Nhìn lại 20 năm tu luyện: Chuyển biến những quan niệm cố chấp (Phần 1)



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[Chánh Kiến]

Do nhân tâm nặng, nên dù đã tu luyện hơn 20 năm nhưng tôi vẫn chưa thể bước vào trạng thái mà một người tu luyện nên có. Tôi nhận thức được rằng, đó là do bản thân có rất nhiều quan niệm ngoan cố, tất cả những tư tưởng niệm đầu của tôi đều căn cứ theo những quan niệm này chứ không dựa trên Pháp Lý.

Từ trong Pháp tôi hiểu rằng, cơ chế của tu luyện ở không gian khác còn tinh vi hơn gấp vô số lần so với các thiết bị tinh vi như tivi, đồng hồ. Bất kỳ quan niệm, suy nghĩ nào của người tu luyện đều sẽ tạo thành vật chất thực sự ở không gian khác. Sau khi thêm những vật chất này vào, các thiết bị chính xác, tinh vi của tu luyện làm sao có thể vận chuyển đây?

Trong những năm gần đây, một số quan niệm cứng đầu của tôi đã dần suy yếu, dưới đây tôi xin chia sẻ một chút nhận thức nông cạn của bản thân:

1. Chấp trước vào thái độ của người khác

Một người đàn anh của tôi vô cùng quan tâm đến thái độ của người khác, bị lạnh nhạt một chút là không chịu được, sẽ oán trách đối phương kiêu ngạo, không biết đối nhân xử thế, v.v. Dưới ảnh hưởng lâu dài của sự việc trên, ngay từ nhỏ tôi đã hình thành loại quan niệm cho rằng người khác không được có thái độ không tốt với tôi, nếu không tôi sẽ cảm thấy tức giận và oán hận người đó.

Sau khi tu luyện, học Pháp đến đoạn bị người khác cho một trận vào đầu cũng phải nhẫn, tôi cảm thấy điều này quá khó. Tôi cũng cảm thấy khó mà tưởng tượng được khi một số đồng tu chia sẻ rằng họ có thể nhẫn chịu những lời lăng mạ từ người thân. Thực ra đây chính là quan niệm “không thể bị bắt nạt” quá ngoan cố của tôi.

Tôi đã phải vượt một quan trong nhiều năm qua. Chồng tôi là một người khá nóng tính, đôi khi nói chuyện không kiên nhẫn, thường mang theo ngữ khí bực dọc nóng nảy hoặc những lời chỉ trích, v.v. Tôi lại cho rằng người khác nói chuyện với mình cần phải tâm bình khí hoà mới được, tôi chỉ chằm chằm nhìn vào điểm này mà bắt lỗi, đối với rất nhiều ưu điểm của chồng thì xem như không thấy, chỉ cần ông ấy nổi nóng, tôi liền đối đầu, tức giận. Dù đã cố gắng nhẫn một vài lần nhưng rồi nó vẫn bùng nổ, trong nhà giống như có một quả bom không biết khi nào thì sẽ phát nổ.

Sau khi vượt qua quan này, tôi thấy rằng then chốt là cần chuyển biến quan niệm, chứ không phải cứ bám chặt vào quan niệm đó để cố gắng nhẫn. Hiện tại chồng tôi đôi khi vẫn có thái độ không tốt, nhưng tôi cũng không để ý nữa. Đương nhiên nó cũng cần một quá trình, ban đầu mặc dù không đối đầu kịch liệt với chồng nữa nhưng trong tâm tôi vẫn không thoải mái, sau đó cảm giác không thoải mái này dần dần nhẹ đi, rồi sau đó tôi có thể không động tâm, đôi khi còn mừng thầm rằng không cần ra ngoài cũng tiêu được một khối nghiệp lớn, chuyện tốt như vậy tìm đâu ra chứ? Tôi thực sự phải cảm tạ an bài của Sư phụ, nếu người nhà đều luôn ăn nói dễ nghe như tôi mong muốn, thì nghiệp lực sẽ tiêu thế nào đây?

