Chân trời tìm Pháp: Hưng Khải Đông Ảnh
Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org]
Có thơ rằng:
Đường đường chính chính tẩu thế gian
Khiên ty vô hạn đối thương thương
Trát thực tẩu hảo giảo hạ lộ
Tịnh tư vô ngã tích thời gian
Tạm dịch:
Đường đường chính chính bước đi trên nhân thế
Gìn giữ lòng khiêm tốn vô hạn với thượng thiên
Bước đi thật tốt con đường trước mắt
Tĩnh tâm suy nghĩ vô ngã trân quý thời gian
Trong xã hội hiện đại rất nhiều người đều thích đến những nơi danh lam thắng cảnh du lịch, ba hoa khoác lác, bàn luận viển vông, giống như thể bản thân có hiểu biết rất sâu sắc về địa danh này. Tôi nghĩ rằng việc này nói nhỏ một chút thì là thiếu lịch sự, nếu nói lớn một chút thì đây chính là biểu hiện tự cao tự đại, bất kính với Thần. Trong bài thơ “Dạ túc sơn tự”, nhà thơ Lý Bạch đã từng viết: “Bất cảm cao thanh ngữ, khủng kinh thiên thượng nhân” (Tạm dịch: Không dám nói lớn tiếng, sợ làm kinh động đến người trên trời). Câu thơ này phải chăng nên được lấy ra làm tiêu chuẩn cho thái độ của con người khi đến những nơi danh thắng thưởng lãm. Người Trung Quốc hiện đại chịu nhận sự tẩy não từ tư tưởng vô thần luận của Trung Cộng đã không còn biết nên đối đãi như thế nào với những danh lam thắng cảnh nữa rồi, thậm chí có người còn đứng ngay trước những bức tượng lớn mà khua môi múa mép, lại còn có những tăng nhân trong chùa chỉ vì chút tiền công đức phân chia không công bằng mà động thủ với nhau. Những điều này đáng ra là tuyệt đối không nên có, đây đều là những biểu hiện sau khi đạo đức con người trở nên bại hoại.
Những nơi thắng tích cho dù là vùng núi sơn thủy hữu tình hay những địa danh di sản văn hóa thì đều là Thượng Thiên hữu ý tạo tác, hy vọng những trầm tích của văn hóa lịch sử này trong tương lai khi mà người có ngộ tính bắt gặp được sẽ có thể tạo thành ảnh hưởng tốt trong thân tâm của họ, khiến cho họ hiểu được tầm quan trọng của việc quay trở về của sinh mệnh. Đúng như câu nói: Trần thế phù hoa ngô bất tích, duy hữu thanh sơn lưu bổn tâm. (Tạm dịch: Ta không tiếc nuối gì những phù hoa nơi trần thế, chỉ có núi xanh lưu lại trong lòng).
Con người trong thế gian phồn hoa huyên náo đã trở nên mệt mỏi rồi, tâm tình cũng trở nên bất an, khi đến những nơi danh thắng này du lịch, sẽ khởi lên tâm trạng vui vẻ, giảm trừ những phiền muộn trong lòng, điều này thực sự rất tốt. Giống như việc vào mùa thu năm 2011 khi tôi đến Long Môn Thạch Động (Hà Nam, Trung Quốc), tại đó tôi bắt gặp một cặp vợ chồng trên 50 tuổi, khi nhìn thấy những hang động tại nơi đây, anh chồng có quay sang nói với vợ rằng: “Đợi đến khi già rồi, hay vợ chồng mình cũng chuyển đến đây sống đi, làm người tu hành cũng được mà”. Tôi biết rằng đây chỉ là câu nói đùa của anh ấy, nhưng điều này cũng đã phản ánh ra một trạng thái tinh thần của anh. Đại đa số những danh lam thắng cảnh đều có quan hệ đến Thần Phật và người tu luyện, một khi con người nghĩ đến việc sẽ đến nơi đây để tìm kiếm một sự an ủi về tinh thần thì tự nhiên sẽ nghĩ đến khái niệm “tu luyện”.
