Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn (26)



Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến

[ChanhKien.org]

Nguyên văn:

堅持 (1)雅操 (2),好爵 (3)自縻 (4)。都邑 (5)華夏 (6),東西二京 (7)。

Bính âm:

堅 (jiān) 持 (chí) 雅 (yǎ) 操 (cāo) ,

好 (hǎo) 爵 (jué) 自 (zì) 縻 (mí) 。

都 (dū) 邑 (yì) 華 (huá) 夏 (xià) ,

東 (dōng) 西 (xī) 二 (èr) 京 (jīng) 。

Chú âm:

堅 (ㄐㄧㄢ) 持 (ㄔˊ) 雅 (ㄧㄚˇ) 操 (ㄘㄠ),

好 (ㄏㄠˇ) 爵 (ㄐㄩㄝˊ) 自 (ㄗˊ) 縻 (ㄇㄧˊ)。

都 (ㄉㄨ) 邑 (ㄧˊ) 華 (ㄏㄨㄚˊ) 夏 (ㄒㄧㄚˊ),

東 (ㄉㄨㄥ) 西 (ㄒㄧ) 二 (ㄦˊ) 京 (ㄐㄧㄥ)。

Âm Hán Việt:

Kiên trì nhã tháo,

Hảo tước tự mi.

Đô ấp Hoa Hạ,

Đông Tây nhị kinh.

Giải thích:

1. Nghĩa của chữ:

Kiên (堅): kiên cố, vững chắc, kiên định, không buông lỏng, không dao động.

Trì (持): giữ vững, giữ gìn, duy hộ.

Nhã (雅): cao thượng, cao cả, cao quý, thanh cao, không tầm thường.

Tháo (操): tiết tháo, phẩm hạnh, phẩm đức.

Hảo (好): tốt đẹp, lương thiện, lý tưởng.

Tước (爵): chức tước, chức vị, tước vị, quan vị.

Tự (自): tự nhiên, đương nhiên.

Mi (縻): dây buộc ngựa gọi là “ky”, dây buộc trâu gọi là “mi”, mở rộng ra là liên hệ, ràng buộc.

Đô (都): chỗ ở của Thiên tử (hoàng đế, vua nước lớn).

Ấp (邑): chỗ ở của chư hầu (vương, vua nước nhỏ).

Hoa (華): hào quang mỹ lệ, miêu tả văn hóa Trung Quốc huy hoàng xán lạn.

Hạ (夏): to lớn, miêu tả đất nước Trung Quốc rộng lớn, bao la, tài nguyên phong phú.

Đông (東): thành Đông Kinh Lạc Dương, còn gọi là Cửu triều cố đô, từng có chín triều đại định đô ở Lạc Dương, nhà Tây Chu mở đầu xây dựng kinh đô ở đây.

Tây (西): thành Tây Kinh Trường An, là kinh đô của 11 triều đại, thời Tây Hán mở đầu xây dựng kinh đô ở đây.

Nhị (二): số 2.

Kinh (京): kinh đô, thủ đô.

2. Nghĩa của từ:

(1) Kiên trì (堅持): kiên quyết, cố thủ.

(2) Nhã tháo (雅操): tiết tháo cao quý.

(3) Hảo tước (好爵): quan cao lộc dày.

(4) Tự mi (自縻): tự nhiên sẽ đến.

(5) Đô ấp (都邑): chỗ ở của Thiên tử và chư hầu, giống như thủ đô và các tỉnh thành của một quốc gia ngày nay.

(6) Hoa Hạ (華夏): đại biểu cho Trung Quốc.

(7) Đông Tây nhị kinh (東西二京): hai nơi đặt kinh đô của các triều đại Trung Quốc.

Lời dịch tham khảo:

Chỉ cần cố gắng kiên trì giữ gìn phẩm đức, phẩm hạnh của mình, như vậy dù cho không theo đuổi thì quan to lộc hậu tự nhiên cũng sẽ đến với bạn.

Thủ đô của Trung Quốc có hai nơi, một nơi là thành Đông Kinh tại Hà Nam Lạc Dương, nơi còn lại là Tây Kinh ở tại Đạm Tây Trường An. Đông Kinh Lạc Dương (ở Hà Nam), Tây Kinh Trường An (ở Đạm Tây) là hai thủ đô hoa lệ, đẹp nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Câu chuyện văn tự:

Hoa 華: Giáp cốt văn viết là “ ”, hình dạng chữ thoạt nhìn như là trên đầu cành nở hoa, nghĩa gốc của chữ này chính là bông hoa. Thạch văn viết là “”, chữ Tiểu triện viết là “”. Con người sau này cho rằng phong cảnh văn vật của Trung Quốc giống như bông hoa rực rỡ muôn màu, liền gọi Trung Quốc là “Hoa Hạ” 華夏; và những thứ đặc sắc, tuyệt vời được gọi là “Tinh hoa” 精華. Ý nghĩa của chữ Hoa đã có sự thay đổi.