Đương nhiên cũng có những lúc tôi làm không tốt. Năm ngoái tôi đã viết một bài giao lưu chia sẻ về việc chuyển biến từ thường xuyên tranh cãi với chồng đến sau này hoàn toàn không tranh cãi nữa. Kết quả là tôi đã cãi nhau một trận to với chồng ngay trước khi bài viết được đăng, việc này khiến tôi rất buồn. Tôi nhận ra mình đã nói quá nhiều, đây cũng là một loại văn hoá đảng, vì để chứng minh một quan điểm nào đó mà biểu hiện cực đoan, phóng đại, đằng sau còn có tâm chứng thực bản thân. Ngoài ra, khi biết một số cặp vợ chồng tu lâu vẫn thường xuyên cãi nhau, tôi cảm thấy mình giỏi hơn họ và rất tự mãn. Thực ra đây chính là phóng đại ưu điểm của bản thân và phóng đại nhược điểm của người khác, mục đích nhằm đề cao bản thân.

Tôi nhận ra rằng, khi người khác có thái độ không tốt với tôi hoặc nói chuyện không lọt tai… thì đây chính là cơ hội tuyệt vời mà Sư phụ an bài để giúp tôi tiêu nghiệp. Ai ai cũng đều là nghiệp cuộn lấy nghiệp, làm sao có thể không hoàn nghiệp chứ? Vừa nghe thấy vài lời khó nghe là không chịu được, lẽ nào muốn để nghiệp lực tích thành một đống ở đó, đợi khi cái nạn lớn hơn đến mới “tu sửa” bản thân sao? Những lời khó nghe chính là cách giúp bản thân tiêu nghiệp nhẹ nhàng nhất, ít đau khổ nhất mà Sư phụ từ bi đã an bài cho, tôi nên nắm bắt cơ hội đề cao bản thân và nên thấy thật sự cảm kích vì điều này.

Tôi cũng nhận ra rằng, loại quan niệm này xuất phát từ một chủng nhân tâm thâm căn cố đế. Từ xưa đến nay người ta đều hy vọng vượt trội hơn người khác, có điều kiện hơn người khác và sống mà không cần phải để ý đến sắc mặt của người khác. Đây dường như là điều hiển nhiên, nhưng thực ra đó là một chủng chấp trước ở trong cõi mê. Nhưng từ trên Pháp Lý mà xét, việc bị người khác lăng mạ, đánh đập, đều sẽ được cấp thứ quý giá nhất đối với con người – đó là Đức. Đây mới là yếu tố quyết định phúc phận của con người. Kẻ ngốc chính là vì không tính toán so bì nên khi bị người khác mắng chửi, đánh đập thì càng dễ nhận được đức, từ đó được người cao tầng cho là khôn nhất, thậm chí được Thần chọn làm tải thể khi đến nhân gian đầu thai. Như vậy chúng ta có thể thấy cách nghĩ của con người và Thần khác nhau thế nào.

Khi bị người khác đối xử với thái độ không tốt thì sẽ có lợi cho việc tiêu trừ nghiệp lực, làm suy yếu tự ngã, đề cao tâm tính; khi được người khác đối xử với thái độ rất tốt (khen ngợi, nuông chiều, v.v.) thì ngược lại còn có thể thổi phồng tự ngã, làm trầm trọng thêm một số ma tính như tự phụ, duy ngã độc tôn, v.v.

Mỗi khi bản thân dùng quan niệm “không thể chịu ức hiếp” để suy xét, thì vật chất bất hảo lại tăng thêm một tầng. Sau khi được tích lũy qua tháng năm, vật chất này sẽ trở nên dày đặc và kiên cố, giống như đá hoa cương vậy. Khi những vật chất này bị tiếp xúc thì nó sẽ phản ứng bằng cách chống lại hoặc đau khổ, kỳ thực chính là nó (vật chất này) đang cảm thấy thống khổ. Sau 20 năm tu luyện, tôi mới bước đầu xoay chuyển phương thức tư duy về thái độ không tốt của người khác. Đối với tôi, điều này có thể được coi là một tiến bộ rất lớn, nhưng thực ra rất nhiều người thường đã có thể làm được như vậy. Có những người từ nhỏ đã mạnh mẽ và không để ý đến người khác nói gì, họ cũng xem nhẹ việc khen chê, bình thường cũng khá lương thiện, bởi vì tự ngã cảm thụ ít nên mới có không gian để nghĩ cho người khác.

