Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (41)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

曠遠綿邈,岩岫杳冥。

治本於農,務茲稼穡。

Bính âm:

曠(kuàng) 遠(yuǎn) 綿(mián) 邈(miǎo) ,

岩(yán) 岫(xiù) 杳(yǎo) 冥(míng) 。

治(zhì) 本(běn) 於(yú) 農(nóng) ,

務(wù) 茲(zī) 稼(jià) 穡(sè) 。

Chú âm:

曠﹙ㄎㄨㄤˋ﹚遠﹙ㄩㄢˇ﹚綿﹙ㄇㄧㄢˊ﹚邈 ﹙ㄇㄧㄠˇ﹚,

岩﹙ㄧㄢˊ﹚岫﹙ㄒㄧㄡˋ﹚杳﹙ㄧㄠˇ﹚冥﹙ㄇㄧㄥˊ﹚。

治﹙ㄓˋ﹚本﹙ㄅㄣˇ﹚於﹙ㄩˊ﹚農﹙ㄋㄨㄥˊ﹚,

務﹙ㄨˋ﹚茲﹙ㄗ﹚稼﹙ㄐㄧㄚˋ﹚穡﹙ㄙㄜˋ﹚。

Âm Hán Việt:

Khoáng viễn miên mạc,

Nham tụ diểu minh.

Trị bổn ô nông,

Vụ từ giá sắc.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Khoáng (曠): rộng lớn.

Viễn (遠): cự ly rất dài.

Miên (綿): liên tiếp không ngừng.

Mạc (邈): xa xôi.

Nham (岩): vách núi cao chót vót.

Tụ (岫): hang động, sơn cốc.

Diểu (杳): sâu thẳm.

Minh (冥): tối tăm.

Ô (於): ở chỗ.

Nông (農): việc trồng trọt.

Vụ (務): chuyên tâm làm việc.

Từ (茲): ấy, này.

Giá (稼): cấy trồng.

Sắc (穡): gặt hái ngũ cốc.

2. Nghĩa của từ:

(1) Khoáng viễn (曠遠): rộng lớn vô biên.

(2) Miên mạc (綿邈): xa tít tắp.

(3) Nham tụ (岩岫): núi cao vực sâu.

(4) Diểu minh (杳冥): sâu thẳm tối tăm.

(5) Trị bổn (治本): biện pháp căn bản cai quản đất nước.

(6) Vụ từ (務茲): dốc sức vào.

(7) Giá sắc (稼穡): chỉ hết thảy việc nông nghiệp.

Lời dịch tham khảo:

Lãnh thổ quốc gia bao la hùng vĩ, cửa ải biên thành hiểm yếu, nối tiếp nhau không ngừng. Núi cao chót vót, vực sâu thăm thẳm, quả đúng là một dải giang sơn gấm vóc.

Để cai quản một đất nước như vậy, điều quan trọng nhất là phải làm cho người dân tránh được nguy cơ đói kém, vậy nên phát triển nông nghiệp là kế sách căn bản của quốc gia. Nhất định phải để người dân dốc sức vào công việc trồng trọt và gặt hái, như thế đất nước mới có thể hoà bình và ổn định lâu dài được.

Câu chuyện văn tự:

Diểu (杳): là một chữ hội ý, trong Tiểu triện viết là “ ”. Chữ Nhật (日) ở dưới chữ Mộc (木), biểu thị khi Mặt Trời lặn xuống dưới cái cây thì đêm tối sắp đến, bầu trời trở nên tối tăm, và cảnh vật xung quanh cũng dần dần không thấy rõ nữa, vậy nên nghĩa gốc của từ này là “u tối”. Màu tối là đêm tối cũng mang ý nghĩa là tối tăm. Nhìn không rõ cảnh vật thì ngoài lý do ánh sáng không đủ còn có nguyên nhân nữa là khoảng cách quá xa, vậy nên Diểu (杳) còn có thêm ý tứ là “xa xăm”.

Giá (稼): là chữ hình thanh hội ý, trong Tiểu triện viết là “”, có bộ Hoà (禾) biểu nghĩa và chữ Gia (家) biểu âm, nghĩa gốc là lúa chín, vậy nên Hoà (禾) biểu nghĩa. Bởi vì lúa chín là yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống của người dân, người xưa coi nó như một phần của gia đình vậy, cho nên chữ Gia (家) biểu âm. Cũng có người cho rằng lúa non lớn đến một độ cao nhất định thì cần nhổ trồng, tức là cấy. Nghe giống với từ Giá (嫁: con gái xuất giá) vậy, hi vọng người con gái sau khi gả đến hoàn cảnh mới cũng có thể thuận lợi trưởng thành, vậy nên chữ Giá (嫁) tỉnh lược thành chữ Gia (家) biểu âm. Cả hai cách nói này đều có lý, bởi vì họ đều coi lúa non như người nhà của mình mà chăm sóc vậy, dùng tấm lòng trân trọng như thế mà làm việc cày cấy, nhất định sẽ có vụ mùa bội thu. Từ đây chúng ta cũng có thể thể hội được dụng tâm khi tạo chữ của người xưa rồi đó.

