Chuyện cổ Phật gia: Xá lợi hiển thần uy, Phật pháp truyền Đông Ngô
Thái Bình chỉnh lý
[Chanhkien.org]
Lịch sử xưa nay, có cao tăng viên tịch sau khi hỏa táng có thể lưu lại xá lợi tử, xá lợi tử hết sức cứng hơn nữa còn phát ra ánh sáng, Phật gia coi đây là bảo vật quý giá. Dưới đây là một đoạn ghi chép về xá lợi tử.
Tổ tiên của Khang Tăng Hội là người nước Khang Cư, cư ngụ tại Thiên Trúc, cha của ông vì việc làm ăn buôn bán mà di cư đến Giao Chỉ. Vào lúc ông hơn mười tuổi, phụ mẫu đều qua đời, ông dùng tâm chí thành mà phục tang cha mẹ, sau khi mãn tang mới xuất gia tu luyện. Sau khi xuất gia, ông tinh tấn không buông lơi. Ông đối đãi với người thì độ lượng rộng rãi, hơn nữa bản thân lại có kiến thức, dốc chí học tập, hiểu rõ Tam Tạng, đọc thông Lục Kinh, thiên văn sấm vỹ đều có xem qua, ngòi bút của Khang Tăng Hội rất có nội lực. Thời ông ở đất Ngô, Tôn Quyền khi đó đã khống chế được Giang Đông, nhưng Phật pháp vẫn chưa thịnh hành.
Trước kia, từng có tăng nhân Chi Khiêm từ xứ Nguyệt Chi đến Trung Quốc truyền bá Phật pháp ở đất Ngô. Nhưng Phật pháp ở đất Ngô chỉ vừa mới bắt đầu truyền bá, ảnh hưởng còn chưa rộng rãi, Khang Tăng Hội muốn chấn hưng Phật pháp ở Giang Đông, nên đã khởi công xây dựng chùa ở đó, vì vậy ông liền đem theo Bách tích trượng mà đi về phía đông. Năm Xích Ô thứ mười nhà Ngô, ông đến Kiến Nghiệp dựng nhà tranh, bắt đầu truyền Phật pháp. Lúc bấy giờ người dân nước Ngô khi lần đầu thấy trang phục hòa thượng, cũng không biết Phật lý, nghi ngờ ông là một kẻ dị đoan. Có người tấu lên Tôn Quyền: “Có dị nhân tiến vào nước ta, tự xưng là hòa thượng, tướng mạo và phục sức đều không giống chúng ta, phải nên kiểm soát.” Tôn Quyền nói: “Thuở trước Hán Minh Đế mộng thấy một vị thần, danh xưng là Phật. Việc nhà ngươi nói, chẳng lẽ là điều truyền lại của Phật sao?” Tôn Quyền lập tức triệu kiến Khang Tăng Hội, hỏi ông rằng: “Ngươi có gì làm linh nghiệm?”, Tăng Hội nói: “Như Lai rời đi đã nghìn năm, nhưng xá lợi chiếu sáng vô cực, xưa kia vua A Dục xây tám vạn bốn nghìn tòa tháp chùa, mà chùa tháp thịnh vượng chính là cho thấy ảnh hưởng to lớn của Phật tổ.” Tôn Quyền cho rằng đây là những lời khoác lác, bèn nói với Tăng Hội: “Nếu có thể có được xá lợi, thì ta sẽ dựng tháp, còn nếu là lời hư dối, thì sẽ xử lý theo quốc pháp.” Tăng Hội thỉnh cầu kỳ hạn 7 ngày.