2. Chấp trước vào việc người khác có đồng ý với quan điểm của mình hay không

Tôi vẫn rất quan tâm đến việc người khác có đồng ý với quan điểm của mình hay không, đây là do một chủng tư duy sai lầm theo thói quen kiểm soát. Tôi cho rằng việc công nhận tôi hoặc đồng ý với quan điểm của tôi là điều tốt, còn phủ định quan điểm của tôi thì chính là điều xấu, tôi liền không vui.

Khi chia sẻ qua email với đồng tu, khi chúng tôi có quan điểm khác nhau, tôi thường cố gắng thuyết phục đối phương, thỉnh thoảng tôi không dám kiểm tra email phản hồi vì sợ cảm giác bị phản bác, từ đó cảm thấy bị đả kích, trong tâm sẽ thấy không thoải mái, có lúc tôi trì hoãn rất lâu mới mở email xem phản hồi…

Một bước ngoặt vào vài tháng trước đã khiến tôi nhận thức rõ ràng rằng, đây là do tự ngã quá mạnh. Tôi mong muốn người khác luôn đồng ý với mình, nếu chỉ nghe những điều dễ nghe và không có những điều khó nghe, thì tự ngã sẽ phình to như quả bóng trong sự công nhận và cuối cùng sẽ nổ tung. Sau đó, tôi dần dần học cách đối mặt với sự phủ định, cố gắng ít trốn tránh nó. Trước khi xem tin nhắn phản hồi mà có tâm sợ bị đả kích, tôi liền nói với bản thân rằng, kể cả phải đối mặt với tiếng nói phủ định, tôi cũng cần tiêu diệt tự ngã, đó là tự ngã sợ bị phủ định chứ không phải chân ngã.

Về vấn đề này, trước mắt tôi vẫn chỉ là có chút tiến bộ nhỏ và không phải lúc nào cũng có thể làm được tốt, nhưng ít nhất đó cũng là một bước tiến so với trước kia. Trong nhiều năm qua tôi đã bị tự ngã phong bế nghiêm trọng, cố thủ, duy hộ cảm thụ của tự ngã, trốn tránh mọi tình huống và hoàn cảnh không thoải mái.

Sau khi bước qua cột mốc này, tôi nhận thấy bản thân đã có một bước tiến bộ đáng kể trong việc buông bỏ tự ngã. Tôi thấy rằng không nên xem thường những tiến bộ nhỏ, có những tâm chấp trước quá mạnh, nhất thời không thể hoàn toàn buông bỏ ngay lập tức, cho dù chỉ buông bỏ được một chút thì cũng tốt, ít nhất nó đã hình thành được một cơ sở để đột phá rồi. Không thuận theo thói quen tư duy sai lầm để suy xét vấn đề, mà lật ngược lại nó để suy xét vấn đề thì chính là đang làm suy yếu nó, cũng là thu hẹp tự ngã.

3. Liên quan đến tự tư và thiện ác

Tôi đã hình thành một chủng tư duy rất ích kỷ từ khi còn nhỏ, chuyện gì cũng chỉ nghĩ đến bản thân và không suy nghĩ cho người khác. Khi còn nhỏ, tôi quan sát thấy người thân của mình, có những người rất quan tâm đến bạn bè người thân khác nhưng cuối cùng họ không nhận lại được gì, tôi cảm thấy trên đời này có rất nhiều người vong ân bội nghĩa. Tôi đã hình thành chủng quan niệm này, cho rằng ngoài những người thân máu mủ ra thì không cần quan tâm đến người khác, cho rằng quan tâm người khác đều là uổng công, không có gì tốt cho bản thân. Khi đem lối tư duy này đi quan sát xung quanh, tôi càng cảm thấy nhiều người chỉ biết lo cho chính mình mà không quan tâm đến người khác, tôi cảm thấy con người đều là giả dối, xu nịnh.

Kỳ thực đằng sau đó là loại tâm không muốn chịu thiệt. Tôi cho rằng phó xuất mà không được hồi báo thì chính là chịu thiệt, mà không hiểu đạo lý truyền thống “chịu thiệt là phúc”. Một vị đồng tu trẻ từng nói với tôi rằng, trước đây cô không hiểu tại sao có những người đối xử tệ với mình mặc dù mình rất tốt với họ, sau khi tu luyện cô minh bạch ra rằng, ngay cả khi người khác đối với mình không tốt thì mình vẫn nên tiếp tục đối xử tốt với người khác. Đồng tu đã nói ra một đạo lý, chính là việc phó xuất vì người khác nên xuất phát từ nội tâm và vô điều kiện. Còn tôi ngay cả khi đối xử tốt với người khác, cũng là ôm giữ mục đích mong muốn đối phương sẽ cảm kích, hoặc ôm giữ tâm thái tự cho mình hơn hẳn người khác, lấy việc phó xuất để chứng thực bản thân.