Suy ngẫm và thảo luận:

Trung Quốc từ xưa đã tự hào là lấy nông nghiệp lập quốc, từ những công cụ làm nông bằng đá được khai quật, đã chứng minh rằng trong thời kỳ đồ đá mới (khoảng 7000 đến 8000 năm trước) đã có trồng trọt. Đến thời nhà Thương, trong chữ Giáp cốt đã xuất hiện những chữ như: nông (農: nông nghiệp), sắc (嗇) (âm sắc; chỉ việc thu gom thóc lúa), quyến (甽) (âm khuyển; chỉ mương nước giữa ruộng), hoà (禾: lúa thóc), thử (黍: lúa nếp), tắc (稷: lúa tắc), mễ (米: gạo); càng minh chứng rằng vào thời nhà Thương các loại nông sản đã là nguồn tài nguyên sống quan trọng rồi. Đến thời nhà Chu, không những đã coi Thần Nông Hậu Tắc là thuỷ tổ, mà ngay cả nhà vua cũng phải làm việc cấy cày.

Chúng ta đều biết «Kinh Thi» là tập thơ lâu đời nhất của Trung Quốc, nó ghi chép lại tình hình xã hội trong khoảng 500 năm từ thời kỳ đầu nhà Chu cho đến giữa thời Xuân Thu bằng những ngôn từ giản dị, là một bộ tác phẩm văn học tả thực, trong «Kinh Thi» có rất nhiều những miêu tả về cuộc sống của người nông dân, như bài Đại Điền đã miêu tả tường tận về quá trình cày cấy. “Đại điền đa tắc, kí chủng kí giới, kí bị nãi sự, dĩ ngã đàm cử, thục tải nam mẫu”. (Tạm dịch: Ruộng lớn trồng được nhiều, lựa giống rồi sửa sang nông cụ, chuẩn bị hết xong xuôi, ta lấy cày sắc bén, đến bờ nam bắt đầu cày cấy). Ý nói là phải làm tốt công tác chuẩn bị rồi mới có thể xuống ruộng cày cấy. “Bá quyết bách cốc, kí đình thư thạc, tằng tôn thị nhã”. (Tạm dịch: Gieo mầm hạt ngũ cốc, vừa thẳng vừa khoẻ khoắn, khiến cháu con vui mừng). Miêu tả các loại ngũ cốc được trồng vừa thẳng lại vững chắc, nên nhận được tán thưởng. “Kí phương kí tạo, kí kiên kí hảo, bất lang bất hựu”. (Tạm dịch: Lúa trổ bông căng hạt, vừa chắc lại vừa tốt, ruộng không có cỏ dại). Ý nói hoa màu được trồng bắt đầu kết hạt, trong ruộng cũng chẳng còn cỏ dại, cho thấy người nông dân không những cần chăm sóc hoa màu, mà còn cần trừ bỏ cỏ dại, thì mới có thể mong đợi một mùa bội thu. “Khứ kỳ minh đằng, cập kỳ mâu tặc, vô hại ngã điền trĩ, điền tổ hữu thần, bỉnh tỉ viêm hoả”. (Tạm dịch: Trừ sâu bọ đục thân, cùng cả loài cuốn lá, không làm hại ruộng ta, điền tổ có thần quản, bắt ném vào lửa cháy). Đoạn này nói về việc tiêu trừ sâu hại, bắt được thì ném vào trong lửa, điều này tốt cho môi trường hơn là dùng thuốc trừ sâu. Đến sau khi thu hoạch xong, “Bỉ hữu bất hoạch trĩ, thử hữu bất liễm tế; bỉ hữu di bỉnh, thử hữu trệ tuệ; y quả phụ chi lợi”. (Tạm dịch: Ở kia lúa non chưa gặt, ở đây lúa cắt chưa gom; chỗ kia để rơi vài bó, chỗ này sót lại mấy bông; lợi ấy là cho quả phụ). Cố tình để lại một chút thóc vãi để người nghèo khó mà trong nhà không có tráng đinh đi nhặt nhạnh, quả là rất có dụng tâm. Sau mùa bội thu, tiếp đến là “Lai phương nhân tự, dĩ kỳ tinh hắc, dư kỳ thử tắc, dĩ hưởng dĩ tự, dĩ giới cảnh phúc”. (Tạm dịch: Cháu con tề tựu tế trời, bò đỏ heo đen bày sắp sẵn, thóc lúa cao lương cùng lễ quý, hiến dâng tế phẩm hành tế lễ, cầu ban đại phúc cho chúng dân). Dùng tế lễ long trọng cảm tạ trời đất thần linh. Đây chính là hình ảnh cày cấy của nông dân thời nhà Chu. Bài thơ này đã cho chúng ta thấy được bản chất giản dị, cẩn thận, chăm chỉ, thương xót người nghèo, và biết cảm ơn của người xưa, thật khiến người ta cảm động.

(1) Bạn nghĩ xem vì sao Trung Quốc phải “lấy nông nghiệp lập quốc”?

(2) Bạn thử nghĩ xem, chúng ta phải làm gì mới khiến hoa màu không có cỏ dại, vừa chắc lại tốt nào?

(3) Vì sao người xưa lại phải cố ý để lại một ít thóc vãi để người ta đi nhặt nhạnh nhỉ?

(4) Chúng ta hãy nói xem việc canh tác ngày nay và ngày xưa có gì khác nhau?

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/44601



Ngày đăng: 22-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.