Đây cũng là một trong những lý do căn bản mà Thần an bài để con người hiện đại thích đi du lịch là vì vậy.
Mùa hè năm nay, A Đông và A Ảnh có đi công tác đến hồ Hưng Khải, hai người họ có kể chuyện cho tôi nghe và còn nói rằng sóng ở đó rất lớn. Vừa nghe thấy họ nói vậy, trước mắt tôi mơ hồ hiện ra cảnh tượng gian khổ trước đây khi hai người họ cùng nhau tìm Pháp.
Trước khi viết về câu chuyện của họ, tôi còn muốn nhắc đến một dân tộc bản địa đang sinh sống tại nơi này: tộc người Túc Thận.
Bộ tộc này đều được ghi chép trong rất nhiều thư tịch cổ như “Thượng Thư”, “Tả Truyện”, “Sơn Hải Kinh” cho đến cả “Sử ký”, tiện đây chúng ta hãy cùng nhau tra lục lại một chút:
Trong “Thượng Thư” có viết: “Thành Vương ký phạt đông di, Túc Thận lai giá. Vương tỷ vinh bác hối Túc Thận chi mệnh”. (Tạm dịch: Khi Thành Vương đem quân đến đánh Đông Di, Túc Thận mang quân đến hộ giá. Vương Tỷ Vinh Bác nhận lệnh dùng kế hối lộ tộc Túc Thận).
Trong “Tả truyện · Lỗ Chiêu Công cửu niên” có viết: “Túc Thận, Yên, Ngô Bắc Thổ dã”. (Tạm dịch: Trong thời Châu Vương, Túc Thận, Yên và Bạc đều thuộc về lãnh thổ phương bắc mà Châu Vương quản hạt).
Trong “Trúc Thư Ký Niên” có viết: “Đế Thuấn hữu Ngu Thị nhị thập ngũ niên, Túc Thận thị lai triều, cống cung thỉ”. (Tạm dịch: Vào năm thứ 25 thời Đế Thuấn, có tộc Túc Thận đến triều cống tiến cho vua cung và tiễn).
Trong “Sơn Hải Kinh · Đại hoang Bắc kinh” có viết:“Đông Bắc Hải chi ngoại, đại hoang chi trung hữu sơn, danh viết Bất Hàm, hữu Túc Thận thị chi quốc”, giải thích: Núi Bất Hàm, thời Hán gọi là Hạp Mã Đại Sơn, thời Tùy Đường gọi là Đồ Thái Sơn, Thái Bạch Sơn, ngày nay là núi Trường Bạch.
Trong “Sử ký · Khổng Tử thế gia” có viết:“…hữu chuẩn tập dư Trần Đình nhi tử, hộ thị quán chi, thạch nỗ, thỉ trường xích hữu chỉ. Trần Mẫn công sứ sử vấn Trọng Ni. Trọng Ni viết: ‘Chuẩn lai viễn hỹ thử Túc Thận chi thỉ dã. Tích Vũ Vương khắc Thương, thông đạo cửu di bách man, sử các dĩ kỳ phương hối lai cống, sử vô vong chức nghiệp. Ô thị Túc Thận cống hộ thỉ thạch nỗ, trường xích hữu chỉ, tiên vương dục chiêu kỳ lệnh đức, dĩ Túc Thận thỉ phân đại cơ, phối Ngu Hồ Công nhi phong chư Trần… Cố phân Trần dĩ Túc Thận thỉ’. Thí chiếu chi cố phủ, quả đắc chi”. (Đại ý là: Có một loại chim rất hung hãn chết trên đại điện của nước Trần, sau khi kiểm tra phát hiện rằng loài chim này bị một loại cung tên đặc biệt bắn xuyên qua, Mẫn Công của nước Trần phái thuộc hạ đi tìm Khổng Tử. Khổng Tử nói rằng, đây là loại cung tiễn được người Túc Thận sử dụng, năm xưa khi Vũ Vương sau khi lật đổ Trụ vương đều lệnh cho các dân tộc và bộ lạc xung quanh phải đến cúng tiến cho triều đình, người Túc Thận cũng đến, họ đem theo loại cung tiễn này làm cống vật, Châu Vương lại đem loại binh khí này phân cho những người chủ chốt, (chú thích: Châu Thiên Tử là Cơ Tính), để họ đem về nước mình. (Chú thích: điều này để biểu thị rằng loại binh khí này rất được trân trọng). Trong kho của nước Trần thực sự đã tìm ra loại binh khí này.