Ngoài việc bị hiện thực mê hoặc thì những giá trị quan biến dị trong các tác phẩm văn học cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm tự tư của tôi. Nhân vật nữ chính Scarlett O’Hara trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới “Cuốn theo chiều gió” cho mình là trung tâm, vì hám lợi mà tranh giành vị hôn phu của em gái, cô ta không thể chịu đựng được khi thấy những người đàn ông xung quanh thích người phụ nữ khác mà không phải cô ta. Tôi nhớ cư dân mạng thường đánh giá cô ta là người thực tế, không đạo đức giả, nhiều người thậm chí còn cảm thấy cô ta còn được nhiều người yêu thích hơn Melanie – người em họ mang đầy đủ những mỹ đức truyền thống. Có thể rất nhiều người đã tìm thấy sự ích kỷ của bản thân từ nhân vật Scarlett O’Hara, cảm thấy có sự cộng hưởng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những người mất đi yếu tố truyền thống không thấy hổ thẹn về sự ích kỷ của bản thân mà ngược lại còn thấy tự hào về điều đó. Người ta thường thiếu hụt sự phán đoán chính xác về những quan niệm đúng sai, cho rằng giống với bản thân mình thì chính là điều tốt.

Rất nhiều người còn sùng bái nhân vật kiểu mẫu. Ví như có người sùng bái Võ Tắc Thiên, trước đây tôi cảm thấy những việc bà ấy làm cũng chỉ là sự bất lực trong đấu đá chốn hậu cung, cho rằng bà ấy thành công thì là người rất giỏi nhưng lại xem nhẹ vấn đề đạo đức, thiện ác vốn là những điều then chốt nhất. Con người làm bao nhiêu việc tổn đức sẽ phải chịu bấy nhiêu báo ứng trong tương lai, đây là Thiên lý thiên cổ bất biến, Thần sẽ không vì quyền lực, địa vị của con người mà đối xử khác đi. Rất nhiều người cảm thấy không từ thủ đoạn nào cũng không phải là việc quá đáng, thắng làm vua thua làm giặc, kẻ thắng lợi thì xứng đáng được khen ngợi.

Sư phụ giảng:

“Kẻ thắng lợi mà con người nhìn nhận, nếu từ Thần mà xét thì đều là hành động trong cảm tình của con người và tranh [giành] khi dục vọng kích động. Chính quyền có được bằng chiến tranh trong con mắt chư Thần chính là kẻ cướp. Con người trong quá khứ vẫn tồn tại như thế; ‘binh chinh thiên hạ’, ‘vương giả trị quốc’; chính là theo con đường ấy, không có Chính Lý. Do vậy hết thảy đều là phản [đảo]; chính bởi vì nó là phản [đảo], mới khiến người tu luyện, [mới] để chư vị ở trong ‘phản’ mà nhìn vấn đề một cách chính diện, để chư vị lấy điều xấu làm tốt.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2008)

Trong các đồng tu, tôi quan sát thấy có một số người bị ảnh hưởng bởi giá trị sai lầm “thành bại luận anh hùng”, biểu hiện là: một số người khi đối diện với lợi ích thiết thân thì tranh giành từng chút một, thậm chí là không từ thủ đoạn, hoặc hoàn toàn không suy nghĩ đến việc có tạo thành tổn hại cho người khác hay không; có những quản lý về phương diện dùng người lại dựa trên sự cân bằng quyền lực trong người thường để làm biểu mẫu, thích dùng những người biết nghe lời, v.v. yếu tố đầu tiên để quyết định sách lược là cân nhắc địa vị của chính mình và dư luận. Tôi cho rằng cách nghĩ này thật nguy hiểm, bề ngoài thì suy nghĩ cho bản thân rất chu toàn, nhưng cũng có thể sẽ đem đến cho bản thân ma nạn, bởi vì cựu thế lực là nhìn vào động cơ của con người, từ đó nắm chắc những sơ hở trong tâm tính. Chỉ có buông bỏ tư tâm mới là thực sự tốt cho bản thân.

Trong tâm tôi vẫn có nhân tố của thuyết vô thần, vì vậy tín tâm kiên định với Pháp Lý của Đại Pháp không đủ, mới dám không thiện với người khác, mới dám vì tư lợi mà làm tổn hại người khác, chỉ để mắt tới những cái lợi ngắn ngủi nơi thế gian mà không nhìn thấy ác báo đem lại sau khi mất đức, trong vô tri mà không biết sợ. Trong Phật giáo có câu: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, Bồ Tát sợ tạo ác nhân, còn chúng sinh sợ chịu ác quả. Bồ Tát biết rõ nhân quả nên ước thúc bản thân ngay từ ngọn nguồn, cũng chính là từ lúc bản thân động niệm khởi tâm đều sẽ thấy được, không có ác nhân. Từ trong Pháp tôi hiểu rằng, ngay cả những Đại Giác Giả cũng đều sợ nghiệp lực, bởi vì ai có nghiệp lực thì người đó phải chịu khổ.

Sau rất nhiều năm, chúng ta có thể nhìn thấy những bài học giáo huấn của một số đồng tu: những người trong lời nói thường có thói quen làm tổn thương người khác, cười nhạo người khác, kiêu ngạo không coi ai ra gì, thường xuyên phát hoả, vì lợi ích bản thân mà làm tổn hại người khác, nội tâm trường kỳ oán hận bất công, không đi cho chính về phương diện sắc tình… đều phải chịu ma nạn ở những mức độ khác nhau, thậm chí là mất đi sinh mệnh. Đương nhiên những ma nạn này phần nhiều là do cựu thế lực an bài, chúng ta không nên thừa nhận chúng, mà nên ôm giữ thiện tâm đối đãi với đồng tu. Điều tôi muốn nói là, chúng ta nên tiếp thu bài học giáo huấn, tin vào nhân quả đồng thời chân tâm hướng thiện.

Tôi nghe nói một đồng tu xuất hiện nghiệp bệnh giống như ung thư vòm họng và đã qua đời, được biết cô ấy khẩu giảng đã giúp hàng vạn người minh bạch chân tướng. Nhưng tính cách cô ấy khá mạnh mẽ, không để người khác nói và cũng nghe không lọt tai ý kiến của người khác. Tôi nghĩ, ung thu vòm họng và miệng có liên quan tới nhau, có phải vì cô ấy quá mạnh mẽ mà tạo khẩu nghiệp làm tổn thương rất nhiều người, ngay cả uy đức to lớn tích lũy được từ việc giảng chân tướng cũng không thể tiêu trừ được loại nghiệp lực này? Đương nhiên tôi tin chắc rằng người đồng tu đáng ngưỡng mộ về phương diện giảng chân tướng này đã có một nơi tốt đẹp để đến, nhưng dù sao nó cũng để lại sự hối tiếc, ở đây tôi chỉ chia sẻ một chút ở tầng thứ con người này mà thôi.

Có đồng tu nói rằng mạnh mẽ chính là không cho phép người khác nói, tôi cũng cho là như vậy. Mạnh mẽ tương đương với việc tước đoạt quyền chính đáng của người khác về một số phương diện như biểu đạt, ra quyết định, cảm xúc, v.v. Kỳ thực chính là lợi dụng những điểm mạnh của bản thân (như tài ăn nói, năng lực lớn, quyền lực hoặc danh tiếng cao, cống hiến lớn, phó xuất nhiều, có thế mạnh ở phương diện nào đó…) để bắt nạt kẻ yếu trong thế bất lợi, xem thường đối phương, thiếu sự cảm thông, tôn trọng và thiện ý với người khác. Nói trắng ra, mạnh mẽ chính là bắt nạt người, ỷ mạnh hiếp yếu. Tại sao không thử nghĩ, người bị bắt nạt liệu có thống khổ, đau buồn không?