Tăng Hội sau khi trở về liền nói với những người tháp tùng của mình rằng: “Việc hưng phế của Pháp, tất ở phen này đây, hôm nay nếu không thành tâm thành ý, về sau hối hận không kịp.” Mọi người cùng nhau trai giới ở tịnh thất, đem một chiếc bình bằng đồng dâng lên hương án, sau đó thắp hương lễ thỉnh. Kỳ hạn 7 ngày đến nhưng không có ứng nghiệm gì. Ông thỉnh cầu thêm 7 ngày nữa, cũng không có điều gì xuất hiện. Tôn Quyền nói: “Đây là ngươi lừa dối người, ta phải thêm tội cho ngươi mới được.” Tăng Hội lại thỉnh cầu thêm 7 ngày, Tôn Quyền đặc cách đáp ứng. Tăng Hội mời đạo hữu tới, nói với bọn họ: “Phật pháp lẽ nên được ban đến, thế nhưng chúng ta lại không làm được, chúng ta hãy lấy cái chết ra làm kỳ hạn.” Đến chạng vạng tối ngày thứ 21, trong bình đồng vẫn im ắng không tiếng động. Đến canh năm, chợt nghe có tiếng rào rào bên trong, Tăng Hội đi tới nhìn, quả nhiên đã có được xá lợi. Sáng sớm hôm sau, Tôn Quyền đích thân lấy bình đồng mà trút xá lợi tử vào chậu đồng, chậu bị xá lợi đập vào lập tức vỡ. Tôn Quyền giật mình thán phục, nói rằng: “Đây là vật lành hiếm có.” Tăng Hội đi tới trước mặt Tôn Quyền nói: “Xá lợi thần uy há chỉ thể hiện có thế mà thôi! Lửa mạnh đốt không hỏng được nó, đá kim cương đập không vỡ được nó.” Tôn Quyền sai người kiểm nghiệm, Tăng Hội lại một lần nữa phát thệ rằng: “Phật pháp ban trải thiên hạ, chúng sinh ngóng trông, nguyện xin Ngài ban kỳ tích một lần nữa, tỏ rộng uy linh.” Nói xong liền đem xá lợi đặt ở trên đe sắt, để cho lực sỹ dùng hết sức mà đập, kết quả đe sắt cùng chùy sắt đều lõm cả vào trong mà xá lợi không hư hao chút nào. Tôn Quyền vô cùng thán phục, lập tức truyền lệnh xây tháp. Tháp này lấy tên là Kiến Sơ tự, ý là Phật tự đầu tiên ở Đông Ngô, nơi xây chùa được gọi tên là Ngộ Lý. Từ đó, Phật pháp hưng thịnh ở Giang Đông.
Sau Tôn Quyền, Tôn Hạo kế vị, ông ta ban bố pháp lệnh hà khắc bạo ngược, ngoại trừ nơi cúng tế được triều đình quy định chính thức ra thì mọi từ đường, miếu mạo, ngay cả Phật tự cũng đều phải phá bỏ. Tôn Hạo nói: “Có lý do gì để Phật tự tồn tại? Nếu như bọn họ dạy mọi người trung trinh chính trực, nhất trí với kinh điển Nho gia, vậy thì để cho tồn tại; bằng không, thiêu hủy hết thảy!” Các đại thần nhắc nhở ông ta rằng: “Phật có uy lực, không giống với thần. Khang Tăng Hội năm đó cảm động Phật tổ, giáng xuống bảo vật xá lợi, Thái Hoàng bèn sáng lập Phật tự. Ngày nay, nếu như khinh suất mà tiến hành hủy hoại, sợ rằng phải nhận hối hận về sau.”
Tôn Hạo phái Trương Dục đến chùa chất vấn Tăng Hội. Trương Dục rất có tài hùng biện, ông ta ở trước mặt Tăng Hội mà vặn hỏi cật vấn. Tăng Hội dẫn chứng phong phú, cơ trí ứng đối vấn đề của Trương Dục, lý lẽ sắc bén. Hai người đàm luận từ sáng đến tối, Trương Dục cũng không thế khiến khuất phục được Tăng Hội vậy nên đã xin cáo lui. Tăng Hội tiễn ông ta ra cửa, lúc đó bên cạnh chùa vẫn còn mấy cái miếu thờ trong tín ngưỡng dân gian vẫn chưa bị phá bỏ. Trương Dục nói: “Phật môn đã quảng truyền, vì sao những người này ở gần như vậy mà không được giáo hóa?” Tăng Hội nói: “Sấm sét phá núi, người điếc không nghe được, nguyên nhân không phải