Trong “Sử ký · Ngũ Đế bổn ký” có viết:“(Ngu Đế)Nam mô Giao Chỉ,…Bắc Sơn Nhung, Phát, Túc Thận”. Trịnh Huyền chú:“Túc Thận,hoặc vị chi Đông Bắc Di”. Tạm dịch: Vào thời Ngu Đế, phía nam phải bình định Giao Chỉ, phía Bắc Sơn dùng quân đội trấn áp, khai phá vùng Túc Thận. Trịnh Huyền chú thích rằng: Túc Thận chính là chỉ vùng Đông Bắc Di.
Từ những ghi chép trong thư tịch cổ kể trên chúng ta có thể nhận thấy mối liên hệ giữa tộc người Túc Thận với các vương triều tại Trung Nguyên. Chỉ có điều quá trình khai phá nơi này xảy ra tương đối muộn nên văn hóa không thực sự phát triển mà thôi.
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ thời kỳ Tam Quốc. Sau khi Kinh Kha ám sát Tần Vương thất bại, Tần Vương nổi cơn thịnh nộ liền phái tinh binh hùng tướng đi tiêu diệt Yên quốc. Lúc này tại nước Yên có con trai của một vị trọng thần nọ, mặc dù không biết võ công nhưng là người rất trung nghĩa, tại đây chúng ta gọi cậu là A Đông. A Đông nhìn thấy cảnh tượng Yên quốc sắp bị diệt vong, trong lòng vô cùng sầu muộn nên cậu liền nghĩ đến việc lên núi tìm vị cao nhân nào đó xin khải thị. Tại đó cậu bắt gặp một nữ hiệp khách chừng hơn 20 tuổi, tại đây chúng ta gọi cô là A Ảnh. Vị nữ hiệp khách nói rằng sư phụ của cô muốn cô đi đến nơi một hồ nước có hình một chiếc bình đất tại vùng Túc Thận để tìm Đại Pháp thực sự có thể khiến sinh mệnh đạt được cải biến trong tương lai. Hiện tại cô chưa có người đi cùng, A Đông hãy đi cùng cô ấy. Việc gặp gỡ với A Đông, sư phụ sớm đã nói cho cô biết, sư phụ của cô nói rằng A Đông rất thông minh.
Lúc này A Đông bèn hỏi: “Tôi muốn hỏi xem binh lực của nước Yên như thế nào?”, A Ảnh cười gượng rồi lắc đầu. A Đông liền hiểu ra rằng lần này quân Tần tấn công, Yên quốc của anh lành ít dữ nhiều.
Trước sự chân thành của A Ảnh trong lần gặp đầu tiên này, A Đông lúc đó còn ngại ngùng nói rằng bản thân không biết võ công, không thể bảo vệ được cô, đến bản thân mình còn không chăm sóc được cho mình (bởi vì gia cảnh của A Đông khá tốt, ở nhà luôn có người chăm sóc nên lời cậu ấy nói ra cũng là lời chân thật), nên A Ảnh có đem theo anh ấy thì không có ích lợi gì, lại thêm gánh nặng. A Ảnh nghe vậy liền cười mà đáp rằng: “Bảo vệ bản thân và người khác là sở trường của tôi, chỉ cần anh khi gặp chuyện gì thì cứ nhanh trí xử lý cho tôi là được rồi. Do tôi lớn lên trên núi nên đối với những sự tình nơi nhân gian đều không hiểu biết nhiều, trong quãng đường tìm Pháp lâu dài sau này, nhất định sẽ xảy ra nhiều chuyện”. Vậy nên cô hy vọng A Đông đừng khước từ lời đề nghị của cô.
