Chuyện cổ Phật gia: Hành xử cho chính với những việc liên quan tới tiền tài



Tác giả: Đức Huệ

[ChanhKien.org]

Vào thời Tống, ở Hàng Châu có một ngôi chùa tên là Bảo Tàng Tự. “Chủ tàng tăng” của chùa có pháp danh là Chí Thuyên. “Chủ tàng tăng” có nghĩa là tăng nhân trưởng quản, phụ trách việc quản lý tài sản, thu chi trong chùa. Ông luôn nghiêm chỉnh chấp hành giới luật, tài sản người khác bố thí cho chùa ông đều quản lý hết sức tận tâm và đầy trách nhiệm, trước nay không bao giờ chiếm đoạt hay lạm dụng một tơ một hào nào.

Lần nọ, có một tăng nhân thủ thỉ với ông rằng: Cho ta mượn 10 ngàn quan tiền từ kho tiền của nhà chùa để quay vòng vốn, sau này ngoài tiền gốc ra, ta còn trả thêm cho ông ba ngàn tiền lời. Vì việc này là lấy của công làm việc riêng nên lúc đầu ông đã từ chối, nhưng rồi ông không sao cưỡng lại nổi trước những lời nỉ non của đối phương, thế nên ông đã lấy tiền của chùa cho tăng nhân kia mượn. Vài tháng sau khi đến ngày trả tiền, đối phương như đã giao hẹn trả lại cả tiền gốc lẫn lãi. Đối mặt với số tiền lãi ba ngàn, đầu tiên ông nghĩ: đây không phải là tài sản của chùa, mà là tài sản riêng của mình; nhưng sau đó lại nghĩ: suy cho cùng số tiền này có được từ việc mình lợi dụng tiền của nhà chùa, mình chắc chắn không thể dùng nó vào mục đích cá nhân được, vậy nên ta sẽ dùng toàn bộ số tiền đó để làm tiền hương hỏa cúng dường Phật. Thế là ông dùng toàn bộ ba ngàn tiền lãi mua nhang và nến cúng dường Phật, không dùng một xu nào cho mục đích cá nhân, nên ông thấy không có vấn đề gì.

Chí Thuyên thường ngày nuôi một con mèo, nhưng ngày nọ con mèo hết thọ mệnh mà chết đi. Không lâu sau Chí Thuyên có một giấc mơ kì lạ, trong mơ, nguyên thần của ông rời khỏi thân thể, đến một nơi như âm phủ. Một quý nhân thân mặc y phục màu vàng tím từ trong quan phòng bước ra, đối đãi với Chí Thuyên rất cung kính, ngữ khí trong khi nói chuyện dường như vô cùng quen thuộc. Chí Thuyên không nhận ra đối phương, bèn hỏi tại sao lại cung kính như thế?

Đối phương trả lời: Đời trước do phạm tội, nên tôi phải chuyển sinh thành động vật, bị Thần linh trừng phạt đầu thai thành mèo, tôi rất cảm kích và biết ơn ông đã nuôi dưỡng, đối xử tử tế với tôi khi còn ở trong chùa. Bây giờ tội nghiệp của tôi đã hoàn trả xong, vì tôi tính tình ngay thẳng nên đã được Thượng thiên giao cho làm quan ở âm phủ. Hôm nay tôi mời ông đến là vì muốn nghiêm túc nhắc nhở ông: việc ông lợi dụng tài sản của chùa và nhận ba ngàn tiền lãi là việc phạm đại tội! Trong sổ ghi chép của âm phủ, hành vi của ông phạm phải tội chiếm dụng tài sản của chùa. Bây giờ cho dù ông trả lại toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi để mua nhang và nến cúng dường Đức Phật cũng không miễn được tội này. Những việc này đều không thể bù đắp cho tội ông chiếm dụng tài sản của chùa trước đây. Loại tội như thế này, nhất định sẽ bị hạ địa ngục và phải chịu “một kiếp đầy đọa đau khổ”, cho dù ông có làm thêm rất nhiều việc “công đức” thì cuối cùng cũng “không thể thoát được”!

Chí Thuyên sau khi nghe xong biết mình đã sai, vì vậy đã cố gắng hết sức cầu xin vị quan tha thứ. Vị quan cuối cùng cũng mở miệng, nói: Thật ra tôi cũng thường hướng đến Thần linh tầng cao hơn để xin chỉ thị, liệu có thể khiến ông chịu nhận ác báo ở thế gian, từ đó được miễn trừ việc chịu khổ trong địa ngục không. Bây giờ Thần linh ở tầng cao hơn đã trả lời rồi, chỉ có thể khiến ông “ở trong thế gian chịu cái khổ của 13 trượng” mới có thể tiêu trừ việc chịu khổ trong địa ngục, ngoài đó ra thì không có cách nào. Âm phủ chúng tôi đã an bài như vậy rồi. Vị quan nói xong thì Chí Thuyên cũng tỉnh giấc.

