Câu chuyện Phật gia: Đạt Ma



Tác giả: Mộc Mộc

[ChanhKien.org]

Bồ Đề Đạt Ma, sinh ra trong gia đình đạo Bà La Môn đến từ miền Nam Ấn Độ, ông là người trí huệ tinh thông, ngộ tính cao và chuyên chú vào Đại thừa Phật giáo.

Vào những năm đầu niên hiệu Phổ Thông thời vua Lương Vũ Đế ông đến Quảng Châu, Vũ Đế sai sứ đến đón ông tại Kim Lăng (nay là Nam Kinh). Vũ Đế đích thân hỏi ông rằng: “Từ khi lên ngôi đến nay, ta đã xây dựng không biết bao nhiêu là chùa, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể, vậy có công đức gì không?”, Bồ đề Đạt Ma trả lời: “Không có công đức gì”. Vũ Đế hỏi ông ấy tại sao, Đạt Ma nói: “Đây là vì có nhân hữu lậu ở đây. Mặc dù nhìn thấy thì như là có công đức nhưng thực sự lại không phải như thế”. Vũ Đế lại hỏi: “Vậy như thế nào mới được tính là có công đức thực sự?” Đạt Ma nói: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn, thể phải được trống không vắng lặng, và công đức như vậy không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, độ tăng) mà cầu được”. Vũ Đế lại hỏi: “Ý nghĩa tối cao của Thánh đế là thế nào?” Đạt Ma trả lời “Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là Thánh”. Vũ Đế không hiểu được huyền cơ trong đó.

Sau đó Đạt Ma rời khỏi Lương, bẻ một cọng lau vượt sông, đi đến biên giới Bắc Ngụy. Ông đến Lạc Dương, và tu tập ở chùa Thiếu Lâm Tự tại núi Tung Sơn, quay mặt vào vách chín năm. Sau khi công thành viên tịch, ông được chôn cất ở núi Hùng Nhĩ.

Tống Vân của triều đại Bắc Ngụy phụng mệnh đi sứ từ Tây vực trở về, đã gặp Đạt Ma ở dãy núi Thông Lĩnh (Pamir), nhìn thấy ông đi một mình, trong tay cầm một chiếc giầy. Tống Vân hỏi ông đi đâu, Đạt Ma trả lời là đi Tây Thiên, rồi nói với Tống Vân: “Quân vương của ông đã chán thế gian này rồi”. Tống Vân không hiểu nói vậy là có ý gì. Đợi đến lúc đến kinh thành, mới biết Minh đế đã băng hà, Hiếu Trang đã lên ngôi. Tống Vân kể cho hoàng đế về cuộc gặp gỡ của ông với Bồ Đề Đạt Ma trên đường, hoàng đế ra lệnh mở quan tài và phát hiện bên trong chỉ có một chiếc giày mà thôi.

(Thần tăng truyền kỳ – Quyển thứ tư)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/43185



Ngày đăng: 30-04-2007

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.