Từ trong Pháp chúng ta biết rằng, người tu luyện cần làm được “Đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu”, còn không được tức giận, vậy làm sao có thể đi bắt nạt người khác? Ví dụ, nếu có một vài cảnh giới, thì cảnh giới cao nhất là có thể chịu bắt nạt mà không tức giận; thứ hai là bề mặt có thể nhẫn chịu nhưng tức giận trong tâm; tiếp đến là không thể chịu được bắt nạt; kém nhất mới là đi bắt nạt người khác. Mạnh mẽ chính là thuộc cảnh giới kém nhất, cách quá xa yêu cầu của tu luyện. Người có cá tính mạnh mẽ thường biểu hiện mạnh mẽ qua một số phương thức, ví dụ cách nói chuyện trịch thượng, thích giáo huấn người khác, khinh thường người khác, phát hoả, v.v. Điều này cũng tương đương với việc thường xuyên làm tổn hại người khác, như vậy chẳng phải sẽ thường xuyên bị mất đức sao?

Người xưa giảng ngũ đức “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”, còn mạnh mẽ thì quá xa rời ôn hoà, cung kính, nhẫn nhịn, không những thế còn mất đi sự thiện lương. Một câu chuyện nhân quả cổ xưa kể rằng, một người có trái tim nhân hậu, một đời chưa từng làm tổn thương người khác, do đó được Thần ban thưởng mà nhận được phúc báo rất lớn.

Sư phụ giảng:

“Đặc biệt là quan niệm đã hình thành, phương thức tư duy đã hình thành, những cái đó khiến bản thân rất là khó nhận thức ra những biểu hiện một cách không tự biết của nhân tâm. Nhận thức không ra thì làm sao buông bỏ? Đặc biệt là hoàn cảnh kia ở Trung Quốc, tà đảng đã huỷ đi văn minh truyền thống Trung Quốc, làm ra một bộ những thứ toàn là những gì của tà đảng, cái gọi là ‘văn hoá đảng’. Dùng phương thức tư duy mà chúng lập ra ấy, sẽ khó nhận thức Chân Lý vũ trụ, thậm chí không nhận thức ra được rằng những tư tưởng hành vi bất lương kia là đối lập với những giá trị phổ biến của thế gian. Rất nhiều tư tưởng bất lương mà không nhận thức ra nổi thì làm sao đây? Chỉ có chiểu theo Đại Pháp mà làm”. (Giảng Pháp vào ngày Kỷ niệm 20 năm truyền Pháp)

Tôi từng có mâu thuẫn xung đột về lợi ích với một đồng tu và cả hai chúng tôi đều chỉ nghĩ cho bản thân chứ không nghĩ cho đối phương, khi đó tôi không biết hướng nội tìm mà chỉ cảm thấy người kia rất quá đáng. Vài năm trước, biết tin anh ấy trải qua nghiệp bệnh, tôi còn cho rằng đó là do tâm tính của anh ấy kém nên dẫn đến nghiệp bệnh, cho rằng dù anh ấy có làm bao nhiêu việc thì cũng chỉ là bề mặt, còn tâm tính của anh thì rất tệ, với cách nghĩ này có thể thấy tâm tính của tôi kém thế nào. Gần đây tôi nhận ra cần dùng thiện tâm đối đãi với anh ấy, anh ấy đã phó xuất rất lớn cho Đại Pháp, tôi nên ủng hộ anh ấy từ tận đáy lòng, cựu thế lực không thể dùng bất cứ lý do gì để bức hại anh, vì vậy tôi đã phát chính niệm giúp anh thanh trừ can nhiễu. Tôi cũng muốn nhắc nhở mọi người rằng khi đồng tu gặp khổ nạn, chúng ta không nên có bất kỳ niệm đầu nào cho rằng đối phương tâm tính kém nên mới như vậy, đây là ác niệm và tương tự với cách nghĩ của cựu thế lực, không phải là điều Sư phụ muốn. Điều Sư phụ muốn là tất cả các đệ tử đề cao và viên mãn, tuyệt không phải kiểu có lậu thì nên chịu ma nạn như vậy. Tôi nghĩ, một mặt chúng ta nên xem ma nạn của đồng tu như một bài học mà tránh mắc phải đồng thời nhận thức được sự nghiêm túc của tu luyện, mặt khác chúng ta nên dùng thiện tâm để hỗ trợ đồng tu.

(Còn nữa)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/283216



Ngày đăng: 15-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.