Nghe A Ảnh nói vậy, A Đông liền lấy lại tinh thần, vậy nên cậu đã đồng ý cùng cô đến hồ nước có hình chiếc bình đất tại Túc Thận nơi vùng Đông Bắc để tìm kiếm Đại Pháp.
Bởi vì nhà A Đông có điều kiện nên cậu đã đem theo rất nhiều tiền và còn dẫn theo vài nô dịch và a hoàn đi cùng. Kết quả là khi đi đến vùng núi Phượng Hoàng thuộc thành phố Triều Dương tỉnh Liêu Ninh ngày nay thì gặp một toán cướp, A Ảnh cố hết sức cứu thoát được A Đông, còn những tùy tùng bất hạnh khác không may đã bị toán cướp sát hại không còn ai.
Hai người họ xem như vừa thoát khỏi vòng vây của toán cướp, toàn thân rã rời, không lâu sau trời lại bắt đầu đổ mưa, trong cơn hoảng loạn vì mệt mỏi và sấm chớp xé ngang trời, bất chợt họ nhìn thấy ở đằng xa có một quán trọ nhỏ có thể trú mưa. Khi chạy tới nơi này mới biết quán trọ này chỉ có một mình cô chủ khoảng 30 tuổi trông coi. Cô chủ xem thấy hai người họ dường như đang rất đói nên liền lấy đồ cho họ ăn, ăn xong lại bố trí hai phòng để họ nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau khi tính tiền, A Đông mới sực nhớ ra trong người mình không còn đồng nào cả. Cô chủ thấy hai người họ có vẻ túng thiếu nên hào phóng nói nếu như không có tiền thì thôi vậy. Lúc này A Đông liền đem câu chuyện của mình kể ra từ việc bản thân là con trai của một trọng thần nước Yên, vì muốn biết quốc lực nước mình thế nào nên đã tìm lên núi, sau đó gặp được A Ảnh. A Ảnh hy vọng A Đông cùng mình đi tìm Pháp. Cô chủ nghe vậy bất giác bật khóc như mưa, vừa khóc vừa mếu máo nói: “Cửa tiệm này vốn dĩ do tôi và chồng cùng kinh doanh, sau khi kết hôn được ba năm thì chồng tôi mắc bệnh qua đời. Không lâu sau đó, vào một ngày nọ, có một nữ dị nhân tìm tới, bà ấy dường như là người ngoại tộc, sau khi biết được hoàn cảnh của tôi bà nói: ‘Dù chồng con không còn nữa nhưng con cũng đừng lo lắng, ta sẽ dùng pháp thuật để bảo hộ cho nơi này, sau này nếu một ngày nào đó con gặp được một nữ hiệp khách và bạn của cô ấy chạy nạn đến đây thì phải cùng họ bước đi cho tốt chặng đường còn lại’”.
Vừa nghe thấy vậy, A Ảnh liền hỏi nữ chủ nhân tên gì. Nữ chủ nhân đáp cứ gọi cô là A Thông là được. Đột nhiên A Ảnh nhớ lại trước đây sư phụ mình đã từng kể rằng phụ thân của A Ảnh khi xưa đã từng để lạc mất một người con tên là A Thông. A Ảnh liền hỏi: “Vậy có phải vào năm năm tuổi cô đã bị lạc mất người thân của mình phải không?” A Thông liền đáp: “Đúng vậy”.
A Ảnh đem sự tình mà sư phụ kể qua với mình nói với A Thông. Tỷ muội họ đã gặp lại được nhau như vậy. Chứng kiến cảnh tượng này, A Đông cảm thấy vô cùng cảm khái.
Ngày thứ hai, ba người họ thu dọn hành lý cùng nhau lên đường, trên cả chặng đường đã xảy ra rất nhiều sự việc, may mà A Đông thông minh cơ trí đã hóa giải rất nhiều chuyện phiền phức. Tại đây chúng ta không nói cụ thể về những việc này.
Chuyện phải kể đến là một ngày nọ khi họ đến địa giới Trường Bạch Sơn. Những người Túc Thận ở nơi này khi đó còn khá man rợ, tâm lý đề phòng với người ngoại tộc của họ rất mạnh. Ba người họ không may đã bị dính chân vào bẫy mà người Túc Thận đặt sẵn, cả ba đều bị bắt đi.
