Câu hỏi “Vì sao” trong tu luyện (Phần 2)



Tác giả: Hành Giả

[ChanhKien.org]

Phần II. Học Pháp và suy nghĩ

Bài viết này là do hiểu biết của cá nhân về Pháp còn hạn chế, mong các đồng tu dĩ Pháp vi Sư, hãy dùng Pháp mà đánh giá.

Gia đình đồng tu Vương trong một khoảng thời gian đã xảy ra mâu thuẫn khá lớn, trong việc vướng mắc lợi ích phức tạp, đủ loại lo lắng, phẫn nộ, tâm trạng mất cân bằng khiến cô ấy cả ngày khó bình tĩnh, nên thân thể cũng theo mà đó xuất hiện vấn đề khiến sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn.

Tôi và cô ấy có mấy lần giao lưu chia sẻ về Pháp, nhưng đều không có kết quả.

Nhìn thấy đồng tu càng ngày càng lún sâu vào trong mâu thuẫn, không đủ sức tự thoát ra được, tôi nghĩ nên làm như thế nào mới có thể giúp cô ấy? Là một người tu luyện Đại Pháp, bất cứ lúc nào, điều nghĩ đến đầu tiên nên phải là Đại Pháp, chỉ có bộ Đại Pháp của vũ trụ này mới có thể cải biến cô ấy, chỉ có bộ Đại Pháp của vũ trụ này mới có thể giúp cô ấy từ trong hoàn cảnh khó khăn mà nhảy thoát ra, sau khi suy nghĩ về điều này, tôi đã thảo luận với đồng tu Vương việc học Pháp, cô ấy đã đồng ý.

Dưới đây là mô tả một số đoạn trong quá trình học Pháp của chúng tôi.

1. Học phần “Luyện công vì sao không tăng công” trong bài giảng thứ nhất của Chuyển Pháp Luân, đã thay đổi “quan niệm tu luyện xem trọng luyện động tác”

Trong quá trình học Pháp, đồng tu Vương đọc to, tôi đọc nhỏ đủ nghe, sau khi đọc xong chúng tôi bắt đầu giao lưu chia sẻ.

Tôi: Cháu xin hỏi cô một vấn đề, nguyên nhân căn bản khiến công không đề cao lên là gì?

Đồng tu Vương ngẩng đầu lên nhìn tôi, với đôi mắt ngỡ ngàng và nói: Cô làm sao mà nhớ ra được, trước đây cô chẳng đã nói là không thể nhớ nội dung khi đọc đó thôi.

Tôi: Cháu không bảo cô thuật lại nguyên văn từng chữ, cô đọc qua một lần sẽ có một chút ấn tượng, một chút lý giải chứ đúng không? Hãy nói một chút về hiểu biết của cô đối với Pháp.

Đồng tu Vương lắc đầu nói: Bây giờ cô không nói ra được, nội dung nhiều như vậy, cô không nhớ nổi.

Tôi: Bây giờ cháu đọc nhé, cô để ý nghe.

“Tôi giảng cho mọi người rằng, công không lên được cao có nguyên nhân căn bản là: hai chữ “tu luyện”, người ta chỉ coi trọng chữ “luyện” mà chẳng coi trọng chữ “tu””. (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhìn vào mắt đồng tu Vương và hỏi: Cô có nghe rõ không?

Đồng tu Vương gật đầu, tôi nói: Chúng ta lại học Pháp thêm lần nữa nhé.

Thế là hai người chúng tôi đọc lại hết nội dung các đoạn trước của phần này, đọc đi đọc lại mấy lần đến khi đồng tu Vương có thể nói ra nhận thức của mình mới dừng lại.

Tôi tiếp tục trao đổi: Luyện công muốn tăng công, đối với người tu luyện cần có yêu cầu gì?

Đồng tu Vương trầm tư một lúc, rồi lắc đầu và nói: Không nhớ rồi.

Tôi đọc đến đoạn:

“… nó là điều vượt xa khỏi tầng của người thường; vậy nên phải dùng [Pháp] lý siêu thường để yêu cầu chư vị. Yêu cầu đó là gì? Chư vị phải hướng nội mà tu, không thể hướng ngoại mà tìm”. (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nói với đồng tu Vương: Cô đọc câu Pháp này, đọc từ từ từng chữ từng chữ một, đọc thật nhập tâm nhé!