là vì tiếng sấm quá nhỏ. Nếu như đạo lý thông thuận, thì ở ngoài vạn lý cũng có thể hưởng ứng, nếu như tắc nghẽn không thông, thì tuy gần gũi nhưng mâu thuẫn khác biệt.” Trương Dục sau khi trở về, tán thán Tăng Hội trí tuệ cao minh, tự thấy mình không bằng, xin Tôn Hạo xem xét lại. Tôn Hạo lập tức tập hợp những người tài cán trong triều, dùng xe ngựa đón Tăng Hội đến. Tăng Hội vừa ngồi xuống, Tôn Hạo đã hỏi: “Phật giáo giảng thiện ác báo ứng, thế thì cái gì là thiện ác báo ứng?” Tăng Hội đáp: “Bậc quân chủ hiền minh lấy hiếu hạnh nhân từ giáo dục đạo đức thiên hạ, thế thì giống chim báo điềm lành bay lượn mà người già thì khoẻ mạnh; lấy nhân đức dưỡng dục vạn vật, tất suối ngọt phun trào, mầm tốt sinh trưởng. Thiện hạnh đã có điềm lành hiện ra, làm ác cũng giống vậy. Cho nên, làm ác bí mật, quỷ thần biết được liền diệt trừ, làm ác rõ ràng, người ta biết được liền diệt trừ, Kinh Dịch nói ‘Tích thiện thì phúc dư ra’, Kinh Thi nói ‘Cầu phúc bằng cách chính trực, không tà vạy’, tuy là cách ngôn của kinh điển Nho gia, nhưng cũng là minh huấn của Phật giáo.” Tôn Hạo nói: “Nếu là như vậy, thế thì Chu, Khổng đã nói rất rõ ràng, còn cần Phật giáo làm chi?” Tăng Hội nói: “Khổng Tử nói chỉ là vạch ra những gì trước mắt thế nhân, chỉ ra quy tắc hành vi thực dụng; còn như Phật giáo, liên quan đến phép tắc cực thâm sâu. Cho nên Phật giáo cho rằng, làm ác tất bị xuống địa ngục chịu đựng vô tận thống khổ, tu thiện tất có thể hưởng thụ được niềm vui vĩnh viễn ở thiên cung. Dùng đạo lý như vậy mà khuyến khích thế gian, không phải càng tốt hơn sao?” Tôn Hạo lúc đó khó có thể phản bác được lời của ông. Tôn Hạo tuy rằng nghe được Tăng Hội chỉ dạy Phật pháp, nhưng tính tình bạo ngược của ông ta vẫn chưa vì thế mà cải biến.
Có một ngày, Tôn Hạo cho lính canh đến hậu cung dọn dẹp vườn hoa, đào từ dưới đất lên được một pho tượng Phật bằng vàng, cao đến mấy thước, lính canh đem trình lên Tôn Hạo, Tôn Hạo lại cho người đặt tượng trong nhà xí dơ dáy, dùng nước phân mà tưới lên, ông ta cùng các đại thần ở bên nhìn ngó cười cợt làm vui. Bỗng trong khoảnh khắc, toàn thân Tôn Hạo sưng đau, hạ bộ còn tệ hơn, đau đến mức ông ta kêu trời kêu đất, quan thái sử bói rằng: “Đây là vì mạo phạm vị Thần lớn mà thu nhận tai hoạ.” Tôn Hạo lập tức đến các chùa miếu cầu xin phù hộ, lại cho cung nữ lập tức nghênh đón tượng Phật vàng đem đặt trên điện đường mà cúng bái, dùng nước thơm tẩy rửa hơn mười lần, sau đó thắp hương sám hối, Tôn Hạo quỳ trên mặt đất liên tục dập đầu, tự mình sám hối tội trạng, cầu xin thần linh khoan thứ. Chỉ chốc lát sau, cơn đau trên người liền giảm bớt. Tôn Hạo còn phái người đến chùa, thỉnh cầu Tăng Hội thuyết pháp cho ông ta. Tăng Hội theo sứ giả vào cung, Tôn Hạo hỏi ông về căn nguyên của tội phúc. Tăng Hội nói khái quát cho ông ta về giáo lý Phật giáo. Vì Tôn Hạo vừa có trải nghiệm thực tế, cho nên nghe rất hiểu. Ông ta vui mừng lại rất bội phục. Bởi vậy Tôn Hạo xin xem giới luật sa môn. Tôn Hạo thấy Phật pháp truyền bá rộng rãi như vậy, càng gia tăng ý nghĩ tu thiện, bèn đến nơi Tăng Hội tiếp thụ ngũ giới, mười ngày sau bệnh tật liền khỏi hẳn.
