Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (49)
Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
陳根委翳,落葉飄颻。
游鵾獨運,凌摩絳霄。
Bính âm:
陳(chén) 根(gēn) 委(wěi) 翳(yì) ,
落(luò) 葉(yè) 飄(piāo) 颻(yáo) 。
游(yóu) 鵾(kūn) 獨(dú) 運(yùn) ,
凌(líng) 摩(mó) 絳(jiàng) 霄(xiāo) 。
Chú âm:
陳﹙ㄔㄣˊ﹚根﹙ㄍㄣ﹚委﹙ㄨㄟˇ﹚翳﹙ㄧˋ﹚,
落﹙ㄌㄨㄛˋ﹚葉﹙ㄧㄝˋ﹚飄﹙ㄆㄧㄠ﹚颻﹙ㄧㄠˊ﹚。
游﹙ㄧㄡˊ﹚鵾﹙ㄎㄨㄣ﹚獨﹙ㄉㄨˊ﹚運﹙ㄩㄣˋ﹚,
凌﹙ㄌㄧㄥˊ﹚摩﹙ㄇㄛˊ﹚絳﹙ㄐㄧㄤˋ﹚霄﹙ㄒㄧㄠ﹚。
Âm Hán Việt:
Trần căn uỷ ế,
Lạc diệp phiêu diêu.
Du côn độc vận,
Lăng ma giáng tiêu.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Trần (陳): lâu năm.
Căn (根): chỉ rễ, rễ cây, bộ phận hút chất dinh dưỡng ở đoạn dưới cùng của cây.
Uỷ (委): giống như chữ “萎” mang nghĩa khô héo.
Ế (翳): giống như chữ “殪”, cây chết tự nhiên thì gọi là ế.
Côn (鵾): giống như chữ “鯤”, là loài cá lớn trong truyền thuyết, có thể hoá thành chim Bằng, có thể mượn lốc xoáy mà lên đến chín vạn dặm, xem “Tiêu dao du” của Trang Tử. Sau này Côn Bằng được ví với người tài năng lỗi lạc, có chí hướng cao xa.
Vận (運): di động, ở đây chỉ bay lượn.
Lăng (凌): lên cao.
Ma (摩): gần tới.
Giáng (絳): màu đỏ thẫm.
Tiêu (霄): bầu trời.
Nghĩa của từ:
Trần căn (陳根): rễ già của cây.
Uỷ ế (委翳): khô héo.
Lạc diệp phiêu diêu (落葉飄颻): lá cây rụng xuống theo gió bay đi.
Du côn (游鵾): Côn Bằng rong chơi.
Độc vận (獨運): một mình bay lượn.
Lăng ma (凌摩): lên cao tới.
Giáng tiêu (絳霄): chỉ bầu trời rất cao rất cao. Bầu trời vốn là màu xanh, vì sao lại gọi là giáng tiêu? Theo giải thích của Vương Quỳ, là bởi vì người xưa quan sát thiên tượng, đều lấy Bắc Cực làm mốc, do vậy bầu trời nhìn thấy đều ở phía nam Bắc Cực, mà phía nam trong ngũ hành thì thuộc Hoả, ngũ sắc thuộc màu đỏ, cho nên mượn màu của phía nam để ví von với trời xanh, vậy nên mới có cách nói “đan tiêu”, “giáng tiêu”, “xích tiêu”.
Lời dịch tham khảo:
Rễ già mục nát, cỏ cây khô héo, những chiếc lá rụng cuốn theo gió mất đi nguồn sống, trước mặt khắp chốn đều là một cảnh điêu tàn. Lúc này chỉ có chí hướng cao xa như Côn Bằng không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, có thể dang rộng đôi cánh bay cao, một mình bay lượn trên chín tầng mây.
Câu chuyện văn tự:
Căn (根): cũng là một chữ hình thanh hội ý, trong Tiểu triện viết là “”, chữ Mộc (木) biểu nghĩa và bộ Cấn (艮) biểu âm. Nghĩa gốc là “cội cây”, là chỉ bộ phận ăn vào đất của cây, cho nên Mộc (木) biểu nghĩa. Mà Cấn (艮) có nghĩa là ngang ngạnh; rễ cây đan xen xoắn xít, cũng có ý là không thuận theo, cho nên Cấn (艮) biểu âm.
Căn (根) là bộ phận ăn sâu vào trong đất của cây, hút dinh dưỡng cho cây, và là tổ chức quan trọng cố định thân cây, dựa vào độ cứng và mềm có thể phân thành rễ thân gỗ và rễ thân thảo. Về thời gian sống: có thể phân thành rễ một năm, rễ hai năm, rễ nhiều năm; về hình dạng của rễ: có thể phân thành rễ sợi, rễ chùm, rễ hình trụ, rễ hình nón, rễ tròn; về vị trí của rễ: có rễ trên không, rễ dưới nước, rễ trong đất, rễ ký sinh; về biến đổi của rễ: có rễ củ, rễ bám, rễ hút. Những loại rễ khác nhau này đều đóng một vai trò quan trọng là duy trì sự sống của cây, không có rễ thì không thể sống được.
Suy ngẫm và thảo luận:
Câu chuyện Ngu Công dời núi
Thái Hành Sơn và Vương Ốc Sơn là hai ngọn núi lớn có bán kính 700 dặm, độ cao đến hàng vạn thước (1 thước = 1/3 mét), chúng vốn toạ lạc ở phía nam Ký Châu và phía bắc Hà Dương.
Lúc ấy, ở phía bắc ngọn núi có một ông lão độ tuổi 90 tên gọi Ngu Công sinh sống. Bởi vì hai ngọn núi lớn chắn ngang cổng nhà khiến ông cảm thấy việc ra vào hết sức bất tiện. Một hôm, ông tập hợp mọi người trong nhà đến, và hỏi xem ý kiến mọi người thế nào. Ông nói: “Ta muốn cùng mọi người dốc sức san bằng hai ngọn núi lớn kia, để chúng ta khỏi phải đi vòng nữa, mà có thể đi thẳng đến Dự Nam, đến được Hàn Âm, mọi người thấy thế được không?” Sau một hồi thảo luận sôi nổi, mọi người đều đồng ý, cho rằng đây là một ý tưởng rất hay. Thế nhưng bà vợ của ông đã nêu ra một nghi vấn, bà nói: “Ý tưởng hẳn là rất tốt, tuy nhiên với thể lực của ông mà nói, đến cả một hòn núi nhỏ như Khoa Phụ cũng không động đến được, huống chi hai ngọn núi Thái Hành và Vương Ốc cao lớn như thế chứ? Hơn nữa chỗ đất bới ra thì làm thế nào đây?” Mọi người đồng thanh đáp: “Cái đó đơn giản thôi mà! Đem đất bỏ cả vào biển là được chứ gì!” Do đó Ngu Công dẫn theo con cháu ba người bắt đầu đào núi, sau đó dùng cái gầu chuyển đến biển Bột Hải và đổ xuống biển. Hàng xóm của ông bà goá Kinh Thành Thị có một đứa con trai bảy tuổi, cảm thấy trò này thú vị nên chạy qua giúp. Nhưng do đường sá xa xôi, một năm mới về lại một lần. Có lão Trí Tẩu sống ở khúc ngoặt của sông nhìn thấy tình cảnh ấy, cảm thấy đây là chuyện không tưởng, do đó cười cợt ngăn Ngu Công lại nói: “Ông thật quá sức hồ đồ, ông chẳng thử nghĩ xem tuổi tác của ông đã lớn thế rồi, với phần đời còn lại và chút sức lực của ông đến cả ngọn cỏ trên núi còn không làm gì được huống chi ngọn núi lớn thế chứ?” Ngu Công nghe những lời ấy thì thở dài một tiếng nói: “Ta không ngờ đầu óc ông lại ngoan cố thế này, cố chấp còn không bằng một quả phụ và một đứa trẻ nữa! Họ có thể tiếp tục công việc ta chưa hoàn thành; hơn nữa con trai ta lại sẽ sinh thêm cháu, cháu ta sẽ lại sinh con. Con rồi lại sinh con nữa, con lại sinh tiếp cháu. Cứ thế con con cháu cháu không ngừng đông lên, sao lại không có người chứ?” Núi sẽ không cao thêm, sao phải lo không thể san bằng chứ?” Những lời này khiến lão Trí Tẩu không thể thốt nên lời, đỏ mặt tía tai bỏ đi.
Một vị Thần trên tay cầm con rắn đã nghe thấy những lời ấy của Ngu Công, ông nghĩ nếu Ngu Công thật sự làm như thế, núi kia chắc chắn bị san bằng, tuy nhiên biển Bột Hải cũng sẽ bị lấp đầy. Do đó liền vội vàng báo lên Thiên đế. Sau khi Thiên đế nghe được đã rất cảm động trước sự chân thành của Ngu Công nên đã phái hai người con trai đại lực sĩ của Khoa Nga Thị dời hai ngọn núi đi, một núi đặt ở Sóc Đông, một núi đặt ở Ung Nam, từ đó trở đi từ Ký Châu xuống phía nam đến bờ nam Hàn Thuỷ đã không còn trở ngại nào nữa.
(Liệt Tử Thang Vấn Thiên – 2)
Bạn có cảm nghĩ gì sau khi đọc xong câu chuyện thần thoại này nào?
Bạn thấy Ngu Công và Trí Tẩu ai thông minh hơn? Vì sao?
Ngày đăng: 12-07-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.