Thủ lĩnh nơi này muốn đem cả ba người họ đi giết, nhưng những người bên cạnh nhắc nhở anh ta rằng hôm nay là ngày đại kỵ không được giết người. Vậy nên bọn họ đã đem cả ba người nhốt vào trong một chuồng gia súc được làm bằng những thân cây đơn giản, xung quanh còn phái người canh gác cẩn mật. Đúng vào lúc nửa đêm hôm đó, bất ngờ có tiếng kêu cứu của một cô gái phát ra từ ngay bên cạnh chuồng gia súc:
Đại hồ hộ Pháp nhĩ thính chân
Công chủ tại thử phát ngự lệnh
Khoái lai cứu nhân bất đắc ngộ
Hồ ngạn bàng đà tái tương phùng!
Tạm dịch:
Hộ pháp bên hồ lớn hãy nghe rõ
Công chúa đã hạ lệnh ở đây
Mau mau đến cứu người không được chậm trễ
Gặp lại bên hồ khi trận mưa tới
Vừa nói xong, cô gái liền từ chuồng gia súc bên cạnh bay vút lên cao, không rõ tung tích. Một lúc sau, từ trên trời có một đám sương màu hạ xuống, ba người họ liền bị hôn mê thiếp đi, đợi đến khi bọn họ tỉnh lại thì đã đến bên một hồ nước lớn.
Những con sóng của hồ nước này vô cùng sung mãn, cuộn trào đến vô tận. Vừa nhìn thấy cảnh tượng nơi đây A Ảnh và A Đông liền cảm thấy rằng đây đích thị là hồ nước hình bình đất mà sư phụ nói tới rồi, vậy nên A Ảnh muốn cùng A Đông đi dạo quanh một vòng xem sao. Tuy nhiên vì chu vi của lòng hồ quá rộng nên dù có đi hết một vòng cũng không thể nhìn ra được hình dáng tổng thể của nó.
Do vậy ba người họ đã quyết định ở tại đây dựng tạm một túp lều tranh sinh sống qua ngày, đợi đến một ngày kia có thể nhìn rõ được toàn cảnh của đại hồ này.
Loại chờ đợi này cũng là một dạng thức tu hành. Xuất thân là một công tử nhà giàu, A Đông làm sao để đối diện với cuộc sống nơi hoang dã với muôn trùng khó khăn thiếu thốn, hơn nữa ở bên anh là hai người đẹp như hoa như ngọc thế này, anh làm sao để sắp đặt cho chính mối quan hệ của mình, đây là những vấn đề mà anh phải giải quyết. Cũng may mắn là những sản vật bên hồ Hưng Khải rất phong phú, ba người họ cũng học được cách đánh bắt, thêm nữa là thời gian dần trôi qua họ càng có mối quan hệ thân thiết với những người Túc Thận ở nơi đây, ít ra thì cuộc sống cũng không có vấn đề gì quá lớn. Khi họ nói ra cho những người Túc Thận biết được mục đích thực sự của chuyến du hành đầy gian truân này của họ thì những người Túc Thận tỏ ra vô cùng chấn động, bởi vì trong tâm khảm mỗi người đều được gieo mầm sẽ đắc Pháp trong tương lai. Vậy nên mọi người ở nơi đây luôn nhắc nhở ba người họ rằng, đợi trong tương lai khi họ đích thân nhận được sự truyền thụ của vị Đại Giác Giả kia thì nhất định phải nói cho họ biết.
Sau này, trong một đêm mưa to gió lớn, cô gái kia lại xuất hiện, cô đã gọi tất cả mọi người thức dậy nói rằng lần này sẽ dẫn họ đi xem toàn bộ diện mạo của hồ Hưng Khải, cả ba người đều tỏ ra vô cùng mừng rỡ. Cô gái yêu cầu cả ba người nhắm mắt lại, sau đó chỉ nghe cô hô lên một tiếng: “Lên”, tức thì cả ba người họ đều bị nhấc bổng lên không trung, bay lên rất cao. Từ trên cao họ đã được tận mắt xem ngắm được toàn cảnh của đại hồ, thật đúng như một chiếc bình đất lớn.