Từ đó về sau, Tôn Hạo liền đem những gì chứng kiến tại chỗ của Tăng Hội mà nói cho gia nhân trong tôn thất nghe, bọn họ cũng đều tín phụng Phật giáo. Tăng Hội ở trong triều đình Đông Ngô nỗ lực tuyên giảng Phật pháp, bởi vì Tôn Hạo tính tình hung bạo thô lỗ, không thể lĩnh ngộ được chỗ thâm sâu vi diệu của Phật pháp, Tăng Hội đành kể cho ông ta ví dụ về nhân quả báo ứng nhãn tiền, giúp ông ta mở mang tâm trí. Vào tháng 4 năm Thiên Kỷ thứ tư nhà Đông Ngô, Tôn Hạo đầu hàng nhà Tấn, tháng 9 cùng năm, Tăng Hội viên tịch, năm này cũng là năm Thái Khang đầu tiên triều Tấn. Giữa thời Hàm Hòa của vua Thành Đế triều Đông Tấn, lúc Tô Tuấn gây loạn đã thiêu hủy tháp Phật mà Tăng Hội xây dựng trước đó, về sau được quan Tư không Hà Sung tôn tạo lại.
Bình Tây Tướng quân Triệu Dụ vốn không tín phụng Phật giáo, miệt thị Phật pháp. Ông ta xông vào trong ngôi chùa này, nói với các vị tăng nhân: “Từ lâu đã nghe ở chùa tháp này có xá lợi tử chiếu sáng chói lọi, đúng là hoang đường. Nếu như đáng tin, thì nhất định có thể làm cho chính mắt người nhìn thấy, điều này các ngươi không làm được.” Vừa nói dứt lời thì từ trong Phật tháp chiếu ra ánh sáng ngũ sắc, chiếu sáng toàn bộ điện đường và Phật tự. Triệu Dụ thấy thế, dựng ngược tóc tai, bất giác cảm thấy nể sợ mà sinh lòng thành kính. Từ đó về sau, ông ta bắt đầu thành kính tín phụng Phật giáo.
Tôn Hạo là hôn quân thời Tam Quốc vào cuối triều đại nhà Ngô, ông ta bởi vì khinh nhờn Phật tượng mà gặp ác báo, may mắn là, ông ta hãy còn có thể thức tỉnh. Đáng tiếc ngày nay lại có rất nhiều người Trung Quốc không tin thiện ác hữu báo, thậm chí phỉ báng Phật pháp, vậy sẽ phải chịu báo ứng gì? Ông trời là công chính vô tư. Cũng hy vọng họ giống như Tôn Hạo, cuối cũng có thể thức tỉnh.
◇◇◇ ◇◇◇
Chú thích: Khang Tăng Hội (Kangsenghun, ? ― 280) là tăng nhân nước Ngô thời Tam Quốc. Nguyên quán tại Khang Cư, sau này sống ở Thiên Trúc, về sau lại di cư đến Giao Chỉ. Hơn mười tuổi phải để tang phụ mẫu, mãn tang xuất gia. Hiếu học, đọc rộng, thông điển tịch trong ngoài. Thời Giang Đông Phật pháp chưa thịnh, ông lập chí đông du hoằng pháp. Ngô, năm Xích Ô thứ 10 (năm 247, có chỗ ghi năm Xích Ô thứ tư) tới Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh, Giang Tô), xây tượng hành đạo, Tôn Quyền xây ngôi chùa đầu tiên. Tác phẩm dịch có “Lục độ tập kinh” 8 quyển, “Cựu tạp thí dụ kinh” 2 quyển, hiện vẫn còn. “Xuất tam tạng ký tập” quyển 13 đảm nhiệm dịch “A nan niệm di kinh “, “Kính diện vương kinh”, “Sát vi vương kinh”, “Phạm ma vương kinh”, đều thu thập lại trong “Lục độ tập kinh”. “Khai nguyên thích giáo lục” quyển 2 đảm nhiệm dịch “Ngô phẩm kinh” 5 quyển, “Bồ tát tịnh hành kinh” 2 quyển, “Quyền phương tiện kinh” 1 quyển, “Bồ tát nhị bách ngũ thập pháp kinh” 1 quyển, “Tọa thiện kinh” 1 quyển, đều thất lạc. Ông từng chú thích cho “An bàn thủ ý kinh”, “Kinh kính kinh”, “Đạo thụ kinh” – và viết tựa cho 2 bộ kinh đầu tiên, còn có “An bàn thủ ý kinh” thỉnh vấn Hội Kê Trần Tuệ đệ tử của An Thế Cao. “Pháp kính kinh”, “Lục độ tập kinh” văn từ trang nhã, về các pháp Ba La Mật đều có dẫn dắt ngắn gọn, là tư liệu quan trọng của Phật học thời Hán – Ngụy.
(Nguồn: “Cao tăng truyện”)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/21231
Ngày đăng: 22-11-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.