Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (59)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

璇璣懸斡,晦魄環照。

指薪修祜,永綏吉劭。

矩步引領,俯仰廊廟。

Bính âm:

璇(xuán) 璣(jī) 懸(xuán) 斡(wò) ,

晦(huì) 魄(pò)環(huán) 照(zhào) 。

指(zhǐ) 薪(xīn) 修(xiū) 祜(hù) ,

永(yǒng) 綏(suī) 吉(jí) 劭(shào) 。

矩(jǔ) 步(bù) 引(yǐn) 領(lǐng) ,

俯(fǔ) 仰(yǎng) 廊(láng) 廟(miào) 。

Chú âm:

璇﹙ㄒㄩㄢˊ﹚ 璣﹙ㄐㄧ﹚ 懸﹙ㄒㄩㄢˊ﹚ 斡﹙ㄨㄛˋ﹚,

晦﹙ㄏㄨㄟˋ﹚ 魄﹙ㄆㄛˋ﹚ 環﹙ㄏㄨㄢˊ﹚ 照﹙ㄓㄠˋ﹚。

指﹙ㄓˇ﹚ 薪﹙ㄒㄧㄣ﹚ 修﹙ㄒㄧㄡ﹚ 祜﹙ㄏㄨˋ﹚,

永﹙ㄩㄥˇ﹚ 綏﹙ㄙㄨㄟ﹚ 吉﹙ㄐㄧˊ﹚ 劭﹙ㄕㄠˋ﹚。

矩﹙ㄐㄩˇ﹚ 步﹙ㄅㄨˋ﹚ 引﹙ㄧㄣˇ﹚ 領﹙ㄌㄧㄥˇ﹚,

俯﹙ㄈㄨˇ﹚ 仰﹙ㄧㄤˇ﹚ 廊﹙ㄌㄤˊ﹚ 廟﹙ㄇㄧㄠˋ﹚。

Âm Hán Việt:

Tuyền ki huyền oát,

Hối phách hoàn chiếu.

Chỉ tân tu hỗ,

Vĩnh tuy cát thiệu.

Củ bộ dẫn lĩnh,

Phủ ngưỡng lang miếu.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Tuyền (璇): một thứ ngọc đẹp.

Ki (璣): chỉ bộ phận có thể xoay chuyển được trong thiết bị quan sát thiên văn.

Huyền (懸): treo lơ lửng trên cao.

Oát (斡): xoay chuyển.

Hối (晦): chỉ buổi tối.

Phách (魄): nghĩa ban đầu là ánh trăng non đầu tháng, ở đây là chỉ ánh trăng sáng.

Hoàn (環): chung quanh.

Chiếu (照): ánh mặt trời.

Chỉ (指): cũng có nghĩa là mỡ (động thực vật), người xưa lấy mỡ đốt làm mồi lửa.

Hỗ (祜): phúc.

Vĩnh (永): lâu dài.

Tuy (绥): an ổn.

Thiệu (劭): tốt đẹp.

Lang (廊): là chái nhà liền bên chính đường.

Miếu (廟): chỉ kiến trúc dùng để cúng tế tổ tiên, hay thờ cúng Thần Phật.

廊, 廟 đi với nhau thường là chỉ triều đình.

Nghĩa của từ:

Tuyền ki (璇璣): thiết bị đo trắc thiên văn thời xưa được làm bằng ngọc.

Hối phách (晦魄): ánh trăng trong đêm.

Hoàn chiếu (環照): chiếu rọi chung quanh.

Chỉ tân (指薪): xuất từ “Chỉ cùng ô vi tân hỏa truyền giả bất tri kì tận dã” ý nghĩa là khi mồi hết thì lửa bén.

Tu hỗ (修祜): tu nhân đức thì hưởng đại phúc.

Vĩnh tuy (永綏): bình an lâu dài.

Cát thiệu (吉劭): may mắn tốt đẹp.

Củ bộ (矩步): dáng đi ngay ngắn.

Dẫn lĩnh (引領): cổ thẳng tắp.

Phủ ngưỡng (俯仰): vốn chỉ việc cúi đầu và ngẩng đầu, sau suy rộng thành nhất cử nhất động, hàm ý “ngẩng đầu không thẹn với trời, cúi đầu không hổ với người”.

Lang miếu (廊廟): chỉ triều đình.