Đông 東: Mỗi sáng sớm mặt trời mọc ở phía Đông, chúng ta có thể nhìn thấy mặt trời từ từ mọc lên cao qua những thân cây. Chữ Đông trong Giáp cốt văn viết là “”, Kim văn viết là “ ”, chữ Tiểu triện viết là “ ”, hình dạng chữ giống như là “Nhật” 日 (mặt trời) ở trên “Mộc” 木 (cây), giống như từ giữa những thân cây, nhìn thấy hướng mặt trời mọc chính là từ phương Đông. Trong chữ Giáp cốt văn, hình dạng chữ Đông “” cũng giống như gói đồ, hai đầu buộc vặn lại giống như gói kẹo vậy. Cho nên sau đó chữ “Đông” này ngoại trừ chỉ phương vị ra, cũng có ý chỉ đồ vật, vật phẩm.

Tây 西: Giáp cốt văn viết là “”, Kim văn viết là “ ”, nguyên bản chữ này không phải dùng để chỉ phương hướng, dựa theo hình dạng chữ mà nhìn thì chữ này tựa như là tổ chim. Đến chữ Tiểu triện đã thành “ ”, hình dạng giống như là một con chim ở trong tổ chim. Bởi vì chim chóc chỉ về tổ nghỉ ngơi khi mặt trời xuống núi, mà mặt trời xuống núi là ở hướng Tây, thế nên mọi người đem nghĩa gốc biểu đạt chim chóc đậu lại ở trên tổ để giả tá (một trong sáu cách tạo chữ) thành chỉ hướng mặt trời chiều xuống núi, cũng chính là chữ “Tây” 西 ngày nay.

Suy ngẫm và thảo luận:

Những năm cuối triều Hán, xã hội hỗn loạn bất an, Tào Tháo và Tôn Quyền đều có binh lực riêng muốn chiếm lĩnh thiên hạ. Lúc ấy Lưu Bị là nhân vật anh hùng, toàn tâm toàn ý muốn thống nhất thiên hạ, thành lập đại nghiệp bất hủ, thế là ông cùng Quan Vũ, Trương Phi kết bái làm huynh đệ, mặc dù họ đều vũ dũng hơn người, song vẫn thiếu một người tài giúp ông đưa ra chủ kiến.

Có một mưu sĩ tên là Từ Thứ đã nói với Lưu Bị rằng: “Gia Cát Lượng là một bậc tuyệt đại kỳ tài ở ẩn tại núi Ngọa Long Cương, người này chẳng những học thức uyên bác, phẩm đức thanh liêm, mà mưu lược lại rất sâu xa, tài năng trác tuyệt, nếu như có được sự trợ giúp của ông ấy thì sẽ không phải lo không an định được thiên hạ”. Thế là, Lưu Bị liền dẫn Quan Vũ, Trương Phi, tự mình đến núi Ngọa Long Cương viếng thăm Gia Cát Lượng. Không may đến đúng vào lúc Gia Cát Lượng có việc đi ra ngoài, Lưu Bị đành phải thất vọng quay về.

Qua vài ngày, Lưu Bị nghe nói Gia Cát Lượng đã trở về, liền vội vàng dẫn theo Quan Vũ, Trương Phi đội gió rét tuyết lớn đi đến thăm Gia Cát Lượng. Trương Phi phàn nàn nói: “Ông ta chỉ là một người quê mùa, hà tất làm phiền đến đại ca, phái mấy người kêu ông ta đến đây là được rồi!” Lưu Bị nói: “Gia Cát Lượng là hiền nhân đương thời, làm sao có thể tùy tiện kêu gọi!” Ai ngờ đến nơi thì Gia Cát Lượng lại đi ra ngoài thăm bạn.

Một thời gian sau, Lưu Bị lại chọn ngày hoàng đạo, chuẩn bị đi thăm Khổng Minh. Ba người đến trước nhà tranh của Gia Cát Lượng ở núi Ngọa Long Cương, hỏi đồng tử giữ cửa, biết được Gia Cát có ở nhà, và đang ngủ trưa ở nhà cỏ. Lưu Bị không dám đánh thức ông, đứng ở bên ngoài đợi đến khi Gia Cát Lượng ngủ trưa tỉnh dậy, mới khiêm tốn thỉnh cầu gặp mặt.

Gia Cát Lượng cùng Lưu Bị đàm đạo chuyện quốc gia đại sự, tài hoa của Gia Cát Lượng khiến Lưu Bị bội phục mãi không thôi, ông thành khẩn mời Gia Cát Lượng xuống núi tương trợ. Gia Cát Lượng vốn không quan tâm đến đại sự thiên hạ, cuối cùng cũng bị thành ý của Lưu Bị với “Tam cố mao lư” (ba lần đến lều tranh) làm cho cảm động mà đồng ý với ông, cuối cùng trở thành nhà quân sự nổi danh trong lịch sử Trung Quốc.

1. Tại sao Lưu Bị có thể cam tâm tình nguyện ba lần đến thăm Gia Cát Lượng?

2. Người có đức hạnh không cô độc chút nào, nhất định sẽ có người cùng chung chí hướng muốn đến làm thân với họ. Các bạn nhỏ ơi, các bạn có thích được làm bạn với người có phẩm đức tốt đẹp hay không? Tại sao?

3. Nghe xong câu chuyện này, các bạn có cảm nghĩ gì không?

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/44077



Ngày đăng: 27-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.