Khi cả ba từ không trung hạ xuống mặt đất, cô gái nói: “Mọi người có muốn xuống đáy hồ thăm nhà của tôi không?”, cả ba đều đồng thanh đáp rằng muốn đi. Vì thế cô gái liền đem theo họ xuống dưới đáy hồ.
Kỳ thực, hồ Hưng Khải có sự khác biệt rất lớn với các hồ khác. Trên bề mặt thì đây chỉ là một hồ nước nhưng không gian mà nó đối ứng có tác dụng như một khu “biệt thự” hoặc “phi địa” của một số vị Thần nơi hải vực phương Bắc, các vị Thần ấy sẽ ở nơi này mà bàn thảo các việc. Ngoài ra, còn phải nói rằng các vị Thần ở hồ Hưng Khải cũng rất lợi hại, họ quản lý tất cả sự vật trong sông nước tại vùng Ô Tô.
Cô gái dẫn mọi người đi du lãm phong cảnh mỹ miều nơi lòng hồ và nơi các vị Thần ở, cuối cùng điểm dừng chân của họ là cung điện nơi các vị Thần của hồ Hưng Khải cư ngụ. Tại đây, ba người họ mới biết được rằng cô gái này chính là con gái của Hưng Khải Hồ Thần (vị thần quản lý hồ Hưng Khải). Lần trước vì để gặp được họ ở núi Trường Bạch nên cô đã đến đó trước, đợi đến khi ba người lâm nạn bị người Túc Thận bắt giữ cô mới dùng thần thông gọi Thần hộ pháp của hồ Hưng Khải đến cứu, sau đó đưa ba người họ đến bên hồ.
Hưng Khải Hồ thần nói với họ rằng câu chuyện tìm Pháp của họ khiến cho các Thần Tiên đều vô cùng cảm động, vậy nên ông mới phái con gái của mình đi ứng cứu, đồng thời cũng là muốn kết thiện duyên với họ trong tương lai.
Nói chuyện một hồi lâu A Đông mới sực nhớ ra mục đích của chuyến hành trình này chính là đi tìm Pháp, nên anh liền nói: “Vậy thì xin hỏi Hồ Thần, vị Giác Giả sẽ đến nhân gian hồng Pháp trong tương lai đang ở đâu và làm thế nào để chúng tôi có thể tìm ra Ngài ấy?”
Trong lúc Hồ Thần định nói rằng bản thân mình cũng không biết rõ ngọn ngành thì một vị Hải thần cai quản vùng phía bắc Thái Bình Dương tiến đến nói: “Theo như ta được biết thì vị Giác Giả hồng truyền Đại Pháp trong tương lai tại nhân gian sẽ xuất hiện dưới thân phận một người bình dân, hơn nữa thời gian hồng truyền Đại Pháp sẽ diễn ra vào thời điểm sau khi nơi này bắt đầu được khai phá, vị ấy sẽ xuất hiện ở nơi cách ngọn núi Trường Bạch này không xa…”.
Lời này của Hải thần khiến cho tất cả Thần nhân có mặt khi đó đều cảm thấy vô cùng chấn động. Trong tâm mọi người đều thầm nguyện bất luận thế nào cũng sẽ nhất định phải đợi đến ngày vị Giác Giả ấy tại nhân gian hồng truyền Đại Pháp!
Sau này, A Đông, A Ảnh và A Thông đều lưu lại nơi này, công chúa nhỏ của Hồ Thần cũng thường xuyên lui tới thăm họ. Bởi vì thời tiết bốn mùa tại nơi đây phân biệt rất rõ rệt nên vào những ngày đông giá rét họ phải trải qua cuộc sống vô cùng gian khổ, những điều này xin không nói rõ ở đây nữa.