Lời dịch tham khảo

Thiết bị đo trắc sự biến hóa của thiên tượng chuyển động không dừng, Mặt Trời và Mặt Trăng liên tục xoay vần chiếu sáng. Tuy rằng thời gian sẽ không dừng lại, sinh mệnh thoáng cái đã qua, nhưng sẽ giống như mồi lửa vậy, mồi hết thì lửa bén, vĩnh viễn nối tiếp, chỉ cần có thể tu đức hành nhân, thì có thể hạnh phúc bình an lâu dài. Bất kể là thân ở trên triều đường hay ngụ ở nhà, mọi hành vi cử chỉ đều phải quy củ, sao cho không thẹn với trời, không hổ với người.

Câu chuyện văn tự

Vĩnh (永): là một chữ hình thanh hội ý, Giáp cốt văn viết là “AD_4nXckye-MI4UADe3Xdh8TopQY0kCboyQ7cIk89Dpqi6rrR4Hp_K__RqpzM-wLoeZCUPWwV53dX7LU2ZLM_a_O-uepy8ylCcSri-xU8l6C11esKOfDuJdpmVmBmG_QADV3v2jswNgJk01Q63u1nTHXgS0BR4ZB-o_t6eG9RNFrX1_R0t6cNonrN4Y.gif”, Kim văn viết là “AD_4nXf6n2tcm4JxdCJAhQbhsanbBjLafW8VLxbQimoclJL9V6SW-n7KSLudrqWdZOLVRGY4Aw5fBo0GiKQVFo26LbDzSQkmem_CgJAN54FZO2ZzyS8E6uPPmJ-8r3cUTSgdTB-Ygp5rSHAJJkn95_0ap_VGZAE7g59miGhKJQ-IhNDjGkHMpSDT_w.gif” , Tiểu triện viết là“AD_4nXe3C5XB8jrxf1_oEeqHu1dwS84oXb5rqYYkreEa784kmA7qZU9QiPJQRxgNrF-3cbKvtBPOTx8T8oMsOyQX77xA5VYVJGEjpaepYTTHO2Zv_hcCrTMo05Yr6dy6RuTwe1mMk9mqotZMAmY_-HczgAFDoxLsCtHIxUCZO3yC8mCBwjyoze9A7Mk.gif“, hình dáng ba loại chữ viết này có chút tương đồng. Chữ Vĩnh (永) trong Tiểu triện có hình dòng nước chảy dài tụ hội. Nghĩa gốc của nó là “sông dài” tức là dòng nước chảy dài. Chữ Vĩnh (永) được suy rộng biểu đạt thời gian lâu dài như “vạn thế vĩnh lại” (muôn đời được nhờ), hay miêu tả rất dài rất xa như “giang chi vĩnh hỹ” (Trường Giang dài rộng thế) thì đều dùng chữ này. Vĩnh (永) cũng có nghĩa tương thông với Vịnh (詠), như chữ “vĩnh” trong “ca vĩnh ngôn” (là mang nghĩa của Vịnh (詠) tức là ca vịnh).

Chữ Vĩnh (永) này cũng đóng vai trò quan trọng trong thư pháp, nó tổng cộng có tám nét bút, được gọi là “vĩnh tự bát pháp” (chữ Vĩnh tám bút pháp). Bởi vì bút pháp mỗi nét đều không giống nhau, viết một chữ Vĩnh (永) thì cũng tương đương với việc học được tám bút pháp, vậy nên những người mới học thư pháp thông thường sẽ được yêu cầu viết đi viết lại chữ này, nhằm luyện thành thục cách thức dùng bút. Thứ tự dùng bút của “vĩnh tự bát pháp” là từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Chúng được gọi là: một, nét chấm là 侧 (trắc); thứ hai, nét ngang là 勒 (lặc); thứ ba, nét sổ là 弩 (nỗ); thứ tư, nét móc là 趯 (địch); thứ năm, nét hất là 策 (sách); thứ sáu, nét phẩy dài là 掠 (lược); thứ bảy, nét phẩy ngắn là 啄 (trác); thứ tám, nét mác là 磔 (trách). Nếu có thể luyện tốt những bút pháp này thì chắc chắn sẽ có trợ giúp rất lớn cho việc chúng ta học thư pháp sau này đó.