Đợi đồng tu Vương đọc xong, tôi nói: Giờ không cần nhìn sách, cô có thể đọc lại câu này một lần không?

Sau khi lắp ba lắp bắp hơn mười lần, cuối cùng đồng tu Vương đã có thể hiểu rõ ràng và nói ra trôi chảy. Và sau đó tiếp tục chia sẻ…..

Tôi: Sư phụ đã giảng một ví dụ về “chiếc chai đựng đầy thứ dơ bẩn” (Chuyển Pháp Luân), cô lý giải như thế nào về ví dụ này?

Đồng tu Vương: Cô hiểu rằng, chiếc chai đựng đầy thứ dơ bẩn, chiếc chai sẽ chìm xuống đáy. Đổ hết thứ bẩn đi, thì nó sẽ nổi lên trên.

Tôi: Đúng rồi. Vậy thì tại sao Sư phụ lại lấy ví dụ này giảng cho chúng ta? Những thứ dơ bẩn ở trong chiếc chai này là biểu thị điều gì? Cháu hiểu được rằng, đó chẳng phải là đại diện cho quan niệm, chấp trước, những tư tưởng xấu của con người sao? Người tu luyện cần vứt bỏ những tư tưởng không tốt kia, không cần nó, chẳng phải là tầng thứ sẽ đề cao lên sao? Giống như cái chai đổ hết thứ dơ bẩn đi rồi, nó sẽ nổi lên trên.

Đồng tu Vương gật đầu và nói: Phải rồi, phải tu tâm, hướng nội tìm!

Nghe đến câu này, tôi thấy nhận thức của đồng tu Vương đã hiểu rõ ràng, minh bạch được luyện công vì sao không tăng công, cô ấy đã học nhập tâm đoạn Pháp trước đó.

Tôi: Hai nguyên nhân khiến “luyện công không tăng công” là hai nguyên nhân gì? Cô hiểu như thế nào?

Đồng tu Vương liên tục lắc đầu như thường lệ, đồng thời lập tức cúi đầu lật sách.

Lật đến đoạn cuối mục, cô ấy đọc:

“Vậy luyện công chẳng tăng công có hai nguyên nhân [nói] trên; không biết Pháp tại cao tầng thì chẳng có cách nào tu; không hướng nội mà tu, không tu tâm tính [thì] chẳng thể tăng công. Đó chính là hai nguyên nhân”. (Chuyển Pháp Luân)

Tôi lại đưa ra một vấn đề: Tại sao “không biết Pháp tại cao tầng thì chẳng có cách nào tu”? Tại sao “không hướng nội mà tu, không tu tâm tính [thì] chẳng thể tăng công”?

Để hiểu được hai vấn đề này, chúng ta phải đọc hiểu các Pháp lý được giảng trong phần này và cả những phần trước trong bài giảng thứ nhất. Tôi chia sẻ về nhận thức của mình trước, sau đó đồng tu Vương chia sẻ, nếu cảm thấy sự hiểu biết của mình về Pháp chưa rõ ràng, hay mơ hồ, thì quay lại học lại các phần giảng Pháp có nội dung liên quan.

Học xong hết phần “Luyện công vì sao không tăng công”, đồng tu Vương bày tỏ cảm nhận của mình:

Đồng tu Vương: Trước đây cô thật sự không hiểu về tu luyện và nghĩ rằng luyện động tác rất quan trọng. Kỳ thực tu tâm mới là quan trọng nhất, đề cao tâm tính mới là nhân tố then chốt! Cô lúc này mới minh bạch! Trước đây đã đọc bao nhiêu lần tại sao vẫn không hiểu được? Bao nhiêu năm qua, cô chưa thật sự nghiêm túc tu luyện cái tâm này, lãng phí bao nhiêu cơ hội tu tâm, và bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đề cao tâm tính!

Đồng tu Vương cảm thấy buồn mà thở dài: Chính Pháp sắp kết thúc rồi, cô giờ mới biết rằng điều quan trọng nhất trong tu luyện là tu tâm! Con xin lỗi Sư phụ, con có lỗi với chính bản thân mình, và có với lỗi tất cả chúng sinh của mình! Thời gian trước đây thật lãng phí!

