Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Câu chuyện tu luyện

Công đến tự nhiên thành

13-07-2025

Tác giả: Nguyên Hinh

[ChanhKien.org]

Trên con đường thành công, điều quan trọng nhất chính là lòng kiên định và ý chí. Tuy nhiên, giữ vững được hai điều này lại không phụ thuộc vào việc sinh mệnh nào đó trên thân có sở trường gì, mà là chúng ta có thể mang một cái tâm nhẹ để làm hành trang lên đường hay không. Vì sao lại nói như vậy? Hãy xem cuộc trò chuyện về tâm lộ của thầy trò Đường Tăng sau đây.

Sau khi đi lấy kinh hơn một tháng, bỗng nghe tiếng nước vang dội bên tai, Tam Tạng hoảng hốt nói: “Các đồ đệ ơi, lại là tiếng nước ở đâu vậy?” Hành Giả cười nói: Sư phụ đúng là quá đa nghi, như vậy thì sao làm hòa thượng được. Chúng ta bốn thầy trò cùng đi, cớ sao chỉ có thầy nghe thấy tiếng nước? Thầy lại quên bài “Đa Tâm Kinh” rồi đúng không? Đường Tăng nói: “Bài ‘Đa Tâm Kinh’ là do Ô Sào thiền sư ở núi Phù Đồ truyền miệng lại, gồm có 54 câu, 270 chữ. Lúc đó ta học bằng tai, đến nay vẫn thường tụng, ngươi nghĩ ta quên câu nào sao?”

Hành Giả nói: “Sư phụ à, thầy đã quên câu ‘không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý’ rồi sao? Chúng ta là người xuất gia, mắt không nhìn sắc, tai không nghe âm thanh, mũi không ngửi mùi hương, lưỡi không nếm vị, thân không biết nóng lạnh, ý không khởi vọng tưởng, như thế mới gọi là trừ bỏ lục tặc. Nay thầy vì cầu kinh, ý vẫn luôn khởi niệm, sợ yêu ma không chịu buông tha, muốn ăn chay thì động lưỡi, thích mùi thơm ngọt thì mũi động, nghe tiếng động thì tai giật mình, thấy cảnh vật thì mắt chăm chú nhìn, chiêu mời lục tặc kéo nhau tới. Như vậy thì làm sao có thể đến Tây Thiên gặp được Phật?” Tam Tạng nghe xong, im lặng trầm ngâm nói:

“Các đồ đệ à, từ ngày xa biệt Thánh quân đến nay, ta ngày đêm vất vả không ngơi nghỉ. Dép cỏ giẫm nát cả sương mù đỉnh núi, nón trúc xé tan mây trắng lưng đèo. Đêm khuya tiếng vượn kêu ai oán, trăng sáng chim hót nghe mà không chịu được. Biết đến bao giờ mới đi hết ba mươi ba chặng đường để lấy được Pháp vi diệu của Như Lai? Hành Giả nghe xong, không nhịn được liền vỗ tay cười lớn: “Hóa ra sư phụ chỉ vì nỗi nhớ nhà chưa nguôi! Nếu muốn đi trọn ba mươi ba chặng ấy, có gì là khó đâu? Người ta thường nói: ‘Công đến tự nhiên thành’”.

Bát Giới quay đầu lại nói: “Đại ca à, nếu cứ gặp phải yêu ma chướng ngại hung dữ như thế này, thì có đi đến một nghìn năm cũng chẳng thành công được!” Sa Tăng nói: “Nhị ca, huynh với đệ đều giống nhau, ăn nói vụng về, đừng chọc giận đại ca nữa. Cứ vai kề vai, gánh vác nhẫn nại, cuối cùng cũng ắt sẽ có ngày thành công thôi”.

Thầy trò họ quả thực là những người được chọn để đi thỉnh kinh, các vị Thần hộ Pháp cũng tuyệt đối không để xảy ra sơ suất, dẫn đến Đường Tăng thật sự gặp nạn. Như vậy, những ma nạn được an bài trên đường đi cũng chính là để tiêu giảm nghiệp cho người tu luyện, nhắm thẳng vào từng cái “tâm” cần phải được tu khứ. Giống như kịch bản cuộc đời của mỗi chúng ta, tất cả đều là an bài từ Thiên thượng, chứ không phải là những thứ mà con người cảm nhận được từ trong phản lý. Thế nên nói sống thuận theo đạo tự nhiên, tâm không rối loạn, không vướng mắc tình cảm, không sợ hãi tương lai, không luyến tiếc quá khứ, thanh tịnh, chuyên chú làm tròn bổn phận hiện tại của cá nhân thì sẽ “công đến tự nhiên thành”, sẽ đạt được đại trí huệ mà những lo lắng ở thế tục không thể nào sánh kịp.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/283019

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài