học Trung Quốc, Tô Đông Pha nổi danh lừng lẫy, chính là một trong số đó. Hơn nữa, Tô Đông Pha cũng chỉ thực sự lĩnh hội được sự tuyệt diệu trong thơ và nhân cách vĩ đại của Đào Uyên Minh vào những năm cuối đời, sau khi đã nếm trải đủ mùi vị cuộc đời và nhìn thấu nhân sinh. Chính vì vậy, ông yêu thơ của Đào, yêu cả con người đến mức sùng bái, thậm chí có phần cực đoan [2]. Điều đó cho thấy: để đọc hiểu thơ của Đào Uyên Minh, không chỉ cần có trình độ văn học, mà quan trọng hơn là phải có một tấm lòng siêu thoát người thường, bởi có thể viết thơ đến mức thanh đạm tuyệt đối như vậy chính là biểu hiện trong tâm không chút bụi trần, dứt tuyệt mọi tục niệm, mà loại tâm tính siêu việt người thường này chỉ những bậc tu Đạo mới có thể có được.

Đào Uyên Minh bẩm sinh đã thích Đạo, bản tính tự nhiên, có một sự né tránh theo bản năng đối với cuộc sống trần tục, đặc biệt ưa thích lối sống ẩn cư nơi núi rừng, xa lánh trần thế [3]. Năm 27 tuổi, ông bắt đầu làm công việc cày cấy ruộng đồng, phần lớn cuộc đời ông đều sống trong cuộc sống điền viên [4], và hễ rảnh rỗi sau mùa vụ là ông lại thích đóng kín cửa gỗ, một mình ở trong túp lều tranh vắng vẻ, dứt bỏ mọi tạp niệm, tĩnh tâm dưỡng thần [5]. Khi 29 tuổi, vì trên có cha mẹ già, dưới có con nhỏ, gia cảnh lại nghèo khó không thể nuôi gia đình nên ông ra làm quan, giữ chức tế tửu ở một châu, nhưng sau đó vì không quen với cuộc sống chốn quan trường, ông đã từ quan về quê [4]. Ông có một người vợ rất tốt, đồng điệu chí hướng, rất chịu thương chịu khó, thường cùng ông lao động ngoài đồng ruộng [6]. Năm ông 35 tuổi, lại vì áp lực cuộc sống mà ra làm chức tham quân trấn quân. Sáu năm sau, ông nhận chức huyện lệnh ở huyện Bành Trạch, cách nhà không xa. Nhưng chỉ từ tháng chín đến tháng mười một thì ông đã xin từ chức về nhà, khi ấy ông 41 tuổi. Bài thơ “Quy khứ lai hề từ (kèm lời tựa)” rất nổi tiếng của ông chính là được viết vào thời điểm đó. Từ đó về sau, ông ở nhà không ra ngoài nữa, cho đến khi qua đời ở tuổi 63.