Suy ngẫm và thảo luận

Thúc Hướng luận về lo đức chứ không lo nghèo

Thúc Hướng là một quý tộc nước Tấn, bởi vì có công ủng hộ Tấn Hầu, nên được Tấn Hầu coi trọng. Một hôm ông đi gặp Thượng Khanh Hàn Khởi của nước Tấn, Hàn Khởi liền than phiền với ông về những khốn khó của mình, trái lại Thúc Hướng sau khi nghe xong lại chúc mừng ông ấy, điều này khiến Hàn Khởi rất khó chấp nhận. Hàn Khởi nói: “Ta dù có chức danh của Khanh, nhưng lại không có đãi ngộ gì của chức Khanh cả, dựa vào tài lực của ta bây giờ thì không cách nào qua lại xã giao được với các Khanh Đại Phu, vậy nên ta rất phiền lòng, vậy mà ông lại chúc mừng ta, thật không biết ông có ý gì đây?”

Thúc Hướng trả lời: “Trước đây nước Tấn chúng ta cũng có một vị Thượng Khanh tên là Loan Thư, ông ta đến cả bổng lộc của một Thượng Đại Phu cũng không bì nổi, đồ cúng bái trong nhà cũng không đầy đủ, thế nhưng ông lại có thể hồng dương mỹ đức, tuân thủ pháp chế, khiến ông được dương danh giữa các chư hầu, vậy nên các chư hầu đều muốn thân cận ông, các ngoại bang như Nhung, Thích quy phục ông, ông quản lý nước Tấn đâu vào đấy. Tuy rằng ông đã giết chết Tấn Lệ Công, nhưng không ai trách cứ ông, trái lại còn miễn tội cho ông. Con trai ông ấy kiêu ngạo bừa bãi xa xỉ, tham của đút lót làm trái quy định, vốn phải nhận lấy sự trừng phạt của quốc pháp, nhưng vì người Tấn nhớ ơn ông, nên cuối cùng đã để con trai ông được chết toàn thây. Cháu của ông ấy, không học theo thói xấu của cha mà muốn học theo ông nội, nhưng lại rơi vào kết quả phải sống lưu vong ngoại quốc, không phải vì cậu ấy phạm tội lớn nào, mà chỉ là bị cha mình làm liên lụy thôi.

Còn có một người tên là Khích Chí, của cải của ông ta phải bằng nửa công thất nước Tấn, trong Tam quân có một nửa tướng lĩnh là gia tộc của ông, dựa vào của cải và ân sủng, mà có cuộc sống ngạo nghễ hoang phí, kết quả Khích Chí phải phơi thây trên triều đường, gia tộc của ông ta cũng bị tiêu diệt. Thử nghĩ xem, nhà họ Khích có năm vị Đại phu và ba vị Khanh tướng, hiển hách biết bao, thế nhưng chỉ trong một ngày toàn bộ đã bị giết sạch, thế mà không có người Tấn nào cảm thấy bi thương, là vì sao chứ? Chính là vì những kẻ đó giàu mà bất nhân, quý mà vô đức, do vậy mới chuốc tai họa ấy. Ông bây giờ có cùng cảnh nghèo như Loan Thư, đúng là cơ hội để ông xây dựng mỹ đức, cho nên tôi mới chúc mừng ông, nếu ông chỉ lo không có của cải, mà không lo kiến lập đức hạnh, thế thì ta đến cả điếu tang ông cũng không đến kịp, còn đâu thời gian chúc mừng ông kia chứ”.

Hàn Khởi nghe xong, lập tức dập đầu bái tạ nói: “Nếu không có ông, ta rồi sẽ đi đến chỗ chết, mà gia tộc của ta cũng sẽ bị tổn hại, vậy nên ông không chỉ là ân nhân cứu mạng ta, mà còn là ân nhân của gia tộc ta nữa đó!”.

(Trích từ «Quốc Ngữ – Tấn Ngữ Bát»)

(1) Từ cảnh ngộ của ba thế hệ nhà Loan Thư, bạn thể hội được điều gì?

(2) Khích Chí giàu nhất nước, thế lực gia tộc lớn mạnh, nhưng lại tan tành hết trong một ngày, nguyên nhân là vì đâu? Hãy nói ra suy nghĩ của bạn nhé?

(3) Từ bài học hôm nay và câu chuyện trên, bạn thấy phải làm thế nào mới có thể khiến gia tộc của mình may mắn tốt đẹp bình an lâu dài nào?

(4) Câu “Mồi hết thì lửa bén” ngoài việc chỉ sự tiếp nối của sinh mệnh, thì còn có những điều gì cũng cần tinh thần tiếp nối mồi lửa nữa nào?

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44972

 

 



Ngày đăng: 20-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.