Lần đại khai phá khu vực hồ Hưng Khải là vào những năm 60 của thế kỷ này. Sau khi Trung Cộng cướp chính quyền, họ liền đưa bộ đội đến nơi này để tiến hành khai phá. Sau này do chính sách vận động tà ác của Trung Cộng đã khiến một lượng lớn thanh niên tri thức được điều động đến nơi đây làm cho quá trình khai phá được thúc đẩy mạnh mẽ. Vào thời kỳ lịch sử đặc thù ấy, những thanh niên tri thức kia đã dốc hết tâm lực và dành cả tuổi xuân và nhiệt huyết của họ ở nơi đây, đối với bản thân họ mà nói thì điều này là cực kỳ không công bằng.
Nhà sáng lập Pháp Luân Công – Ngài Lý Hồng Chí sinh ra ở thành phố Công Chủ Lĩnh tỉnh Cát Lâm, vào năm 1992 tại thành phố Trường Xuân, Ngài bắt đầu hồng truyền Đại Pháp.
Đời này A Đông thích luyện tập thể thao từ nhỏ, dùng lời của anh ấy mà nói thì mồ hôi có thể đựng đầy mấy thùng lớn, cho mãi đến khi gặp được Pháp Luân Đại Pháp thì anh ấy mới hiểu ra được ý nghĩa sở tại chân chính của sinh mệnh.
A Ảnh đời này trở thành vợ của A Đông, mặc dù không đắc Pháp nhưng cô ấy đối xử với người khác rất thiện lương, đặc biệt là trong những ngày tháng khi A Đông bị bức hại phải lưu lạc ở bên ngoài, A Ảnh đã gánh vác trọng trách gia đình, dùng những hành động thực tế và thiết thực của mình để thể hiện sự ủng hộ và khích lệ đối với A Đông.
Trong đời này, những người Túc Thận nguyên lai đều cư trú rải rác tại các vùng khác nhau, A Đông và A Ảnh nhiều năm qua đã cùng nhau đi qua rất nhiều các địa khu, bất luận là đi tới nơi đâu họ đều đem chân tướng Đại Pháp tới nơi đó. Tôi cho rằng đây cũng coi như là một trong những phương thức để hoàn thành những thệ ước trước đây của họ chăng.
Trong đời này, A Thông đã đắc Pháp trước khi 18 tuổi. Lúc đó A Thông được hàng xóm giới thiệu Đại Pháp. Bởi vì tuổi còn nhỏ ham chơi, sau này mới từng bước nhận thức Đại Pháp một cách sâu sắc hơn, mới thấy được rằng đây mới chính là chân lý, từ đó mà kiên định bước đi cho đến ngày hôm nay.
Thần hồ Hưng Khải và con gái của ông đời này chuyển sinh đến vùng Tây Nam và trở thành hai cha con, cả hai đều đã đắc Pháp, mặc dù họ phải chịu nhận sự bức hại của tà đảng Trung Cộng nhưng cả hai đều không sợ hãi, vẫn kiên định bước đi trên con đường chứng thực Pháp.
Đây chính là:
Tần diệt đại Yên Đông thượng sơn
Ngộ đáo A Ảnh thoại Pháp duyên
Đào đắc phỉ nạn ngẫu ngộ Thông
Hưng Khải công chủ lãm ba lan
Thần du hồ để kiến Hải thần
Minh bạch Đại Pháp truyền thời thần
Kim triều đắc Pháp đồng tinh tấn
Bất phụ đương sư chúng Thần ân!
Tạm dịch:
Khi nước Tần diệt nước Yên, A Đông liền lên núi
Gặp được A Ảnh nói về Pháp duyên
Chạy thoát được thổ phỉ tình cờ gặp được A Thông
Công chúa Hưng Khải đưa tay thu sóng lại
Thần tiên đưa mọi người đến đáy hồ gặp được Hải thần
Hiểu được thời điểm Đại Pháp hồng truyền
Đời này đắc Pháp cùng nhau tinh tấn
Không phụ ơn nghĩa của Thần ân khi xưa.
Chú thích: Trong lịch sử, tên gọi của hồ Hưng Khải cũng thay đổi nhiều lần, tại đây để thêm phần giản tiện nên thống nhất đều gọi bằng tên gọi hiện có của nó.
Ngày đăng: 25-08-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.