Tôi: Trước đây cô cũng học Pháp, tại sao không hiểu được vậy?

Đồng tu Vương: Trước đây học Pháp, đọc xong, thì coi như đã học xong, không nhập tâm. Khi học cũng không có hiểu Pháp lý như bây giờ, trong tư tưởng dường như không có khái niệm muốn lý giải về Pháp. Cái gì là tu tâm tính? Cái gì là hướng nội tìm? Tu luyện nhiều năm mà vẫn không hiểu rõ ràng những vấn đề này.

Chẳng hạn như ví dụ đổ những thứ bẩn trong chiếc chai, lúc học chỉ coi như nghe một câu chuyện, đọc xong thì lật sang trang khác mà không mảy may thử nghĩ là chuyện gì có liên quan với sự tu luyện của mình, hay muốn nói với chúng ta điều gì.

Bây giờ nhìn lại, việc học Pháp trước đây giống như hoàn thành nhiệm vụ, hôm nay phải học một bài, học hai bài, học đến ngủ gật hai mắt mở không nổi mà vẫn muốn kiên trì học, rất vất vả, nào là hôm nay nhất định phải học bao nhiêu trang nữa!

Tôi: Lúc trước học Pháp, sau khi học xong cũng có chia sẻ thảo luận mà.

Đồng tu Vương cẩn thận nhớ lại và gật đầu: Lúc trước cũng có chia sẻ, nhưng không giống như cháu bây giờ, có thể nhìn ra vấn đề, nhìn thấy chỗ không đúng trong nhận thức của cô, chỉ ra cho cô và còn giúp cô sửa chữa.

Tôi: Là Đại Pháp đang cải biến và chỉnh sửa cho cô! Cháu chỉ là cùng học Pháp và chia sẻ với cô thôi.

Để đồng tu Vương hiểu sâu sắc hơn về Pháp, tôi đề nghị cô ấy học thuộc đoạn Pháp này, khi nghe nói cần học thuộc đồng tu Vương liền nảy sinh sợ khó.

Đồng tu Vương: Cô không học thuộc được, từ nhỏ cô đã không học được rồi, cô bị đau đầu.

Tôi: Chúng ta thử học thuộc nhé.

Học thuộc được phần trước, thì quên phần sau, học thuộc được phần sau, thì quên phần trước, học được mấy lần thì đồng tu Vương nói cô lại đau đầu, trong lòng buồn bực không chịu được.

Đồng tu Vương: Tại sao phải học thuộc vậy, cô đã hiểu rồi, đã hiểu ý nghĩa của Pháp rồi, cô cảm thấy không nhất định phải học thuộc.

Tôi: Cô đã đọc Pháp, và khi rời sách ra cô không nhớ được gì nữa. Nhưng sau khi cô đã nghe một câu chuyện, cô có thể kể lại được câu chuyện đó, là vì sao vậy? Điều này xem ra trí nhớ của cô không tồi!

Đồng tu Vương ngượng ngùng cười: Đúng vậy, cô nghe câu chuyện sau đó cô có thể kể lại, nhưng đọc sách thế này từ lúc nhỏ đã không làm được rồi!

Tôi: Bởi vì có nhân tố bất hảo đang can nhiễu cô, khiến cô không thể nhìn thấy Pháp, không đắc được Pháp, nó không để cô tu luyện. Mấy năm nay, cô bị can nhiễu thành ra như vậy mà còn không biết nguyên nhân, còn xem trạng thái đó là chuyện bình thường, tồn tại một cách tự nhiên. Chúng ta phải đột phá nó, nó càng không cho cô đắc Pháp thì chúng ta càng phải học Pháp này. Nhất định chúng ta phải nghĩ cách đột phá nó!

Tại sao cháu luôn hỏi cô hiểu như thế nào? Mỗi khi nói về sự hiểu biết thì chủ ý thức của cô cần phải suy nghĩ, cần phải ngộ ra được từ trên Pháp, phương thức này có thể khắc sâu thêm ấn tượng của Pháp trong tư tưởng của cô.

Nếu cô học Pháp không thể vào được, đây là một trở ngại lớn trong tu luyện, “không biết Pháp tại cao tầng thì chẳng có cách nào tu” (Chuyển Pháp Luân) câu này chẳng phải vừa nãy đang học thuộc sao? Trước đây cô chưa hiểu được rằng tu luyện cần coi trọng tu tâm, chẳng phải là học Pháp mà không đắc Pháp sao? Khó khăn đang ở phía trước, chúng ta cần phải nghĩ cách đột phá nó!

Tôi tiếp tục khích lệ đồng tu Vương, cô ấy chịu đựng cơn đau đầu và náo loạn trong tâm, tiếp tục đọc thuộc lòng, đã đọc được hơn mười mấy lần, càng đọc càng trôi chảy rồi sờ vào đầu nói: Ôi! Đột nhiên đầu cô cảm thấy thoái mái hơn, người cũng cảm thấy bớt khó chịu rồi.

Tôi: Hảo sự! Có lẽ Sư phụ đã nhìn thấy cái tâm kiên trì học Pháp của cô và đã thanh lý những vật chất xấu cản trở việc học Pháp của cô!

2. Học Pháp phần “Đặc điểm của Pháp Luân Đại Pháp”, đã thay đổi quan niệm “luyện động tác có thể cải biến thân thể”

Trong phần “Đặc điểm của Pháp Luân Đại Pháp” thuộc bài giảng thứ nhất sách “Chuyển Pháp Luân”, chúng tôi đã đọc chậm lại một chút bởi vì có nhiều nội dung.

Đầu tiên là thông đọc, sau đó chia sẻ.

Tôi: Không cần nhìn sách, hãy nói sự hiểu biết của cô, các động tác của Pháp Luân Đại Pháp của chúng ta có tác dụng gì?

Đồng tu Vương: Luyện động tác có thể cải biến thân thể.

(Ý của cô ấy là luyện động tác thì thân thể sẽ khỏe lên, vì vậy khi thân thể cô ấy xuất hiện trạng thái bất thường thì cô tập trung vào luyện động tác, chứ không tìm nguyên nhân ở tâm tính).

Sau khi nghe cô ấy nói, tôi phát hiện rằng trong tư tưởng của cô ấy tồn tại “quan niệm luyện động tác là có thể cải biến thân thể khiến thân thể tốt hơn”, học Pháp hơn chục năm rồi mà nhận thức này vẫn chưa thay đổi.

Tôi: Chúng ta hãy đọc lại hai trang trước một lần, đọc từ từ không cần vội.

Trong quá trình học toàn bộ phần một này, chúng tôi cũng đã chia sẻ những vấn đề sau:

Pháp Luân Đại Pháp là công pháp tính mệnh song tu, vậy thì nó cải biến thân thể người tu luyện như thế nào?

Chúng ta luyện công là vì cái gì?

Bởi vì động tác là để gia trì Pháp Luân, tất cả công năng và khí cơ mà Sư phụ cấp cho cơ thể chúng ta, để diễn hóa các thể sinh mệnh, vậy thì công này là đến từ đâu?

Pháp Luân Đại Pháp khiến cho quá trình luyện công rút ngắn như thế nào?

Pháp Luân mà Sư phụ cấp cho khởi tác dụng gì trong tu luyện của chúng ta? Đối với “công luyện người” và “Pháp luyện người” thì lý giải như thế nào?

Tại sao Pháp Luân của người tu luyện lại biến hình?

Khi chia sẻ, tôi đề xuất không xem sách không giở sách, chỉ nói ra sự hiểu biết của bản thân. Nếu như nhận thức về Pháp chưa rõ ràng, chưa minh bạch thì hãy đọc Pháp học Pháp; nếu như vẫn chưa hiểu rõ thì đọc lại Pháp, học lại Pháp…

Đối với quan niệm “luyện động tác có thể cải biến thân thể” của đồng tu Vương, tôi đã thảo luận với cô ấy rằng,

“Một mặt động tác là để gia trì công năng; gia trì là gì? Là dùng công lực lớn mạnh của chư vị để tăng sức mạnh cho công năng của chư vị; càng ngày càng mạnh; mặt khác là nơi thân thể chư vị cần diễn hóa ra rất nhiều thể sinh mệnh”.

“Hỏi chư vị luyện công làm gì? Chư vị luyện công là để gia trì Pháp Luân, gia trì tất cả những cơ năng và khí cơ mà tôi đã cấp cho chư vị” (Chuyển Pháp Luân).

Cô đọc thuộc hai câu Pháp này.

Thông qua học phần này, đồng tu Vương đã hoàn toàn thay đổi nhận thức trước đây và còn nói về thể hội của mình như sau:

Đồng tu Vương: Công mà chúng ta luyện xuất lai là dựa vào tu tâm tính, công được tồn trữ trong từng mỗi tế bào của cơ thể, để cải biến thân thể, tâm tính càng cao, năng lượng luyện công ngày càng lớn, tác dụng khởi được càng lớn, cơ thể thay đổi càng nhanh. Trước đây cô không hiểu, cơ thể của mình sao mà thường cảm thấy không khỏe, cảm thấy công mà mình luyện rất tốt, nhưng tại sao lại không có chuyển biến rõ ràng là mấy. Hơn nữa tu luyện đã trên 20 năm, mà trạng thái lão hóa càng ngày càng hiện rõ, tại sao cô không có xuất hiện trạng thái tu luyện “trẻ hơn rất nhiều” như Sư phụ giảng, cô chỉ không hiểu và không biết vấn đề nằm ở đâu. Bây giờ thì cô biết rằng tâm tính mình không đề cao thì thân thể sẽ cải biến rất ít. Cô thấy rằng lần này cô đã phạm sai lầm lớn.

Tôi: Lỗi lớn gì vậy cô?

Đồng tu Vương: Lần này mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, cô không nên đối đãi như người thường, tức giận, bực dọc, nói những lời không hay đều là không đúng, cô không tu tâm, không làm theo tiêu chuẩn tâm tính của một người tu luyện. Thân thể cô mấy ngày này xuất hiện những khó chịu nghiêm trọng, có lẽ là cái tâm bất hảo này của cô tạo thành.

Đồng tu Vương: Ngày hôm qua khi đi vệ sinh, cô đã nghĩ về bản thân mình, tìm những tâm chấp trước của bản thân trong mâu thuẫn lần này. Cô tìm đi tìm lại cuối cùng đã tìm ra hơn mười tâm chấp trước.

Lúc đó đồng tu Vương nhấc chân lên…

Đồng tu Vương: Cháu xem, đây có lẽ là do cô đã tìm ra được tâm chấp trước của mình rồi, nên sáng nay khi thức dậy, phát hiện chân vốn bị sưng tấy mấy ngày nay đều giảm bớt rồi!

Cô Vương rất vui, tôi cũng thầm vui trong lòng vì tâm tính cô ấy đã được đề cao.

3. Lý giải về “chân chính”

Nhìn lại quá khứ của đồng tu Vương, mặc dù cô ấy đã có được cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, bộ Đại Pháp của vũ trụ này, thế nhưng cô ấy học mười mấy năm hay hai mươi năm vẫn chưa chân chính đắc Pháp. Cô ấy học Pháp nhưng học Pháp mà không hiểu Pháp, những quan niệm và nhận thức cũ vẫn không thay đổi trong học Pháp, đến nỗi cô ôm giữ nhiều nhận thức sai lầm về tu luyện trong hàng chục năm mà không tự nhận ra, cho rằng chỉ cần làm các việc như học Pháp, luyện công, phát chính niệm, giảng chân tướng, nếu tất cả những việc này đều không bị buông lơi thì chính là bản thân đang thực tu.

Khi học phần “Tôi đối xử với các học viên đều như đệ tử”, đọc đến đoạn

“Bởi vì tu luyện chân chính cần chiểu theo tiêu chuẩn tâm tính chúng tôi đề ra mà [tự] yêu cầu, cần phải thật sự đề cao tâm tính bản thân; ấy mới là tu luyện chân chính” (Chuyển Pháp Luân)

tôi hỏi đồng tu Vương một vấn đề.

Tôi: Theo cô, tại sao trong câu Pháp này Sư phụ liên tục nói đến từ “chân chính” vậy? Cô hiểu như thế nào đối với từ “chân chính” này?

Đồng tu Vương: Chứng tỏ từ “chân chính” này rất quan trọng. Cô hiểu rằng ý nghĩa của “chân chính” trong câu Pháp này là không thể qua loa đại khái, không thể trộn lẫn bất kỳ thứ gì vào, phải hoàn toàn chiểu theo yêu cầu của Pháp mà làm, đó mới là “chân chính”. Tu một cách chân chính, tu tâm tính của bản thân mình.

Tôi hỏi ngược lại: Lẽ nào vẫn còn có người tu không chân chính sao?

Đồng tu Vương: Trước đây cô chưa bao giờ tu luyện một cách chân chính, không biết rằng tu luyện quan trọng ở tu tâm, còn nghĩ rằng luyện động tác là rất quan trọng không chú trọng việc tu tâm tính của mình. Thực ra không chỉ có riêng cô, có nhiều đồng tu mà cô biết cũng chưa hiểu tu luyện chân chính là như thế nào.

Có một lần một đồng tu nào đó đến nói với tôi rằng, có sự việc cô ấy đã hướng nội tìm và đã tìm ra nguyên nhân. Tôi hỏi là nguyên nhân gì, cô ấy nói rằng: “Chính là có chỗ nào đó mà bạn chưa làm đúng thôi!” Tôi lại hỏi: “Cô hướng nội tìm chính là tìm nguyên nhân ở tôi sao?” Cô ấy trả lời: “Đúng rồi, chính là vấn đề của bạn đó!”

Sư tôn giảng:

“Anh ta nói anh ta luyện công rồi, mọi người thử nghĩ xem, phải chăng hôm nay chư vị luyện Pháp Luân Công rồi, cũng đã xem sách rồi, thì đã là đệ tử của Đại Pháp? Chư vị không tinh tấn, chư vị không làm theo tiêu chuẩn mà tôi nói với chư vị, sao có thể là đệ tử của tôi đây? Chư vị có phải là đệ tử của tôi hay không, phải cần tôi chứng nhận chư vị là đệ tử hay không, cũng chính là nói chính chư vị có đủ tiêu chuẩn của một đệ tử hay không? Chư vị luyện công hàng ngày cũng giống như thể thao, mặc dù chư vị xem sách rồi nhưng không nhập tâm, cũng không tinh tấn, chư vị cũng không làm theo yêu cầu trong sách, chư vị có thể là đệ tử của tôi không?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

4. Trao đổi về tốc độ học Pháp

Để học xong bài giảng thứ nhất của “Chuyển Pháp Luân”, mỗi ngày chúng tôi học hai đến ba tiếng đồng hồ, mất thời gian khoảng năm ngày, quả thực là học chậm. Trong thời gian này, cô Vương cho rằng học theo cách này chậm quá, chúng ta nên tăng tốc độ.

Tôi: Cô trước đây học rất nhanh, lúc học nhanh một ngày có thể đọc hai bài, có kết quả hay không, học có hiểu không?

Đồng tu Vương: Ai chà! Chỉ là trước đây không thực sự học Pháp, đã làm chậm trễ bản thân.

Tôi: Có đồng tu học rất tốt, đọc rất nhanh, nhưng người ta một khi học là học vào, nhập tâm, can nhiễu ít, không có gì cản trở. Họ học Pháp, đều đang lý giải trên Pháp, tư tưởng cũng thăng hoa, cô có thể đạt đến trình độ như thế này không?

Đồng tu Vương lắc đầu: Không thể sánh được.

Tôi: Cô có chướng ngại trong học Pháp, giấy trắng chữ đen bày ở trước mặt cũng nhìn không rõ. Có lúc một chữ một từ đọc mấy lần còn không đúng, có lúc mắt nhìn nhầm, có lúc nhìn đúng nhưng miệng lại đọc sai.

Hoặc là sau khi học xong một đoạn Pháp, dường như Pháp không tiến nhập vào trong tư tưởng của cô. Ví như, học xong phần “Công pháp Phật gia và Phật giáo”, vẫn cho rằng công pháp Phật gia và Phật giáo không có gì khác biệt! Sau khi học xong phần “Quán đỉnh” cho rằng vô luận là Phật gia hay là Đạo gia đều giảng quán đỉnh!…

Trước khi học Pháp cách suy nghĩ và nhận thức của mọi người như thế nào, thì sau khi học xong cách suy nghĩ, quan niệm cũ vẫn không thay đổi. Làm thế nào đây? Chỉ có học lại từ đầu! Học đi học lại! Học cho đến khi tiến nhập được vào trong tư tưởng! Học tiến sâu vào trong tâm trí cô!

Nếu như bảo cô đọc sách và nói về sự hiểu biết của mình, cô sẽ chiểu theo Pháp mà đọc, những điều đọc ra đều là Pháp. Nhưng nhận thức và quan niệm của con người trong tư tưởng của cô có thể sẽ bị ẩn giấu, bản thân cô sẽ không nhận ra được, người khác cũng không biết những suy nghĩ trong đầu cô. Qua giao lưu chia sẻ có thể tìm ra những vấn đề và còn có thể khắc sâu nhận thức đối với Pháp.

Hiện tại tiến độ học Pháp như vậy là chậm, cũng là nhằm vào tình hình hiện nay của cô, đây chỉ là tạm thời. Nếu có thể đột phá những trở ngại trước mắt khi học Pháp, thì sẽ không cần như thế này nữa.

Đương nhiên, đây chỉ là nhận thức và lý giải đơn giản dễ hiểu của cháu đối với Pháp.

Đồng tu Vương gật đầu, biểu thị đón nhận. Tôi cũng cũng nói rằng mấy ngày nay tôi lĩnh hội được rất nhiều điều từ trong Pháp.

Trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội Singapore [1998]” có một câu hỏi của đệ tử:

“Có người nói Ngài nói rằng một ngày rưỡi mà xem hết một lần “Chuyển Pháp Luân”là quá chậm.”

Lúc đó Sư phụ trả lời:

“Tôi không có nói như vậy! Tôi cảm thấy là quá nhanh. (Vỗ tay) Tôi bảo mọi người tận dụng thời gian đọc sách, vậy nên người đó lập tức liền chạy sang cực đoan kia rồi. Đọc, đọc, đọc, đọc, dốc sức đọc, mỗi một chữ đang đọc là gì họ cũng không biết nữa. Vậy chư vị đang học cái gì đây? Chư vị không phải đang học Pháp ư? Học Pháp, học Pháp, phần ‘học’ chư vị bỏ đâu rồi? Chư vị đọc là cái gì chư vị cũng không biết, thì tu làm sao? Chư vị ắt phải biết được điều chư vị đang đọc dưới mắt chư vị là cái gì! Chư vị đọc là chữ gì, trên bề mặt là có nghĩa gì thì chư vị đều phải biết! Thế kia sao gọi là học Pháp được? Như thế đọc Nó lên để làm gì? Cầm quyển sách lật một cái như vầy, thế là xong rồi mà. Có phải là cái đạo lý này không?”

5. Suy nghĩ lại về việc học Pháp

Trước khi cùng nhau học Pháp, nhiều đồng tu đã chia sẻ với đồng tu Vương, nhưng không có ai có thể giúp cô ấy vượt qua được mâu thuẫn và đối đãi với chúng một cách bình tĩnh như một người tu luyện chân chính.

Sau khi cùng nhau học Pháp, trong suốt quá trình tôi không lần nào đề cập đến chủ đề liên quan đến mâu thuẫn, mà chỉ học Pháp. Nhưng sau khi đồng tu Vương qua học Pháp đắc Pháp, sau khi đã thay đổi nhận thức và quan niệm không phù hợp với Pháp của mình, cô ấy đã tự giác sử dụng những Pháp lý rõ ràng dễ hiểu để đo lường và yêu cầu bản thân.

Là người ngoài cuộc nhìn, tôi đã tận mắt chứng kiến cô ấy thông qua học Pháp mà thay đổi bản thân, nói cách khác, Đại Pháp đã thay đổi cô ấy, dung luyện cô ấy. Qua chia sẻ tôi cảm thấy cô ấy ngày càng thanh tỉnh hơn, ngày càng lý trí hơn, có vẻ như một “đồng tu Vương chân chính” đang dần dần thức tỉnh.

Chỉ cần đặt Đại Pháp vào trong tư tưởng, hiểu và tiếp nhận Nó, nhưng việc cải biến một sinh mệnh nhanh đến mức như vậy của Đại Pháp là điều mà ngay từ lúc mới bắt đầu tôi không dự tính được.

Bởi vì chính hoàn cảnh của bản thân đồng tu Vương mà dẫn đến tiến độ học Pháp chậm chạp, nhưng mỗi lần trong học Pháp và chia sẻ tôi đều có những lĩnh hội mới, lý giải mới, và không vì phải cả nể, chiếu cố cho người khác mà ảnh hưởng hiệu quả học Pháp của bản thân, ngược lại còn tốt hơn, đó cũng là điều mà ban đầu tôi cũng không nghĩ tới.

Có lúc nhìn thấy và nghe thấy đồng tu nói đến “tình” khó buông, “quan tình khó qua”, thậm chí có đồng tu bởi vì không buông được tình mà mất đi sinh mệnh. Kỳ thực, đối xử với tình như thế nào, đối đãi với tình ra sao thì trong “Chuyển Pháp Luân đều đã giảng cả rồi, chỉ cần học hiểu Pháp, minh bạch Pháp, thì sẽ không khó để buông bỏ cái “tình” này.

Trong nhiều ví dụ về “quan nghiệp bệnh”, rất nhiều đồng tu nhận thức về “bệnh” vẫn chưa đề cao lên được, có phải là vì quan niệm về “bệnh” của người thường vẫn chưa thay đổi? Vẫn chưa hiểu thấu đáo về vấn đề “chuyển hóa nghiệp lực”? Đã bao giờ chúng ta nghĩ rằng nếu nhận thức không rõ ràng, thì có thể thông qua học Pháp nhiều để sửa chữa nó và đột phá nó?

Qua thực tu, quả thực có rất nhiều sự việc không biết sắp xếp như thế nào cho phù hợp với tiêu chuẩn của người tu luyện. Kỳ thực, cũng có thể có nguyên nhân chưa hiểu rõ Pháp lý và không biết yêu cầu của Pháp là gì.

Nhiều nghi hoặc, lo nghĩ trên con đường tu luyện, nhiều ma nạn không giải quyết được, không qua được, có thể là bởi vì chúng ta học Pháp mà chưa đắc Pháp, không hiểu Pháp, không học thấu Pháp, do đó khiến bản thân rơi vào tình huống không Pháp để dựa vào, thậm chí còn đi sai phương hướng tu luyện.

Như thế xem ra: Rất có thể chúng ta đã đối đãi một cách đơn giản với bộ Pháp này và đối xử một cách đơn giản với việc học Pháp.

Bộ Đại Pháp của vũ trụ này dùng hình thức một quyển sách, hình thức chữ viết xuất hiện trong mắt chúng ta. Bị ảnh hưởng bởi quan niệm của người thường, có lẽ trong tiềm ý thức chúng ta coi “Chuyển Pháp Luân” như một cuốn sách hướng dẫn lý thuyết, không để ý hoặc là không vững tin vào cuốn sách này và nội hàm cường đại, Pháp lực vô biên đằng sau những con chữ trong cuốn sách!

Việc học tốt bộ Đại Pháp này một cách “chân chính” đối với người tu luyện sẽ có ý nghĩa gì? Sẽ khởi tác dụng ra sao? Nó sẽ triển hiện uy lực như thế nào? Chúng ta đã thật sự suy nghĩ chưa? Đã thật sự rõ ràng chưa?

Sư phụ giảng:

“Mà Pháp lý này lại có thể phá trừ hết thảy những ngu kiến, sai lầm của con người, có thể làm chính lại hết thảy nhân tâm, có thể điều chỉnh lại hết thảy những trạng thái không đúng đắn. Cho nên Pháp lý này chỉ cần chư vị học, chỉ cần chư vị đọc [sách], thì chư vị là đang đề cao. Cho nên đọc sách học Pháp là cực kỳ quan trọng”. (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999])

“Nếu như chúng ta hôm nay có nhiều người như thế này, hơn trăm triệu người đang học, với mỗi người tôi đều phải cầm tay chỉ bảo họ, không thể nào làm được điều đó. Nhưng chúng tôi vì để có thể giải quyết những vấn đề này, [thì] tất cả những gì tôi có thể cấp cho chư vị, những gì khiến chư vị có thể đề cao, đạt được biến đổi tôi đều viết vào trong cuốn sách này, ép vào trong bộ Pháp này rồi. Không chỉ là chỉ đạo chư vị đề cao trên lý [luận], mà đằng sau Pháp có nội hàm cường đại”. (Giảng Pháp tại Pháp hội tại Châu Âu [1998])

(Hết)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/284589



Ngày đăng: 11-11-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.