Chí Thuyên sau khi tỉnh dậy, ngộ ra rằng nguyên thần của mình đã đến âm phủ, việc này là thật chứ không phải giả, vậy nên ông nghĩ: ta là Chủ tàng tăng của chùa, là người quản lý tài sản của chùa rất lâu rồi, bất kể là những tăng nhân khác hay người thường đều rất tôn trọng ta, làm sao ta có thể chịu nhận sự trừng phạt của quan phủ, như thế thì vô cùng mất mặt, còn mặt mũi nào làm bậc trưởng lão của chùa kia chứ. Có lẽ ta nên tu khổ hạnh và ăn năn sám hối, nỗ lực tiêu trừ tội nghiệp, mới có thể miễn trừ nỗi khổ của 13 trượng xấu hổ này.

Thế là ông đem hết tất cả tài sản của mình quyên góp cho chùa cúng dường Phật, và ở trước mặt Đức Phật thành kính ăn năn sám hối về tội lạm dụng tài sản của chùa, đồng thời tu khổ hạnh. Cứ như thế cho đến năm sau vào một ngày nọ, quan huyện lệnh huyện Tiền Đường đưa gia đình đến Bảo Tàng Tự, đúng lúc các tăng nhân khác đều ra ngoài để nhận cúng dường từ gia chủ, hay đi ra ngoài tổ chức các hoạt động Pháp sự, cho nên không một tăng nhân nào nghênh tiếp quan huyện. Quan huyện trong lòng vô cùng tức giận nên mới vào phòng của phương trượng, vừa hay lúc đó ông dẫm phải một cục phân mèo, trong lòng càng nổi giận lôi đình. Đoàn người tùy tùng của quan huyện tìm kiếm khắp nơi trong chùa, phát hiện có một tăng nhân đang sám hối trong phòng sám hối, liền lôi ra ngoài, tăng nhân đó chính là Chí Thuyên.

Người tùy tùng nói với quan huyện rằng: Tăng nhân này là sư trụ trì, ông ta không chịu đi dọn dẹp vệ sinh cho sạch sẽ mà còn trốn ở đây. Chí Thuyên cả năm nay một mực tận tâm tận lực tu khổ hạnh và ăn năn hối lỗi, nên căn bản không biết đã phát sinh những chuyện gì, người ta hỏi gì cũng không trả lời được. Quan phủ nghiến răng nghiến lợi tức giận hét lớn: Đánh ông ta 500 trượng cho ta! Sau đó đoàn tùy tùng bắt đầu đánh Chí Thuyên bằng gậy gỗ, đánh đến trượng thứ 13, quan huyện đột nhiên hết giận, liền quay lưng đem theo đoàn người rời đi. Chí Thuyên sau khi chịu phạt 13 trượng thì liền minh bạch ra, tất cả mọi việc đều được ghi chép lại nơi âm tào rồi, đều có Thần linh an bài, tất cả hành vi tốt xấu đều có báo ứng, từ đó thường dùng sự việc này để cảnh cáo các tăng nhân, tuyệt đối không được lạm dụng, chiếm đoạt tài sản của chùa, các việc liên quan đến tiền bạc nhất định phải hành xử cho chính.

Câu chuyện của Chí Thuyên nói rõ một đạo lý, lạm dụng chính là lạm dụng, chiếm đoạt chính là chiếm đoạt, sai chính là đã sai rồi, mượn bất cứ cớ gì để che đậy đều vô dụng, cho dù có đem tiền lời, hay đem tất cả số tiền của bản thân có dùng để hương hỏa cúng dường Phật, cũng không thể nào che đậy hay tiêu trừ được tội nghiệp. Từ trước đến nay một số người có quan niệm sai lầm rằng, chỉ cần động cơ hay mục đích là tốt, thì cách làm trong quá trình đó dù có sai lầm hay thiếu sót cũng có thể bỏ qua, thực ra điều đó là không được.

Quay đầu nhìn lại lịch sử, khi tà thuyết cộng sản nổi lên, nó cũng đã lợi dụng quan niệm sai lầm này để đầu độc người ta, trước tiên nó vẽ cho bạn một chiếc bánh chủ nghĩa cộng sản tà ác, rồi nói với bạn rằng hiện thực chủ nghĩa cộng sản tà ác là cao quý nhất, là đúng đắn nhất. Sau đó vì cái mục tiêu gọi là cao quý nhất, đúng đắn nhất đó (thực ra là sự lừa dối của tà ác) có thể lục thân không nhận, giết người hại mệnh, dùng bất cứ thủ đoạn nào để tranh đấu, thậm chí phạm đủ loại tội ác nghiêm trọng mà vẫn cảm thấy vẻ vang, tự cho rằng đang góp một phần nhỏ cho sự nghiệp vĩ đại, thật vô cùng tự hào vì điều này, lại còn vọng tưởng cho rằng mình đạo đức ưu việt hơn người.

Thực ra thiện ác báo ứng mới là tình huống chân thực của vũ trụ, trong quá trình làm người, làm mọi việc, thì thiện và ác tất nhiên sẽ sản sinh ra thiện quả và ác quả tương ứng. Làm việc thiện, làm việc chân chính, thì sẽ có thiện quả; làm điều ác, làm việc khuất tất chắc chắn có ác quả. Cho dù bạn tự cho rằng động cơ hay mục đích của mình tốt đến đâu cũng không được.

Nguồn tư liệu: Theo “Xuân Chử Ký Vấn – Quyển 4 – Thụ trượng chuẩn địa ngục” của Hà Xuyên thời nhà Tống

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/291275



Ngày đăng: 13-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.