Cả đời Đào Uyên Minh luôn sống trong hoàn cảnh hết sức khốn khó. Trong một bài thơ, ông từng nói: “Mùa hè thì thường xuyên đói bụng, đêm lạnh thì không có chăn đắp, nên trời vừa tối là đã mong gà gáy sớm, chỉ mong trời mau sáng; bản thân chưa bao giờ oán trời trách người, chỉ là cuộc sống trước mắt vẫn phải tiếp tục mà thôi! Ta cũng chẳng mong lưu danh hậu thế, những thứ đó đối với ta chỉ như mây khói thoảng qua; khi trong lòng cảm khái ngàn vạn bề, ta liền tự mình cất lên một khúc ca buồn”.[7] Trong bài “Vịnh kẻ sĩ nghèo”, ông viết: “Thửa ruộng phía nam chẳng còn lấy một chút rau củ có thể ăn, vườn phía bắc đầy cành khô lá úa; cầm vò rượu lên đổ cạn mấy giọt còn sót lại, bếp cũng chẳng còn lửa, không còn cơm để nấu”.[8] Lúc gian khổ nhất, thậm chí ông còn bị đói đến mức phải đi xin ăn! Khi Tô Đông Pha đọc đến bài thơ “Xin ăn” của ông, đã thốt lên: “Không chỉ riêng ta cảm thấy đau lòng, mà người thế gian ai cũng đau lòng thay cho ông ấy!”[9] Thế nhưng, giữa những gian truân mà người thường khó lòng tưởng tượng ấy, ông vẫn luôn không oán không hối hận, an bần thủ Đạo, chẳng lo lắng cho hoàn cảnh nghèo khó của mình, mà chỉ “lo Đạo, không lo nghèo” [10]; ông buồn lòng vì Đại Đạo ở thế gian không được thực hành, vì “chân” và “giả” bị đảo lộn [11]; và ông cũng thường xuyên tự soi xét lại lời nói, hành vi của mình có trái Đạo hay không. Cả đời ông tổng cộng làm quan 13 năm, nhưng ngay khi rời nhà ra làm quan, ông cũng không ngừng nhớ đến cuộc sống điền viên của mình, mong sớm được quay về cuộc sống tự do tự tại như chim bay giữa trời, cá bơi trong nước [12]. Trong thời gian làm quan, ông thường lấy gương của các bậc hiền nhân đời trước để khích lệ bản thân [13], luôn ghi nhớ giữ lấy “Chân” và “Đạo” [14], mong sao lời nói và hành vi của mình có thể xứng đáng với tiêu chuẩn của thánh nhân [7]. Đến khi từ quan lần cuối trở về, ông thực sự cảm thấy mình chẳng khác nào con chim trong lồng nay đã được trở lại với vòng tay của thiên nhiên; nhìn lại 13 năm cuộc sống chốn quan trường, ông không nghi ngờ gì nữa cho rằng mình đã “lỡ sa vào lưới trần” [15]. Việc đã qua thì không thể hối tiếc, nhưng việc sắp tới thì vẫn có thể làm cho tốt; tuy hôm nay nhìn lại hôm qua thấy mình đã sai, nhưng “đường mê lạc chưa xa”, sửa sai vẫn còn kịp. Đời người ngắn ngủi, nên thuận theo mệnh trời sắp đặt, nên đi hay ở cũng đều nên vui vẻ đón nhận [16].

Nói Đào Uyên Minh cả đời sống trong Đạo, những ai hiểu ông đều có thể lý giải; nhưng nếu nói ông là một người tu luyện thì có lẽ sẽ có người nghi vấn, bởi trong những ghi chép về cuộc đời ông lúc còn sống dường như không thấy ông từng đốt nhang lễ Phật, tham thiền đả tọa, hay an đỉnh thiết lư, hái thuốc luyện đan, những hoạt động tu luyện thường thấy. Sự nghi ngờ này xuất hiện hoàn toàn bắt nguồn từ việc lý giải khái niệm “tu luyện” quá hẹp hòi và bề mặt, mà sự hạn hẹp và nông cạn này lại là kết quả của kinh nghiệm sống hạn chế, vì trong mắt mọi người, những người được xem là người tu luyện thường chỉ làm những việc như thế trong đời sống thường ngày. Kỳ thực, nội hàm chân chính của “tu luyện” là: người tu luyện trên cơ sở học hỏi và thể ngộ “Đại Pháp” hoặc “Đại Đạo” nào đó, không ngừng loại bỏ chấp trước của bản thân đối với vạn sự vạn vật nơi thế gian, từng bước đề cao tâm tính của mình, cuối cùng đạt đến tiêu chuẩn của pháp môn đó. Nói đơn giản, chiểu theo bất kỳ chính pháp nào để tu tâm cũng đều là tu luyện. Việc đốt hương bái Phật, tham thiền đả tọa hay an đỉnh thiết lư, hái thuốc luyện đan tất nhiên cũng là một loại phương pháp tu của hai gia Phật và Đạo, nhưng đó chỉ là biểu hiện bề mặt và thuộc về tầng thấp. “Đại Đạo vô hình”, đến tầng thứ cao thì những phương pháp này sẽ không còn thấy nữa, tất cả đều tiến hành trong quá trình “tu tâm”. Trong giới tu luyện còn có một cách nói gọi là “không tu Đạo mà đã ở trong Đạo”, ý chỉ những người có căn cơ đặc biệt tốt, có sư phụ âm thầm chỉ dẫn và điểm hóa. Họ trên bề mặt không hề tu luyện, thậm chí bản thân cũng không biết mình đang tu luyện, lại càng không biết mình có sư phụ đang quản, nhưng suốt cả đời họ luôn biết tự giữ mình, từng bước từng bước tu lên trên. Những người như vậy, nếu sư phụ của họ có tầng thứ cao, thì thường họ sẽ không tiếp nhận lời mời “nhập môn” bất kỳ pháp môn nào khác, bởi sư phụ của họ sẽ không cho phép họ làm vậy. Mặt khác, vì họ thực chất đang trong quá trình tu luyện, nên tâm tính họ đang không ngừng đề cao; bất kỳ người tu luyện ở tầng thứ cao nào trong chính pháp môn cũng sẽ biết họ là người tu luyện, hoặc ít nhất cũng nhận thấy họ là một “khối nguyên liệu tốt” để tu luyện với tâm tính rất cao. Dùng những điều vừa nói để xét lại toàn bộ hành trạng của Đào Uyên Minh trong suốt cuộc đời ông, đặc biệt là khi xem xét đến đoạn nhân duyên giữa ông và “Bạch Liên Xã” mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau, sẽ dễ dàng hiểu được rằng Đào Uyên Minh xác thực là một người tu luyện.

Vào những năm Đào Uyên Minh khoảng 50 tuổi, cao tăng Thích Huệ Viễn, trụ trì chùa Đông Lâm trên núi Lư Sơn đã mời 123 người cùng kết thành “Bạch Liên Xã”. Những người này đều là những nhân vật có ảnh hưởng lớn đương thời, đặc biệt là “thập bát hiền trong xã” càng được người ta chú ý. Khi ấy, đại thi nhân Tạ Linh Vận đang làm quan Thư ký thừa, tự cho mình tài cao nên kiêu ngạo coi thường người khác. Nhưng sau khi gặp Huệ Viễn, ông lập tức thay đổi thái độ, cung kính lễ phép, còn tự tay đào hai ao sen phía sau Thần điện để trồng hoa sen trắng, ngỏ ý muốn gia nhập Bạch Liên Xã. Tuy nhiên, Huệ Viễn thấy tâm ông còn tạp niệm, nên đã từ chối. Mặt khác, Huệ Viễn lại phái người tới mời Đào Uyên Minh. Đào Uyên Minh nói rằng mình thích uống rượu, không tiện tham gia. Thật bất ngờ, Huệ Viễn đã phá giới, chuẩn bị rượu và đồ ăn để tiếp đãi ông. Cuối cùng, Đào Uyên Minh uống rượu nhưng không gia nhập xã, chỉ giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết với Huệ Viễn. Một lần khác, một nhân vật mà Huệ Viễn rất quý là đạo sĩ Lục Tu Tĩnh cũng đến thăm. Ba người họ cùng đàm về huyền lý, bàn về Đạo, rất hợp ý nhau. Khi Huệ Viễn tiễn họ ra về, họ vô thức bước quá Hổ Khê vài trăm bước, lúc đó, hổ trong núi đột nhiên gầm vang, ba người bật cười ha hả. Họa sĩ Thạch Khắc sau đó đã vẽ nên bức Tam tiếu đồ (Tranh ba người cười), bức tranh này rất được Tô Đông Pha khen ngợi [17].

Theo quan điểm của chúng tôi, Đào Uyên Minh không chỉ là một người tu luyện, mà còn là người tu luyện ở tầng thứ khá cao. Đối với những phương pháp tu luyện ở tầng thấp của hai gia Phật và Đạo, ông vốn dĩ không cần dùng đến. Việc bái Phật niệm kinh, hay các phương pháp như “một niệm thay vạn niệm” để trừ bỏ tạp niệm, ông đều không cần, bởi vì tự bản thân ông đã có thể loại bỏ tạp niệm, giữ tâm không nhiễm bụi trần. Ông nhiều lần ra làm quan rồi lại từ quan mà vẫn luôn giữ Đạo, điều đó cho thấy tâm tính ông trong vô thức đã lên rất cao rồi. Ông tu theo “Chân” thuộc về phương pháp tu của Đạo gia. Trong thơ văn của ông, cũng như trong các đánh giá của các nhà phê bình đời sau, chữ “Chân” này đều có thể được nhìn thấy [18]. Điều đặc biệt đáng chú ý là, ông không những biết trước chuẩn xác thời điểm mình qua đời, mà còn rất bình thản và an nhiên viết sẵn ba bài thơ điếu cho chính mình vào ngày hôm trước, trong thơ mô tả phản ứng của người nhà lúc ông mất [19]. Về điều này, hậu thế hết lời ca ngợi rằng ông đã “xem cái chết như trở về nhà” [17], thực sự đã thực hiện được điều ông từng nói: “Phó mặc cho dòng chảy biến hóa lớn lao, không vui cũng không sợ. Nên hết thì phải hết, chẳng còn điều gì để lo lắng riêng nữa”. Lại có người ca ngợi rằng: “Tự tế, tự viết điếu văn, siêu thoát trần lụy. Lặng lẽ hợp với Thiền tông, đạt đến chỗ lĩnh ngộ chân không, chứng đắc ‘Vô sinh nhẫn’”. [20]

Tài liệu tham khảo

[1] “Chư Bản Tự Lục” (Tên sách xin xem ở phần cuối).

[2] “Đông Pha Thi Thoại”, cũng được trích trong “Tuyển tập các bài bình thơ Đào”, Phụ lục.

[3] “Quy Viên Điền Cư Ngũ Thủ (bài thứ nhất)” – Quyển hai.

[4] “Ẩm Tửu Nhị Thập Thủ Tịnh Tự” (bài thứ mười chín): “Xưa kia từng đói dài, Bỏ cày học làm quan”. – Quyển ba; “Niên phổ khảo dị của tiên sinh Đào Tĩnh Tiết (phần trên và phần dưới)” – Phụ lục.

[5] Quy Viên Điền Cư Ngũ Thủ (bài thứ hai): “Ngoài đồng hiếm chuyện đời, Hẻm nghèo vắng xe ngựa. Ban ngày đóng cửa rào, Nhà trống chẳng vướng bụi”. – Quyển hai.

[6] Bản Truyện: “Vợ ông là bà Địch, Chí hướng cũng giống nhau, Có thể chịu được khổ. Chồng cày trước, vợ sau”. – Đồng thời trích trong “Niên phổ khảo dị của tiên sinh Đào Tĩnh Tiết (thượng và hạ)” – Phụ lục.

[7] “Oán Thi Sở Điệu, gửi cho Bàng Chủ Bộ và Đặng Trị Trung”: “Mùa hè thường đói khát, Đêm lạnh chẳng có chăn. Chạng vạng trông gà gáy, Trời sáng mong chim bay. Tự trách, chẳng oán trời, Nỗi sầu vây trước mắt. Ôi chao danh sau này, Với ta như khói bay. Cảm khái ca buồn lặng, Chung Kỳ bậc hiền nhân”. – Quyển hai.

[8] “Bảy bài thơ ngâm vịnh kẻ sĩ nghèo”, quyển 4;

[9] Bài thơ “Xin ăn”, có kèm lời bình của Tô Thức sau khi đọc, quyển 2;

[10] Bài “Đầu xuân năm Quý Mão tưởng nhớ ruộng vườn xưa” (bài 2): “Tiên sư có lời dạy, Lo đạo không lo nghèo”. Quyển 3; “Thơ gửi Chu Tục Chi, Tổ Xí, Tạ Cảnh Di Tam Lang”: “Đạo mất ngàn năm rồi”. Quyển 2;

[11] Bài 20 trong loạt thơ “Uống rượu hai mươi bài, có tựa đề”: “Thời của Phục Hy Thần Nông đã xa lâu rồi, Khắp thiên hạ hiếm người còn giữ được điều chân”. Quyển 3; Bài phú “Cảm khái vì người tài không gặp thời”, cùng lời tựa: “Từ khi phong vận chân thật cáo biệt, giả dối lớn bắt đầu trỗi dậy…”, quyển 5;

[12] Bài “Lúc đầu nhậm chức Tham quân dưới quyền Tướng quân Trấn quân”, quyển 3;

[13] Bài thứ hai trong loạt “Bảy bài ngâm vịnh kẻ sĩ nghèo”: “Điều gì an ủi lòng ta? Đó là xưa nay có nhiều bậc hiền như vậy”. Quyển 4; “Bài thơ viết trong tháng Chạp năm Quý Mão, gửi em họ Kính Viễn”: “Đọc xem sách ngàn năm, thường thấy chí khí người xưa để lại. Phẩm hạnh cao siêu ta không với tới, may mắn còn giữ được tiết tháo trong nghèo khó”. Quyển 3;

[14] Bài “Cây vinh (bài 2), có lời tựa”: “Chính trực hay gian tà là do người định đoạt, Họa phúc vốn không có cửa. Không có Đạo thì nương nhờ vào đâu? Không có thiện thì lấy gì để kính trọng?” Quyển 1;

[15] Bài số 1 trong loạt “Năm bài thơ Về vườn ở ẩn”: “…Lỡ sa lưới bụi trần, Một đi mười ba năm… Đã sống giữa lồng sắt, nay trở về tự nhiên”. Quyển 2;

[16] Bài “Về thôi! và lời tựa”: “Ngộ rằng chuyện đã qua không thể khuyên răn, Nhưng tương lai vẫn có thể đuổi kịp. Quả thực là chưa đi quá xa trên con đường mê lạc, Nay đã hiểu cái đúng của hiện tại và cái sai của ngày hôm qua… Thân này còn ở cõi đời được bao lâu nữa? Sao không buông lòng thuận theo sự đi ở… Đã vui với mệnh trời thì còn nghi ngờ gì nữa?” Quyển 5;

[17] “Niên biểu khảo dị về tiên sinh Đào Tĩnh Tiết” (phần hạ), phụ lục;

[18] “Tháng bảy năm Tân Sửu nghỉ phép trở về Giang Lăng, đi đêm đến Đồ Khẩu”: “Dưới mái nhà tranh nuôi dưỡng cái chân thật, mong sao được gọi là người thiện”. Bài “Uống rượu một mình trong mưa dầm”: “Trời há xa rời nơi đây, thuận theo cái chân thật thì chẳng có gì là trước”. Quyển 2; Bài phú “Cảm khái vì kẻ sĩ không gặp thời”, kèm lời tựa: “Giữ mộc mạc, an tĩnh, là đức bền bỉ của bậc quân tử”. Quyển 5; Bài số 5 trong loạt “Hai mươi bài thơ uống rượu” kèm lời tựa: “Trong lòng có chân ý, Muốn nói lời lại quên” Quyển 3. Lời tựa của Thái tử Chiêu Minh thời Lương cho “Tuyển tập Đào Uyên Minh”: “Thêm nữa, chí hướng chân thật không ngơi nghỉ, an vui với đạo, chịu đựng khổ hạnh”.

[19] Ba bài thơ ai vãn (viết trước khi mất), quyển 4;

[20] Ba bài thơ “Hình – Bóng – Thần” (bài “Giải thích về thần”), lời bình của Vương Thế Trinh ở cuối bài, quyển 2;

Các bài thơ và văn bản được trích dẫn trong bài viết này có thể tham khảo từ tuyển tập “Đào Tĩnh Tiết Tập”, do Vương Vân Ngũ chủ biên, thuộc bộ sách “Tủ sách Quốc học cơ bản (400 loại)”, do Thương vụ ấn thư quán Đài Loan xuất bản, bản in lần thứ nhất tại Đài Loan, tháng 9 năm Dân Quốc 57 (1968).

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/20049

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài