Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Câu chuyện tu luyện

Chuyện cổ Phật gia: Đạt Ma chỉ mang một chiếc giày về Tây

22-05-2025

Tác giả: Học viên Đại Lục

[ChanhKien.org]

Đạt Ma là cao tăng Ấn Độ, vào thời Nam Bắc Triều ông đã sang Trung Quốc truyền Pháp, được tôn là sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc. Đạt Ma ở Trung Quốc từng hiển hiện thần tích: khi vượt qua sông Trường Giang, ông không ngồi thuyền mà bẻ một cọng lau bên bờ sông, đứng trên cọng lau đó mà nhẹ nhàng vượt sông, lưu lại truyền thuyết “nhất vĩ độ giang” (một cọng lau vượt sông). Sau khi đến Thiếu Lâm, ông tới một hang đá tự nhiên và dùng nó làm nơi nhập định tu luyện, mặt đối diện vách đá, xếp bằng tĩnh tọa, ngồi đả tọa suốt chín năm, đến nay hình ảnh ông vẫn còn in trên vách đá. Khi rời khỏi nhân gian, ông còn để lại câu chuyện “chỉ mang một chiếc giày về Tây”.

Sau khi quá trình Đạt Ma truyền Pháp kết thúc, “hóa duyên đã xong, việc truyền Pháp đã có người kế thừa”, ông liền ngồi ngay ngắn viên tịch, và được chôn cất tại núi Hùng Nhĩ. Người dân xây tháp Phật trong chùa Định Lâm để tưởng nhớ ông. Việc Đạt Ma viên tịch, thiên hạ đều biết. Tuy nhiên, một vị sứ thần Đông Ngụy là Tống Vân vì công việc đi sứ Tây Vực mà lâu ngày chưa về, hoàn toàn không hay biết chuyện Đạt Ma tạ thế. Hai năm sau, Tống Vân từ Tây Vực trở về Lạc Kinh. Khi đi ngang qua Thông Lĩnh, ông gặp được Đạt Ma một tay chống thiền trượng, một tay xách một chiếc giày, mặc trang phục tăng nhân, chân trần, đi từ Đông sang Tây.

Sau khi hai người gặp nhau, Tống Vân nhận ra Đạt Ma, vội vàng dừng bước hỏi: “Ngài đi đâu vậy?” Đạt Ma đáp: “Ta đi về Tây Thiên”. Rồi ông lại nói thêm: “Sau khi ngươi về kinh, đừng nói rằng đã gặp ta, nếu không sẽ gặp tai họa”. Hai người nói xong, mỗi người một ngả. Tống Vân cho rằng Đạt Ma chỉ là đang nói đùa với ông ta, nên hoàn toàn không để tâm. Sau khi trở về kinh thành, lúc vào cung tâu và dâng chiếu thư lên hoàng đế, thuận miệng kể câu chuyện mình gặp Đạt Ma khi đi ngang qua núi Thông Lĩnh.

Nào ngờ lời chưa dứt, Đông Ngụy Hiếu Tĩnh Đế liền nổi giận, mắng Tống Vân: “Ai ai cũng biết Đạt Ma đã chết ở Vũ Môn, chôn ở núi Hùng Nhĩ, còn xây tháp tưởng nhớ tại chùa Định Lâm. Sao ngươi lại nói gặp Đạt Ma ở núi Thông Lĩnh? Người chết rồi sao có thể sống lại? Đây rõ ràng là khi quân dối vua, lẽ nào lại như vậy!” Nói xong, liền sai thị vệ gác điện lôi Tống Vân ra ngoài, tống vào lao ngục. Qua vài ngày sau, một hôm, Hiếu Tĩnh Đế thiết triều bàn án xử tội Tống Vân khi quân, truyền gọi Tống Vân lên điện, hỏi: “Chuyện ngươi gặp Đạt Ma ở núi Thông Lĩnh, rốt cuộc là thế nào? Mau khai thật!”

Tống Vân thật thà tâu rằng: “Hoàng thượng cho phép hạ thần bẩm báo, ở núi Thông Lĩnh, hạ thần gặp tổ sư Đạt Ma, Ngài chân trần, một tay chống tích trượng, một tay xách một chiếc giày. Trang phục tăng nhân bay bay trong gió, nhẹ nhàng đi về hướng Tây. Ngài nói sẽ trở về Tây Thiên, dặn hạ thần không được hé miệng, nếu nói ra sẽ gặp tai họa. Hạ thần tưởng là chuyện đùa, nên thuận miệng tấu lên Hoàng thượng. Nay nói từng câu, đều là lời chân thật, không dám lừa dối Hoàng thượng, khẩn mong minh xét phân xử cho đúng lẽ”. Hiếu Tĩnh Đế nghe xong, nửa tin nửa ngờ, thật giả khó phân, không biết xử trí ra sao. Các quần thần dưới điện cũng bàn tán xôn xao, có người nói: “Đạt Ma tạ thế, ai ai cũng biết, làm sao người chết lại có thể sống lại? Tống Vân phạm tội lừa dối vua, phải xử theo pháp luật”. Có người lại nói: “Đạt Ma về Tây, Tống Vân tận mắt thấy, đã bị giam cầm thì làm sao còn dám lừa trời nữa? Nay thật giả đúng sai khó phân, chi bằng khai quật mộ để kiểm chứng”.

Hiếu Tĩnh Đế nghe theo lời kiến nghị thứ hai, sai người đào mộ Đạt Ma, mở quan tài ra xem, quả nhiên thấy một cỗ quan tài rỗng, bên trong không có thi thể, chỉ còn lại một chiếc giày. Nỗi oan của Tống Vân được rửa sạch, minh oan. Hiếu Tĩnh Đế bèn đổi tên chùa Định Lâm thành chùa Không Tướng để ghi nhớ chuyện này.

Hiện nay, trong hành lang bia đá của chùa Thiếu Lâm, vẫn còn một tấm bia mang tên “Đạt Ma chỉ mang một chiếc giày về Tây”, trên đó khắc bốn câu thơ:

“Đạt Ma năm Thái Hòa nhập diệt,
Trong núi Hùng Nhĩ tháp miếu toàn.
Nếu chẳng Tống Vân Thông Lĩnh kiến,
Ai hay một giày về Tây Thiên”.

Câu chuyện thần kỳ Đạt Ma chỉ mang một chiếc giày về Tây được lưu truyền rộng rãi, qua các triều đại, những người tới tham quan để lại không ít thơ từ ca tụng. Vào thời Minh, niên hiệu Vạn Lịch, Kim Trung Sĩ trong bài thơ thất ngôn luật “Đề Đạt Ma diện bích” đã viết:

“Cành lau vượt sông sóng tung bay,
Chín năm thiền tọa núi xanh này.
Quay mặt vách đá tăng nhập định,
Vai chim làm tổ cũng không hay.
Vô sinh sắc tướng đều thành huyễn,
Trời, người hữu lậu đều ngộ sai.
Hà cớ Tống Vân Thông Lĩnh thấy,
Thiếu Lâm mưa gió buồn về Tây”.

Đạt Ma là bậc cao nhân tu hành đắc đạo, đã dặn Tống Vân đừng nói ra chuyện gặp ông, nhưng Tống Vân không tin, kết quả tự rước lấy tai họa mấy ngày trong ngục. Đương nhiên, Tái Ông thất mã, ai biết được họa phúc, cũng chính nhờ chuyện này mà để lại cho người đời sau thần tích Đạt Ma chỉ mang một chiếc giày về Tây, làm phong phú văn hóa Trung Hoa.

Ngày nay là thời khắc quan trọng của lịch sử. Nhiều người tu luyện đã tu tới cảnh giới rất cao, họ biết rõ tội ác tày trời của Trung Cộng, nó sẽ có kết cục lịch sử bị thượng thiên, chư Thần Phật đào thải và tiêu diệt. Những người tu luyện này dùng tâm từ bi đứng ra cứu người trước khi tai họa giáng xuống, khuyên mọi người thoái xuất khỏi các tổ chức của Trung Cộng như đảng, đoàn, đội, để không còn là thành viên của Trung Cộng, không bị nó liên lụy mà gặp họa. Năm xưa, Tống Vân không tin lời cảnh báo của Đạt Ma, phải chịu vài ngày trong ngục; còn ngày nay, nếu con người không tin lời khuyên “Trời diệt Trung Cộng, thoái đảng, đoàn, đội để bình an”, thì khi đại nạn giáng xuống, e rằng sẽ không còn thuốc hối hận nữa.

Nguồn tư liệu: “Truyền Đăng Lục” và các tài liệu khác.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/246100

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài